Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

Thế giới chê cao su Việt, nông dân ồ ạt trồng rồi...khóc - Đất Việt

Thế giới chê cao su Việt, nông dân ồ ạt trồng rồi...khóc

(Doanh nghiệp) - Trong khi thế giới "chê" nhập khẩu cao su Việt Nam thì trong nước điều nghịch dị lại đang xảy ra: Hàng chục ngàn ha rừng tự nhiên bị lạm dụng, phá bỏ để trồng cao su.
Xuất khẩu giảm
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục thống kê, xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam trong tháng 9/2013 ước đạt 115.000 tấn, giá trị khoảng 257 triệu USD, đơn giá bình quân 2.235 USD/tấn.
Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, trong 9 tháng đầu năm, cao su là mặt hàng có giá xuất khẩu giảm mạnh nhất (giảm 17%) dẫn tới kim ngạch xuất khẩu cũng giảm theo. Nguyên nhân là nhu cầu yếu đi của thị trường thế giới khi kinh tế Mỹ và châu Âu chưa có dấu hiệu hồi phục rõ ràng, tồn kho tại Trung Quốc - nước tiêu thụ nhiều nhất thế giới lên cao.

Kim ngạch xuất khẩu cao su giảm nhưng trong nước lại ồ ạt trồng cao su
Kim ngạch xuất khẩu cao su giảm nhưng trong nước lại ồ ạt trồng cao su
Tình hình này đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cao su tự nhiên. 
Điển hình là CTCP Cao su Phước Hòa (PHR). Theo kết quả sản xuất kinh doanh tháng 8/2013 vừa được HRC công bố, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp đều sụt giảm mạnh.
Cùng với Cao su Tây Ninh (TRC), Cao su Hòa Bình (HRC) đều có lợi nhuận trước thuế giảm từ 20-40% so với cùng kỳ năm trước. Giá bán bình quân của các công ty này cũng chỉ dao động khoảng 50 - 55 triệu đồng một tấn.
Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú (Mã CK: DPR) cũng phải chịu chung số phận như các doanh nghiệp khác trong ngành. 9 tháng đầu năm, doanh thu công ty ước đạt 750 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 260 tỷ đồng, lần lượt giảm 21% và 33% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá bán bình quân của công ty trong 9 tháng đầu năm chỉ đạt 55 triệu đồng một tấn, giảm 8 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước và chỉ bằng 85% kế hoạch đề ra.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Tổng giám đốc DPR, lũy kế 9 tháng dự kiến đạt 753-780 tỷ đồng, tương đương 52-54% kế hoạch cả năm. Như vậy, khả năng không hoàn thành kế hoạch năm của DPR rất lớn.
Ồ ạt chuyển đổi rừng trồng cao su
Trong khi thế giới "chê" nhập khẩu cao su Việt Nam thì trong nước điều nghịch dị lại đang xảy ra: Hàng chục ngàn ha rừng tự nhiên bị lạm dụng, phá bỏ để trồng cao su.
Theo Ban chỉ đạo Tây nguyên, bình quân mỗi năm Tây nguyên mất gần 26.000ha rừng, trong đó mất rừng do chuyển đổi trồng cao su chiếm tới 46,7%.
Năm 2009 toàn tỉnh Gia Lai có khoảng 70.000ha cao su. Ngoài diện tích này, cuối năm 2009 tỉnh Gia Lai tiếp tục có quy hoạch chuyển thêm 61.000ha đất rừng qua trồng cao su, tính đến nay diện tích cao su toàn tỉnh đã lên tới gần 100.000ha.
Theo PGS.TS Triệu Văn Hùng - giám đốc Viện Khoa học lâm nghiệp VN, năm 2009 Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch phát triển cao su, theo đó đến năm 2020 VN sẽ có diện tích trồng cao su ổn định là 800.000ha. Thế nhưng chỉ sau ba năm, đến năm 2012 diện tích trồng cao su lên đến 915.000ha - vượt xa quy hoạch cho năm 2020.
Đặc biệt, báo cáo từ Bộ NN&PTNT còn cho thấy 79% diện tích trồng cao su đều từ đất rừng tự nhiên. Bộ này cũng thừa nhận không phải toàn bộ diện tích này đều là rừng nghèo kiệt. 
“Việc phát triển ồ ạt cao su ở các địa phương đang dẫn đến mất rừng, suy thoái môi trường” - ông Hùng chua xót.
Nông dân khóc
Cùng với tình trạng ồ ạt phá rừng trồng cao su nhiều vùng đã bỏ qua lời cảnh báo của các nhà khoa học và cuối cùng người nông phải gánh hậu quả đau đớn.
Hàng chục ngàn ha cao su đổ rạp sau hai cơn bão số 10 và 11, thiệt hại lên tới hàng ngàn tỉ đồng đẩy người nông dân vào cảnh trắng tay.
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã nhiều lần cảnh báo, thậm chí ông còn viết thư phản đổi chủ trương trồng cây cao su ở miền Trung nhưng không ai nghe ông. 
 "Cao su là loại cây công nghiệp nhiệt đới điển hình, “sợ” nhất là bão và rét. Chỉ cần gió cấp 10 trở lên là cây ngã đổ, trời rét dưới 16 độ cây sẽ chết. Tây Bắc là vùng có nhiệt độ tối thấp, trong khi miền Trung lại là rốn bão. 
  
Vì thế, việc trồng cao su ở đây là quá mạo hiểm và hoàn toàn không có căn cứ khoa học. Nhiều năm trước, tôi đã góp ý rõ ràng điều này với Bộ NNPTNT, Bộ TNMT và Bộ KHCN, nhưng họ vẫn cứ làm!".
Cơn bão vừa rồi chính là phép thử đối với chủ trương của Chính phủ nhưng cũng chứng minh lời cảnh báo của ông đã hiện hữu.
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn cho rằng: "Sau bài học đắt giá này, nông dân miền Trung - nhất là khu vực Bắc Trung Bộ - tuyệt đối không nên trồng lại cao su nữa, vì quá rủi ro! Với đặc thù đất badan bằng phẳng ở khu vực này, nhiều loại cây trồng khác có thể thay thế phù hợp, ít rủi ro bởi thiên tai mà giá trị kinh tế tương đương".
Tuy nhiên, bất chấp cảnh báo, người dân tại khu vực Quảng Bình và Quảng Trị vẫn tiếp tục trồng loại cây này, ngay tại vùng tâm bão.
Ông Phan Văn Khoa, giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Bình, cho biết dù diện tích cao su của tỉnh bị gãy đổ trong đợt bão vừa qua rất lớn, thiệt hại vô cùng nặng nề nhưng địa phương vẫn khuyến khích người dân tiếp tục gắn bó với loại cây này.
Ông Khoa phân tích trong mấy chục năm qua cao su là cây mũi nhọn của ngành nông nghiệp tỉnh. Trong khi gió bão lớn cũng hơn 20 năm mới có một lần, như từ năm 1983 đến giờ mới có bão lớn trở lại.
Lam Lam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét