Tình trạng học sinh dân tộc thiểu số bỏ học đang làm “đau đầu” ngành giáo dục tỉnh Bình Phước.
Điều kiện đi lại khó khăn là nguyên nhân khiến nhiều HS vùng cao bỏ học. |
Trả lời chất vấn của đại biểu về tình trạng học sinh (HS) bỏ học ở bậc THCS đang có chiều hướng tăng tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Bình Phước (khóa VIII) vừa diễn ra mới đây, ông Nguyễn Văn Hùng-Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh cho biết trong năm học 2013-2014, toàn tỉnh có 632 HS ở bậc này bỏ học (chiếm tỷ lệ 1,09%), trong đó phần lớn rơi vào HS người dân tộc thiểu số, HS ở vùng sâu vùng xa. “Nguyên nhân là do một số HS dân tộc bỏ học theo thời vụ để phụ giúp công việc cho gia đình hoặc tranh thủ kiếm tiền. Một số HS lớn tuổi so với quy định nên mặc cảm với bạn bè, không muốn theo học”, ông Hùng lý giải.
Cũng theo ông Hùng, cùng với đó là hàng loạt nguyên nhân khác như gia đình thiếu sự quan tâm đến việc học của con em, ý thức học tập kém và tình trạng học tập sa sút đã làm các em chán nản. Một số em bỏ học do nhà quá xa, đường sá đi lại khó khăn. Tình trạng dân di cư tự do dẫn đến HS bỏ học để đi theo gia đình. “Phần lớn HS bỏ học tập trung vào các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không coi trọng việc học của con em. Nhiều trường hợp phụ huynh còn đồng tình cho con nghỉ học, nên khi nhà trường đến vận động đã bị phụ huynh phản ứng gay gắt”, ông Hùng nói thêm.
Để hạn chế tình trạng HS bỏ học, Sở GD-ĐT tỉnh này đã triển khai nhiều biện pháp, đáng chú ý là giải pháp nhà trường phối hợp với ban điều hành khu phố, thôn, ấp, sóc theo dõi và tìm gặp gia đình để trao đổi về nề nếp học tập, hoàn cảnh gia đình, vận động HS bỏ học đi học lại; miễn giảm các khoản đóng góp theo quy định cho HS có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng không được cấp sổ hộ nghèo…
Bất hợp lý đào tại bậc mầm non
Tại kỳ họp, đại biểu HĐND tỉnh Trịnh Thị Tâm (Phó Tổng Biên tập Báo Bình Phước) chất vấn: “Tỉnh chủ động được nguồn đào tạo giáo viên mầm non nhưng tại sao ở bậc học này vẫn thiếu nhiều giáo viên (thiếu 234 biên chế/843 biên chế giáo viên các cấp -PV). Phải chăng chất lượng đào tạo của Trường cao đẳng sư phạm Bình Phước chưa đạt, nên sau khi sinh viên ngành mầm non tốt nghiệp ra trường Sở không nhận?”. Ông Nguyễn Văn Hùng giải thích để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên ở bậc mầm non, trong 2 năm gần đây, Sở đã giao chỉ tiêu cho Trường cao đẳng sư phạm Bình Phước tăng cường đào tạo giáo viên mầm non, nhưng số lượng sinh viên theo học không nhiều. “Nguyên nhân là do tỉnh chưa có chính sách đãi ngộ thích đáng đối với giáo viên mầm non, trong khi đó công việc giảng dạy của giáo viên mầm non khá nặng nhọc, lương thấp. Giáo viên mầm non có sơ suất gì thì bị chỉ trích, lên án mạnh mẽ. Do đó, nhiều sinh viên không mặn mà với ngành học này”, ông Hùng phát biểu.
Ông Hùng cho biết thêm, trong những năm gần đây, số trường mầm non tư thục trên địa bàn tỉnh đã tăng lên đáng kể, nhưng so với nhu cầu thực tế thì tăng chưa nhiều. Để giải quyết tình trạng quá tải của trường công lập, tỉnh và ngành đã kêu gọi xã hội hóa xây trường mầm non tư thục. Theo dự báo của ngành, nhu cầu trẻ học mầm non sẽ tăng cao trong các năm tiếp theo, đặc biệt trên địa bàn các khu công nghiệp của tỉnh (khoảng 5.000 trẻ). “Sở sẽ có kế hoạch làm việc với Ban quản lý khu kinh tế và kêu gọi các doanh nghiệp góp vốn xây dựng trường mầm non ngay tại các công ty, khu công nghiệp, nhằm tạo môi trường học tập thuận lợi cho con em công nhân, giúp công nhân yên tâm làm việc, công tác”, ông Hùng đúc kết.
Một trường dư 26 giáo viên
Ông Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong 2 năm gần đây, Trường cấp 2-3 Đồng Tiến (H.Đồng Phú) không tuyển dụng, nhưng trường hiện dư 26 giáo viên. Nguyên nhân là do cơ sở vật chất và vị trí của trường không thuận tiện, nên HS chuyển sang các trường lân cận của TX.Đồng Xoài theo học, dẫn đến tình trạng “thừa thầy thiếu trò”. Trong năm học này, trường được bàn giao cơ sở mới đảm bảo tiêu chuẩn, có điều kiện thu hút học sinh, đồng thời tổ chức dạy học 2 buổi/ngày để nâng cao chất lượng đào tạo.
|
Nhật Văn