Tịch Ru - Cùng xem ảnh John Ramsden và nhớ lại một Hà Nội thời-tôi-chưa-biết
Triển lãm ảnh của John Ramsden
Triển lãm: 8:00 – 17:00, 19 – 26. 10. 2013
Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội
*
Lời giới thiệu ở phòng triển lãm ghi:
“Khi John Ramsden, một nhà ngoại giao Anhlàm việc tại Việt Nam từ năm 1980 – 83, bấm máy ghi lại hình ảnh cuộc sống con người Hà Nội thời bấy giờ, có lẽ ông không nghĩ rằng những bức ảnh đó được triển lãm tại đây, cho những con người ở Hà Nội 30 năm về sau. Với John, nhiếp ảnh lúc đó không chỉ là một sở thích, đó còn là cách ông làm quen và khám phá một môi trường mới, một thành phố xa lạ về cả địa lý lẫn văn hóa phong tục tập quán. Ông đến Hà Nội bốn tháng sau khi nhận quyết định làm phó đại sứ tại Việt Nam, với vốn vỏn vẹn vài câu tiếng Việt giao tiếp trong suy nghĩ chung của phương Tây về một thành phố khép kín sau chiến tranh…”
Tác giả John Ramsden đang nói chuyện với người xem.
Sau đây là một số bức ảnh trong triển lãm với lời chú thích thú vị
của nhà sử học Dương Trung Quốc (có một vài cái là của chính tác giả
John Ramsden).
“Đền Bạch Mã”
Vách tường đền Bạch Mã phía phố hàng Giày đoạn đi thẳng ra Hàng Chiếu
và Chợ Bắc Qua (sau chợ Đồng Xuân) vốn sầm uất. Đường phố vẫn thoáng dù
con đường không rộng vì toàn các loại xe thô sơ và ít người buôn bán
bên hè… Nét cổ kính còn giữ được.
“Tàu điện phố Hàng Bông”
Phía sau toa tàu điện ngày xưa có những cái móc để các hành khác là
nông dân từ ngoại thành vào buôn bán ở nội thành có thể treo quang
thúng. Nông thôn tập thể hóa nên ít hàng hóa mang ra phố. Phía sau các
toa là chỗ bọn trẻ nghịch ngợm, trông nguy hiểm nhưng chúng rất thiện
nghệ trong thú chơi này, vả lại trên tuyến phố Hàng Bông tàu điện đi rất
chậm.
“Hàng bán bia mộ phố Hàng Mắm”
Chế tác đồ đá làm cối và làm bia mộ là hai món hàng truyền thống nhất
của mấy hộ dân Hàng Mắm. Hồi đó, bắt chước Sài Gòn, tiểu đúc bê tông ốp
đá mài “granito” đã thay những cái tiểu bằng sành. Đền nay, cối đá hầu
như không còn nhưng tạc bia mộ vẫn còn. Chỉ có điều, thợ dùng nhiều
thiết bị công nghệ mới (đục, cắt hay chữ bằng máy), và đá bia cũng được
chau chuốt hơn.
“Khách sạn Thống Nhất”
Khách sạn Thống Nhất (bây giờ là khách sạn Metropole) thời đó rất
khác. Duy chỉ có kiến trúc của tòa nhà từ năm 1940 có vẻ như không mấy
thay đổi. Tôi còn nhớ lúc bấy giờ nơi đây có nhiều phòng tắm lớn được
trang hoàng với ống nước kiểu cổ, những hành lang cũ kĩ, các món ăn kiểu
Tây nhạt vị, cũng rất nhiều lời phàn nàn về chuột. Nơi mà bây giờ là
một quần bar và hồi bơi sang trọng thì từng là bãi để xe đạp. (John
Ramsden)
“Phố Lý Thường Kiệt”
Đại sứ quán Anh lúc đó nằm trên một biệt thự trên phố Lý Thường Kiệt.
Ta có thể nhìn thấy xe ô tô của đại sứ ở đằng xa. Con đường này rất
rộng và vắng người qua lại, thỉnh thoảng mới thấy một chiếc xe tải chạy
qua. Chúng tôi đặt một bảng thông báo bên ngoài sứ quán để trưng bày
những hình ảnh về Anh, đó là cách duy nhất để mang thông tin cho người
dân Hà Nội – tuy rằng có vẻ ít người dừng lại đọc. Căn hộ nơi tôi từng ở
bây giờ là tòa nhà thương mại Slovakia. (John Ramsden)
“Đây là một trong những tấm ảnh đầu tiên tôi chụp tại Hà Nội”
“Cây đa và phố”
Hai cây đa trước đình Thanh Hà phố Ngõ Gạch gợi lại dấu tích con sông
Tô Lịch. Ngày xưa, hai cây đa này thiêng lắm, cành lá um tùm ở gốc cây
có am thờ và “những ông bình vôi” cuốn vào rễ cây. Thời “chống mê tín”
bị dẹp sạch. Ngõ gạch hồi đó ít người qua lại, sau này xe cộ đông, người
ta cưa cái cành đa sà ngang đường để ô tô đi lại. Cây đa tàn lụi dần vì
con người tranh chỗ để kiếm sống. Bây giờ ngôi đình người đến lễ bái
nhiều người ta phải cấy thêm gốc đa mới giữ lại được hồn vía của ngôi
đình thiêng.
“Bùi Xuân Phái”
John là một trong những vị khách (nước ngoài) đầu tiên đến thăm ông
Phái nên ấn tượng của tôi về ông ấy thật đặc biệt. Tôi nhớ mỗi lần đến
thăm ông Phái, ông John thường đỗ xe của sứ quán cách mấy phố, rồi mới
đi bộ lững thững đến. Ông John thường mang quà từ các chuyến công tác về
tặng ông Phái, lúc thì thuốc lá, đôi khi màu vẽ. Hai ông thỉnh thoảng
cũng có chuyến lãng du thăm phố phường cùng nhau. Tôi không có dịp đi
cùng nên không chứng kiến, là lúc ông Phái vẽ thì ông John chụp hay thế
nào, nhưng tôi thấy hai ông có mối quan hệ thân thiết và vô tư. (Bùi
Thanh Phương, con trai Bùi Xuân Phái).
Một tranh của ông Phái.
“Một góc phố cổ”
Đây là ngôi nhà đặc biệt của phố cổ mà Bùi Xuân Phái cũng hay vẽ, tại
góc Hàng Bạc và Hàng Bè. Kiến trúc xây cầu thang là biện pháp tách
riêng đường đi lối lại giữa hai căn hộ trên gác và dưới nhà. Một ông cụ
râu tóc bạc phơ với cái bơm ngồi đầu đường là hình ảnh thường thấy ở Hà
Nội khi đó.
“Góc phố Tô Tịch”
Phố Tô Tịch nổi tiếng với nghề tiện gỗ. Cả trên vỉa hè hay dưới lòng
đường thường thấy thợ xẻ cắt những thân cây các loại gỗ mềm và dẻo thớ
cung cấp cho các cửa hàng tiện chấn song gỗ, chế tác đồ thờ hay khắc các
con dấu, đến nay vẫn còn dấu vết của một phố nghề.
“Ông thợ sửa giầy”
Những ông thợ thường ngồi góc phố nhận khâu những đôi giày đủ loại.
Nhưng từ khi có dép bằng nhựa – bắt đầu là những trang bị của Trung Quốc
cho bộ đội ta, rồi xuất hiện đôi dép nhựa mang nhãn hiệu “Tiền Phong”
sản xuất tại Hải Phòng thì dụng cụ của thợ có thêm cái lò than hay dầu
hỏa nung nóng những cái bay bằng kim loại để miết làm chảy nhựa ở những
mối hàn.
“Chợ Đồng Xuân”
Chợ Đồng Xuân thời vẫn đủ năm nhịp mái. Lá cờ đỏ rất to trên nóc báo
hiệu ảnh được chụp trong một ngày lễ. Thuở đó người đi bộ tràn xuống
lòng đường chủ yếu chen lấn với xe đạp và xe điện. Cửa chợ là ga tàu
điện nên rất đông đúc, tốc độ chậm nên rất ít khi xảy ra tai nạn ở khu
vực này.
“Hàng đan tre nứa”
Vậy dụng gia đình làm bằng tre, mây hay các nguyên liệu tự nhiên cách
đây 30 năm vẫn còn phổ biến, nó là sản phẩm lúc nông nhàn của các làng
nghề quanh Hà Nội. Lúc đó đồ nhựa đã xuất hiện lớn là từ miền Nam đưa
ra. Nhưng các sản phẩm như rổ, rế, lồng bàn, rây bột hay chổi phất trần
(bằng lông gà) vẫn bày bán trong các cửa hàng. Tất cả đều thân thiện với
môi trường.
“Xích lô”
Xích lô vốn là loại phương tiện chở người vừa văn mình, vừa sang
trọng so với xe tay người kéo, xuất hiện thời kỳ “tạm chiếm” (1947 –
1954). Sang chính thể mới, người ngồi trên xe cho kẻ khác chở bị gọi là
bóc lột, nên ít chở người. Thời chiến dùng để chở hàng, chở đạn, phuy
nước cứu hỏa hay người bị thương.
“Chợ”
Người dân thời bấy giờ sống nhờ vào tem phiếu cho những lương thực cơ
bản như gạo và bột, nhưng có điều kiện họ vẫn mua thêm ở chợ. Tôi luôn
nhớ đến khu vực quanh chợ Đồng Xuân (chợ Bắc Qua) là nơi buôn bán thực
phẩm. Những người bán hàng ở chợ đến từ những ngôi làng xung quanh với
quang gánh trên vai, hoặc đẩy trên xe xích lô trĩu nặng những bao tải
hàng.
“Chợ Đồng Xuân”
Chợ Đồng Xuân bán rất nhiều loại rau thơm, nhiều nhất là rau mùi. Cua
đồng, ếch cá dựng trong những thùng nước – dù rằng thời đấy vẫn chưa có
ống bơm để giữ cho nước sạch. Ở chợ còn bán các loại thịt, nhiều nhất
là thịt lợn và gà – thỉnh thoảng có cả thịt chó, ngan và vịt được bán
trong lồng.
Trầu cau và các món đặc sản theo mùa cũng được bày bán như hoa, đặc
biệt là hoa sen với hương thơm kì diệu của nó, hay thú nuôi như cá vàng
hay chim cảnh (chim này được mang đến từ những ngôi làng xung quanh hồ
Tây). Những đồ đan như giỏ, chiếu thật đơn giản, rẻ nhưng rất đẹp. Ta có
thể mua những đôi dép cao su từ vỏ xe cũ nhưng vải thì phải mua bàng
tem phiếu nên rất hiếm. Hoàn toàn không có món hàng nào là hàng nhập.
Những mặt hàng của nhà nước chủ yếu được bán trong những cửa hàng của
nhà nước. Tất cả những gì bán ở chợ là những gì người dân tự làm ra hoặc
trồng lấy – John Ramsden
“Cảnh trên vỉa hè”
Ông già cắt tóc cho ông già, bà già ngồi bên gánh nhãn bán trên vỉa
hè. Những người già kiếm sống là những hình ảnh thường thấy ngay ở Thủ
Đô trong thời buổi khó khăn khi trai tráng vẫn còn ngoài mặt trận ở biên
giới hay bên các công trường xây dựng.
“Hàng rau quả”
Xếp hàng mua rau củ quả… loại thực phẩm không cần tem phiếu tại một cửa hàng của hợp tác xã mua bán hay mậu dich mở trong phố.
“Xếp hàng lấy nước”
Những ngày mất nước, hàng dãy thùng xếp hàng mà chủ nhân không “thèm”
có mặt. Nhưng họ ở đâu đó, chỉ cần dòng nước đầu tiên vừa ồ chảy là cả
khu vực đông đúc, ồn ào, có lúc là tiếng cười vì niềm vui được có nước
dùng, lại có cả tiếng cãi nhau vì ai cũng muốn có nước về nhà dùng.
“Chờ nước”
Người chờ nước ở đây đã đào cả xuống dưới mặt vỉa hè để tăng áp lực ống nước giúp lấy nước nhanh hơn.
“Công nhân xưởng xay gạo”
Xưởng xay gạo này nằm ở phố Đào Duy Từ, trước đây là một chợ gạo.
Nghề xay gạo tồn tại qua nhiều năm, đến năm “cải tạo xã hội chủ nghĩa”
gom máy móc lại thành hợp tác xã hay xí nghiệp hợp doanh. Những người
làm việc ở đây ăn mặc có vẻ lam lũ và khăn khẩu trang kín mặt để tránh
bụi là thợ thuyền nhưng cũng có thể là tư sản cải tạo.
“Bán bột sắn”
Trên vỉa hè phố Ngõ Gạch, người ta bán bột sắn (trong Nam gọi là củ
mỳ) đựng trong túi giấy. Ngôi nhà phía sau là một hợp tác xã xay xát.
Bột sắn dùng để làm các loại bánh thay thế bột gạo là thứ lương thực nhà
nước quản lý rất ngặt ngèo, phân phối định lượng cho người dân theo
tiêu chuẩn mua bằng tem phiếu.
“Kiến trúc thuộc địa”
Ngõ phố này có môtip của những dãy phố được xây trước thời khủng
hoảng 1930 khi dân số Hà Nội bùng nổ trong cuộc khai thác thuộc địa lần
thứ hai. Những ngôi nhà này vừa tầm cho công chức hạng trung hoặc tầng
lớp trung lưu mua hoặc thuê.
“Phố Tràng Tiền”
Con đường nội đô hình thành sớm nhất và cũng trở nên đường phố sang trọng nhất Hà Nội là Tràng Tiền. Cảnh lam lũ diễn ra trong ảnh cũng chỉ là hãn hữu. Phía sau Nhà Hát Lớn từ Bác Cổ cho đến Phà Đen, trên triền đê là nơi tập kết tre nứa luồng dỡ từ các bè thả từ miền ngược xuống. Có thể đây là chiếc xe bò chở những cây tre mượn đường để vào nội thành dùng làm dàn giáo hay đóng cọc trên các công trình xây dựng.
“Trạm nước sôi”
Hồi chiến tranh phá hoại và những năm 80 nghèo khó, ở Hà Nội có rất nhiều địa điểm bán nước sôi như tấm ảnh này. Nước nóng là một nhu cầu của dân phố vào lúc nguồn nước và chất đốt khan hiếm, nhất là về mùa đông.
Một cái lò than đun và một thùng phuy để bán lẻ nước sôi tính tiền
theo từng phích hay ấm cho người dùng. Quản lý các nơi này là các “tổ
phục vụ” nhằm mục tiêu như tên gọi hơn là kinh doanh thuần túy.
Cửa hàng “các món đặc sản”
Phố Tạ Hiện thời kỳ bao cấp. Các cửa hiệu đều có biển “đặc sản” nhưng
không có “thương hiệu” vì e ngại bị coi là làm ăn lớn. Thời này, người
Hà Nội chưa quen ăn đồ biển, vả lại chất lượng rất thấp lại không có
phương tiện vận chuyển và bảo quản. Các loại thịt gia súc (bò, lợn…) đều
nằm trong diện nhà nước quản lý. Gà vịt cũng không nhiều, do vậy các
món chế biến từ chim bồ câu quay (quay hay hầm) là thức cho đến nay khi
Tạ Hiện là khu phố ẩm thực nổi tiếng, vẫn được coi là đặc sản.
Mặt nạ Trung Thu”
Đồ chơi Trung Thu của thời buổi khó khăn nhưng vẫn rất truyền thống:
những chiếc mặt nạ giấy bồi và những chiếc giỏ bằng giấy trong có các
con giống làm bằng bông (con thỏ, lợn, cò…)
“Hoa bưởi”
Món quà ngày Tết Trung Thu rất giản dị là các quả bưởi được gọt vỏ
rất khéo cho khỏi dứt để cuộn thành những cái đài hoa màu xanh phía
dưới. Phần cùi được bổ dọc rồi cuộn lại cứ như thế đến phần múi, gài
thêm nhánh lá măng… Thế là thành một đài hoa trang trí trên mâm cỗ… Khi
dùng thì bóc tách phần múi ra khỏi vỏ là ăn được liền. Bây giờ bị coi là
“quê”, ít thấy ai làm.
“Chợ Tết”
Chợ hoa ngày Tết ở phố Hàng Lược. Người ta buôn bán những thức rất truyền thống như quất và thược dược.
“Câu cá ở hồ Đồng Nhân”
Niềm vui của một đứa trẻ khi câu được một con cá trên hồ Đồng Nhân
trước đền thờ Hai Bà Trưng dường như thời nào cũng có. Hà Nội lắm hồ nên
những người hay câu cá trên những mặt hồ này khá đông, không chỉ trẻ
con mà nhiều người lớn. Nói chung là không ai cho phép nên câu được con
cá thì niềm vui lớn hơn giá trị của những con cá ngoài chợ hay trên mâm
cơm.
“Sân chơi”
Trẻ em chơi bập bênh trên khoảng đất phía ngoài nhà tù Hỏa Lò lúc này
vẫn là nơi tạm giam phạm nhân thành phố Hà Nội. Khoảng đất này nằm ở
góc Hàng Bông Thợ Nhuộm và Hai Bà Trưng là dấu tích của những địa điểm
vui chơi cho trẻ được xây dựng khá nhiều vào thời trước chiến tranh phá
hoại nay còn sót lại.
“Đường tàu vào ga Hàng Cỏ”
Hà Nội có một đường tàu hỏa đi ngang trung tâm thành phố, ngoài đoạn
cầu dẫn đi hết phố Phùng Hưng thì bắt đầu đi ngang qua những con đường
nhựa trong thành phố. Đường tạo ra khoảng lưu không phía sau lưng các
dãy nhà nên dễ bị dùng làm nơi xả phế thải.
“Chuyến xe khách”
Trên thùng xe ghi rõ chỉ số 4 tấn/55 người nhưng bao giờ cũng quá
tải. Chạy trong thành phố gọi là xe buýt chỉ là các loại xe nội địa,
nhập từ mấy nước Đông Âu hay Liên Xô rồi đóng vỏ tại các nhà máy như Hòa
Bình, Ngô Gia Tự, 1- 5…Loại xe ca trở khách sang trọng nhất khi đó là
“Hải Âu” chỉ để chở người của nhà nước hay văn công và cải tiến cho nhà
tang lễ.
“Dân chơi Hà Nội năm 80”
Vào những năm 80, Hà Nội đã có nhiều xe máy hơn, chủ yếu là những xe
được đưa từ miền Nam ra. Sở hữu một chiếc Honda như người trong ảnh cũng
là một tài sản không nhỏ. Không nhớ khi đó đã có xe ôm ở Hà Nội chưa?
“Một gia đình bên chiếc xe đạp”
Phương tiện di chuyển chủ yếu của các gia đình Hà Nội tất nhiên là
chiếc xe đạp mang nhãn hiệu “thống nhất”, món hàng được coi là giá trị
nhất dành được phân phối dành cho công nhân viên chức. Bố mẹ, hai đứa
con và những chiếc can nhựa có thể chứa nhiều loại nhu yếu phẩm từ dầu
hỏa, nước mắm cho đến rượu.
“Cửa hàng rút lốp xe đạp”
Những năm 80 bao cấp, có được cái xe đạp đã khó, mua được phụ tùng
thay thế càng không dễ. Đôi khi xảy ra nghịch lý: xe đạp của mình cỡ
vành 650mm lại được cơ quan phân cho cỡ lốp 680mm, nên mới có dịch vụ
“rút lốp” tức là cắt ngắn cái “tanh” (đai bằng thép ở mép lốp) rồi rút
ngắn cái lốp cho vừa với vành. Còn cả nghề đắp lốp để tận dụng những cái
lốp đã mòn hay rách đem đắp lên những mảnh cao su sống rồi cho vào
khuôn ép nóng để dùng tiếp.
“Đền Voi Phục”
Đền Voi Phục cách đây 30 năm tách biệt với khu trung tâm dân cư ở Hà
Nội bởi những cánh đồng này là đường Kim Mã. Nhưng có đường tàu điện nối
với Cầu Giấy nên Voi Phục là nơi trẻ con học sinh Hà Nội hay đi cắm
trại. Cảnh hồi đó còn vắng vẻ, cây cối um tùm là một trong những di tích
cổ và thiêng liêng nhất Hà Nội. Bây giờ người ta sửa sang lại có cả
vườn Bách Thú nên sầm uất hơn nhưng dáng vẻ cổ tích thì càng ngày một
phai nhạt.
“Cảnh Hồ Tây”
Hồ Tây từng là không gian yên tĩnh và thanh bình. Đỉnh của rặng cây
là đường chân trời, chưa có nhà cao tầng nào. Những làng ven hồ đều sống
bằng nghề trồng trọt và thủ công truyền thống. Ở đó còn có những đền
chùa rất đẹp, là nơi cầu nguyện và tĩnh tâm – trong không gian đó chỉ
nghe thấy tiếng mõ tụng kinh và tiếng chim hót từ cây cối xung quanh –
John Ramsden.
“Tượng trong chùa Lý Quốc Sư”
Đây là tượng phu nhân của một vị quan triều đình ở chùa Lý Quốc Sư.
Tôi luôn rất xúc động trước vẻ đẹp của tượng. Những vết rạn trên lớp sơn
càng làm cho vẻ mặt của tượng bà thêm nét biểu cảm. Việc trùng tu các
đền chùa lúc bấy giờ chưa có ngân sách, nhưng mọi người đã làm hết sức
để giữ gìn chúng. 30 năm sau khi tôi quay trở về nơi này để thăm bức
tượng xưa, người gác đền đã giải thích cho tôi biết bà là ai và còn kể
là bà đã được thêm một lớp sơn. – John Ramsden.
“Ngoại ô Hà Nội”
Vào những ngày cuối tuần, được sự cho phép của Bộ Ngoại Giao, chúng
tôi thường đến thăm những địa điểm ở vùng ngoại ô thủ đô như Chùa Hương,
Chùa Thầy và Chùa Bút Tháp. Những ngôi chùa cổ kính này là biểu tượng
của một lịch sử hào hùng; lúc đó thường khá vắng vẻ, ngoài một vài người
dân địa phương đến thờ cúng. Tuy nhiên vào mùa lễ hội thì khác hẳn. Tôi
sẽ không bao giờ quên lễ hội ở làng Đồng Kỵ, những quả pháo khổng lồ
được rước quanh các ruộng lúa vào trước sân Đình với mái ngói cong vút
rất ấn tượng – và được cho nổ ngay giữa đám đông người xem.
Trong những lần đi ra ngoại ô, chúng tôi có đôi lần dừng chân tại một ngôi làng nhỏ ven đường, vô tình quan sát cuộc sống dân dã bình dị nơi thôn quê. Mỗi ngôi làng dường như đều có một ngôi đình, kết hợp là nơi để đập lúa trên sân. Tôi có rất nhiều ảnh làng quê, nhưng sẽ dành cho một dịp triển lãm khác – John Ramsden.
Hội xuân Đồng Kỵ
Hội pháo ở Đồng Kỵ, một làng nghề ở Bắc Ninh. Có nhiều người lên Hà
Nội sinh sống và cứ đến Tết là cùng dân thành phố kéo về hội làng với
cái thú được xem các thôn rước quả pháo khổng lồ ra đình làng đốt thi.
Hội Đồng Kỵ, bây giờ vẫn đông, vẫn rước pháo nhưng không thấy tiếng pháo
nổ vì pháo vẫn to, vẫn đẹp nhưng rỗng ruột kể từ khi nhà nước cấm đốt
pháo.
*
Trên đây là một số bức ảnh tiêu biểu cho triển lãm. Theo tôi đây là
một triển lãm hay cho các bạn trẻ hoài niệm vẫn hay về Hà Nội một thời
xưa cũ. Nhưng với tuổi trẻ của mình, tôi luôn đặt ra câu hỏi: tại sao
tất cả chúng tôi ở thành phố này luôn hoài niệm về một “ngày xưa”, khi
mà quá khứ cũng đã từng là hiện tại và hiện tại sau này sẽ trở thành quá
khứ. Phải chăng căn bệnh hoài niệm là do hiện tại không đủ cho chúng
tôi thỏa mãn. Hay ở phương diện nào đó, ở hiện tại chúng tôi tìm thấy ít
sự thật hơn so với những quá khứ đã qua?
Triển lãm: 8:00 – 17:00, 19 – 26. 10. 2013
Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội
“Khi John Ramsden, một nhà ngoại giao Anhlàm việc tại Việt Nam từ năm 1980 – 83, bấm máy ghi lại hình ảnh cuộc sống con người Hà Nội thời bấy giờ, có lẽ ông không nghĩ rằng những bức ảnh đó được triển lãm tại đây, cho những con người ở Hà Nội 30 năm về sau. Với John, nhiếp ảnh lúc đó không chỉ là một sở thích, đó còn là cách ông làm quen và khám phá một môi trường mới, một thành phố xa lạ về cả địa lý lẫn văn hóa phong tục tập quán. Ông đến Hà Nội bốn tháng sau khi nhận quyết định làm phó đại sứ tại Việt Nam, với vốn vỏn vẹn vài câu tiếng Việt giao tiếp trong suy nghĩ chung của phương Tây về một thành phố khép kín sau chiến tranh…”
Tác giả John Ramsden đang nói chuyện với người xem.
“Đền Bạch Mã”
“Tàu điện phố Hàng Bông”
“Hàng bán bia mộ phố Hàng Mắm”
“Khách sạn Thống Nhất”
“Phố Lý Thường Kiệt”
“Đây là một trong những tấm ảnh đầu tiên tôi chụp tại Hà Nội”
“Cây đa và phố”
“Bùi Xuân Phái”
Một tranh của ông Phái.
“Một góc phố cổ”
“Góc phố Tô Tịch”
“Ông thợ sửa giầy”
“Chợ Đồng Xuân”
“Hàng đan tre nứa”
“Xích lô”
“Chợ”
“Chợ Đồng Xuân”
“Cảnh trên vỉa hè”
“Hàng rau quả”
“Xếp hàng lấy nước”
“Chờ nước”
“Công nhân xưởng xay gạo”
“Bán bột sắn”
“Kiến trúc thuộc địa”
“Phố Tràng Tiền”
Con đường nội đô hình thành sớm nhất và cũng trở nên đường phố sang trọng nhất Hà Nội là Tràng Tiền. Cảnh lam lũ diễn ra trong ảnh cũng chỉ là hãn hữu. Phía sau Nhà Hát Lớn từ Bác Cổ cho đến Phà Đen, trên triền đê là nơi tập kết tre nứa luồng dỡ từ các bè thả từ miền ngược xuống. Có thể đây là chiếc xe bò chở những cây tre mượn đường để vào nội thành dùng làm dàn giáo hay đóng cọc trên các công trình xây dựng.
“Trạm nước sôi”
Hồi chiến tranh phá hoại và những năm 80 nghèo khó, ở Hà Nội có rất nhiều địa điểm bán nước sôi như tấm ảnh này. Nước nóng là một nhu cầu của dân phố vào lúc nguồn nước và chất đốt khan hiếm, nhất là về mùa đông.
Cửa hàng “các món đặc sản”
Mặt nạ Trung Thu”
“Hoa bưởi”
“Chợ Tết”
“Câu cá ở hồ Đồng Nhân”
“Sân chơi”
“Đường tàu vào ga Hàng Cỏ”
“Chuyến xe khách”
“Dân chơi Hà Nội năm 80”
“Một gia đình bên chiếc xe đạp”
“Cửa hàng rút lốp xe đạp”
“Đền Voi Phục”
“Cảnh Hồ Tây”
“Tượng trong chùa Lý Quốc Sư”
“Ngoại ô Hà Nội”
Trong những lần đi ra ngoại ô, chúng tôi có đôi lần dừng chân tại một ngôi làng nhỏ ven đường, vô tình quan sát cuộc sống dân dã bình dị nơi thôn quê. Mỗi ngôi làng dường như đều có một ngôi đình, kết hợp là nơi để đập lúa trên sân. Tôi có rất nhiều ảnh làng quê, nhưng sẽ dành cho một dịp triển lãm khác – John Ramsden.
Hội xuân Đồng Kỵ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét