Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

Lửa Độc Lập

Lửa Độc Lập



Lửa Độc Lập

(Thành kính dâng lên hương linh Phật tử Đồng Xuân Lê Thị Tuyết Mai, người nguyện đem thân làm ánh đuốc soi đường dân tộc và đạo pháp ngày 23/5/2014.)

Lửa!
Lửa cháy!
Lửa thắp sáng niềm tin
Lửa xua tan bóng tối
Lửa gọi Diên Hồng
Lửa hội Bình Than
Lửa dẹp bạo tàn
Lửa thiêu phản bội
Lửa Triệu, Trưng réo gọi dòng Hồng Lạc
Lửa Thường Kiệt đốt cháy mộng xâm lăng
Lửa Quang Trung nung nấu chí anh hùng

Lửa,
Lửa cháy,
Cho sống còn dân tộc
Đây Bạch Đằng, lửa chảy theo ngọn sóng
Kìa Nam Quan, lửa thắm máu anh hùng
Lửa từ Hồng Bàng,
Lửa đến thiên thu
Lửa Độc Lập: phá tan xiềng nô lệ
Lửa Thống Nhất: triệu con tim là một
Quyết chung lòng giữ toàn vẹn non sông
Lửa sục sôi cuồn cuộn chốn biển Đông
Lửa căm hờn đón chờ quân cướp nước

Lửa,
Lửa cháy,
Cho niềm tin rực sáng
Dù mai đây có máu đổ xương rơi
Một kiếp người là hạt cát mà thôi
Chọn cái chết làm sao thêm ý nghĩa

Hỡi đồng bào, hỡi triệu dân đất Việt
Tiếng non sông réo gọi giờ lên đường
Tay trong tay làm một cuộc đổi đời
Và nghìn năm, vạn năm, cháu con sống trong an lạc

Lửa,
Lửa cháy,
Một bóng hình nhỏ nhoi trong đó
Mà mang theo sứ mạng thật tuyệt vời
Một hình hài ôm khí tiết nghìn đời
Làm ngọn đuốc soi đường cho hậu thế

Lửa,
Lửa cháy,
Một bóng hình nhi nữ
Trang trải tình thương của Mẹ: Mẹ Việt Nam
Đại nguyện người bao phủ cả trời Nam
Giặc phương Bắc ngông cuồng rồi tan tác

Tôi chấp tay nguyện cầu ơn trên gia hộ
Người hiển linh, theo tiên tổ phò trợ chúng tôi
Một lạy này, thay hằng triệu trái tim
Quyết không phụ lòng người ủy thác.

Nam mô A Di Đà Phật.

Lê Thắng

Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ bất ngờ xuất hiện trên đường phố SG - Trong những ngày nóng ở Biển Đông

Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ bất ngờ xuất hiện trên phố SG


Sau 32 năm vắng bóng, “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” lại bất ngờ được hát vang lên trong các cuộc biểu tình của sinh viên Việt Nam tại Sài Gòn.

Bản hùng ca một thời

Ca khúc do nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang sáng tác năm 1966, được giới thiệu lần đầu năm 1967, và trở thành nổi tiếng trong giới sinh viên, thanh niên Sài Gòn một thời. Đến ngày 30/4/1975, bản nhạc hoàn toàn vắng bóng trong sinh hoạt âm nhạc Việt Nam.
Rồi bỗng nhiên, vào trung tuần tháng 12 vừa qua, người ta lại được nghe lại “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” công khai trên đường phố Sài Gòn trong các buổi biểu tình chống Trung Quốc.
Tập thể người trẻ Việt Nam, đa số sinh trưởng sau ngày cuộc chiến kết thúc, đã cùng nhau cất tiếng hát, hát chung bản nhạc từng có thời quen thuộc, và được xem là có ảnh hưởng lớn với thế hệ thanh niên miền Nam Việt Nam trước 1975.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi bài hát này được cất lên tại Sài Gòn - bây giờ mang tên thành phố Hồ Chí Minh - cả phần nhạc và lời đã xuất hiện trên nhiều blog's - một loại nhật ký cá nhân - trên internet.
Bản hùng ca “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ”của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, được trình diễn trên sân khấu Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn năm 1967, nhân dịp Đại Hội Du Ca Toàn Quốc và nhanh chóng trở thành một trong những bản nhạc rất quen thuộc với tập thể thanh niên, sinh viên học sinh miền Nam.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, một Huynh Trưởng phong trào du ca, hiện đang sống tại miền Nam California cho biết, “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” là chung khúc của tập Trầm Ca gồm 10 nhạc phẩm ông viết cho thanh niên. Bản nhạc ra đời để phản ánh suy tư của lớp thanh niên Sài Gòn thời bấy giờ, trong một đất nước thời chiến tranh, bị chia cắt, và chịu quá nhiều đau khổ.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang
Huynh Trưởng Đồng Sáng Lập Viên Phong Trào Du Ca Việt Nam.
Vẫn theo ông, bản hùng ca mang tên “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” nói lên tâm thức bi hùng của người Việt Nam, của đất nước Việt Nam: trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với bất kỳ khó khăn nào, dưới bất kỳ nỗi thống khổ nào, người Việt Nam, cuối cùng cũng vượt qua, và thống nhất trong một ý chí, ý chí làm vẻ vang cho dân tộc.
Nhận định về ảnh hưởng của nhạc phẩm Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ trong giới thanh niên, sinh viên Sài Gòn trước năm 1975, ông Phạm Phú Minh, một giáo chức hoạt động trong Chương Trình Phát Triển Sinh Hoạt Thanh Niên Học Đường thuộc Bộ Giáo Dục nói rằng, bài hát đã đưa ra một hình ảnh hào hùng, ngạo nghễ, một gợi ý về lý tưởng để thanh niên hướng theo.
Ông nói rằng, khi nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang tung ra bản nhạc Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ, thanh niên đã say mê hát theo, và chợt nhận ra mình tự hào là con dân của một quốc gia có truyền thống.

Hát vang trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc

Điều khiến người ta ngạc nhiên là trong những cuộc biểu tình liên tục diễn ra ở Sài Gòn trong 3 cuối tuần vừa qua, những người còn rất trẻ sinh ra sau năm 1975, lại sử dụng “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” cùng nhiều bản nhạc tranh đấu khác.
Một thanh niên yêu cầu không nêu tên, nói rằng “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” được yêu thích là vì bản nhạc thể hiện được cả nét bi thương lẫn niềm tự hào của tất cả những ai hãnh diện là người Việt Nam.
Nói về cảm tưởng khi biết tin bản nhạc của mình bất ngờ xuất hiện tại Sài Gòn sau 32 năm, nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang nói rằng, bài hát cũng như vận nước nổi trôi; lúc được tán dương, lúc bị bỏ đi, phải hát lén lút trong không gian hạn hẹp. Nhưng điều khiến ông hạnh phúc, là ông lại được có dịp chia sẻ những đóng góp cho cuộc đấu tranh này.
THIỆN GIAO 
Nghe ca khúc Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ
LỜI CA KHÚC "VIỆT NAM QUÊ HƯƠNG NGẠO NGHỄ"
Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn
Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang
Lê sau bàn chân gông xiềng một thời xa xăm
Đôi mắt ta rực sáng theo nhịp xích kêu loàng xoàng.
Ta khua xích kêu vang dậy trước mặt mọi người
Nụ cười muôn đời là một nụ cười không tươi
Nụ cười xa vời nụ cười của lòng hờn sôi
Bước tiến ta tràn tới tung xiềng vào mặt nhân gian.
Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại
Xương da thịt này cha ông ta miệt mài
Từng ngày qua
Cười ngạo nghễ đi trong đau nhức không nguôi.
Chúng ta thành một đoàn người hiên ngang
Trên bàn chông hát cười đùa vang vang
Còn Việt Nam
Triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng.
Ta như giống dân đi tràn trên lò lửa hồng
Mặt lạnh như đồng cùng nhìn về thuở xa xăm
Da chan mồ hôi nhễ nhại cuộn vòng gân tươi
Ôm vết thương rỉ máu ta cười dưới ánh mặt trời.
Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người
Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam
Làm người ngang tàng điểm mặt mày của trần gian
Hỡi những ai gục xuống ngồi dậy hùng cường đi lên.

Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

LS. Ngô Ngọc Trai: HIẾN PHÁP VÀ GIẢI PHÁP CHO VỤ GIÀN KHOAN

LS. Ngô Ngọc Trai: HIẾN PHÁP VÀ GIẢI PHÁP CHO VỤ GIÀN KHOAN


Hiến pháp và giải pháp cho vụ dàn khoan

Luật sư Ngô Ngọc Trai 
 
Hành động ngang ngược của Trung Quốc cắm dàn khoan trên vùng biển do Việt Nam quản lý đã làm sao nhãng sự quan tâm của dân chúng đến việc triển khai thi thành Hiến pháp sửa đổi.

Dàn khoan và Hiến pháp đều là những vấn đề ảnh hưởng to lớn đến sự đi lên của đất nước. Tuy không mấy liên quan nhưng việc diễn giải triển khai Hiến pháp theo hướng nào sẽ tạo động lực hoặc kìm hãm đất nước phát triển, từ đó mà có được hay không lời giải lối ra cho những vụ dàn khoan về sau. 

Bộ máy nhà nước

Chúng ta biết rằng Hiến pháp quy định về tổ chức bộ máy nhà nước. Tổ chức như thế nào, các thiết chế quan hệ với nhau ra sao, đều đã được nghiên cứu kỹ lưỡng hòng tìm ra một cơ chế hoạt động sao cho hiệu quả nhất.

Đặc thù ở Việt Nam là một đảng lãnh đạo đi theo định hướng xã hội chủ nghĩa, cho nên tổ chức bộ máy nhà nước bên cạnh những điểm tương đồng thì cũng có điểm khác với mô hình chính quyền của các quốc gia dân chủ đa đảng.

Trong nhiều năm trở lại đây, vì vấn đề hiệu quả và để tạo sức bật cho đất nước phát triển, Đảng cộng sản đã phải tìm cách tổ chức thiết kế bộ máy nhà nước sao cho tiệm cận với mô hình tổ chức chính quyền của các quốc gia dân chủ.

Cụ thể: Hiến pháp năm 1992 chỉ có duy nhất một từ lập pháp trong câu Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp, và không có từ hành pháp hay tư pháp. Người nước ngoài chắc sẽ khó tưởng tượng một hiến pháp lại thiếu đi những từ này.

Đến năm 2001 Quốc hội đã ban hành nghị quyết bổ sung vào Hiến pháp nội dung tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước là: Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Hiến pháp sửa đổi năm 2013 thì đưa thêm vào từ “kiểm soát” sau từ “phối hợp”và tiến thêm một bước khi quy định cụ thể Quốc hội thực hiện quyền lập pháp, chính phủ thực hiện quyền hành pháp, tòa án thực hiện quyền tư pháp.

Như thế mô hình nhà nước đã có dáng hình gần gũi với hệ thống tổ chức tam quyền phân lập hoat động theo nguyên lý cân bằng kiểm soát của chính quyền dân chủ.

Những sự thay đổi cho thấy vì quyền lợi của chính mình Đảng cộng sản chẳng thể nào bỏ qua được tinh hoa tri thức nhân loại đã được đúc rút kiểm chứng qua mấy trăm năm lịch sử kể từ khi ra đời Hiến pháp Mỹ. 

Hoạt động của Đảng

Có thể hiểu rằng Hiến pháp mới đã được tích hợp theo một cách thức tốt nhất có thể giữa mô thức chính quyền có tính quy chuẩn chung của nhân loại và đặc thù của Việt Nam theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp mới là sản phẩm khả dĩ nhất được ban hành trong sự dung hòa giữa các ước muốn, mà chúng ta hy vọng rằng nếu đem vào thực thi thì bộ máy nhà nước hoạt động cũng không đến nỗi nào và đất nước cũng có cơ hội để phát triển.

Nhưng liệu các quy định của Hiến pháp mới mà Đảng đã đồng ý cho thông qua liệu có được thực hiện trên thực tế ở Việt Nam? Nếu không thì điều vô lý đó có nguyên nhân vì sao?

Thực tế ở Việt Nam, bộ máy nhà nước không chỉ được vận hành theo Hiến pháp mà nó còn thường xuyên chịu tác động bởi hoạt động lãnh đạo của Đảng.

Các vị trí chủ chốt trong bộ máy nhà nước đều là thành viên trong các cơ quan ban bệ của Đảng, những người này không chỉ hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật mà trước nhất và trên hết họ hoạt động theo các Nghị quyết của Đảng.

Khi đó các thiết chế bộ máy nhà nước đã không vận hành theo các nguyên lý đã được tính toán, thiết kế, bố trí ở Hiến pháp. Phần mềm khoa học đã được lập trình cho bộ máy nhà nước lại bị vứt bỏ.

Thế khi các thiết chế bộ máy nhà nước hoạt động theo các nguyên lý của Đảng thay vì theo Hiến pháp thì có đảm bảo hiệu năng cho bộ máy không? Các nguyên tắc tổ chức hoạt động của Đảng có dung hợp được với các nguyên lý tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước không?

Đảng là tổ chức của những con người hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ và phục tùng chấp hành, trong khi bộ máy Nhà nước là tổ chức của các thiết chế vận hành với nguyên tắc phân công phối hợp hoặc cân bằng kiểm soát, như thế làm sao có thể dung hợp?

Làm sao có thể dung hợp tổ chức của những con người với bộ máy của các thiết chế?

Các nguyên tắc tổ chức hoạt động của Đảng có thể cũng mang tính khoa học nhưng mục tiêu của tổ chức đảng là chiếm lĩnh và duy trì quyền lãnh đạo, khác với mục tiêu của các thiết chế bộ máy nhà nước là thực hiện cho thật tốt chức năng nhiệm vụ quyền hạn đã được quy định theo Hiến pháp.

Nếu Đảng chỉ lãnh đạo bằng đường lối chính sách với các mục tiêu dài hạn, theo đó bộ máy nhà nước sẽ vận hành thực hiện để đạt được mục tiêu đề ra thì xem ra cũng ổn. Nhưng thực tế Đảng lại hoạt động với những mục tiêu ngắn hạn và thường xuyên chỉ đạo cụ thể với từng vấn đề của đời sống đất nước phát sinh hàng ngày.

Khi đó các các thiết chế bộ máy nhà nước đã bị bỏ không hoen rỉ. Đồng nghĩa với đó có những nội dung quy định trong Hiến pháp chưa bao giờ được thực hiện.

Ví dụ: Những yếu kém trong quản lý kinh tế của Chính phủ là không thể phủ nhận: Mấy trăm nghìn doanh nghiệp phá sản, bao nhiêu nghìn tỷ thất thoát do các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh thua lỗ, hệ thống ngân hàng thương mại có vốn nhà nước do chính phủ điều hành cũng tạo ra không biết bao nhiêu nợ xấu. Rồi tất cả chất gánh nặng nợ nần đến đời con cháu, đời sống nhân dân lao động nhọc nhằn cơ cực.

Đã đủ điều kiện để bãi nhiệm Thủ tướng chính phủ và theo Hiến pháp thì Chủ tịch nước có quyền đề nghị và Quốc hội có quyền miễn nhiệm, bãi nhiệm Thủ tướng chính phủ, nhưng thực tế cả Chủ tịch nước và Quốc hội đều không thực hiện quyền này.

Lý do hẳn là các cơ quan Đảng đã không cho phép điều đó, các thiết chế Chủ tịch nước và Quốc hội đều hoạt động theo nguyên tắc Đảng thay vì theo Hiến pháp. 

Giải pháp nào cho Đảng

Đảng muốn giữ quyền lãnh đạo đất nước và hẳn Đảng cũng muốn đất nước phát triển, nhưng thực tế Đảng mới chỉ thực hiện được vế thứ nhất, vế thứ hai thì chưa làm được.

Để làm được thực sự cũng không khó gì, Đảng chỉ cần mạnh dạn, tiến đến gần, chọn lấy và sử dụng các thành tựu của nhân loại, vận dụng một cách khôn ngoan hợp lý hơn.

Thực ra thì nhiều việc Đảng cũng đã làm rồi, ví như chủ trương bỏ đi không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp quận, huyện, xã, phường. Nước Mỹ và hầu hết các nước dân chủ tiến bộ họ chỉ tổ chức hai cơ quan dân cử là Nghị viện liên bang và nghị viện bang, tương ứng với Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ở Việt Nam.

Nhưng thay đổi như đó chưa đủ để đất nước phát triển. Để đất nước phát triển Đảng cần tiết giảm các hoạt động thường xuyên can thiệp vào bộ máy nhà nước, Đảng không làm thay cho nhà nước và hãy thay thế tư cách giải quyết vấn đề.

Cùng một vấn đề phải giải quyết, Đảng nên xử lý bằng tư cách các thiết chế bộ máy nhà nước thay vì tư cách Đảng. Để ra một chính sách thay vì cơ quan Đảng ra nghị quyết hãy để cho Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ quốc hội thực hiện.

Như thế sẽ không trái với Hiến pháp, giúp cho bộ máy nhà nước được vận hành theo đúng các nguyên lý khoa học đã thiết kế, tiệm cận với mô thức hoạt động của các chính quyền dân chủ tiến bộ.

Trong định hướng xây dựng quốc gia pháp quyền, Đảng cần thay thế tư cách giải quyết vấn đề để hợp lực được với sức mạnh của tính hợp hiến và hợp pháp.

Để Đảng không mất quyền lãnh đạo thì điều hợp lý cần làm hợp nhất Tổng bí thư và Bộ chính trị với Chủ tịch quốc hội và Ủy ban thường vụ quốc hội. Khi đó Đảng lãnh đạo bằng đường lối chính sách cũng tương hợp với Quốc hội ban hành luật. 

Lối ra cho vụ dàn khoan

Đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông, nếu Đảng và Quốc hội thực hiện một lộ trình canh tân hệ thống, đổi mới theo hướng dân chủ tiến bộ sẽ tạo sức bật cho đất nước phát triển và đó cũng là giải pháp đúng đắn bền vững cho vấn đề dàn khoan.

Quốc hội có thể dành 100 ghế cho những người ngoài Đảng lâu nay vẫn có những quan điểm ý kiến khác với Đảng trên nhiều vấn đề. Đó là những người vẫn quy kết Đảng độc quyền lãnh đạo, mất dân chủ và nhiều người trong số họ đã được quốc tế biết đến.

Số 100 ghế đại biểu Quốc hội có thể lấy từ các thành viên thuộc khối cơ quan hành pháp và tư pháp, điều này phù hợp với tinh thần của Hiến pháp sửa đổi đã phân định Quốc hội thực hiện quyền lập pháp, Chính phủ thực hiện quyền hành pháp còn Tòa án thực hiện quyền tư pháp.

Nếu làm được hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế sẽ thay đổi, thế giới khi thấy Việt Nam vận động theo hướng dân chủ, sẽ ủng hộ giúp đỡ Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Không chỉ thế, khi Việt Nam dân chủ hóa sẽ thu hút làn sóng đầu tư mới từ quốc tế giúp cho nền kinh tế thoát khỏi tình trạng bi đát, dân nghèo có cơ may đổi đời.

Trong mối tương quan với Trung Quốc, một nước Việt Nam dân chủ hóa sẽ như nhát đốt của con ong lên cơ thể con thú Trung Quốc, sẽ khiến nó lồng lên mà bỏ chạy đi nơi khác.

Đó là giải pháp toàn vẹn vừa duy trì vị thế lãnh đạo của Đảng, vừa nâng cao dân chủ, vừa thúc đẩy kinh tế phát triển, đồng thời lại giải quyết được các vấn đề đất nước như vụ dàn khoan.

HINH PHAT THANH DAO

Di Huấn của Tiền Nhân

Di Huấn của Tiền Nhân



- Vua Trần Nhân Tông (1258-1308) đã nhắc nhở con cháu muôn đời:
“Các người chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo. Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo. Cho nên cái hoạ lâu đời của ta là hoạ nước Tàu. Chớ coi thường chuyện vụn vặt nảy ra trên biên ải. Các việc trên, khiến ta nghĩ tới chuyện khác lớn hơn. Tức là họ không tôn trọng biên giới qui ước. Cứ luôn luôn đặt ra những cái cớ để tranh chấp. Không thôn tính được ta, thì gậm nhấm ta. Họ gậm nhấm đất đai của ta, lâu dần họ sẽ biến giang san của ta từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích. Vậy nên các người phải nhớ lời ta dặn: “Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác”



- Lê Thánh Tông năm 1473 cũng để lại lời nguyền trước bá quan văn võ: “Nếu ngươi đem một thước sông, một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc thì phải tội tru di”.
- Vua Lê Lợi từng nói: “Làm trai sinh ở trên đời. nên giúp khi nạn lơn, lập công to, để tiếng muôn đời, chứ sao lại chịu bo bo đầy tớ người” (Việt Nam Sử Lược)

Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Nguyễn Minh Nhị -cuu CT UBND tinh An Giang: DÂN TIN VÀ TIN DÂN

Nguyễn Minh Nhị: DÂN TIN VÀ TIN DÂN


Dân tin và tin dân


Tác giả: Nguyễn Minh Nhị (Cựu Chủ tịch UBND tỉnh An Giang)
28-05-2014

H10Đặc biệt đây là cơ hội để VN nhìn lại chính mình. Nhưng nhất là dịp để chính quyền thấy hết tấm lòng sắt son với đất nước của nhân dân từ Bắc đến Nam, từ khắp năm châu -bốn biển dội về! Đó chính là sự “bội thu”.

Dân gian có câu: “Cạn đìa mới biết Lóc, Trê/ Bày lưng mới biết Rô hay Sặc”. Biển Đông tuy đang dậy sóng, nhưng đã “bày lưng” đủ “các loại cá”.

Không có hữu nghị viển vông

Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 làm cả thế giới thấy rõ TQ có “trỗi dậy hòa bình” như họ nói hay không? Riêng Việt Nam qua vụ này, một lần nữa thấy rõ thêm những “lời vàng ngọc” là gì. Thấy rõ thêm những kẻ cơ hội thực dụng mà gần đây thôi ta lại… cả tin và có người, ta nghi ngờ thì họ lại tỏ ra sốt sắng hoặc kín đáo giúp. Đặc biệt đây là cơ hội để VN nhìn lại chính mình. Nhưng nhất là dịp để chính quyền thấy hết tấm lòng sắt son với đất nước của nhân dân từ Bắc đến Nam, từ khắp năm châu -bốn biển dội về! Đó chính là sự “bội thu”- là hai chữ DÂN TIN và TIN DÂN được phục sinh mạnh mẽ!


Kể từ ngày TQ hạ đặt giàn khoan đã ba tuần lễ, lực lượng Kiểm ngư và Cảnh sát biển Việt Nam (CSB) đã kịp thời có mặt chấp pháp, ngăn cản và yêu cầu phía TQ rút giàn khoan hạ đặt trái phép trong lãnh hải Việt Nam. Ngư dân ta không ngại bị tàu TQ quấy phá, thậm chí hành hung, cướp bóc, đánh đập…đã liên tục bám ngư trường. Chính quyền, các tòa báo kịp thời đưa phóng viên báo chí ngoài nước, trong nước ra đến nơi, chứng kiến tại chổ hành vi khiêu khích của TQ.

Đặc biệt, phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị ASEAN – Naypitau (Myanma) và tại hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) về Đông – Á (Philippine), thể hiện lập trường hòa hiếu nhưng rất kiên quyết của VN, nhất là trả lời phỏng vấn của Hãng AP và Reuter: “VN luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.

Và Thủ tướng cho hay, đang “cân nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế”. Phát biểu tại hội nghị cán bộ khoa học – kỹ thuật, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã minh bạch: “Vàng là quý (16 chữ), nhưng kim cương quý hơn vàng, song không có gì quý hơn Độc lập – Tự do!”. Chúng ta đã gởi văn bản chánh thức đến Đại hội đồng LHQ và các Tổ chức quốc tế khác để thông báo tình hình, bày tỏ lập trường, ý chí và kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ.

Dân ta trong nước, nước ngoài sôi sục xuống đường bày tỏ thái độ phản đối hành động xâm lăng của TQ và ủng hộ Chính phủ trong đối sách với TQ. Tuy trong nước, một số cuộc xuống đường tự phát có những kẻ xấu lợi dụng cướp phá, phá phách một số cơ sở sản xuất kinh doanh ở khu công nghiệp Bình Dương, Vũng Áng – Hà Tĩnh…nhưng cũng được chính quyền sở tại kịp thời chấn chỉnh. Tất cả nói lên một hình ảnh, một ý chí VN quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo như ngàn năm trước đây, cha ông ta đã từng sinh tử sống mái ở cửa sông Bạch Đằng, thu hồi nền độc lập từ trong tay người Hán.

Hồ Cẩm Đào có lần nói với Tổng Bí thư Đảng CSVN: “VN và TQ có chung một dòng chảy văn hóa”. Một câu nhiều ngụ ý sâu xa. Tôi thử giải mã: VN và TQ không chỉ chung một đại lục Á- Âu mà còn là láng giềng “núi liền núi, sông liền sông”. Trải qua lịch sử bốn ngàn năm, nhưng tính theo văn tự ghi chép từ đầu Công nguyên, thì TQ đô hộ VN trên 1.100 năm, còn 1.000 năm độc lập, nhưng cũng phải chiến đấu chống TQ xâm lược hàng chục lần khác nhau.

Đặc biệt từ 1974 đến 2014, trong 40 năm gần đây nhất, đồng chí và hữu nghị nhất, nhưng TQ cũng 03 lần trực tiếp đánh qua biên giới đất liền VN, chiếm đảo Hoàng Sa, đảo Gạc-Ma và nay dùng giàn khoan dầu cắm sâu vào lãnh hải Việt Nam 40 hải lý….Với các nước láng giềng có chung biên giới đất liền và lãnh hải với TQ như: Triều Tiên, Nhật bản, Philippine, Nga, Mông Cổ, Ấn độ, Nê-Pan, Myanma. Lào…, TQ đều có lối hành xử tham lam lãnh thổ và biển đảo như vậy, nhất là Nga và Ấn độ bị mất đất về tay TQ không ít.

Song, có lẽ hiếm có quốc gia nào như VN được láng giềng TQ có những động thái kỳ lạ triền miên, liên tục và… toàn diện. Ngay cả trong giao thương, thương lái TQ mua của VN những thứ lá, rễ, củ, quả và những mặt hàng “kỳ quái” mà không ai biết mua để làm gì, khi mua khi không, tạo ra sự “thăng giáng- chấn động”, luôn bất ổn với nền nông nghiệp VN.

Rõ ràng dòng chảy văn hóa đó phải chăng là văn hóa có nguồn gốc hàng ngàn năm của các dân tộc nông dân và các quốc gia nông nghiệp Á-Đông nặng về cảm tính? Xác định điều này rất quan trọng, vì nó sẽ là cơ sở để ta xem xét lại ta, kể cả những thứ mà ta hay gọi là “văn hóa truyền thống” có thật sự là văn minh, có lợi cho dân tộc tân tiến hay không? Hay là thứ văn hóa của bùa mê dùng để trói buộc, ru ngủ các “phiên thần”, kiểu xúi dại, phá hoại đạo lý luân thường.

“Giấc mộng Trung hoa” của TQ sẽ hiện thực và điều đó cũng sẽ trùng với giấc mơ “khôi phục đế chế” của nước Nga đang hãnh tiến thì nhân loại sẽ ra sao? Ucraina và VN hiện đang vừa tỉnh thức sau cơn ác mộng cùng một lúc ở hai bờ Đông Âu và Đông Á về thân phận bị xem là “phiên thuộc” thuở nào! Văn hóa cảm tính, nền quản trị quốc gia đầy lỏng lẻo, rất có thể là đất màu mỡ cho những kẻ gian hùng múa võ.

Văn hóa đó ứng vào “đường lưỡi bò”, vào Hoàng Sa 1974, Gạc-ma 1988 và giàn khoan 981 hiện nay là “dòng chảy văn hóa” bắt đầu từ đâu, mà đã bị Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho là “hữu nghị viển vông, lệ thuộc” không thể đổi bằng chủ quyền dân tộc?

Trung Quốc khó lòng “chặt đôi trôi ghe”

Dù TQ rất thèm thuồng và có nhiều mưu kế khiêu khích để VN nổi nóng, rơi vào “bẫy” và TQ có cớ ra tay. Nhưng tôi vẫn tin, người VN chúng ta không hề run sợ. Trong hoàn cảnh quan hệ đan xen lợi ích các nước lớn và giữa TQ với VN, TQ sẽ khó lòng “chặt đôi trôi ghe”.

Nhưng tôi chỉ sợ như lời của nhạc sĩ tài ba họ Trịnh: “Đi loanh quanh cho đời mỏi mệt”. Chừng nào sợi dây “chung dòng chảy văn hóa” ấy vẫn còn đủ sức để VN… loanh quanh bên ông bạn vàng như con gà bị cột chân bên đống trấu. Nước Anh, Pháp, Đức…, từng trải qua là trung tâm của thực dân đế quốc ở mấy thế kỷ trước, nhưng nay các nước láng giềng của họ có ai trong tình cảnh như các nước láng giềng của hai ông “Đại Nga” và “Đại Hán” không?

Nếu có thì làm sao có Khối thị trường chung Châu Âu và Liên hiệp Châu Âu? Ngay như Phần Lan là thuộc địa Sa hoàng, sau 1917 được Lê-Nin trả độc lập và họ đã như thế nào so phần còn lại của Liên bang Xô-Viết? Bởi vậy mà sau khi LX- Đông Âu sụp đổ, khác hơn phần còn lại trong khối Liên Xô- Đông Âu, Phần Lan lại dựng tượng Lê-Nin hoành tráng để tri ơn! Châu Âu được vậy là vì họ là các quốc gia đã công nghiệp hóa và cũng là các dân tộc công nhân, “hậu sanh” của văn minh lúa nước nên rất “khả quí”!

Biển Đông dậy sóng đã ba tuần nay. Vòi rồng tàu TQ hút không cạn nước Hoàng sa, nhưng cái “ao làng” của “đồng chí” đã cạn và cá đã bày lưng! VN cũng nên nhanh chân bước từ văn minh nông nghiệp sang văn minh công nhiệp như Nghị quyết của Đại hội lần thứ XI đề ra: “Đến năm 2020 nước ta cơ bản sẽ là nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại”. Và tiền đề công nghiệp hóa là phải dựa vào nội lực chính mình.

Muốn dựa vào nội lực, phải TIN DÂN và được DÂN TIN.
———–

Một bản khác đã đăng trên Tuần Việt Nam
 

 


5 nhận xét:

  1. Anh Nhị viếtđúng Trong con người trí thức, quan chức của anh vẫn chảy ngầm chất nông dân Nam bộ từ thuở hồng hoang. Thẳng thắn nhưng có lý luận. Anh đã di gần đến việc đoạn tuyệt với tư duy định hướng XHCN. Còn đối bọ Tàu thì dứt khoát, xong phim rồi. Sau này có quan hệ thì trên cơ sở bình đẳng, làm ăn sòng phẳng. Chơi với Mỹ cũng vậy anh ạ. Mỹ cũng chẳng phải thươn VN, nhưng nó có dân chủ dân quyền nên hành động của nó nhân văn và không bỏ rơi đồng minh. Chỉ còn bắt tay với Mỹ và phương Tây thì VN mới ngóc đầu lên được. Không biết ccasc anh ở BCT có hiểu được điều này không hay vẫn cứ hy vọng vào sự thương hại của "đồng chí" Trung quốc?
    Trả lời
  2. Cảm ơn bác Nhị một đảng viên nhưng mà rất tốt
    Trả lời
  3. Tôi kính trọng ông. Ông là em trai Nguyên CT Nguyễn Minh Triết.
    Trả lời
    Trả lời
    1. Hai ông không có họ hàng gì đâu bác ạ. Anh Nhị quê An Giang. Anh Triết quê Bình Dương.
  4. Rất tán thành những ý kiến của ông Nhị viết trong bài này.Cổ ngữ có câu : trong cái rủi có cái may!.Hành động xâm lược , kẻ cướp của T.Q trên biển Đông 3 tuần nay đã khơi dậy lòng yêu nước, ý chí của toàn dân tộc VN. Lời tuyên bố của TTg Ng.T.Dũng về quyết tâm giữ toàn vẹn chủ quyền, độc lập của VN trước sự gây hấn của T.Q đã khích lệ, quy tụ lòng Dân đoàn kết lại. Đây cũng là cơ hội lãnh đạo Nhà nước tự " kiểm điểm lại mình' lấy lại lòng tin của Nhân dân, nhưng trước hết phải tin ở Dân. Đặc biệt các vị ở Bộ chính trị TW ĐCSVN.
    Trả lời

Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

Trung Quốc tuyên bố Hải Dương-981 đã khoan xong đợt đầu tiên


Trung Quốc tuyên bố Hải Dương-981 đã khoan xong đợt đầu tiên

Dân trí - Nhà điều hành giàn khoan Hải Dương-981, công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ giàn khoan Trung Quốc (COSL), cho biết giàn khoan đã hoàn thành đợt khoan đầu tiên và di chuyển tới một địa điểm khác gần khu vực hạ đặt đầu tiên. 

COSL là một nhánh của Tập đoàn dầu khí hải dương quốc gia Trung Quốc (CNOOC) - cơ quan sở hữu giàn khoan 1 tỷ USD Hải Dương-981. Trong tuyên bố được phát ra ngày 27/5, COSL cho biết việc khoan thăm dò sẽ vẫn tiếp tục diễn ra ở gần quần đảo Tây Sa theo cách gọi của Trung Quốc, tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đã chiếm đóng bằng vũ lực. Tuyên bố cho thấy giàn khoan Hải Dương-981 sẽ không di chuyển cách quá xa khu vực hạ đặt đầu tiên. 

Cũng theo COSL, giàn khoan đã hoàn thành “suôn sẻ” đợt làm việc đầu tiên. 

COSL còn cho biết đã thu được dữ liệu địa lý liên quan trong đợt khoan vừa qua, song cơ quan này không nói rõ chi tiết dữ liệu đó là gì và vị trí cụ thể của giàn khoan hiện nay. 

Trong khi đó, tại cuộc họp báo chiều 27/5, ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết: Lúc 5h30 phút ngày 27/5, giàn khoan trái phép Hải Dương - 981 di chuyển được 3 đến 4 hải lý, với vận tốc 4,5 hải lý/giờ về phía Đông Đông Bắc. Đến 10h cùng ngày, Trung Quốc đã neo giàn khoan tại vị trí có tọa độ 15 độ 33 phút 38 giây N - 111 độ 34,62 phút E, cách đảo Tri Tôn của Việt Nam về hướng Đông Đông Nam 25 hải lý, cách vị trí cũ 23 hải lý theo hướng Đông Đông Bắc, cách đảo Lý Sơn khoảng 150 hải lý. 

Cũng theo ông Hà Lê, song song với việc di chuyển giàn khoan, Trung Quốc đã tăng cường lực lượng quân sự, tàu hải giám, hải tuần bằng cách sử dụng những tàu lớn hơn, công suất cao hơn. 

Trước đó, trong bản tin sáng ngày hôm qua 27/5, Đài truyền hình Việt Nam VTV cho biết, Cục Hải sự Trung Quốc thông báo qua Đài Hải sự, tỉnh Hải Nam cho biết: Giàn khoan Hải Dương-981 được hai tàu Hải Dương 612 và 613 kéo, với tốc độ dịch chuyển 4 hải lý/giờ. Giàn khoan 981 khi đó dự kiến di chuyển về phía Đông Nam đảo Tri Tôn 25 hải lý. 

Trước những diễn biến trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định: “Vị trí mới mà giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc được di chuyển tới theo thông báo hàng hải của Cục Hải sự Trung Quốc ngày 27/5/2014 nằm hoàn toàn trên thềm lục địa của Việt Nam; hoạt động của giàn khoan ở vị trí này vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. 

Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức chấm dứt hoạt động, rút giàn khoan Hải Dương-981 và các tàu hộ tống, tàu dịch vụ ra khỏi vùng biển của Việt Nam, đồng thời không để tái diễn các hành vi tương tự”. 

Theo thông tin từ các cơ quan chức năng Việt Nam, từ đầu tháng 5/2014, nhiều tàu cá của Việt Nam đã bị các tàu của Trung Quốc liên tục khống chế, xua đuổi, gây thiệt hại về tài sản. Nghiêm trọng hơn, lực lượng chức năng Trung Quốc đã có những hành vi đánh đập, gây thương tích, đe dọa tính mạng ngư dân Việt Nam. 

Gần đây nhất, vào lúc 16h ngày 26/5/2014, tại khu vực có tọa độ 15 độ 16 phút 42 giây N-111 độ 01 phút 30 giây E, ngư trường truyền thống thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tàu cá Đà Nẵng mang số hiệu ĐNa 90152 TS cùng 10 ngư dân trên tàu đã bị khoảng 40 tàu cá Trung Quốc bao vây và sau đó một trong những tàu này của Trung Quốc mang số hiệu 11209 đã đâm chìm tàu cá Đà Nẵng. 10 ngư dân đã được lực lượng kiểm ngư, Cảnh sát biển cứu vớt và đưa lên tàu an toàn. 

Tuy nhiên, hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc Tân Hoa Xã dẫn nguồn tin chính phủ nước này lại lớn tiếng lật lọng rằng tàu cá Đà Nẵng bị lật sau khi “quấy nhiễu và đâm” vào một tàu cá Trung Quốc! Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương còn trắng trợn nói rằng hoạt động của công ty dầu khí Trung Quốc nằm trong "vùng lãnh hải không thể tranh cãi của Trung Quốc" và kêu gọi “phía Việt Nam ngừng các hoạt động phá hoại” đối với Trung Quốc! 

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước những phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định: “Việt Nam kiên quyết bác bỏ những phát biểu sai sự thật của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền không tranh cãi của mình đối với quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc đã sử dụng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hành động của Trung Quốc đã vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế, việc chiếm giữ bằng vũ lực không thể đem lại chủ quyền cho Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa”. 

Ngày 27/5/2014, đại diện Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã triệu đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối. 

Vũ Quý