GS. Mạc Văn Trang: KHÍ PHÁCH CỦA THỦ TƯỚNG VÀ TRÍ DŨNG CỦA NGƯ DÂN
KHÍ PHÁCH CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG
VÀ TRÍ, DŨNG CỦA NGƯ DÂN
Mạc Văn Trang
Bản tin VTV1 vào 6 giờ sáng nay 24/5/2014 có nhiều tin vui. Nhưng ấn tượng nhất là phát biểu của Thủ tướng và sáng kiến của ngư dân đảo Phú Quý (Bình Thuận).
Dư luận trên các báo chí và trong dân chúng rất sôi nổi hưởng ứng bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Diễn đàn kinh tế Đông Á về lập trường và giải pháp của Việt Nam đối với thái độ hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc trong việc hạ đặt giàn khoan HD 981 tại thềm lục địa thuộc chủ quyền lãnh hải của Việt Nam. Càng ấn tượng hơn với bài Thủ tướng trả lời phỏng vấn của nhà báo quốc tế trong đó có câu: “Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”. (http://hn.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/thu-tuong-khong-danh-doi-doc-lap-lay-huu-nghi-vien-vong-c46a631818.html). Khi Thủ tướng thể hiện đúng khí phách, ý chí của nhân dân thì lập tức khắp các tầng lớp nhân dân tin tưởng, hưởng ứng. Dư luận quốc tế cũng đồng loạt lên tiếng ủng họ Việt Nam. Cho nên hơn lúc nào hết, lúc này các nhà lãnh đạo hãy thấu hiểu lòng dân, lắng nghe dân, suy nghĩ cùng với dân để tìm giải pháp cứu nước bằng “lấy trí nhân thay cường bạo”. Trí nhân là ý chí và trí tuệ của toàn dân tộc hợp lại.
Vì thế từ chuyện Thủ tướng nói sang chuyện ngư dân, như một ví vụ sinh động. Tin trên VTV1 chỉ đưa chừng hơn 1 phút mà phóng viên gọi là “Những bản hợp đồng đầy tính nhân văn của ngư dân đảo Phú Quý”. Nghe PV nói một hồi, chưa rõ lắm, nhưng xem các ngư dân giải thích thì hiểu ra, mới thấy trí, dũng của ngư dân ở đây thật tuyệt vời.
Chả là trước đây các tàu đánh cá thường củả một chủ, khi ra khơi chẳng may gặp tầu “lạ” tấn công cướp bóc hay gặp thiên tai thì rủi ro dồn hết vào một chủ tầu. Có nhà ba cha con cùng tử nạn trên biển một lần với con tầu; có chủ tầu mới vay tiền ngân hàng và dồn hết vốn liếng đóng tầu mới hàng tỉ đồng vừa ra khơi thì bị tầu giặc đâm chìm, mất sạch, không gượng dậy được…
Nay bà con cả đảo họp bàn nhau: chia vốn, chia người ra cùng hợp đồng với nhau để phúc, họa chia đều nhau. Nghĩa là một nhà có vốn đóng một con tầu, thì sẽ chia nhỏ ra góp chung vốn với nhiều người đóng nhiều con tầu; mỗi con tầu có mười người ra khơi thì từ mười nhà khác nhau họp làm một… Thế là nếu chẳng may gặp nạn thì bớt dồn vào một nhà. Ra khơi về tiền bán cá trừ các khoản chi phí, chia đều cho anh em trên tầu. Nhờ thế mọi người đã lên tầu là sống chết có nhau như anh em một nhà. Cả đảo như một gia đình lớn, quyết tâm bám biển, giành lấy sự sống. Mà gọi là “hợp đồng”, nhưng như một ngư dân giải thích: anh em bàn nhau thống nhất là vậy là làm thôi, chỉ “hợp đồng miệng” thôi, không có hợp đồng ký kết gì hết trọi…
Vậy đấy, cùng nghĩ, cùng làm, cùng tin nhau là được. Tôi tin rằng sáng kiến này sẽ được ngư dân ta ở nhiều nơi vận dụng. Vì sao ngư dân có được sáng kiến đó? Đó là lòng dũng cảm, quyết chí bám biển đến cùng, quyết không chùn bước trước quân giặc; đó là ý chí kiên cường không sợ hãi, không chịu khuất phục, dám đương đầu để sống còn, mới bật ra được những sáng kiến như vậy. Nếu anh run sợ, chỉ lo an phận, tìm cách trốn tránh trước hiểm nguy, thì còn nghĩ ra được điều gì tích cực. “Cái khó ló cái khôn” đó là khi dám đương đầu với cái khó. “Khó trăm lần dân liệu cũng xong” đó là khi dân được tin tưởng và tư do suy nghĩ để cùng vượt qua thử thách.
Rõ ràng khí phách của Thủ tướng rất trùng hợp với trí, dũng của ngư dân đảo Phú Quý. Thật là những tín hiệu vui.
24.5.2014
MVT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét