Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

Đã có phương án kỳ thi quốc gia từ năm 2015

Đã có phương án kỳ thi quốc gia từ năm 2015

   * XUÂN TRUNG
Sáng nay (29/7), trong Hội nghị tổng kết năm học 2013-2014 và triển khai nhiệm vụ năm học mới, một kỳ thi THPT quốc gia được thông qua với dự thảo ba phương án.
Theo đó, một kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức vào năm tới với mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT, là căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh. Bên cạnh đó tác động tích cực đến đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá, nâng cao chất lượng dạy học.
Cụ thể, theo dự thảo này Kỳ thi sẽ được tổ chức vào tuần thứ 2 của tháng 6 hàng năm, bố trí thành cụm, theo địa bàn tỉnh. Tại mỗi tỉnh có thể có 1 hoặc 1 số cụm thi tập trung ở thành phố, thị xã, thị trấn. Các điểm thi là trường THPT và các trường ĐH, CĐ. Bộ GD&ĐT sẽ thảo luận với các tỉnh để thành lập các cụm thi quốc gia.
Địa điểm chấm thi sẽ được thành lập theo vùng miền. Hội đồng coi thi có thành viên là cán bộ, giáo viên của Sở Giáo dục và cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ. Lãnh đạo các hội đồng chủ yếu là lãnh đạo của các trường đại học và lãnh đạo Sở Giáo dục có uy tín, nhiều kinh nghiệm trong tổ chức kỳ thi quốc gia.
Hiện nay, Bộ Giáo dục đang đảm nhận nhiệm vụ tổ chức ra đề thi. Trong tương ai, việc này sẽ do trung tâm đánh giá chất lượng giáo dục phổ thong quốc gia đảm nhiệm.
Nội dung câu hỏi của đề thi ở cả bốn mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng , vận dụng cao, vừa có phần cơ bản đáp ứng cho hầu hết thí sinh, vừa có phần nâng cao nhằm phân hoá học sinh nhằm phục vụ công tác tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng.
Đề thi được xây dựng theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng các câu hỏi mở. Cùng với quá trình chuyển mạnh việc dạy và học từ chủ yếu truyền thụ kiến thức sang chú trọng hình thành phẩm chất, năng lực của học sinh, các môn thi sẽ được chuyển dần thành các bài thi, tăng dần yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn từ dễ đến khó.
              Các môn Toán, Ngữ Văn, Lịch sử, Địa lý sẽ thi tự luận 180 phút, các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học, Ngoại ngữ trắc nghiệp 90 phút.
Lựa chọn phương án nào?
Môn thi có 3 phương án. Phương án 1 là theo môn thi. Thi 8 môn gồm Toán, Văn, Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa và Ngoại ngữ. Có 8 buổi thi trong 4 ngày, mỗi buổi thi một môn. Để được xét công nhận tốt nghiệp, mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong số các môn Hoá, Lý, Sinh, Sử, Địa.
Kết quả  của bốn môn thi tối thiểu được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, kết quả 4 môn thi này cũng được sử dụng để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có các môn thi phù hợp với ngành đào tạo.
Ngoài 4 môn thi trên, thí sinh có quyền đăng ký thi thêm môn thi của kỳ thi THPT quốc gia còn lại để sử dụng cho việc đăng ký tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ theo yêu cầu của ngành đào tạo do từng trường ĐH, CĐ quy định. Theo lộ trình, các môn thi sẽ được chuyển dần thành bài thi với mức độ tích hợp từ ít đến nhiều, phù hợp với việc dạy và học ở các nhà trường.
Theo Bộ Giáo dục, ưu điểm của phương án này là tạo thuận lợi cho việc ra đề thi, đảm bảo đánh giá được mức độ học vấn phổ thông và phân hoá tốt hơn trình độ thí sinh, phân luồng mạnh đối với người học sau THPT, giúp các trường ĐH, CĐ lựa chọn được thi sinh phù hợp với ngành đào tạo.
Thực hiện các môn thi cũng sẽ ít có xáo trộn, không gây lo lắng, áp lực tâm lý đối với giáo viên, học sinh, nhất là đối với học sinh đã học xong chương trình THPT từ năm 2014 trở về trước tham dự kỳ thi. Việc chấm thi cũng thuận lợi, dễ dàng. Học sinh có thể dự thi nhiều môn nên có nhiều cơ hội dự tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Tuy nhiên, kỳ thi diễn ra trong 4 ngày (8 buổi thi) nên công việc của giáo viên sẽ nhiều hơn, chi phí sẽ cao hơn. Có thể dẫn đến việc dạy dồn hoặc cắt xén chương trình đối với những môn không thi.
Phương án 2 là thi theo bài. Trong kỳ thi, 8 môn học ở lớp 12 gồm Toán, Văn, Lý, hoá, Sinh, Sử, Địa và Ngoại ngữ được chọn để tổng hợp thành 5 bài thi gồm bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, bài thi Khoa học tự nhiên (gồm Lý, Hóa, Sinh) và bài thi Khoa học xã hội (gồm Sử và Địa).
Mỗi thí sinh phải thi bốn bài gồm 3 bài thi bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ. Thí sinh chọn một trong hai bài thi khoa học tự nhiên hoặc xã hội.
Phương án này có ưu điểm là chỉ tổ chức trong 2,5 ngày thi, mỗi buổi 1 bài, gọn nhẹ, giảm chi phí. Mức độ tích hợp, tổng hợp các môn thi thành bài thi mạnh và nhanh hơn phương án 1, hạn chế được việc dạy dồn hoặc cắt xen chương trình đối với những môn không thi.
Tuy nhiên, việc thi theo bài thi tổng hợp chưa được giáo viên và học sinh chuẩn bị đầy đủ, do đó có thể sẽ gây lo lắng, tác động đến tâm lý của giáo viên, học sinh và phụ huynh.
Nếu thực hiện ngay từ 2015 thì sẽ có những khó khăn, đòi hỏi phải nỗ lực chuẩn bị ở các khâu ra đề, coi thi, chấm thi, tập huấn, bồi dưỡng giáo viên.
Việc chấm thi theo bài thi tổng hợp phải có nhiều giáo viên ở các môn khác nhau cùng chấm một bài thi như bài khoa học tự nhiên gồm 3 giáo viên Lý, Hoá, Sinh, bài thi khoa học xã hội gồm giáo viên của hai môn Sử và Địa. Thời gian dàn cho mỗi môn thi trong bài thi tổng hợp ít hơn, do vậy việc ra đề thi để vừa đáp ứng học vấn phổ thông, vừa có phần nâng cao để phân hoá trình độ học sinh phục vụ cho tuyển sinh ĐH, CĐ khó khăn.
Với phương án 3: Trong kỳ thi, 11 môn học lớp 12 THPT gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ và Giáo dục công dân được tuyển chọn để tổng hợp thành 4 bài thi.
Theo đó, bài thi Toán – Tin (gồm các môn Toán và Tin học). Bài thi Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa  học, Sinh học và Công nghệ). Bài thi Khoa học xã hội (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân). Bài thi Ngoại ngữ. Tất cả sẽ có 4 buổi thi được tổ chức trong 2 ngày, mỗi buổi thi 1 bài thi.
Theo Bộ GD&ĐT, ưu điểm của phương án này, với 2 ngày thi được tổ chức gọn nhẹ hơn, giảm chi phí cho tổ chức thi. Phương án này có được  mức độ tổng hợp, tích hợp các môn thi thành bài thi mạnh và nhanh hơn phương án 1. Phương án này cũng hạn chế việc dạy dồn hoặc cắt xén chương trình đối với những môn thi như trước đây.
Tuy nhiên, khó khăn của phương án này nếu thi theo các bài thi tổng hợp, điều đó giáo viên và học sinh chưa được chuẩn bị đầy đủ, do đó có thể gây lo lắng, tác động đến tâm lí của giáo viên và học sinh.
Nếu thực hiện từ năm 2015 sẽ có những khó khăn nhất định, đặc biệt là khâu ra đề, coi thi, chấm thi, tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên. Bên cạnh đó, việc chấm thi theo vài thi tổng hợp nhiều giáo viên các môn khác nhau cùng chấm. 
Cũng theo đó, thời gian dành cho mỗi bài thi trong bài thi tổng hợp ít hơn, do vậy việc ra đề thi để vừa đáp ứng học vấn phổ thông, vừa có phần nâng cao, để phân hóa trình độ học sinh để phục vụ tốt cho tuyển sinh vào ĐH, CĐ sẽ khó khăn hơn. Việc sử dụng 11 môn thi để tổng hợp thành 4 bài thi gây áp lực, căng thẳng cho học sinh vì học sinh phải học và ôn tập nhiều môn thi.
Đối với môn Ngoại ngữ, với những học sinh, học viên không được học hoặc trong điều kiện không đảm bảo chất lượng dạy và học thì không bắt buộc phải thi môn Ngoại ngữ, thay vào đó chỉ phải thi/bài thi ứng với mỗi phương án (gồm 2 môn thi/bài thi bắt buộc và 1 môn thi/bài thi tự chọn). 
            Bộ GD&ĐT cũng cho biết, việc sử dụng kết quả thi của thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia được sử dụng để đề xuất xét công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp. Như vậy, học sinh sẽ thi quốc gia trước, đăng kí vào học ở ngành và trường ĐH, CĐ sau khi đã có kết quả thi quốc gia.
Việc xét công nhận tốt nghiệp,với những học sinh đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định trong Quy chế thi sẽ được công nhận tốt nghiệp theo tiêu chí: Điểm xét tốt nghiệp, điểm của 4 môn tối thiểu hoặc điểm của 4 bài thi. Đối với những thí sinh GDTX không thi ngoại ngữ thì điểm công nhận tốt nghiệp là điểm của 3 môn/bài thi. 
Điểm ưu tiên khuyến khích dựa theo Quy chế thi. Với những thí sinh chưa được công nhận tốt nghiệp, Sở GD&ĐT căn cứ vào kết quả học tập, rèn luyện ở lớp 12, xét cho thí sinh được dự thi lại ngay trong năm đó bằng đề dự bị để xét công nhận tốt nghiệp theo Quy chế.
*** Việc tuyển sinh ĐH, CĐ, các trường phải thông tin về tuyển sinh trước kỳ thi quốc gia 6 tháng trên website của trường và Bộ GD&ĐT. Kèm theo đó, các trường nêu rõ phương thức tuyển sinh, trong đó cần chỉ rõ hình thức và mức độ sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia trong việc tuyển sinh vào trường theo từng ngành học.  
XĐối với các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh cần công bố phương thức tuyển sinh, trong đó các môn thi, bài thi của Kỳ thi THPT quốc gia sẽ được dùng để xét tuyển đối với từng ngành đào tạo của trường và công bố môn thi/bài thi chính sẽ nhân hệ số điểm trong số các môn thi/bài thi xét tuyển đối với từng ngành đào tạo.
Ngoài ra, trên cơ sở đặc thù của từng trường kèm theo việc sử dụng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia các trường có thể bổ sung hình thức kiểm tra năng lực khác  như sơ tuyển, phỏng vấn, viết luận, kiểm tra IQ…
Với các trường ĐH, CĐ không sử dụng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia phải xây dựng đề án tuyển sinh riêng trình bộ GD&ĐT, trong đề án cần chỉ rõ phương thức tuyển sinh, điều kiện đảm bảo chất lượng nguồn tuyển.
(GDVN)
========

11 nhận xét:

  1. Đảng viên thời @:
    Đây là cải cách trong thi cử hay một sự đánh đố học sinh!Sau 40 năm cứ cải tiến rồi lại cải lùi không biết bao giờ mới ổn định!Quả thật là "Ngành giáo dục mà không có giáo dục"?Sao cứ "Định hướng" nhiều phương án thế để học sinh và các thày cô giáo biết đằng nào mà lần.Chắc anh Đam nhảy vào vụ này để đã rối lại càng thêm rối ./.
    Trả lời
  2. Tôi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm thành phố Hồ Chí Minh và dạy học 5 năm.Tôi chỉ xin thưa một câu: Giáo Dục của chế độ CS Việt-Nam không ra gì (xin lỗi quý vị).....Mà không cứ chi chuyện dạy & học. Cái gì cũng dzõm cả. Làm cà trật cà dzuột rồi báo cáo là "hoàn thành xuất sắc".Tôi ở trong nghề,tôi biết tõng tòng tong hết. Chán lắm quý vị ạ ! Thiệt buồn cho đất nước !
    Trả lời
  3. Để có kỳ thi tốt, tránh rườm ra tốn kém phải tách hẵn kỳ thi Tốt nghiệp phổ thông và kỳ thi vào cao đẳng, Đại học.
    Hai kỳ thi có mục đích khác nhau.
    Kỳ thi tốt nghiệp, là đánh giá công nhận học sinh đã đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng bậc phổ thông, các thông tin càng đầy đủ về chương trình giáo dục phổ thông càng tốt và việc này có thể đánh giá qua kết quả học tập và tu dưỡng của các em. Nên chăng bỏ kỳ thi này, giao cho các trưởng phổ thông đánh giá kết quả lũy tiến và kết quả các bài kiểm tra cuối năm học của lớp 12 , cách làm này nếu quản lý tốt vừa chính xác lại vừa tránh áp lực, tốn kém tạo thời gian để các em ôn thi Đại học tốt nhất.
    Còn thi vào Đại học Cao đẳng mục đích khác, là chọn những em có kiến thức, kỹ năng cao hơn, có năng lực tốt hơn để đào tạo tiếp do đó phải tổ chức kỳ thi mang tính quốc gia nghiêm túc nhưng không nên cồng kềnh, tốn kém tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và toàn xã hội.
    Kỳ thi này để đánh giá năng lực của học sinh về các kiến thức phổ thông chung cần thiết và các kiến thức kỹ năng phù hợp với chuyên môn đào tạo do đó Bộ nên đặt một số bộ môn bắt buộc theo tôi là 3 môn: Tiếng Việt, Toán, Lịch sử Việt nam, thi thêm 2 môn còn lại do đơn vị tuyển sinh lựa chọn để phục vụ cho học tập chuyên môn.
    Chứ phương án tổ chức 2 kỳ thi trong 1 trong điều kiện hiện tại cả phương diện đạo đức và điều kiện sẽ xẫy ra rất nhiều tiêu cực và kỳ thi vẫn đồ sộ, tốn kém, đầy áp lực.
    Trả lời
  4. kỳ này lãnh đạo bộ giáo dục toàn thiểu năng trí tuệ thì phải,sửa đổi cải cách toàn diện rồi cuối cùng phải bỏ vì thi mà không có người trượt thì thi làm gì giống như câu chuyện cười"tại đây bán cá tươi"bây giờ lại bầy ra cái trò vô tưởng là thi tốt nghiệp rồi lấy điểm để vào đại học.Nếu làm như vậy thì giải tán các trường đại học đi cho nhanh vì thi ở các trường phổ thông thì láo nha láo nháo dẫn đến em được 10 điểm thì không biết gì còn em học giỏi có khi thi chỉ còn 5 điểm.
    Trả lời
  5. sai đâu sửa đấy!
    sửa đấy sai đâu?
    sửa đâu sai đấy
    càng sửa càng sai.....
    càng sai càng sửa.....
    Trả lời
  6. Các kỳ thi "Đường lên đỉnh Olympia" bộc lộ sự yếu kém của các thí sinh, những người được coi là học sinh xuất sắc của đất nước.
    Coi chương trình "Ai là triệu phú" mới thấy thảm hại cho kiến thức của khán giả khi chọn phương án sai cho những câu hỏi rất dễ.
    Trả lời
  7. Nên nhường những loại thông tin này cho "lề quốc doanh" khai thác.
    Trả lời
  8. Bộ GD&ĐT luôn làm cho vấn đề trở nên phức tạp. Với tỷ lệ TN như hiện nay trên 95% thì ta chỉ xét tốt nghiệp cho học sinh theo điều kiện như điều kiện được lên lớp nghĩa là không có môn nào có điểm tổng kết dưới 3,5 (như vậy tránh được tình trạng học lệch, chương trình phổ thông sẽ cung cấp cho các em một chuẩn kiến thức vừa phải và đầy đủ). Tổ chức một kì thi tuyển sinh vào đại học theo yêu cầu của từng trường Đại học (Trước mắt Bộ lo cho kì thi này để tránh tiêu cực sau đó khi đã ổn giao quyền tự trị, tự chủ cho trường). Bộ tập trung vào việc kiểm tra chất lượng đào tạo và nhất là đầu ra của các trường (nghiên cứu để nguồn nhân lực đào tạo sát với nhu cầu và yêu cầu của xã hội). 5 -10 năm trước mắt thực hiện như vậy sau đó sẽ tiếp tục cải tiến cho phù hợp hơn theo sự phát triển của xã hội.
    Trả lời
  9. Không hiểu sao BGD lại chọn môn Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc nhỉ?
    Đây là môn học tốn thời gian và kém hiệu quả nhất (ít ứng dụng) trong chương trình GDPT - nhất là trong điều kiện đường lối đối ngoại của NN ta ...ít ổn định!
    Chỉ nên đặt nó là môn tự chọn, và chỉ nên chọn dạy tiếng Anh ở cấp học PT. Các trường ĐH thì có thể yêu cầu tuyển sinh chỉ đối với HS có chọn môn Tiếng Anh trong kỳ thi THPT.
    Như vậy sẽ vừa tiết kiệm được chi phí GDPT, vừa phân hóa được trình độ để phù hợp với nhu cầu LĐXH, vừa đảm bảo được chất lượng đào tạo ĐH theo hướng hội nhập QT.
    Trả lời
  10. Nguồn lực nước ta vốn kém mà thời khắc này hầu như lĩnh vực nào cũng đem ra đổi mới, cố gắng đổi mới thì không biết lấy tiền ở đâu? Hôm nay mới thấy bắt ông nào đó của ngân hàng xây dựng thì lập tức thay máu lãnh đạo ngân hàng.
    Bộ rất sợ phải giao quyền cho các trường đại học vì một khi các trường có người tiên phong bỏ các môn như Triết học marx lê, lịch sử đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh và một đống các môn liên quan đến kinh tế chính trị, thì các trường khác ồ ồ làm theo. Một dòng nước nhỏ, mạnh, lạnh lẽo có thể tạo thành một cơn sóng mà đảng trị không bao giờ muốn cho dù các bộ môn đó ở các trường đều bị sinh viên coi thường, cúp tiết, bỏ lớp hay ngủ gật.
    Giáo dục ở nước ta có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện trạng hiện nay nhưng cái khóa lớn nhất chính là cái nói bên trên.
    Trả lời
  11. Nên có kì thi tốt nghiệp THPT và thi vào các trường ĐH và CĐ riêng vì mục đích 2 kì thi này khác nhau.
    Trả lời

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét