Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa tâm lý ĐH KHXH-NV (ĐHQG TP.HCM) |
(TNO) Loạt bài Tôi trượt đại học trên Thanh Niên Onlinenhận được sự đồng tình và ủng hộ của nhiều thí sinh, sinh viên và cả các giảng viên, chuyên gia tâm lý. “Xã hội VN bây giờ cũng đang tiến tới việc đánh giá năng lực hơn bằng cấp. Thậm chí có nhiều nơi không nhận thầy mà chỉ nhận thợ” - TS Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) chia sẻ.
>> Tôi trượt đại học - Kỳ 4: Rớt lần đầu, hãy thử nhảy vào 'trường đời'
>> Tôi trượt đại học - Kỳ 3: Những người không học đại học
>> Tôi trượt đại học - Kỳ 2: Cứ đi sẽ tìm thấy đường
>> Tôi trượt đại học - Kỳ 1: Rớt đại học? Đó chỉ là một con đường
>> Tôi trượt đại học - Kỳ 3: Những người không học đại học
>> Tôi trượt đại học - Kỳ 2: Cứ đi sẽ tìm thấy đường
>> Tôi trượt đại học - Kỳ 1: Rớt đại học? Đó chỉ là một con đường
Thanh Niên Online giới thiệu đến bạn đọc về những nhận xét, lời khuyên của các chuyên gia tâm lý, kỹ năng sống và cùng đánh giá về câu chuyện bằng cấp trong xã hội VN hiện nay với các bạn trượt đại học (ĐH) để khép lại loạt bài này.
Đam mê là số một
Đánh giá về hệ quả từ việc trượt ĐH, TS Điệp cho rằng: “Trượt ĐH là một cú sốc đối với TS. Cú sốc đó nặng hay nhẹ là do sự kỳ vọng trước đó cao hay thấp. Gia đình và chính bản thân TS kỳ vọng cao thì khi trượt ĐH dễ bị sốc nặng, có thể dẫn đến hành vi dại dột. Tuy nhiên nếu bị trầm cảm, tự tử vì trượt ĐH thì đó cũng chỉ là giọt nước tràn ly vì phụ thuộc vào “sức đề kháng tâm lý” của từng người”.
Điều quan trọng theo TS Điệp là, chương trình ĐH chỉ mới dừng lại 50% của sự thành công. 50% còn lại là do cá nhân. Nếu ai có nhiệt huyết, đam mê thì có thể đi con đường khác như học nghề làm nghệ nhân… đều có thể thành công.
Còn Th.S Đào Lê Hòa An, Phó giám đốc Trung tâm đào tạo kỹ năng sống Ý Tưởng Việt thì cho biết: “Thực tế cho thấy đã có những người thành công không bằng con đường đại học. Tuy nhiên điều đó chỉ đến với những bạn mạnh mẽ, dám nghĩ dám làm, sống đích thực với đam mê của mình. Bạn phải có chiến lược phát triển và hoạch định mục tiêu cuộc đời một cách rõ ràng”.
Theo Th.S An, học ĐH không phải là điều kiện tiên quyết, quan trọng là bạn có chứng minh được tài năng và giá trị cốt lõi của mình cho nhà tuyển dụng hay không. Hãy chứng minh mình là người phù hợp nhất và có kế hoạch xây dựng hình ảnh và định vị thương hiệu bản thân thông qua các hoạt động, các sự kiện cũng như các công việc mà bạn có thể đảm nhận.
Đào Lê Hòa An, Phó giám đốc Trung tâm đào tạo kỹ năng sống Ý Tưởng Việt |
Bằng cấp thấp có chỗ đứng ?
Trước thắc mắc của nhiều bạn trẻ về nỗi lo xã hội hiện nay, “phải có bằng cấp mới tồn tại được”, thậm chí, nhiều nơi tấm bằng cao đẳng hoặc tại chức không được các nhà tuyển dụng ưa chuộng, TS Ngô Xuân Điệp cho biết: “Xã hội VN đang tiến tới việc đánh giá năng lực hơn bằng cấp. Thậm chí có nhiều nơi không nhận thầy mà chỉ nhận thợ. Vì những người có bằng cấp cao phải trả lương cao, lại khó xếp chỗ. Trong khi đó những người thợ dễ bố trí công việc, có năng suất cao mà lương dễ thỏa thuận”.
Theo TS Điệp, bất cứ làm gì thì đam mê cũng là số 1. Một người nông dân, công nhân đam mê có tay nghề thì còn thành công, cống hiến hơn những người học ĐH và trên ĐH mà thiếu đam mê.
Với chuyện một số địa phương xét tuyển công chức thậm chí còn không nhận bằng tại chức, TS Điệp cho rằng điều đó chỉ xuất hiện ở một số tỉnh lẻ.
Còn Th.S Đào Lê Hòa An nhấn mạnh: “Việc không nhận bằng tại chức cần được nhìn nhận ở chất lượng của hệ đào tạo này. Còn người học đại học mà không có năng lực, phẩm chất, kỹ năng thì cho dù có tấm bằng chính quy cũng không xin được việc làm hoặc nếu có cũng không thể nào trụ lâu và tiến xa hơn được”.
Cuối cùng, TS Điệp muốn gửi các TS chưa đậu ĐH năm nay là: “Thất bại không phải là vấp ngã mà là cứ nằm lì sau khi vấp ngã. Con đường còn dài, không đi bạn sẽ không bao giờ tới!”.
Các TS hãy tận dụng một năm sắp tới thật hữu dụng để rèn luyện thêm cho mình về ngoại ngữ, kỹ năng sống, kỹ năng làm nghề, dành thời gian để đi du lịch, trải nghiệm cuộc sống và làm những gì mà mình thật sự yêu thích bên cạnh thời gian tiếp tục ôn tập để hiện thực hóa ước mơ của mình.
"Bí kíp" từ Th.S Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu:
Đối với bậc phụ huynh:
Trước tiên cần tiết chế cảm xúc bản thân, động viên con em kịp thời
Bạn hãy nhớ rằng: Khi con trượt ĐH, mình buồn một nhưng con còn buồn gấp nhiều lần, bởi con mình mới chính là người phải đối diện trực tiếp với thất bại này. Vì vậy hơn lúc nào hết, con em mình cần có những lời động viên, an ủi hơn là những lời càng gây thêm căng thẳng mà không giải quyết được gì. Dìm con vào trong cái hố sâu tội lỗi, cái hố sâu của sự tuyệt vọng sẽ làm cho đứa trẻ chán đời, chán ghét bố mẹ và mất đi động lực sống.
Điều thứ hai, phụ huynh cần là người chỉ đường cho con mình.
Con đang tối, vì vậy hãy sáng suốt làm người chỉ đường cho con mình. Trượt đại học không có nghĩa là cùng đường, mà ta phải đi bằng một con đường khác. Thay vì cả nhà chìm trong bầu không khí u ám thì hãy hướng dẫn cho con nên làm gì tiếp theo: nộp nguyện vọng 2 vào đâu, học cao đẳng hay trung cấp, học ở các trung tâm đào tạo nghề nghiệp hay năm sau ôn luyện lại. Vẽ ra đường đi là việc cần làm, để con cái thấy mình vẫn còn hy vọng mà phấn đấu.
Đối với các bạn thí sinh:
1. Đừng tự giam mình vào trong nỗi khổ dằn vặt: Hãy đi ra ngoài để nhìn ngắm cuộc đời, để thấy ngoài kia bao nhiêu người có học ĐH đâu nhưng họ vẫn sống tốt, vẫn nuôi sống được gia đình đấy thôi.
2. Ghi ra những việc mình cần làm ngay bây giờ và sẽ làm trong tương lai.Vẽ ra những dự định để mình cảm nhận được rằng mình vẫn còn đường để đi chứ không hoàn toàn bế tắc.
3. Và nhân tố quan trọng nhất để quyết định bạn có thể vực dậy sau thất bại chính là điều khiển cảm xúc của mình. Bạn cần phải nhanh chóng thay máu cảm xúc của mình bằng hai nguồn: tham gia các hoạt động nào làm bạn cảm thấy thoải mái, vui vẻ, giải tỏa năng lượng ức chế như: thể thao, nhạc cụ, ca hát, võ thuật, gặp gỡ, chạy bộ, dự các lớp kỹ năng...
* Hai là: cảm xúc sinh ra từ suy nghĩ. Hãy đả thông tư tưởng bằng những suy nghĩ tích cực. Đừng bao giờ tự thổi phồng trong suy nghĩ rằng rớt đại học là mất hết tất cả, thực ra chúng ta chỉ mất một phần nhỏ mà thôi. Con người cũng vậy, một lần thất bại không có nghĩa mình là người vô dụng, mà có nghĩa là mình phải cố gắng trui rèn để mạnh mẽ bước đi.
Đời còn dài và còn rất nhiều đường!
Th.S Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu
Khoa Tâm lý giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM |
Hữu Thành - Bảo Ngọc