Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

Cơ quan thẩm tra không đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu

Cơ quan thẩm tra không đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu

26/05/2014 14:50 (GMT + 7)
TTO - Đầu giờ chiều nay 26-5, Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã thay mặt Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền - Ảnh: Việt Dũng
Lo vỡ quỹ trong tương lai gần, Chính phủ đề nghị Quốc hội quyết định tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi với nam và 60 tuổi với nữ.
Nâng tuổi nghỉ hưu với một số nhóm đối tượng
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, “Quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần, tỷ trọng giữa số tiền chi trả chế độ so với số thu từ đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động hàng năm có xu hướng tăng nhanh, nếu như năm 2007 tỷ trọng số chi so với số thu chỉ chiếm 57,2% thì sang năm 2008 con số này là 73,7%, năm 2010 là 76,3%; ước năm 2013 là 76,6%”.
“Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), với các chính sách hiện hành, quỹ hưu trí và tử tuất đến năm 2021 thu trong năm không đủ chi trong năm, để bảo đảm khả năng chi trả, phải lấy từ nguồn kết dư của quỹ. Đến năm 2034, phần kết dư không còn, số chi lớn hơn rất nhiều so với số thu”, bà Chuyền cho biết.
Để tránh vỡ quỹ, Chính phủ đề nghị: “Từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Từ năm 2020 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của các nhóm đối tượng còn lại cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam”.
Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, đa số thành viên Ủy ban Các vấn đề xã hội không đồng tình với đề nghị nâng tuổi hưu. “Đề nghị thực hiện Điều 187 của Bộ luật lao động đó là, nâng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác. Hiện nay, Bộ luật lao động đã cho phép điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đối với một số nhóm đối tượng, đồng thời, đối với một số ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, một số địa bàn sẽ được giảm tuổi nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn” - Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết.
Nâng tiền lương tháng đóng BHXH
Vẫn theo báo cáo của Chính phủ, số người tham gia BHXH còn thấp (hiện tại mới chiếm khoảng 20% lực lượng lao động); BHXH tự nguyện mặc dù có đối tượng thuộc diện tham gia rộng, tuy nhiên trên thực tế thì số người tham gia BHXH tự nguyện mới chỉ chiếm khoảng 0,3% số đối tượng thuộc diện tham gia.
“Tình trạng nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội xảy ra còn khá phổ biến, đặc biệt ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm trên 70% tổng số nợ), làm ảnh hưởng đến nguồn thu quỹ BHXH và quyền lợi của người lao động”, bà Chuyền nói.
Liên quan đến quy định về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc, dự thảo luật quy định từ ngày Luật có hiệu lực đến trước ngày 01-01-2018, người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương là mức lương và phụ cấp lương ghi trên hợp đồng lao động. Từ ngày 01-01-2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng lao động theo pháp luật lao động.
Thẩm tra nội dung trên, Ủy ban Các vấn đề xã hội có hai loại ý kiến khác nhau: Loại ý kiến thứ nhất: tán thành với dự thảo luật để thu hẹp dần khoảng cách giữa tiền lương tháng đóng BHXH và thu nhập thực tế của người lao động; Loại ý kiến thứ hai: đề nghị tiền lương tháng đóng BHXH bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác (Điều 90 Bộ luật lao động) được áp dụng ngay khi Luật có hiệu lực.
“Ủy ban tán thành với loại ý kiến thứ nhất và thấy rằng, việc quy định đầy đủ các yếu tố của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là cần thiết, nâng mức hưởng lương hưu của người lao động, góp phần tăng nguồn thu cho quỹ BHXH, việc xây dựng lộ trình phù hợp sẽ đảm bảo tính khả thi của quy định này”, bà Trương Thị Mai khẳng định.
Dự luật sẽ được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp này và xem xét, thông qua vào kỳ họp sau.
LÊ KIÊN
52
Ý kiến bạn đọc (24)Gửi ý kiến của bạn
  • 5/27/2014 1:03:03 PM
    Tăng tuổi hưu thì e có lúc lên tới 80 tuổi! Còn tăng tỷ lệ đóng BHXH hoài thì gánh nặng đóng góp cho người lao động lẫn người sử dụng lao động sẽ ra sao. Giống vụ tăng giá điện giá xăng vì "lỗ" quá đi...
    OANH (TP. HCM)
  • 5/27/2014 10:57:37 AM
    Xã hội càng phát triển thì tuổi nghỉ hưu càng giảm. Tăng tuổi nghỉ hưu là đi ngược lại tiến trình phát triển của xã hội. Tăng tuổi nghỉ hưu sẽ làm cản trở phát triển Kinh tế - Xã hội vì làm giảm năng suất, chất lượng lao động, làm tăng thất nghiệp, làm thui chột tài năng, làm mất cơ hội phấn đấu của lớp trẻ,...
    Có nhiều giải pháp để khắc phục nguy cơ vỡ quỹ BHXH như tăng % đóng BHXH, đóng BHXH theo thu nhập, giảm chi phí Quản lý quỹ BHXH,....
    HOA SẮT
  • 5/27/2014 8:50:50 AM
    Tăng tuổi nghỉ hưu đâu phải là giải pháp duy nhất, tăng mức đóng, số năm, và đặc biệt là chống thất thu, nợ đọng. Hơn nữa cần thiết phải tinh giản lại bộ máy các cơ quan BHXH và vấn đề hiệu quả quản lý và kinh doanh quỹ cũng phải cần nghiêm túc xem xét.
    Thiết nghĩ giải quyết thỏa đáng các vấn đề này sẽ cải thiện rất nhiều việc đảm bảo và duy trì hoạt động của quỹ trong tương lai.
    CHẾ BÌNH
    • 5/27/2014 7:30:04 AM
      Không nên tăng tuổi nghỉ hưu vì sợ hụt quỹ. Hãy tính thêm các giải pháp khác như: Tăng số năm đóng BHXH, tăng % đóng BHXH của người lao động, đóng BHXH trên thu nhập chứ không phải trên lương, cho phép gửi ngân hàng quỹ kết dư lấy lãi bù thêm, cải cách trong quản lý để giảm chi phí...
      TRẦN NGỌC ẨN
    • 5/27/2014 7:30:04 AM
      Không nên tăng tuổi nghỉ hưu vì sợ hụt quỹ. Hãy tính thêm các giải pháp khác như: Tăng số năm đóng BHXH, tăng % đóng BHXH của người lao động, đóng BHXH trên thu nhập chứ không phải trên lương,cho phép gửi ngân hàng quỹ kết dư lấy lãi bù thêm, cải cách trong quản lý để giảm chi phí...
      TRẦN NGỌC ẨN
    • 5/27/2014 7:01:46 AM
      Ở nước ngoài sau 50 tuổi người lao động vẫn còn có cơ hội đóng góp cho xã hội, họ có thể leo lên những cấp bậc cao nhất trong nghề nghiệp của họ mà khả năng có thể đãm đương được mà không bị quy định về̀ tuổi tác trong việc bố trí nhân sự. Có nhiều người làm đến 70 thậm chí đến 80 vẫn còn ra sức đóng góp cho xã hội. Nhìn lại nước ta những người ở tuổi 50 đã toan về già.
      Phần lớn các cơ quan từ chính phủ đến tư nhân đã không quan tâm đến khả năng của người lao động mà chỉ căn cứ theo độ tuổi để bố trí đào tạo và bổ nhiệm. Chính vì vậy dẫn đến việc tổn thất tài năng và khả năng phục vụ của những người có tài, có tâm phục vụ xã hội.
      Mong rằng Quốc Hội kỳ này khi bàn về luật hưu trí cần xem xét và đưa vào luật như cấm việc kì thị tuổi tác, giới tính trong bố trí nhân sự. Các cá nhân có thể xin về hưu đúng hạn tuổi hay về hưu trước hạn tuổi khi đã đóng góp hai mươi năm cho xã hội và ở độ tuổi 60. Dĩ nhiên ngoài ra cũng cần quy định về việc mất sức lao động, bao gồm tâm lý và thể lực.
      NGUYỄN THANH HIỆP
    • 5/26/2014 8:15:33 PM
      Tán thành không tăng tuổi nghỉ hưu. Nếu sợ vỡ quỹ hưu thì sao không tìm được biện pháp tối ưu mà làm? Tôi kiến nghị: để không vỡ quỹ hưu thì tăng số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu.
      Cụ thể như:
      Quy định hiện hành thì số năm đóng BHXH đối với nữ là 20 năm, đối với nam là 25 năm. Vậy tăng thêm 5 năm nữa đóng BHXH là phù hợp và tối ưu nhất. Không cần phải tăng tuổi hưu, kể cả với người làm quản lý, người có trình độ.
      Nếu tăng tuổi nghỉ hưu cho người làm quản lý sẽ sinh ra tệ "tham quyền cố vị" rồi điều gì xảy ra có lẽ mọi người sẽ biết.
      Còn người có trình độ hoặc làm trong lĩnh vực khoa học nghỉ hưu nếu giỏi thực sự sẽ có nơi mời chào, lúc đó họ lại có thu nhập cao hơn khi đang làm.
      Thực tế thì rât nhiều người nghỉ hưu họ vẫn làm thêm ở một số cơ quan, doanh nghiệp.
      MINH BẠCH
    • 5/26/2014 8:08:40 PM
      Chân thành cảm ơn Ủy ban các vấn đề XH đã cất tiếng nói vì quyền lợi thật sự của tập thể NLĐ
      Hãy tập trung giải quyết nguyên nhân chính gây nguy cơ thiếu hụt quỹ BHXH: do các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp nước ngoài nợ, chậm đóng BHXH (chiếm gần 70% ) chứ không nên đề xuất kéo dài tuổi được nghỉ hưu như thế!
      CÙI BẮP
    • 5/26/2014 8:06:23 PM
      Nếu vì để giải quyết bội chi quỹ BHXH mà tăng tuối nghỉ hưu thì sẽ có lúc tuổi nghỉ hưu sẽ trên 80 tuổi!
      TÂM NGUYỄN
    • 5/26/2014 7:46:26 PM
      Theo tôi thì nên tăng % đóng bảo hiểm là hợp lý. Tuổi nghỉ hưu giữ nguyên để sinh viên ra trường có việc làm, hiện nay đã rất nhiều sinh viên ra trường không có việc làm.
      THANH
    • 5/26/2014 6:56:50 PM
      Do nguy cơ mất cân đối quỹ BHXH mà quyết định tăng tuổi nghỉ hưu là chưa thuyết phục.
      Cần làm rõ việc sử dụng quỹ này như thế nào? Mất cân đối là nguyên nhân nào: do bội chi, chi sai đối tượng, thất thu, chi không hợp lý, quản lý quỹ,..hay nguyên nhân gì khác? Rồi trên cơ sở đó hãy đưa ra quyết sách.
      Là người đóng BHXH tôi chưa an tâm với những thông tin được cung cấp.
      HỒ ĐỨC THẬM
    • 5/26/2014 5:07:32 PM
      Cán bộ ngành BHXH hưởng lương sự nghiệp, tại sao thu BHXH không đạt mà vẫn hưởng lương, hưởng chế độ khen thưởng bình thường?
      Nợ BHXH tuyệt nhiên không do lỗi của người lao động, mà là quan hệ giữa cơ quan BHXH và nhà quản lý doanh nghiệp. Điều này chưa thấy có cách xử lý cụ thể.
      HOÀNG QUỲNH
    • 5/26/2014 4:34:28 PM
      Tuổi nghỉ hưu đã được Bộ luật Lao động qui định rồi. Do đó, việc nghỉ hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ theo luật mà thực hiện không phải đưa ra bàn ở các hội nghị nữa.
      Vấn đề ở đây là làm thế nào để tăng được năng suất lao động đối với khu vực sản xuất kinh doanh và làm việc có hiệu quả đối với các cơ quan quản lý nhà nước và hành chính công.
      Đồng thời các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động phải gương mẫu tự giác đóng BHXH cho ngươì lao động theo qui định thì có lẽ không vỡ được quĩ BHXH như bộ trưởng Chuyền nói.
      HOÀNG QUỲNH
    • 5/26/2014 4:25:30 PM
      Nếu giỏi quản lý hay giỏi chuyên môn về hưu nếu có sức khỏe vẫn nhiều chỗ mời.Thực tế ở các công ty tư nhân, liên doanh, TNHH và các trường dân lập tư thục..
      THANG THANG
    • 5/26/2014 4:21:20 PM
      Tôi đồng tình là không nên tăng tuổi nghỉ hưu mà nên tăng tỷ lệ % đóng bảo hiểm, như vậy sẽ không lo bị vỡ quỹ BHXH trước mắt và lâu dài, sinh viên khi học xong ra trường có nhiều cơ hội có việc làm hơn.
      TRẦN BẤT
    • 5/26/2014 3:45:49 PM
      Cơ quan chức năng không nên quy định giới hạn độ tuổi nghỉ hưu mà nên quy định số năm tham gia bảo hiểm xã hội để được nghỉ hưu.
      Tôi ví dụ: một nhân viên Bảo vệ có thể làm nghề và bắt đầu đóng BHXH từ năm 18 tuổi. Trong khi đó một kỹ sư chỉ có thể làm nghề và bắt đầu đóng BHXH từ năm 24 tuổi - tức là chậm hơn anh Bảo vệ tới 6 năm. Nếu cùng quy định tuổi nghỉ hưu của hai anh là 60 thì tức là bất công! Vì khi ấy anh bảo vệ phải đóng BHXH nhiều hơn anh kỹ sư tới 6 năm.
      MAI
    • 5/26/2014 3:45:46 PM
      Theo tôi, nếu vì lo vỡ quỹ Bảo hiểm mà đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu và tăng mức đóng thì quá đơn giản, nhưng đó là cách đẩy trách nhiệm quản lý của nhà nước thành khó khăn cho người lao động, chặn mất cơ hội việc làm của bao nhiêu người. Vấn đề là làm sao quản lý hiệu quả, hợp lý. Theo tôi cần xem lại trước hết là chất lượng, số lương của bộ máy công quyền, việc phong quân hàm trong quân đội và công an cũng cần phải xiết chặt lại...
      NGUYỄN AN
    • 5/26/2014 3:45:03 PM
      Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai là người có tâm phật, là người hiểu sâu sắc với nỗi khổ của người lao động và các cháu sinh viên đại học, thạc sĩ ra trường thất nghiệp, tôi hi vọng tất cả những người làm luật hãy chia sẻ nỗi khổ của các cháu khi còn trẻ phải ngồi ở nhà, thất nghiệp là nỗi lo của toàn xã hội, một hệ lụy khôn lường.
      Cảm ơn nhà làm luật có tâm chứa đựng đầy tính nhân văn, một con người đại diện cho tiếng nói của người lao động.
      NGUYỄN THANH THỦY
    • 5/26/2014 3:38:14 PM
      “Tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH xảy ra còn khá phổ biến, đặc biệt ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đây là điểm mấu chốt chưa không phải vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu. Nên giữ nguyên hoặc nên giảm tuổi nghỉ hưu cho một số đối tượng lao động nặng nhọc độc hại
      QUANGMINH218
    • 5/26/2014 3:31:14 PM
      Nên xét trường này thành trường trung thực, trường không vì thành tích, thanh danh mà tạo ra giá trị ảo cho ngành giáo dục.
      NPT
    • 5/26/2014 3:28:56 PM
      Đã đến lúc phải xem lại các vị thảo quy định chính sách của Bộ LĐTBXH rất xa rời thực tế. Các vị đuổi theo chuyện vỡ quỹ bảo hiểm để đòi tăng tuổi hưu mà quên rằng những hệ luỵ kéo theo sau ý tưởng trên trời của các vị sẽ ảnh hưởng thế nào.
      Quốc hội không tán thành tăng tuổi hưu là rất hợp lòng dân! Cả cái chuyện mua bảo hiểm ký hợp đồng với người giúp việc mà các quan chức của bộ thảo ra đang định áp xuống kia cũng cần phải xem lại. Vì quy định này đang làm rối lòng cả người giúp việc và người thuê giúp việc! Bà bộ trưởng cũng cần xem lại trình độ trí tuệ của quân gia dưới quyền của bà sao nom tầm và quan trí lại thấp như thế? Âu cũng là căn bệnh xa dân!
      ĐỖ QUANG ĐÁN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét