DJ được coi là linh hồn của những cuộc vui nên ở các vũ trường, chủ quán muốn "níu giữ" được khách thì họ phải tìm cho mình được DJ giỏi, biết được gu âm nhạc của khách hàng, đa số là giới trẻ. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam có rất nhiều DJ nhưng số DJ được biết đến với tài chơi nhạc không nhiều mà hầu hết khán giả biết đến họ qua những hình ảnh gợi cảm hay những bản mix trên mạng. Vậy làm sao để trở thành một DJ thực thụ và được đông đảo khán giả ghi nhận? Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nam DJ Tommy - người đã 14 năm gắn bó với nghề DJ chia sẻ về nghề này. |
DJ Tommy là một trong những cái tên quen thuộc với giới trẻ, đặc biệt là với những khán giả yêu thích âm nhạc điện tử và sự sôi động từ vũ trường. Với nhiều năm lăn lộn với nghề DJ, anh đã thẳng thắn chia sẻ những điều thú vị về nghề này mà không phải ai cũng biết và nhìn nhận về tương lai của nghề này với con mắt của một người trong nghề.
Tommy đã từng gặp phải rất nhiều khó khăn khi theo nghề DJ
Tommy có thể cho biết anh đến với nghề DJ từ bao giờ và cơ duyên nào đã đưa anh đến với nghề này?
Mình "bén duyên" với nghiệp DJ từ năm 2000. Lần đầu tiên vào vũ trường dự sinh nhật của một người bạn, mình đã bị cuốn hút bởi DJ tại đấy. Cái cách mà anh ta điều khiển tất cả mọi người tại vũ trường đã làm mình mê mẩn và tìm mọi cách tìm hiểu và tiếp cận với DJ.
Vào thời điểm đó, DJ còn là một nghề rất là mới mẻ, với một môi trường làm việc đủ các loại thành phần xã hội, ai cũng nghĩ vũ trường là một môi trường rất xấu, âm thanh thì chát chúa... Vì vậy, khi đề xuất với gia đình việc theo đuổi nghề này, mình đã gặp phải sự phản đối dữ dội của bố mẹ.
Nhưng cuối cùng, với sự quyết tâm và lòng đam mê, mình đã thuyết phục được bố mẹ đồng ý. Sau đó, mình một mình khăn gói ra Đà Nẵng để học. Người thầy đầu tiên của mình là DJ bên Mỹ, anh ấy đã chỉ dạy một số điều căn bản về nghề DJ. Tuy nhiên, cuộc sống tự lập nơi đất khách quê người, cái khó của việc học một nghề hoàn toàn mới nên mình đã trải qua giai đoạn vào nghề rất khó khăn.
Vậy hiện tại, công việc của anh như thế nào?
Hiện tại, ngoài việc biểu diễn tại các tỉnh và ở nước ngoài thì tại Hà Nội, mình chỉ biểu diễn ở những cơ sở của mình và làm những công việc kinh doanh nhưng liên quan trực tiếp đến nghề.
Tommy cho biết, số lượng DJ Việt Nam vẫn đang trên đà phát triển với tốc độ chóng mặt
Sau một thời gian học tại Mỹ và trở về Việt Nam làm việc, anh thấy những DJ ở Việt Nam khác gì với những DJ nước ngoài?
DJ nước ngoài được đào tạo bài bản về âm nhạc trước, sau đó mới được đào tạo và rèn luyện nghề tại những môi trường chuyên nghiệp. Điều này giúp cho những DJ nước ngoài vừa có khả năng kỹ thuật và tên tuổi họ cũng nhanh chóng đến với khán giả.
Hiện tại, số lượng DJ Việt Nam vẫn đang trên đà phát triển với tốc độ chóng mặt, nhưng nếu tập trung hơn vào chuyên môn, mở rộng mối quan hệ và rèn luyện những kỹ năng đặc biệt thì mới có cơ hội sánh kịp cùng DJ nước ngoài.
Hơn 10 năm gắn bó với nghề DJ, chắc hẳn anh đã tìm cho mình được một thể loại nhạc phù hợp?
Mỗi DJ đều có thể loại nhạc yêu thích và luôn muốn cống hiến đến khán giả bằng khả năng chơi nhạc của mình. Sở trường của mình là Electro - một nhánh của EDM l(viết tắt của Electronic Dance Music) - một thể loại nhạc điện tử.
Vậy anh có thể cho biết DJ có mấy loại hình?
Có rất nhiều loại hình DJ nhưng chủ yếu có 3 loại hình chính sau: - Mobile DJ: Chuyên biểu diễn tại các event, show ngoài trời hoặc tiệc riêng; Club DJ: Chuyên chơi tại các bar, vũ trường;Producer DJ: Là những DJ sản xuất hoặc remix những bài hát thành một sản phẩm để có thể chơi tại event, bar, club...
- Ngoài ra còn 1 loại hình mới đang làm hỗn loạn giới DJ hiện nay, đấy chính là DJ Internet gồm những bạn trẻ tự phát, download những software DJ trên mạng về tự nghịch và tự phong cho mình DJ. Tình trạng này dẫn đến giảm dần chất lượng và tăng số lượng của nghề DJ.
DJ nữ có lợi thế đặc biệt hơn DJ nam đấy chính là ngoại hình.
Hiện tại ở VN đã có nơi nào đào tạo các DJ chuyên nghiệp chưa? Hay các DJ vẫn phải tự mày mò học hỏi?
Hiện tại ở Việt Nam có rất nhiều cơ sở đào tạo DJ nhưng lên tầm chuyên nghiệp thì rất hiếm. Ngoài ra với điều kiện thuận lợi về trang thiết bị như hiện nay, một số bạn trẻ có đam mê chỉ cần bỏ ra một số tiền không lớn là đã có thể sắm 1 bộ DJ về nhà để tập luyện.
Nhưng điều này dẫn đến việc chất lượng DJ sẽ kém vì không được đào tạo bài bản. Bên cạnh đó là rất nhiều DJ chỉ mới biết chơi và cũng không được đào tạo kỹ lưỡng nhưng cũng tự mở lớp dạy DJ dẫn đến chất lượng DJ ngày càng giảm nhưng số lượng DJ lại ngày một đông.
Vậy để trở thành một DJ thì cần có những kỹ năng gì? Phải trải qua những lớp đào tạo hoặc đào tạo như thế nào?
DJ là 1 nghề làm về âm nhạc nên điều kiện đầu tiên là phải được rèn luyện, học tập về âm nhạc trước khi học về nghề này. Ngoài ra, để có chỗ đứng được trong nghề này và nổi tiếng cần phải kèm theo nhiều yếu tố, ví dụ như năng khiếu, trình độ, cùng với sự tập luyện, trau dồi về nghề, kèm theo khả năng giao tiếp cũng như một phần may mắn.
Có một số nhận xét cho rằng, các DJ nữ là thường chỉ chú trọng khoe cơ thể và thiên về trình diễn hơn là chơi nhạc, anh thấy sao về vấn đề này?
DJ nữ có lợi thế đặc biệt hơn DJ nam đấy chính là ngoại hình. DJ cũng là 1 nghề về nghệ thuật, cái đẹp sẽ được ái mộ là chuyện bình thường. Thế nhưng cùng với những nữ DJ có khả năng chơi nhạc thành thạo, sáng tạo thì vẫn có nhiều bạn nữ chỉ dựa vào ngoại hình hoặc những đường cong của cơ thể để làm nghề DJ và điều này đã khiến mọi người có những định kiến, nhìn nhận không tốt về nghề DJ nữ.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này! Chúc anh sẽ thành công hơn nữa trên con đường sự nghiệp.
----------------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét