Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

Tỉnh Tiền Giang: Nhiều bất cập trong bảo tồn di tích - QĐND

Tỉnh Tiền Giang: Nhiều bất cập trong bảo tồn di tích
QĐND - Thứ Bẩy, 19/10/2013, 21:7 (GMT+7)
QĐND - Nằm bên bờ sông Tiền, Tiền Giang là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, có nhiều di tích lịch sử-văn hóa nổi tiếng được bảo tồn, giữ gìn đến ngày nay. Tuy vậy, vì nhiều nguyên nhân, các di tích này đang có xu hướng biến dạng. Sau khi tu sửa dở dang, một số di tích đang xuống cấp nghiêm trọng, cần sự quan tâm đúng mức của chính quyền địa phương.
Di tích xuống cấp, biến dạng
Đình Tân Đông ở xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông, là một di tích lịch sử cấp tỉnh nằm giữa cánh đồng mênh mông, cạnh sân bóng đá của xã bị bỏ hoang. Khi chúng tôi đến đây, cổng đình đã bị húc đổ để mở đường lớn. Đình chỉ còn phần chánh điện (nơi đặt bàn thờ sắc lệnh vua ban cho một ngôi đình), ngay trên cửa chính của chánh điện vẫn còn số năm 1907 được khắc nổi chen giữa hoa văn đặc trưng của kiến trúc đình thời Nguyễn. Ông Phan Văn Đời, 76 tuổi, người tự nguyện giữ cho ngôi đình không bị bỏ hoang từ mấy năm nay buồn bã cho biết: “Các cột, phần nóc mái của đình đã mục hoàn toàn, nhưng có rễ cây bồ đề bám quanh nên đình chưa bị sập. Mái đình thủng nhiều chỗ, cả ba bàn thờ ở giữa chánh điện chỉ còn hai là nguyên vẹn, còn bàn thờ phía tả đã bị đập phá từ lâu, vừa được chúng tôi dùng gạch xây lại sơ sài. Không biết mùa mưa gió năm tới, ngôi đình còn đứng nổi nữa không”. Còn anh Nguyễn Công Bền, cán bộ văn hóa xã Tân Đông cho biết, chính quyền cũng nhiều lần kiến nghị lên huyện để xin kế hoạch trùng tu lại đình theo ý nguyện người dân, nhưng vẫn chưa có kết quả. Trước mắt, xã vận động người dân không được xâm phạm đình để mong giữ được hiện trạng di tích này.
Khu mộ cổ chùa Vĩnh Tràng sau khi tu sửa mỗi cái một kiểu, sơn màu khác nhau. Ảnh: Hùng Khoa
Đình Tân Đông đang ngày càng xuống cấp. Ảnh: Ngọc Thụ
Không bị bỏ hoang nhưng đình Đồng Thạnh, một di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia tại xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây, vừa được trùng tu với kinh phí hơn 16 tỷ đồng lại rơi vào tình trạng dở khóc, dở cười. Theo ông Phạm Văn Huệ, người bảo vệ đình, sở dĩ có tình trạng này là do việc thi công trùng tu lại ngôi đình không cẩn thận, làm bóp méo di tích nguyên bản. Như bộ xuyên, vì kèo cái nào có hoa văn xưa thì xẻ lớp ngoài lấy hoa văn lại, rồi dùng keo dán vào gỗ mới, làm như vậy không biết ngày nào nó bung ra. Những bức tranh đắp nổi ở vách võ ca được vẽ lại và sơn phết, màu sắc lòe loẹt không còn đường nét cũ. Nền cũ, gạch phủ trên táng, lót xéo theo hình mắt cáo, nhưng khi trùng tu lại lót vuông, táng thì lộ trên nền gạch. Tuy nhiên, vấn đề mà người dân rất bức xúc là kinh phí đầu tư cho ngôi đình này rất lớn, nhưng nhiều hạng mục lại bị bỏ dở dang như: Cửa chính tẩm nhiều ô trám bị rớt mà không được gắn lại. Cả hai cổng chính và phụ đều được đóng tạm bợ bằng tre, rất phản cảm với bên trong đình, công trình vệ sinh dành cho khách đến tham quan cũng không có…
Hiện nay, các di tích trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang bị nhiều sức ép từ hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ, du lịch, tình trạng lấn chiếm di tích vẫn còn diễn ra. Một số di tích lâu ngày nắng mưa, mối mọt phá hoại cũng là nguyên nhân khiến cho các di tích liên tục bị xuống cấp. Các công trình đó có thể kể đến như: Kiến trúc nghệ thuật Đình Hòa Lộc (xã Hòa Hưng), Đình Ông Lữ (xã Mỹ Đức Đông), Bia căm thù tại Kinh Hai Hạt (xã Hậu Mỹ Bắc B), Căn cứ Bộ chỉ huy Tỉnh đội (xã Hậu Mỹ Phú) thuộc huyện Cái Bè; Bia lưu niệm căn cứ Tỉnh ủy Mỹ Tho (xã Long Tiên, huyện Cai Lậy); Chiến lũy Pháo Đài (xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông)... Số khác thì bị thay đổi nhiều do trùng tu như chùa Vĩnh Tràng (TP Mỹ Tho)… Ngoài ra, tình trạng sử dụng khuôn viên khu di tích, cổng chùa, bia lưu niệm để kinh doanh, bán hàng rong vẫn còn diễn ra làm mất vẻ mỹ quan, gây phiền hà, tạo ấn tượng không tốt cho khách tham quan du lịch.
Chờ… kinh phí
Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, hiện toàn tỉnh có hơn 2000 di tích lịch sử văn hóa, bao gồm các di tích khảo cổ, di tích lịch sử cách mạng, di tích tôn giáo tín ngưỡng và di tích kiến trúc nghệ thuật. Do sự buông lỏng quản lý ở một số địa phương, thiếu cán bộ chuyên trách tại các điểm di tích, dẫn đến tình trạng bất cập trong việc quản lý, tu bổ, tôn tạo. Ngoài ra, do thiếu sự thống nhất trong lựa chọn phương pháp và vật liệu thay thế trong phục dựng, trùng tu các di tích, xây dựng hệ thống hàng rào bảo vệ, việc ngăn chặn xâm lấn chưa được quan tâm đúng mức, cũng là nguyên nhân dẫn đến một số di tích bị xuống cấp.
Ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Tiền Giang cho biết: "Trên địa bàn tỉnh còn nhiều di tích cũng đang xuống cấp nên tỉnh chưa thể cân đối ngân sách để trùng tu. Ngoài ra, kinh phí Trung ương cấp còn hạn chế. Việc có thể làm hiện nay là kiểm tra, đánh giá, chờ kinh phí để có kế hoạch tu sửa các di tích trong thời gian sớm nhất.
Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, tổ chức khai thác hoạt động du lịch gắn với các lễ hội truyền thống hằng năm để thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến với các khu di tích, là một trong những mục tiêu chiến lược phát triển du lịch của tỉnh Tiền Giang trong thời gian tới. Tuy nhiên, những gì đã diễn ra tại các di tích này cho thấy điều ngược lại. Với số lượng di tích lớn, kinh phí phân bổ hạn hẹp, thì tỉnh cần có những biện pháp thiết thực để giữ gìn, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân cùng góp sức bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, địa phương có thể vận động kinh phí xã hội hóa để tôn tạo lại di tích. Do di tích không phải là các công trình hiện đại, nếu cứ kiểm tra và chờ kinh phí, thì các di tích sẽ ngày càng xuống cấp và hư hại.
HỒNG GIANG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét