Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

Nạn nhân vụ sập hầm thủy điện nói gì khi được giải cứu

Nạn nhân vụ sập hầm thủy điện nói gì khi được giải cứu

 
  

"Chỉ trong tích tắc chúng tôi bị tách biệt với thế giới bên ngoài, bóng tối đen kịt phủ xuống. Ai cũng sợ hãi cho số phận của mình", một công nhân kể.

Chiều 19/12, toàn bộ công nhân bị mắc kẹt trong hầm thủy điện Đạ Dâng (xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) đã được đưa ra ngoài sau gần 4 ngày đêm sống trong bóng tối, sợ hãi.
Anh Nguyễn Văn Quang (30 tuổi, quê ở Hà Tĩnh) - một trong 12 công nhân mắc kẹt - kể: "Kíp của chúng tôi đi làm từ lúc 6h, trong đó có 12 người đi trước, 3 người đi sau. Chúng tôi đi vào hầm được khoảng 500 m thì bỗng hàng chục khối đất đá từ trên nóc rơi xuống, tất cả 12 người bên trong chỉ thoát chết trong gang tấc.
Chỉ trong tích tắc chúng tôi bị tách biệt với thế giới bên ngoài, bóng tối đen kịt. Thời điểm mới bị kẹt trong hầm, mọi người rất hoang mang và nghĩ rằng chỉ trong ngày đầu tiên là sẽ bỏ mạng, nhưng không ngờ phép màu đã xảy ra. Đến nay, khi về tới bệnh viện tôi vẫn không tin là mình còn sống".
suaam_zing

Các bác sĩ đang sưởi ấm cho nạn nhân nữ duy nhất. Ảnh: Hải An.

Cũng theo anh Quang, thời điểm nước dâng lên tới cổ, mọi người hoang mang tột độ, tuyệt vọng vì nghĩ rằng không còn đường sống. Thật may mắn, mọi người đã bắt được tín hiệu với lực lượng cứu nạn, được đưa ống dẫn khí, ống thoát nước ra ngoài, mực nước rút dần, niềm tin về sự sống với 12 người đã được nhen nhóm.
"Những ngày bị kẹt trong hầm, chúng tôi sợ nhất là cái lạnh, ai cũng co ro, run cầm cập. Sau mỗi lần ăn cháo, uống nước từ đường ống, chúng tôi phải thống nhất phương án tập hợp lại với nhau để nói chuyện và ca hát cho chống lại cái lạnh tê người ở trong hầm", anh Quang kể tiếp.
Trong số 12 công nhân, duy nhất chỉ có một công nhân nữ đó là chị Đặng Thị Hồng Ngọc (26 tuổi, quê Nghệ An). "Tuy là nữ công nhân duy nhất bị kẹt lại, nhưng chị Ngọc không hề sợ hãi. Chị ấy chỉ nhớ đến đứa con trai 4 tuổi đang sống cùng ông bà nội ở ngoài quê", anh Quang nói.
com_zing

Bữa cơm đầu tiên của anh Quang sau 4 ngày trong hầm tối. Ảnh: Hải An.

Còn công nhân Nguyễn Anh Tuấn cho biết từ thời điểm nhờ ống dẫn nói chuyện được với đội cứu nạn, biết những người thân đang có mặt tại hiện trường, các nạn nhân ai nấy tự động viên với nhau hướng về gia đình mình đang mất ăn, mất ngủ ngày đêm trông ngóng, nên phải cố gắng bám trụ, lạc quan để đợi tới ngày được đoàn viên.
Ông Nguyễn Viết Tỵ, bác của anh Tuấn chăm sóc cháu tại bệnh viện chia sẻ: "Tôi không tin vào mắt mình khi thấy cháu bước ra ngoài. Ai cũng nghĩ ngày mai mới cứu được. Bây giờ tôi mong nó khỏe lại rồi đưa về quê. Tôi đã gọi điện về báo cho cha mẹ cháu rồi. Gia đình tôi rất cám ơn các đơn vị đã ngày đêm cứu hộ mọi người".
Anh Nguyễn Ngọc Nhị, anh trai công nhân Hoàng Đình Hường vui mừng cho biết anh không thể tưởng tượng nổi, một cuộc giải cứu thần kỳ như phim hành động, đến bây giờ vẫn không thể tin được em trai và các công nhân khác lại được đưa ra ngoài bình an.
"Khi nhìn thấy nạn nhân đầu tiên, tim tôi đập liên hồi, chân run cầm cập dù trời không mấy lạnh. Lúc nhìn thấy em trai và tất cả mọi người được đưa ra ngoài, họ đều còn sống tôi đã không cầm được nước mắt, lấy điện thoại để báo cho những người thân ở quê biết nhưng không sao nói nên lời, một cảm xúc thật khó tả", anh Nhị hân hoan.
Theo Zing

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét