"Để có sách giáo khoa điện tử phải có người làm nội dung sách chứ, hiện nay chúng ta vẫn đang bàn cãi mệt nghỉ về cái đề án nghìn tỷ đổi mới sách giáo khoa phổ thông. Vấn đề này vẫn chưa xong, chưa xác định được tổng chỉ huy cho công cuộc đổi mới sách giáo khoa vậy làm gì có nội dung mà đưa vào sách điện tử", GS Nguyễn Xuân Hãn – ĐH Quốc gia Hà Nội bày tỏ.
Đề án máy tính bảng 4.000 tỉ đồng của Sở GD ĐT TP.Hồ Chí Minh đang nhận được nhiều luồng ý kiến phản đối gay gắt của dư luận. Trong đó, rất nhiều giáo viên, chuyên gia giáo dục quan ngại về tác động xấu và sự tốn kém mà đề án sẽ mang lại.
Tập trung vào chơi nhiều hơn học
“Sách giáo khoa điện tử rất hay nhưng việc đưa vào sử dụng một cách hiệu quả là rất khó. Trong khi đó, việc đầu tư cho nó là rất lớn, bình thường hiện nay một máy tính bảng khoảng hơn 4 triệu nếu tính hiệu quả sử dụng mà có thể sử dụng được từ lớp 1 đến lớp 12 thì quá tốt rồi nhưng vì nó là đồ điện tử liệu nó có bền được đến lớp 12 hay không? Các con sử dụng có giữ được không?
Chỉ cần rơi, vỡ, giằng co nhau…là lại phải thay, không thay ngay thì không có gì học. Trong khi đó, ở nước ta rất nhiều gia đình sẽ không đủ kinh tế để trang bị cho con thiết bị này. Bản thân tôi thì tin chắc rằng những thiết bị điện tử như máy tính bảng không thể có độ bền đến 12 năm trong khi người sử dụng lại là độ tuổi quá nhỏ.
Người ta tính 12 năm với 4 triệu thì mỗi năm chỉ hết hơn 300.000 đồng, nhưng một bộ sách giáo khoa của học sinh lứa tuổi này cũng chỉ hết từng ấy tiền mà không sợ bị hỏng, vỡ, mất cắp…
Hơn nữa, ở lứa tuổi này, nếu đưa cho các cháu một máy tính bảng thì chắc chắn các cháu sẽ tập trung vào việc chơi nhiều hơn việc học. Trong trường cũng có một giáo viên cho con thử học theo máy tính bảng và chỉ sau vài hôm cháu đã tìm được rất nhiều trò chơi điện tử trong máy để trốn mẹ chơi rồi”.
Hạn chế khả năng đọc viết
“Nói về lợi thế, đề án mỗi học sinh một máy tính bảng có nhiều thuận lợi như: Các em sẽ không phải xách những cặp sách nặng nề đến trường nữa mà chỉ cần cầm một máy tính bảng, có thể tìm kiếm, chia sẻ thông tin, nộp bài cho giáo viên rất hiệu quả. Vấn để của cái đề án này là ở chỗ giá thành của nó như thế nào để có thể làm đại trà được.
Một vấn đề khác là một thiết bị không thể là một nơi để chứa sách giáo khoa được, trong khi đó, nguyên tắc của một máy tính bảng là tìm kiếm thông tin, lưu trữ và chia sẻ.
Chỉ khi nào ta sử dụng hết 3 tính năng này thì mới đem lại hiệu quả tối ưu về việc học.
Một lo ngại nữa đối với giáo viên là việc sử dụng máy tính bảng ở độ tuổi từ lớp 1 đến lớp 3 sẽ làm hạn chế khả năng tập đọc, tập viết chữ, số của các em vì đây là giai đoạn các em cần tập đọc và tập viết.
Nếu học bằng máy tính bảng thì chúng ta phải song song với các phương pháp truyền thống khác như có giờ rèn chữ…để giữ cho các em duy trì được việc viết chữ”.
Lại một sự vẽ vời tốn kém
“Tôi không hiểu tại sao họ lại có ý tưởng trang bị cho mỗi học sinh một máy tính bảng ở thời điểm mà rất nhiều học sinh Việt Nam còn đang thiếu sách, thiếu bút, thiếu vở để có thể đến trường vào đầu năm học mới…
Đó là chưa kể đến việc nhiều học sinh vùng khó còn ăn chưa no, mặc chưa ấm. Trước, ngành giáo dục cũng đã đưa vào sử dụng bảng tương tác thông minh trong các trường học. Hiệu quả đến đâu?
Đã có ai thống kê? Chỉ thấy báo chí kêu rất nhiều về việc nhiều trường mua mà không biết sử dụng, sử dụng không hiệu quả, thậm chí có trường mang nợ vì bảng tương tác, trang bị để cho đẹp, cho có….
Vậy thì, liệu máy tính bảng có rơi vào vết trượt này? Nó là một sự lãng phí vô cùng nếu như thực hiện nó không ra sao. Ta nên nghĩ đến việc đổi mới tư duy dạy và học như thế nào trước.
Hơn nữa, để có sách giáo khoa điện tử phải có người làm nội dung sách chứ, hiện nay chúng ta vẫn đang bàn cãi mệt nghỉ về cái đề án nghìn tỷ đổi mới sách giáo khoa phổ thông.
Vấn đề này vẫn chưa xong, chưa xác định được tổng chỉ huy cho công cuộc đổi mới sách giáo khoa vậy làm gì có nội dung mà đưa vào sách điện tử, mà số hóa. Việc kiểm định nó sẽ như thế nào, cập nhật ra sao khi ta có chương trình mới, sách giáo khoa mới?"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét