Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

GS. TRẦN NGỌC THÊM TRẢ LỜI BÀI VIẾT CỦA ÔNG NGUYỄN THANH LỢI - BÀI 1

GS. TRẦN NGỌC THÊM TRẢ LỜI BÀI VIẾT CỦA ÔNG NGUYỄN THANH LỢI - BÀI 1


Trả lời “Những câu hỏi chung quanh cuốn sách Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ”

Trần Ngọc Thêm
Báo Nhân Dân. 
Thứ ba, 18/02/2014 - 11:29 AM (GMT+7)
Trên báo Nhân Dân điện tử, số ra ngày 14-2-2014, trong chuyên mục “Bình luận - phê phán” có đăng bài viết của Nguyễn Thanh Lợi nhan đề “Những câu hỏi chung quanh cuốn sách Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ”. Bài viết này có ba phần. Phần thứ nhất viết về việc “đạo văn”. Phần thứ hai viết về việc “làm sai lạc nội dung tham khảo”. Phần thứ ba là kết luận. Thay mặt cho tập thể tác giả gồm 16 thành viên, chúng tôi xin trình bày việc tiếp thu và trả lời theo từng phần.

1. Ở phần viết về “đạo văn”, trong ba thí dụ mà tác giả bài báo nêu ra thì xin nhận ngay rằng ở thí dụ thứ nhất, chúng tôi có lỗi nặng. Phần viết về nghề đươn (đan) đệm chủ yếu sử dụng tài liệu của Lê Công Lý (2006), nhưng trong bản in đã không có dẫn nguồn. Nói “trong bản in” là vì đây không phải là một sai sót do cố ý. Ở bản kết quả trung gian được lưu vào ngày 13-8-2012, ngay ở đoạn mở đầu phần này, chúng tôi đã dẫn tài liệu của Lê Công Lý và trong danh mục tài liệu tham khảo có tài liệu này (hình chụp dưới đây, tất cả những tài liệu này còn lưu giữ đầy đủ trong hồ sơ đề tài):



Tuy nhiên, trong quá trình xử lý (do nhiều người tham gia), phần trích nguồn này đã bị rơi rụng lúc nào không rõ. Nói lên điều này, chúng tôi không nhằm thanh minh (“án tại văn”, chúng tôi đã trực tiếp liên lạc xin lỗi tác giả Lê Công Lý và sẽ chỉnh sửa - cùng các sai sót khác - trong lần tái bản), mà chỉ muốn nói rằng đó là một “tai nạn nghề nghiệp” ngoài ý muốn mà chúng tôi phải rút kinh nghiệm sâu sắc.

Bên cạnh đó, khi nói đến những thông tin tương đối phổ thông, có thể quan sát trực tiếp hoặc đã có nhiều người viết ở nhiều nơi thì, theo thông lệ, không nhất thiết phải dẫn nguồn. Thông tin miêu tả ghe bầu, về nguồn gốc Chăm - miền trung của ghe bầu hay về nghề đóng ghe xuồng ở các địa phương Tây Nam Bộ… thuộc loại như thế. Bản thân Nguyễn Thanh Lợi khi kế thừa những người đi trước không phải lúc nào cũng dẫn nguồn. Chẳng hạn, trong bài “Ghe xuồng ở Nam Bộ” in năm 2005, Nguyễn Thanh Lợi không phải là người đầu tiên miêu tả về ghe bầu và “phát minh” ra nguồn gốc Chăm - miền trung của loại ghe này. Ít nhất là trước Nguyễn Thanh Lợi, từ năm 1984 Ngô Đức Thịnh và Nguyễn Việt đã viết về ghe bầu trong bài “Thuyền bè truyền thống Việt Nam” và GS. Ngô Đức Thịnh cũng đã nhắc lại về ghe bầu trong cuốn “Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa Việt Nam” (Nxb Trẻ, 2004, tr. 224-225).

2. Về việc “làm sai lạc nội dung tham khảo”, tác giả bài báo đã phê bình việc chúng tôi viết rằng “Trên các quyển lịch hàng năm thời xưa, người ta thường vẽ hình trẻ mục đồng dắt trâu; mục đồng ở đây chính là vua Thần Nông, còn con trâu tượng trưng cho nghề nông” (tr.377). Về điều này, ai nắm được vấn đề đều biết trong lễ tế Xuân Ngưu, thần Câu Mang dắt trâu chứ không phải là mục đồng. Vì sách ghi chú nội nguồn nội dung này từ "Huỳnh Ngọc Trảng và Nguyễn Đại Phúc (2008)", tôi tìm đọc bài Chùa mục đồng và tượng mục đồng ở Nam Bộ của Huỳnh Ngọc Trảng và Nguyễn Đại Phúc trên nguyệt san Giác ngộ năm 2008 lại thấy hai tác giả đó không hề viết như vậy”. Trong đoạn phê bình này có hai vấn đề: chuyện nguồn trích dẫn và nội dung chuyện thần Câu Mang hay mục đồng.

Về nguồn trích dẫn, ở trang 863 sách VHNVVTNB, tài liệu tham khảo số 117 ghi rõ nguồn là bài trên mạng, gốc là nguyệt san Giác ngộ Online. Trên thực tế, giữa bản trên giấy và bản trên mạng có thể có sự khác biệt. Trong trường hợp này, bản trên mạng đã có thêm một chú thích bổ sung của các tác giả: “Theo quan niệm phổ biến ở Nam Bộ thì mục đồng là con cháu của Thần Nông, theo đó các thế lực siêu nhiên như ma quỷ, cô hồn đều phải kiêng dè và tuân phục (...) Ở đây nêu ra một số thông tin để tạm giải thích lý do gán việc tạo tượng cho mục đồng.” Và chúng tôi đã dẫn đoạn này.

Về nội dung dẫn, chúng tôi không dùng ngoặc kép để TRÍCH dẫn nguyên văn, tức là chúng tôi chỉ dẫn tinh thần và đồng chịu trách nhiệm về nội dung đó. Tinh thần dẫn đã được chúng tôi nói rất rõ: “Theo Huỳnh Ngọc Trảng và Nguyễn Đại Phúc [2008] thì tác giả của các pho tượng mục đồng này thực ra là các sư sãi, tín đồ Phật tử nặn ra rồi được gán cho trẻ mục đồng. Theo quan niệm dân gian phổ biến ở Nam Bộ thì trẻ mục đồng là con cháu của vua Thần Nông…” (tr. 377 sách VHNVVTNB).

Ý “Trên các quyển lịch hàng năm thời xưa, người ta thường vẽ hình trẻ mục đồng dắt trâu; mục đồng ở đây chính là vua Thần Nông, còn con trâu tượng trưng cho nghề nông” được chúng tôi bổ sung vì cho rằng nó làm rõ thêm nội dung đang bàn ở đây. Số là chuyện thần Câu Mang ở Việt Nam chỉ mới hình thành từ thời vua Lý Anh Tông (ở ngôi 1138-1175). Gặp năm hạn hán, vua lập đàn tế trời và đã theo lời báo mộng của thần Hậu Thổ (là thần đã giúp vua Lý Thánh Tông khi mang quân đi đánh Chiêm Thành nên được vua lập đền thờ và phong làm Hậu Thổ nguyên quân) mà sắc phong cho thần Câu Mang coi về mùa xuân, xếp hàng ở bậc dưới Hậu Thổ nguyên quân, từ đó về sau có tục đem con trâu bằng đất để ở dưới đền thờ vào lễ mùa xuân. Chuyện trên sau này hình như chủ yếu lưu hành trong chốn cung đình. Trong khi đó, chuyện mục đồng (vua Thần Nông) dắt trâu thì có vẻ như phổ biến rộng rãi hơn trong dân chúng ở nhiều vùng, sau này có các vùng Đông và Tây Nam Bộ. Toan Ánh trong sách “Nếp cũ. Tín ngưỡng Việt Nam, quyển hạ” (Nxb TP HCM, 1992, tr. 373) đã viết: “Trên các quyển lịch hàng năm của người Trung Hoa cũng như của ta thường có vẽ một mục đồng giắt một con trâu. Mục đồng tức là vua Thần Nông, còn con trâu tượng trưng cho nghề Nông”. Điều này cũng được nhắc đến trong nhiều tài liệu khác. Văn hóa là của nhân dân nên, tất nhiên, chuyện văn hóa cần căn cứ vào quan niệm dân gian phổ biến, chứ không nên áp đặt võ đoán một quan niệm hàn lâm. Chính Huỳnh Ngọc Trảng và Nguyễn Đại Phúc trong chú thích ở bài trên mạng của mình cũng đã nhắc nhở: “Phàm các nỗ lực truy cứu về nguyên ủy các yếu tố truyền kỳ đều là chuyện... lông rùa sừng thỏ”.

Một ý khác của bài báo phê phán: “chỉ một đoạn viết ngắn về tượng thờ ở Tây Nam Bộ được "tái tạo" đã chứa nhiều sai sót: "Về sau, khi việc làm tượng bằng đất sét thô không còn phổ biến nữa thì cư dân Tây Nam Bộ thường dùng gỗ mít để tạc tượng. Loại tượng làm bằng chất liệu đất sét nung (như bộ tượng La Hán ở chùa Long Châu thuộc huyện Tân An, tỉnh Long An thường có nguồn gốc từ các lò gốm vùng Lái Thiêu ở Bình Dương thuộc Đông Nam Bộ” (tr.379). Ông Lợi khẳng định tượng đất nung không dính dáng với các lò gốm vùng Lái Thiêu (Bình Dương). Để viết ra những dòng này, một thành viên trong nhóm chúng tôi là Phan Anh Tú đã điều tra điền dã kỹ càng. Người cung cấp thông tin về nguồn gốc Lái Thiêu của bộ tượng La Hán ở chùa Long Châu (nay thuộc phường 7, thành phố Tân An) là nhà sư Thích Thiện Cảnh, trụ trì chùa. Về bộ tượng này, Phan Anh Tú đã có một bài viết chung với Hồ Ngọc Liên nhan đề “Về bộ tượng La Hán bằng đất nung tại chùa Long Châu, tỉnh Long An” in năm 2000 trong cuốn: “Những phát hiện mới khảo cổ học năm 1999” (Nxb KHXH). 

3. Ở đoạn kết, câu hỏi mà tác giả bài báo đặt ra là: “Không rõ các tác giả của Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ không có điều kiện hay không muốn điền dã để nghiên cứu trực tiếp, cụ thể, mà chủ yếu dựa trên tài liệu nghiên cứu đã được công bố của người khác?” Theo chúng tôi, công việc nghiên cứu khoa học không chỉ giới hạn trong một hoạt động duy nhất là điền dã. Trong phần Dẫn nhập, ở trang 24, chúng tôi đã xác định rõ 4 mục tiêu, trong đó hai mục tiêu chính là:

“(1) Xây dựng một bức tranh tổng quan về các thành tố của văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ (văn hóa nhận thức, văn hóa tổ chức, văn hóa ứng xử).

(2) Tìm hiểu hệ tính cách văn hóa đặc trưng để trên cơ sở đó nhận diện bản sắc văn hóa vùng của khu vực Tây Nam Bộ cùng các hệ quả và hậu quả, các điểm mạnh và điểm yếu của nó trong quá trình đi vào toàn cầu hóa và hội nhập”.

Còn ở phần Kết luận (tr. 841), chúng tôi cũng đã viết rõ: “Các chương II-IV trình bày BA THÀNH TỐ của văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ là văn hóa nhận thức, văn hóa tổ chức (chương II), và văn hóa ứng xử với môi trường (chương III-IV). Trong mỗi chương, mục, tiểu mục, bên cạnh việc tổng hợp và hệ thống hóa các tư liệu có liên quan, đều có chứa đựng những phát hiện mới, nhận định mới”, và sau đó kê ra những phát hiện mới, nhận định mới cơ bản.

Điều đó có nghĩa là chúng tôi không xem nhiệm vụ “điền dã để nghiên cứu trực tiếp, cụ thể” là mục tiêu. Mặc dù chúng tôi có tiến hành nhiều cuộc điều tra điền dã (như chuyện chùa Long Châu nêu trên là một thí dụ) để bổ sung, điều chỉnh, nhưng không coi đó là những đóng góp chính của mình.

Với một tập thể tác giả 16 người viết cuốn sách dày 889 trang, chúng tôi biết là sách còn nhiều khiếm khuyết, nên luôn trân trọng mọi ý kiến đóng góp khách quan và có thiện chí của độc giả.

TRẦN NGỌC THÊM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét