Im lặng là đồng lõa!
06:22 | 20/10/2013
(PetroTimes) - Cứ hô hào, cứ đặt ra những câu hỏi rồi
tất cả lại rơi vào im lặng. Sự im lặng đó chính là mảnh đất tốt cho tham
nhũng và những tiêu cực xã hội có đất tồn tại.
Dương Tâm (NLM số 266)
Martin Lutherking - nhà hoạt động nhân quyền Mỹ gốc Phi, người đoạt
giải Nobel Hòa Bình năm 1964, từng nói: “Trong thế giới này, chúng ta
không chỉ xót xa trước lời nói và hành động của kẻ xấu mà còn cả vì sự
im lặng đến đáng sợ của người tốt”.
“Sự im lặng đáng sợ” - cụm từ này đã được cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn
Linh nói đến nhiều từ cách đây 30 năm ở nước ta và đến nay, tuy có những
thay đổi nhưng nó vẫn tồn tại. Sự im lặng có trong mỗi cá nhân và cả
trong tổ chức, tập thể. Sự im lặng thể hiện dưới những hình thức khác
nhau, vì các mục đích khác nhau nhưng đều có ảnh hưởng đến cá nhân, tập
thể, thậm chí là cả xã hội.
Nhớ lại những năm đầu thập niên 80 về trước, có nhiều vụ việc tiêu cực,
nhiều chính sách lỗi thời gây bất bình trong xã hội. Nhưng tất cả những
khiếu kiện, kiến nghị của dân đều không được giải quyết và rơi vào im
lặng. Từ thực trạng ấy mà Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã phải lên tiếng
qua loạt bài “Những việc cần làm ngay” đăng Báo Nhân Dân, trong đó ông
đã phải nhắc đến “Sự im lặng đáng sợ”. Từ đó, một không khí dân chủ, cởi
mở trong xã hội xuất phát từ công cuộc đổi mới toàn diện đã mở ra những
lối thoát cho tư duy và hành động của mọi tầng lớp trong xã hội.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, không khí ấy lại bắt đầu lắng xuống.
Nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng bị tố giác vẫn rơi vào im lặng, gây
bức xúc trong dư luận xã hội. Tại sao lại như vậy? Quy chế dân chủ ở cơ
sở bị buông lỏng, các cơ quan chức năng thờ ơ với công vụ hay các công
bộc của dân vô cảm và có sự bao che, dung túng? Phải khẳng định là có
tất cả các nguyên nhân ấy!
Tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, việc giải
phóng mặt bằng, đền bù, thu hồi đất diễn ra ở các địa phương. Do những
bất hợp lý trong khâu đền bù, thu hồi đất mà liên tục xảy ra những vụ
khiếu kiện kéo dài, đông người. Khiếu kiện ở quận, huyện, tỉnh thành
không được thì dân kéo nhau lên các cơ quan Trung ương. Nhưng Trung ương
lại chuyển đơn thư khiếu kiện về cho địa phương giải quyết. Địa phương
không xử lý kịp thời, gây nên sự im lặng khó hiểu. Sự im lặng đó không
khác gì tích gió thành bão. Và chính những cuộc xô xát, chống đối người
thi hành công vụ mỗi khi cưỡng chế thu hồi đất là hậu quả từ sự im lặng
đó. Vấn đề là ở chỗ, nhiều vụ việc đã rõ như ban ngày, những sai phạm
thuộc về cơ quan Nhà nước nhưng vẫn không sửa sai, phớt lờ dư luận, để
lại sự thiệt thòi, oan ức cho người dân. Người tích cực đấu tranh bị trù
dập, khống chế. Họ trở thành người đơn độc. Những người khác đành im
lặng, “mũ ni che tai”. Từ những con người tích cực trở thành con người
sống tiêu cực, thủ tiêu đấu tranh.
Những tệ nạn xã hội diễn ra hằng ngày như nạn cướp giật. Nhiều người
xung quanh nhìn thấy nhưng ai cũng dửng dưng, “cháy nhà hàng xóm, bình
chân như vại” vì sợ can thiệp sẽ nguy hiểm đến tính mạng mình. Hành xử
ấy, sự im lặng đáng sợ ấy của những người tốt thật xót xa như lời Mục sư
Martin Lutherking đã nhận xét! Người tốt vốn có tư cách đạo đức, có khả
năng và trách nhiệm trong việc thực hiện những hành vi đem lại lợi ích
cho cộng đồng xã hội. Với phẩm chất vốn có ấy, họ phải có phản ứng
trước cái xấu, cái tiêu cực, những điều “chướng tai gai mắt” trong xã
hội. Vì vậy, trước tiêu cực, họ lại im lặng là một biểu hiện bất thường.
Người tốt im lặng khi họ mất niềm tin, khi họ thấy kết quả của những
lời nói, hành động xuất phát từ lương tâm và trách nhiệm lại bị coi
thường, bị sự chế nhạo của người khác, thậm chí còn gây ra những tổn
thương không đáng có cho mình. Người tốt im lặng bởi rất ít người kiên
trì, bền bỉ làm mãi việc tốt, nhất là đấu tranh chống tham nhũng, tiêu
cực mà hiệu quả thấp. Cũng có lúc họ phải nhìn ra xung quanh và nhìn lên
để lượng sức mình.
Ở các khu công nghiệp, người dân kêu ca, khiếu kiện thường xuyên về
việc các nhà máy xả chất thải độc hại ra môi trường. Nhưng các đoàn
thanh tra đến rồi đi, hậu quả lâu dài liên quan đến đến tính mạng người
dân vẫn không được xử lý. Một vài nơi có xử phạt thì mức cao nhất hiện
nay mới đến 500 triệu đồng. So với lợi nhuận mà doanh nghiệp được hưởng
thì số tiền phạt ấy không thấm vào đâu. Tại sao lại như vậy? Vì có sự
bao che, dung túng của chính quyền địa phương và cơ quan thanh tra môi
trường. Đó là điều kiện cho doanh nghiệp im lặng và tiếp tục vi phạm. Cơ
quan Nhà nước không xử thì người dân đã tự xử, chặn đứng hoạt động của
doanh nghiệp. Vụ chôn lấp hóa chất của Công ty Thanh Thái ở Cẩm Vân, Cẩm
Thủy, Thanh Hóa hiện nay là một ví dụ. Nhưng nếu cứ để dân tự xử sẽ gây
ra tiền lệ xấu.
Sự bức xúc nhất bây giờ là sự im lặng đáng sợ trên mặt trận chống tham
nhũng. Đó là quốc nạn làm giảm lòng tin của nhân dân. Chính vì thế,
chống tham nhũng khiến cho những cuộc họp của Thường vụ Quốc hội thêm
sôi động. Các thành viên Ủy ban Thường vụ tỏ ý không hài lòng khi nghe
báo cáo thực trạng tham nhũng “vẫn nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi, diễn
ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực…” vì cho rằng, đây là “điệp
khúc” quen thuộc. Các vụ án tham nhũng khi điều tra, truy tố, xét xử
thường bị kéo dài.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết: nhiều vụ án bị đình
chỉ điều tra, mức án đưa ra dưới khung hay ít chuyển cơ quan điều tra
những sai phạm bị phát hiện tới hàng trăm, hàng nghìn tỉ sau thanh tra,
kiểm toán. Đây là những câu hỏi “rất khó trả lời”. Chủ tịch Hội đồng Dân
tộc Ksor Phước phát biểu: “Có những vụ án thông tin ra công luận tưởng
là rõ ràng rồi, nhưng cuối cùng lại rơi vào im lặng. Cứ mập mờ như vậy,
đến tôi là Ủy viên Trung ương còn băn khoăn thì dư luận còn đâu niềm
tin”. Còn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thì đặt câu hỏi: “Báo cáo
chưa nói rõ lực lượng đấu tranh phòng chống tham nhũng có tiêu cực
không, có bỏ sót, bao che cho tiêu cực không? Người dân ai mà chẳng muốn
đấu tranh chống tham nhũng. Hay là người ta chán rồi, đấu tranh mãi,
góp ý mãi, đưa lên báo mãi nhưng không có tác dụng gì?”.
Thật sự lúng túng trước quốc nạn tham nhũng! Đến cơ quan quyền lực cao
nhất mà qua nhiều phiên họp cũng vẫn dừng lại ở những nỗi băn khoăn,
những câu hỏi. Cứ hô hào, cứ đặt ra những câu hỏi rồi tất cả lại rơi vào
im lặng. Sự im lặng đó chính là mảnh đất tốt cho tham nhũng và những
tiêu cực xã hội có đất tồn tại.
Cháu Đỗ Thị Ngọc Anh, học sinh lớp 11 chuyên Anh Trường THPT chuyên
Nguyễn Trãi, TP Hải Dương, trong một bài văn tự luận về sự im lặng đã
viết: Xét cho cùng, im lặng vì bất kỳ lý do nào đi nữa thì đó cũng là
biểu hiện của sự tha hóa ở mỗi cá nhân và cho thấy dấu hiệu bất ổn của
xã hội. Nói cách khác, khi người tốt im lặng là khi xã hội đang đứng
trên bờ vực của sự phá sản những giá trị tinh thần. Vậy làm thế nào để
người tốt không im lặng nữa? Hãy trao quyền và khuyến khích người tốt
cất lên tiếng nói của mình bằng cách lắng nghe, tiếp thu ý kiến và sẵn
sàng sửa đổi theo những ý kiến đóng góp đúng đắn của họ. Hãy đưa ra
những chính sách bảo vệ để tránh tối đa những tổn thất mỗi khi người tốt
cất tiếng nói…”.
Và câu nói của Martin Lutherking là một lời cảnh báo nghiêm khắc về
nguy cơ băng hoại của những giá trị tinh thần, những hành vi im lặng,
thủ tiêu đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng đối với mọi người, dù làm
gì, ở cương vị nào.
D.T
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét