Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

Ban Tuyên giáo TƯ nói chuyện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục VN

Ban Tuyên giáo TƯ nói chuyện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục VN

Standard
 
 
 
 
 
 
2 Votes

TS. Vũ Ngọc Hoàng
TS. Vũ Ngọc Hoàng nói chuyện tại ĐHQN chiều ngày 22.5.2014
Chu Mộng Long – Thông tin Ủy viên trung ương đảng, Phó Ban thường trực Ban Tuyên giáo TƯ, TS. Vũ Ngọc Hoàng về Trường Đại học Quy Nhơn nói chuyện “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam” làm cho dư luận xôn xao mấy ngày nay. Người ta ngạc nhiên vì chuyện đổi mới của ngành giáo dục mà sao Ban Tuyên giáo TƯ lại phải thân chinh đến đây để phổ biến? Trong trường lại đoán già đoán non, rằng, đây là cuộc chỉnh huấn liên quan đến vụ Nhã Thuyên, vì ít nhất trong trường có 2 kẻ “phản động” kí tên phản đối cách hành xử thô bạo của Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Nghe nói tại các phòng đợi, nguyên Hiệu trưởng “mơ” và “hụt” Nguyễn Sum(*) ngồi vểnh râu (lông cổ) cười đắc ý vì có công chỉ điểm để cơ quan chức năng xử lí Chu Mộng Long “phản động” và Bí thư đảng bộ – Hiệu trưởng Nguyễn Hồng Anh tội “bao che dung túng”???
Trước đó, cùng với việc tố Hiệu trưởng cấu kết với Thanh tra nhân dân tiêu cực và che đậy tiêu cực, ông Sum tố blog Chu Mộng Long dùng cụm từ “dân chủ vỡ lòng” để xuyên tạc dân chủ XHCN, dám đăng bài cho rằng báo chí quốc doanh “nói dối” khi ngợi ca “Lê Hồng Sơn dính lẹo với 3 ẻm” và đề nghị xử lí chủ nhân Blog Chu Mộng Long.
Rõ ràng là ông PGS.TS Nguyễn Sum đang thực hành dân chủ vỉa hè để kết bè với “giảng viên xiếc” Lê Hồng Sơn (có khi chính ông Sum đã nấp sau vụ Lê Hồng Sơn, đến giờ mới thò ra?) tạo dư luận để được chú ý sau khi bị thất sủng.
Cũng nghe “dư luận” (“dư luận” hay “nghe người ta nói” là chữ Nguyễn Sum thường dùng để đi vu người khác) nói rằng, do chơi trò hai mang trong vụ án Trần Tín Kiệt nên bị thất sủng, bây giờ có khả năng Nguyễn Sum sẽ trở lại Trung Nam Hải để chấp chính nếu bôi nhọ, lật đổ được đương kim Hiệu trưởng Nguyễn Hồng Anh? Và ông Phó Giáo sư toán học (từng cho mình giỏi hơn Ngô Bảo Châu?) có lẽ lại đang rơi vào bệnh hoang tưởng sau hơn một lần đã hoang tưởng?
Chu Mộng Long phải nghỉ dạy buổi chiều để tham gia cuộc sinh hoạt chính trị quan trọng này, tâm thế sẵn sàng nghe đấu tố bởi những kẻ chỉ điểm như Nguyễn Sum.
Quang cảnh Hội trường
Quang cảnh Hội trường
Người thay mặt cho Ban Tuyên Giáo Trung ương nói chuyện đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện là TS. Vũ Ngọc Hoàng. Tháp tùng có cả Ban Tuyên giáo tỉnh ủy tỉnh Bình Định. Tham dự có đông đảo cán bộ giảng viên và đại diện sinh viên.
Một số kẻ vui mừng vì nghĩ chắc sẽ được chứng kiến màn đấu tố kịch liệt. Một số kẻ nhìn Chu Mộng Long bằng đôi mắt thương hại.
Bất ngờ trong vòng hơn một tiếng, bằng giọng Quảng hiền hòa, chân thật, TS. Vũ Ngọc Hoàng đi thẳng vào những vấn đề trọng tâm của công cuộc đổi mới với ý thức và thái độ “cấp tiến” hơn nhiều người nghĩ.
Ông nói những điều mà Chu Mộng Long đã nói công khai trên Blog này.
Theo ông, đổi mới là tất yếu. Không thể duy trì tình trạng giáo dục như hiện nay.
Thời đại thông tin, tri thức phát triển như vũ bão, không thể duy trì lối giáo dục truyền thụ tri thức mà phải chuyển đổi sang phát triển năng lực. Không thể bắt người học phải nhớ toàn bộ tri thức khi con người đã sáng tạo ra những bộ nhớ khổng lồ thay cho bộ não của con người. Nhu cầu cuộc sống ngày một cần đến năng lực sáng tạo chứ không phải ở trí nhớ, thuộc bài, trả bài…
Ông nhấn mạnh, giáo dục là phát triển nhân cách, gồm năng lực và phẩm chất.
Phẩm chất cần để cho con người phát huy mọi khả năng là sự trung thực. Không thể chấp nhận sự dối trá, bởi vì chính sự dối trá đã làm hư hỏng dân tộc, giống nòi.
Phát triển năng lực là phát triển ở cá nhân người học khả năng độc lập tư duy, tự do bày tỏ chính kiến, tôn trọng những khác biệt.
Dạy học thời nay không thể là lối dạy áp đặt, nhồi nhét mà chỉ cung cấp phương pháp tư duy, dạy theo nhu cầu của người học và chấp nhận tương tác đa chiều. Đánh giá năng lực bằng sự khuyến khích sáng tạo: học trò giống thầy chỉ mới đạt điểm trung bình, nó dám chống thầy mới đạt điểm giỏi. Ông đưa ra những ví dụ sinh động ở một số đại học Anh, Mỹ…
Vậy thì đổi mới giáo dục của ta phải bắt đầu từ đâu?
Bắt đầu bằng sự thay đổi chương trình, từ chương trình truyền thụ tri thức sang một chương trình phát triển năng lực thực sự. Tạm thời, có thể Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất một chương trình nhưng phải đa dạng hóa sách giáo khoa. Phải xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa, và người dạy, người học tự do lựa chọn sách giáo khoa thì mới có hiệu quả và không tốn kém. Phải tạo ra một hệ thống mở tương tác đa chiều để phát triển, còn duy trì một hệ thống khép kín như hiện nay là hệ thống chết!
(Ha ha, tư tưởng này có khác gì Giải cấu trúc mà Chu Mộng Long từng viết mà nhiều người đọc ngờ ngợ vì sợ nó phản động!)
Đó là những ý chính phát ngôn trực tiếp từ lãnh đạo của Ban Tuyên giáo TƯ, cũng là tinh thần Nghị Quyết của TƯ Đảng. Chu Mộng Long, để chứng minh là mình không phản động, đã tỉ mẩn ngồi ghi chép đầy đủ, kể cả mở máy ghi âm ghi lại trọn vẹn. Một số người ngồi cạnh khen Chu Mộng Long còn “ngoan” hơn cả các quan chức ở Bắc Triều Tiên ghi chép lời lãnh tụ.
Rất tiếc là nhiều câu chuyện, nhiều dẫn chứng hay của diễn giả không được tường thuật ở đây vì quá dài.
Thật bất ngờ, khác với nhiều cán bộ Tuyên giáo nói xong đi thẳng một hơi không nhìn ai, TS. Vũ Ngọc Hoàng dành thời gian cho cử tọa phát biểu, chất vấn một cách dân chủ. Đáng tiếc là, vì thời gian có hạn nên không có cơ hội đối thoại vào chiều sâu của mọi vấn đề .
Khi Nguyễn Thanh Hải, Chu Mộng Long chộp lấy mic xin phát biểu, nhiều gương mặt tỏ ra lo lắng thật sự. Bệnh ám thị dai dẳng trong não trạng của trí thức cho đến khi đảng tuyên bố cởi trói vẫn chưa dễ tự cởi được.
Ông Nguyễn Thanh Hải, giảng viên triết học Marx – Lenin, hỏi xoáy vào việc giáo dục lòng trung thực khi xung quanh quá nhiều dối trá và nhấn mạnh vào vụ Nhã Thuyên, rằng Ban Tuyên Giáo TƯ có thái độ như thế nào về vụ hành xử thô bạo này.
Tiếp theo, Chu Mộng Long xin được trình bày 2 vấn đề:
Một, hoan nghênh cuộc nói chuyện thú vị, bổ ích của lãnh đạo Ban Tuyên Giáo TƯ và nhiệt liệt ủng hộ chủ trương đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện của TƯ Đảng, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cuộc nói chuyện này đã khai phóng cho nhiều người, tẩy não cách nghĩ nguy hiểm của nhiều người rằng, những ai tiên phong muốn đổi mới như chúng tôi đều “phản động”.
Công cuộc đổi mới ở đâu, thời đại nào cũng vấp phải sự chống phá điên cuồng của cái cũ, cái bảo thủ. Và lâu nay, dư luận thường đẩy cái cũ, cái bảo thủ sang cho Ban Tuyên giáo TƯ. Liệu có oan không?
Chính những đầu óc nguy hiểm đó đã gieo rắc tư tưởng rằng, Ban Tuyên giáo TƯ là cơ quan kiểm duyệt mọi thứ từ trong trứng nước. Nhiều người còn bảo chính Ban Tuyên Giáo TƯ đã can thiệp quá sâu vào giáo dục, từ tư tưởng đến nội dung của sách giáo khoa, cho nên mọi cuộc đổi mới trước đây đều không hiệu quả. Nhưng qua cuộc tiếp xúc này, tôi tin cái vòng kim cô vô hình đầy ám thị kia sẽ được giải bỏ, những nhà giáo có lương tâm và trách nhiệm tự tin hơn trên tiến trình đổi mới.
(Đến đây thì các lãnh đạo Nhà trường thở phào và nhìn gương mặt họ cười rạng rỡ, vì tin chắc họ Chu không phản động.)
Tuy nhiên, cũng xin mạo muội hỏi: Điều Ban Tuyên Giáo TƯ nói liệu có mâu thuẫn với việc làm của Bộ Giáo dục và Đào tạo không? Bởi vì, một số lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn giữ thói quen đổi mới theo cách “làm dự án” để moi tiền và khư khư giữ lấy độc quyền biên soạn, in và bán sách giáo khoa. Bằng chứng là vừa rồi Bộ giải trình trước Quốc hội với đề án 34 nghìn tỉ chỉ cho việc thay sách giáo khoa. Họ đã từng độc quyền đến mức vở Tập viết cho trẻ em lớp Một cũng phải mua từ NXB Giáo dục của Bộ. Ban Tuyên Giáo TƯ có thể can thiệp vào việc độc quyền này không khi chủ trương xã hội hóa và đa dạng hóa sách giáo khoa?
Hai, Nghị quyết TƯ nói rằng, chuyển giáo dục truyền thụ tri thức, tức nhồi sọ như người ta thường nói, sang phát triển năng lực, trong khi nhu cầu tuyển dụng của xã hội lại không cần năng lực mà chỉ cần bằng cấp và phong bao, liệu chủ trương này có khả thi? Chắc Ban Tuyên giáo TƯ cũng thấy rõ hiện tượng chạy đua bằng cấp bất chấp năng lực để giữ ghế, kể cả phong bao xin việc lan tràn gây nhức nhối trong dư luận xã hội. Một khi vẫn tồn tại tình trạng này, hiển nhiên động cơ dạy và học đều lệch lạc, ai dám chắc cái gọi là phát triển năng lực kia không là giả tạo?
TS. Vũ Ngọc Hoàng không “tiện” trả lời hết những câu hỏi trên, nhưng rất thẳng thắn.
Một là, vụ Nhã Thuyên, Ban Tuyên Giáo TƯ không hề có chỉ đạo hay can thiệp nào. Việc làm của Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội rõ ràng là không đúng, không đảm bảo quy trình. Một sự vụ đơn giản lại bị một nhóm người thổi phồng lên, từ bé xé ra to và biến thành phức tạp. (Chỗ này thì Chu Mộng Long cười khì, vì ông nói giống y hệt như Chu đã nói, khỏi lo phản động rồi nhé.)
Hai là, Ban Tuyên Giáo TƯ không có chức năng giám sát về sách giáo khoa nhưng cũng biết rõ về các dự án tiền tỉ. Không chỉ Bộ Giáo dục và Đào tạo mà các Bộ khác, nhiều dự án vô cùng tốn kém mà không hiệu quả do tiêu cực, tham nhũng.
Kết thúc buổi nói chuyện là cả tràng pháo tay hưởng ứng, vui vẻ. Cuộc chia tay bằng những cái bắt tay thân mật và chụp hình lưu niệm. TS. Vũ Ngọc Hoàng hứa hẹn sắp tới sẵn sàng tham dự Hội thảo toàn quốc về hiến kế đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện do Trường Đại học Quy Nhơn tổ chức để lắng nghe ý kiến của mọi người.
————————-
(*) Về PGS.TS. Nguyễn Sum, sẽ có một bài viết đầy đủ về ông Hiệu trưởng “mơ” và “hụt” này, từ lí lịch kết nạp đảng đến con đường hoạn lộ dưới triều Trần Tín Kiệt. Điểm son chói lọi cho đời ông có lẽ là quay lưng chống người đã nâng đỡ mình trên con đường hoạn lộ là nguyên HT Trần Tín Kiệt, vào đúng lúc phong trào đấu tranh chống tiêu cực của quần chúng lên cao. Rồi sau đó được tạm quyền nắm giữ chức Phụ trách trường ông lại là người tích cực đàn áp những người chống tiêu cực bằng cách gọi CA chống phản động ùa vào trường đe dọa những người chống tiêu cực mà ông cho là phản động…
May mà việc làm của ông bất thành vì bên cơ quan chức năng cũng đã thừa biết ai đúng, ai sai nên không làm cái việc bất lương, độc ác do ông nghĩ ra.
Bây giờ Tòa phúc thẩm phán quyết nhiều quan chức tham nhũng dưới triều Trần Tín Kiệt phải cùng Trần Tín Kiệt thi hành án, trong đó, trừ nhiều khoản bạc tỉ (tạm hợp pháp hóa cho quyết toán số tiền thu bất hợp pháp của sinh viên), riêng PHT Nguyễn Sum phải nộp 95.867.000đ do HT Trần Tín Kiệt chung chi bỏ túi riêng. Có lẽ vì thế, cùng với việc Khoa Tiểu học và Mầm non không mời ông dạy Toán cho ngành Mầm non vì không đủ giờ dạy cho mấy bạn trẻ, nên ông uất mà làm càn, nói càn. Một cách phản ứng tiêu cực, như cựu trưởng phòng QTTB Lê Xuân Hải hai lần tuyên bố tại công đường, rằng: “Tòa xử theo xã hội đen” và cùng ông kéo cả đàn lên đòi HT Nguyễn Hồng Anh phải đứng ra “chống án” thay các ông. Trong khi lẽ ra các ông phải tự giác thi hành án cùng với thủ trưởng cũ của mình, cùng ăn cùng chịumới đúng đạo lí của bậc trung thần!
Thật đáng buồn khi phải đưa chuyện của ông vào đây. Với tôi không quan trọng, nếu ông đủ sức làm điều gì đó hại tôi (lật cái chức Trưởng ban TTND do dân bầu ấy), nhưng những trò tranh chấp của ông với nhiệm kì HT sắp tới có thể làm hại cho mấy trăm lao động chân chính trong trường.
Nói công bằng, nếu ông chỉ biết làm Toán, ông đã được kính trọng và mãi mãi được kính trọng hơn là đi chơi trò dân chủ vỉa hè bôi nhọ, vu khống người khác để theo đuổi quyền lực, tiền tài, danh vọng! Vì nể năng lực chuyên môn của ông mà nhịn ông nhiều lần, nhiều thứ cho qua không nhắc đến nữa, nhưng ông lại liên tục chơi trò chỉ điểm, chính trị hóa vấn đề để bôi nhọ và cố sát, nên đến lúc không thể không lên tiếng!
Ông cũng thừa biết lãnh đạo Bộ và Nhà trường đã cố gắng khắc phục hậu quả nặng nề từ nhiệm kì tệ hại của ông và ông Kiệt để lại, từng bước đưa Nhà trường đi vào ổn định và phát triển. Những gì nhà trường chưa làm được ông có thể chung tay hoặc góp ý thiện chí cho mọi sự tốt hơn, trong khi ông lại cố tình tuyên truyền xuyên tạc, bôi nhọ gây mâu thuẫn, mất đoàn kết để thỏa mãn dục vọng cá nhân của ông. Tạm viết ra những điều này cho ông suy ngẫm một lần, rằng, lương tâm của ông đang để ở đâu?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét