Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2014

Đề thi mở nhưng lòng thí sinh chưa mở - Thi ĐH CĐ 2014

Đề thi mở nhưng lòng thí sinh chưa mở

Theo nhận xét của nhiều giáo viên chấm thi tuyển sinh ĐH môn văn, đề thi năm nay theo hướng mở, không quá khó nhưng nhìn chung bài làm của thí sinh không có đột phá, mức điểm trung bình thấp...

Đề thi mở nhưng lòng thí sinh chưa mở
Giám thị chấm dò bài thi vòng cuối môn văn tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - Ảnh: Đăng Nguyên
Từ 3 đến 4 điểm
Cả hai đề thi văn của khối C và D đều giống nhau về cấu trúc câu hỏi nên dễ đưa ra nhận xét giống nhau về cách làm bài. Đây là những phần, những câu hỏi có tính gợi mở nhiều nhất, đòi hỏi sự cảm nhận riêng, ý kiến, sáng tạo riêng.
Ở câu nghị luận xã hội (3 điểm), đề bài cả hai khối thi không quá khó, đề của khối C ngầm hiểu đằng sau là thời sự biển Đông, hầu hết thí sinh (TS) làm bài được nhưng điểm không cao, trong khoảng từ 1,25 đến 1,5 điểm. Ở câu nghị luận văn học (câu III, 5 điểm), phần lớn các bài làm đều viết chung chung về vẻ đẹp con sông Hương (khối C), về hình tượng Lorca (khối D) cho nên điểm của câu này rất thấp...
Vì thế, có thể nói, mức điểm chung cao nhất cho kỳ thi môn văn năm nay từ 3 đến 4 điểm.
Đầy lỗi chính tả, ngữ pháp, cách trình bày văn bản... 
Mặc dù TS đã được "cọ xát" câu hỏi đọc hiểu trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua, nhưng có thể thấy đến kỳ thi này nhiều TS vẫn còn yếu về kỹ năng đọc hiểu, nhất là những hiểu biết về tiếng Việt - phần "ngữ". Cụ thể ở đây là hiểu biết về từ láy - tác dụng, các phép điệp - hiệu quả sử dụng và các phương thức biểu đạt... Những hiểu biết này ở THCS học sinh nắm rất vững nhưng không hiểu sao lại lúng túng khi lên THPT. Có phải vì khi lên bậc THPT phần lớn giáo viên cho học sinh ôn tập theo hướng cấu trúc cũ của đề thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh ĐH nên đã không chú trọng đến phần "ngữ" này?
Ở câu nghị luận xã hội, như đã nói ở trên, phần lớn TS làm được, nhưng ít bài có ý kiến sâu sắc, còn thiếu dẫn chứng, các bước của thao tác lập luận cũng nhập nhằng, chưa thật rõ ràng, hiếm những bài có điểm từ 2,5 đến tuyệt đối.
Ở câu nghị luận văn học, đề thi của hai khối đều rơi vào các tác phẩm mà theo cảm nhận chung của TS là khá khó trong chương trình. Cùng với việc đề ra theo hướng mở, mới lạ, cho nên có thể nói ở câu có thang điểm cao nhất này lại là câu có nhiều TS mất điểm nhiều nhất. TS hoặc là viết chung chung hoặc là viết quá sơ sài, viết một đoạn, hoặc là bỏ giấy trắng...
Những bài làm tốt ở câu này là những bài biết phân tích đề, có bố cục lập luận rõ ràng, có nhiều dẫn chứng chính xác và văn viết có cảm xúc... Đây là câu phân loại TS nhiều nhất. Làm tốt câu này thì phần lớn điểm bài thi thường từ 6 đến 7. Nhưng hiếm có bài đạt điểm 8. Đó là điều đáng buồn về bài làm của TS trong kỳ thi năm nay.
Điều đáng buồn nữa càng ngày TS càng sử dụng nhiều các từ ngữ theo kiểu "số hóa" vào bài làm. Bài viết của TS đầy lỗi chính tả, ngữ pháp, cách trình bày một văn bản viết... Đáng buồn nhất là chữ viết. Có khá nhiều bài làm chữ viết cẩu thả, quá xấu, rất khó đọc... Nên chăng, ngành giáo dục cần phải lưu ý điểm này để đưa vào yêu cầu trong đáp án chấm của tất cả các kỳ thi? Có như thế may ra TS mới có ý thức về chữ viết, ý thức về việc giữ gìn sự trong sáng cho tiếng Việt.
Tuấn Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét