Nhóm nhân viên Hãng Intel giới thiệu chương trình sách giáo khoa điện tử - Ảnh: Hữu Khoa |
Theo đề án này, bảng tương tác sẽ thay thế bảng đen truyền thống, giáo viên sử dụng phần mềm để soạn giáo án, quản lý lớp học và có thể kiểm soát học sinh đang thao tác gì trên máy. Lớp học được trang bị mạng WiFi.
Mỗi học sinh sẽ sử dụng một máy tính bảng riêng, trong đó tích hợp toàn bộ bài học trong SGK. Tất cả thao tác như giới thiệu bài học cùng hình ảnh, video minh họa, kiểm tra bài, chơi trò chơi giáo dục, nhận xét về bài học, làm bài tập... đều được thao tác trên máy tính bảng.
Mỗi học sinh một máy tính bảng
Tránh độc quyền
Tôi đến dự hội thảo nhưng không có đề án trong tay. Phải có đề án cụ thể, minh bạch, xã hội mới góp ý được. Đã là thí điểm thì phải có mục tiêu cụ thể, trước đó phải có khảo sát, sau đó phải có đánh giá. Cần công bằng ở chỗ nên chọn phương án nào có thể thành công ở nội thành nhưng cũng phải có ở ngoại thành nữa, vì chúng ta đang xây dựng “nông thôn mới”. Nếu sử dụng máy tính bảng nên kích cầu nội địa, phát huy công nghệ trong nước, không nên sử dụng hàng nhập. Còn về phần mềm chúng ta nên kêu gọi các nhà viết phần mềm đưa ra các sản phẩm của mình, cái nào được xã hội chọn thì sử dụng, tạo ra sự cạnh tranh, không nên độc quyền phần mềm.
Ông LÊ THÁI HỶ (giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM)
|
Ông Phạm Thúc Trương Lương, đại diện Công ty EDC (NXB Giáo Dục VN) - đơn vị cung cấp SGK điện tử, phân tích: “Giải pháp này khắc phục những hạn chế của sách giấy như cập nhật chậm, đơn điệu, khó tra cứu, không tương tác, cồng kềnh. Giáo viên có thể sưu tầm nội dung gửi cho học sinh, giảm thời gian chấm bài, đi lại. Học sinh có thể tự học, tự tìm kiếm tài liệu trên mạng và ngồi tại chỗ chơi các trò chơi giáo dục, làm việc nhóm mà không phải di chuyển, xoay bàn ghế...”.
Cũng theo ông Lương, EDC hiện đã số hóa 300 cuốn SGK từ lớp 1 đến lớp 12 kèm các nội dung tương tác, kho bài giảng cho giáo viên, ngân hàng đề thi để sử dụng trong đề án này. Tập đoàn Intel là đơn vị sẽ đảm trách việc đào tạo giáo viên nếu đề án được phê duyệt.
Hầu hết đại biểu tại hội thảo tâm đắc với chương trình mà đề án đưa ra bởi phù hợp với xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào giáo dục, song đều bày tỏ sự băn khoăn với tính khả thi của đề án.
Dù tại TP.HCM một số trường học đã phủ sóng WiFi, giáo viên thuần thục khi sử dụng thiết bị công nghệ, song ban giám hiệu nhiều trường vẫn chỉ ra những vướng mắc xung quanh câu chuyện mỗi học sinh có một máy tính bảng cá nhân:
Chương trình sẽ thực hiện đại trà hay chỉ chọn một vài lớp, như vậy có công bằng hay không?
Phụ huynh sẽ chi trả máy tính bảng hay từ ngân sách? Học sinh lớp 1, 2, 3 rất hiếu động, các em có giữ gìn chiếc máy tính bảng này không hay nhà trường giữ?
Có kiểm soát được học sinh sử dụng vào mục đích khác? Giáo viên được đào tạo ra sao để sử dụng nhuần nhuyễn những công nghệ mới này?
Máy tính bảng có thay thế cách dạy - học truyền thống, nhất là ở độ tuổi lớp 1, 2, 3 đang trong quá trình học đọc, học viết?
Cô Trần Thị Thanh Thủy, phó Phòng GD-ĐT quận 10, nêu ý kiến: “Để đáp ứng cho lớp học này, máy tính bảng phải có sự an toàn và độ bền, tuy nhiên tôi chưa an tâm lắm về độ sáng, độ lóa của màn hình, độ cạnh nhọn, nếu sử dụng trong 30 phút liên tục thì có ảnh hưởng đến thị lực? Hiện nay trẻ 2-3 tuổi đã bắt đầu sử dụng được máy tính, nhưng khi dùng để học làm thế nào để các cháu sử dụng thiết thực và hiệu quả?”.
Chi khoảng 4.000 tỉ đồng
Mặc dù những thông tin cụ thể về đề án không được công bố rộng rãi, đại diện Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM hé lộ trong phần phát biểu của mình: “Theo nội dung đề án mà chúng tôi nhận được, kinh phí sẽ từ 3.900-4.400 tỉ đồng, trong đó xã hội hóa 27-32%”.
Ông Nguyễn Văn Lâm, phó trưởng Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP.HCM, nêu ý kiến: “Hơn 4.000 tỉ đồng không phải con số nhỏ, dù biết đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho con người, song phải chọn thời điểm đầu tư, cần có khảo sát nhu cầu, khả năng tài chính của phụ huynh từng địa phương. Đã đầu tư thí điểm thì có thể thắng hoặc thua. Nếu thành công thì nhân rộng, nhưng nếu không thì phần đã đầu tư rồi có thể sử dụng trong tương lai như thế nào để tránh lãng phí?”.
Ông cũng cho rằng các nhà khoa học cần nghiên cứu xem ở độ tuổi nào trẻ tiếp cận công nghệ, cụ thể là SGK điện tử, một cách tốt nhất, việc này cũng giống như nghiên cứu trẻ ở lứa tuổi nào thì uống sữa gì, ăn cháo hay cơm nát, cơm thường...
Ông Trần Trọng Khiêm, phó Phòng GD-ĐT Tân Phú, phát biểu: “Tính liên tục của đề án ra sao, liệu các em có mất hứng thú khi cấu trúc của các năm học không thay đổi? Lộ trình sẽ như thế nào, làm đại trà hay trong từng khối, từng lớp? Học sinh lớp 1, 2, 3 là giai đoạn giáo dục học tập cơ bản, lớp 4, lớp 5 mới là giai đoạn sâu hơn, các em có sự hứng thú, tìm hiểu hơn. Tôi cho rằng dù là phương pháp hiện đại nào cũng cần sử dụng cách dạy truyền thống và kết hợp các hình thức dạy học khác”.
Nhiều đại biểu tại hội thảo là trưởng, phó phòng GD-ĐT các quận, huyện và ban giám hiệu các trường tiểu học cho biết không nhận được tài liệu cụ thể về đề án trước và trong khi tham dự. Vì vậy nhiều câu hỏi về lộ trình, kinh phí, quy mô thực hiện này được đặt ra nhưng chưa có câu trả lời nào từ các đơn vị liên quan.
LƯU TRANG
Đầu năm học mới: lấy ý kiến phụ huynh học sinh
Theo ông Hứa Ngọc Thuận - phó chủ tịch UBND TP.HCM, xuất phát từ tiếng nói của học sinh trong các buổi đối thoại với lãnh đạo thành phố về việc học sinh phải mang vác nặng khi đến trường, UBND TP đã chỉ đạo Sở GD-ĐT TP.HCM xây dựng đề án. “Sở GD-ĐT TP.HCM đã trình hai phương án, hôm nay chúng ta đã nghe trình bày một phương án, sẽ có những hội thảo tiếp theo để tiếp tục nghe một phương án nữa. Đề nghị sở tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện đề án của mình và gửi đề án cho các nhà quản lý, thầy cô giáo. Vào đầu năm học mới 2014-2015 sẽ tổ chức lấy ý kiến phụ huynh về đề án này, xem phụ huynh có đồng thuận hay không, thực hiện như thế nào, phụ huynh nghèo thì sao...?” - ông Thuận cho biết.
|
-
7/22/2014 5:10:41 PMTrong khi chính phủ mong muốn trẻ em phải được đến trường đầy đủ hơn thì chương trình này có lẽ không thể áp dụng đại trà.Tại sao? Một lý do rất đơn giản mà ai cũng biết: vấn đề kinh tế. Không phải gia đình nào cũng có thể chi ra một khoản tiền để mua riêng cho con mình một máy tính bảng. Đó là chưa kể không phải gia đình nào cũng chỉ có một đứa con.Bàn về vấn đề kinh phí từ ngân sách, liệu có khả thi? Máy tính bảng chưa phải là sản phẩm "vĩnh cửu"! Không phải máy nào cũng có thể sử dụng lâu dài mà không hư hỏng, đó là chưa nói đến việc bản thân học sinh - ở cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới - sẽ không thể giữ gìn. Nếu đang dùng mà hư thì sao? Không biết đề án đã có tính đến chưa?Ngoài ra, việc xã hội hóa như đề cập sẽ dẫn đến phân biệt xã hội càng sâu sắc hơn. Hiện nay, nội việc lớp có bán trú, lớp không có bán trú; lớp học chương trình tiếng Anh, lớp chưa học... đã làm tuổi thơ các em nhỏ phải nghĩ ngợi rằng tại sao bạn mình được mà mình thì không được? Bây giờ liệu thêm cái máy tính bảng sẽ còn gây ra sự phân cách đến mức độ nào... vì không ai phải cũng có khả năng đầu tư cho con nhiều đến mức này.Đầu năm học nội tiền đồng phục, sách vở,... đã làm không ít trẻ suýt phải bỏ học. Hình như các vị tham gia đề án đều có khả năng cao về kinh tế nên quên mất đại bộ phận người dân là người lao động, kiếm tiền còn rất khó khăn!THANH TỊNH
-
7/21/2014 11:01:55 PMLà một GV nhiều năm trong nghề (khoảng 29 năm) tôi thấy khả năng tiếp thu công nghệ hiện đại của các em học sinh ta rất nhanh: dùng máy tính, vi tính, điện thoại... Nhưng có mấy em dùng công cụ này trong học tâp? Các em thường dùng để vui chơi, chơi game, chatí...Các bạn hãy cho một phép toán công trừ nhân chia và bảo con bạn tính bằng tay xem, có mấy em tính được? Các bạn có biết một học sinh THPTmà không biết làm tính chia dù một phép tính dơn giản. Tôi hỏi sao tính không được, các em trả lời có máy tính mà cô. Viết một bài văn hoặc một bài học sai chính tả đỏ tờ giấy làm bài. Liệu dùng máy tính bảng có xòa mù chữ vì một người mù chữ vẫn sử dụng điện thoại được?Một máy tính bảng (loại thường) giá vài triệu đồng so với bộ SGK từ vài chục ngàn đến khoảng hai trăm ngàn đã là quá đắt đỏ. Một gia đình nghèo sao mua nổi. Xin lỗi, tôi còn chưa mua nổi cho con tôi sử dụng để nghiên cứu tài liệu nay cháu đang học 12 (mặc dù so với một số đồng nghiệp cuộc sống của tôi cũng không đến nỗi nào).Nước ngoài, theo tôi biết, vẫn chưa có chuyện dùng máy tính bảng thay SGK. Trong khi chúng ta mới thoát nghèo, xài thế có phí không? Chưa kể dùng máy tính nhiều có hại cho sức khỏe, mắt và làm cho con người ta thụ động. Tôi vẫn cảm thấy hình ảnh tay viết chữ O miệng bé vo tròn thật dễ thương và xúc động.Từ 34.000 tỉ thay đổi SGK nay còn 4000 tỉ dùng máy tính bảng?! Tại sao ta không dùng tiền này để tăng thu nhập cho GV, cải thiện đời sống cho GV vùng sâu vùng xa, giúp cho các em có mái trường khang trang sạch đẹp, có đủ SGK để học, bồi dưỡng nghiệp vụ cho GV nâng cao trình độ, điều đó có ích hơn và hiệu quả hơn.HUỲNH HẢI DƯƠNG
-
7/21/2014 1:14:15 PMỞ các vùng quê nghèo, các em đến trường được là niềm vui rồi. Công nghệ cao như thế có lãng phí không cho các em còn nhỏ?Hãy sử dụng ngân sách đúng để trẻ em mọi miền đất nước được hưởng trọn hạnh phúc. Đừng để thành phố thì thừa kiến thức, công nghệ còn vùng nông thôn thì thiếu...BẠN ĐỌC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét