Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

Đề án đổi mới giáo dục phổ thông phải có căn cứ để Quốc hội quyết

Đề án đổi mới giáo dục phổ thông phải có căn cứ để Quốc hội quyết

(GDVN) - Ông Đào Trọng Thi đề nghị hoàn chỉnh đề án chương trình giáo dục phổ thông, đặc biệt là luận giải khoa học, để Quốc hội có đủ căn cứ ban hành Nghị quyết.
Bộ Giáo dục bảo vệ quan điểm tự biên soạn sách giáo khoa
Trình bày tại Quốc hội sáng nay, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – ông Phạm Vũ Luận đánh giá chương trình và sách giáo khoa hiện hành có những bất cập lớn:
Thứ nhất, mới chú trọng việc truyền đạt kiến thức, chưa chú trọng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; chương trình còn nặng về lý thuyết nhẹ về thực hành, nặng về dạy chữ nhẹ về dạy người, hướng nghiệp.
Thứ hai, trong thiết kế chương trình, chưa xây dựng thành hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp; nội dung giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu về tính thiết thực, tinh giản, hiện đại; việc thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục còn phiến diện, lạc hậu, chưa hướng tới mục tiêu phát triển hài hoà phẩm chất, năng lực của học sinh; chưa đáp ứng các yêu cầu về mục tiêu giáo dục đạo đức, lối sống, rèn luyện kỹ năng, phát triển khả năng sáng tạo, tự học để học tập suốt đời; còn hạn chế trong việc phát huy vai trò tự chủ của nhà trường và tính tích cực, sáng tạo của giáo viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giáo dục; chưa đáp ứng tốt yêu cầu giáo dục của các vùng khó khăn; khoa học giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình.
"Nguyên nhân của những hạn chế trên trước hết là do công tác chỉ đạo, điều hành đổi mới chương trình chưa được tiếp cận một cách hệ thống; chưa triển khai triệt để và đồng bộ các yếu tố của quá trình dạy học bao gồm: Mục tiêu, nội dung, phương pháp và đặc biệt là thi, kiểm tra, đánh giá; còn thiếu lực lượng chuyên nghiệp về phát triển chương trình; vai trò quyết định của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý trong việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa nói riêng và giáo dục nói chung chưa được coi trọng; nguồn lực dành cho giáo dục còn hạn chế. Mặt khác, những tác động khách quan làm tăng thêm những hạn chế của giáo dục như: Mặt trái của kinh tế thị trường; nhu cầu học tập của nhân dân và đòi hỏi nâng cao chất lượng giáo dục ngày càng tăng; tâm lý khoa cử, sính bằng cấp, bệnh thành tích vẫn chi phối việc dạy, học và thi…", Bộ trưởng Luận cho hay.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - ông Phạm Vũ Luận.
Đối với chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn, thẩm định và ban hành chương trình giáo dục phổ thông để sử dụng thống nhất trong toàn quốc. Dựa trên chương trình thống nhất toàn quốc, khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn nhiều bộ/cuốn sách giáo khoa khác nhau.
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các quy định về cấu trúc và tiêu chí đánh giá sách giáo khoa, biên soạn, thẩm định sách giáo khoa; thành lập Hội đồng thẩm định và tổ chức thẩm định sách giáo khoa; ban hành quyết định công nhận các bộ/cuốn sách giáo khoa được phép lưu hành dựa trên kết quả của việc thẩm định.
Ông Luận đánh giá: Ưu điểm là Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động về thời gian và công việc trong quá trình triển khai đổi mới chương trình một cách đồng bộ, kịp thời mà vẫn phát huy được lợi ích của chủ trương nhiều sách giáo khoa nêu trên. Tuy nhiên, hạn chế là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa nên có thể sẽ xuất hiện tâm lý e ngại của các tổ chức, cá nhân muốn biên soạn sách giáo khoa khác.
“Biện pháp khắc phục là tăng cường tuyên truyền giải thích để xã hội hiểu rõ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn nhằm bảo đảm tính chủ động trong việc triển khai chương trình; việc có một bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn không ảnh hưởng đến việc có các bộ sách giáo khoa khác cùng lưu hành; tất cả các bộ sách giáo khoa đều được Hội đồng quốc gia thẩm định độc lập”, ông Luận nói.
Về dự toán kinh phí như đã trình bày tại phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổng kinh phí dự kiến là 462 tỷ đồng. Tổ chức thực hiện thực hiện theo ba giai đoạn: Giai đoạn 1 (01/2015 - 6/2017), chuẩn bị các điều kiện để xây dựng chương trình và sách giáo khoa mới; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình mới; biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình mới...
Giai đoạn 2 (7/2017 - 6/2018), xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện, bổ sung chế độ, chính sách liên quan đến việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; tiếp tục biên soạn, thẩm định và phê duyệt sách giáo khoa; tiếp tục tuyên truyền về đổi mới chương trình, sách giáo khoa; thực hiện bán đấu giá bản quyền một bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn.
Giai đoạn 3 (7/2018 - 12/2021), từ năm học 2018 - 2019, triển khai áp dụng chương trình mới; tiếp tục xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện, bổ sung chế độ, chính sách liên quan đến việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; tiếp tục biên soạn, thẩm định và phê duyệt sách giáo khoa; tiếp tục tuyên truyền về đổi mới chương trình, sách giáo khoa; đánh giá, điều chỉnh, ban hành văn bản chương trình mới.
Giáo dục cơ bản nên 9 năm hay 10 năm?
Trình bày báo cáo thẩm tra đề án, ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm  Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu đề nghị: Cân nhắc dành thời gian thích đáng cho việc thực nghiệm chương trình mới. Đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này bao gồm nhiều nội dung, phương thức tổ chức giáo dục mới, cần thực nghiệm nghiêm túc, cẩn trọng trên quy mô nhỏ trước khi áp dụng đại trà để tránh rủi ro. Những đổi mới trong khuôn khổ một lớp có thể thực nghiệm đồng thời theo lớp, nhưng những đổi mới có tính chất xuyên cấp học thì phải thực nghiệm theo hình thức cuốn chiếu lần lượt từ lớp dưới lên lớp trên.
Cần tổ chức đánh giá tình trạng về đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục để xác định kế hoạch triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới cụ thể cho từng cơ sở giáo dục; nhà nước quy định những điều kiện tối thiểu để thực hiện nội dung, yêu cầu bắt buộc của chương trình giáo dục mới và ưu tiên tập trung sớm tăng cường năng lực đối với những cơ sở giáo dục gặp khó khăn. 
Việc triển khai đại trà chương trình, sách giáo khoa mới cũng cần cân nhắc hợp lý. Đối với cấp tiểu học có thể thực hiện đồng thời ở tất cả các lớp, nhưng đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông thì cần theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học.
"Đề nghị ban soạn thảo tiếp tục hoàn chỉnh Dự thảo Nghị quyết cả về nội dung, hình thức theo yêu cầu; hoàn chỉnh đề án, đặc biệt luận giải khoa học hơn những vấn đề đổi mới về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông lần này, để Quốc hội có đủ căn cứ xem xét ban hành Nghị quyết", ông Thi nhấn mạnh.
Ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm  Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Bên cạnh đó, ông Đào Trọng Thi cho biết, dư luận chung trong giới giáo dục và khoa học nhất trí giáo dục phổ thông kéo dài 12 năm và chia thành hai giai đoạn: Giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở) là giai đoạn giáo dục phổ cập, bắt buộc nhằm bảo đảm trang bị cho học sinh kiến thức phổ thông nền tảng và giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông) chuẩn bị cho học sinh tham gia thị trường lao động hoặc học lên cao đẳng, đại học và sau đại học. Tuy nhiên, về vấn đề giai đoạn giáo dục cơ bản kéo dài mấy năm thì hiện có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị giáo dục cơ bản trong 9 năm (5 năm tiểu học và 4 năm trung học cơ sở). Loại ý kiến thứ hai lại cho rằng giáo dục cơ bản cần 10 năm (5 năm tiểu học và 5 năm trung học cơ sở hoặc 6 năm tiểu học và 4 năm trung học cơ sở).
Ủy ban tán thành loại ý kiến thứ nhất vì hai lý do:
Thứ nhất, việc thực hiện giáo dục cơ bản 10 năm sẽ làm tăng thời gian giáo dục phổ cập bắt buộc thêm một năm, đòi hỏi ngân sách nhà nước tăng mạnh đầu tư cho giai đoạn giáo dục này. Việc tăng một lớp ở cấp trung học cơ sở  hoặc cấp tiểu học và giảm một lớp ở cấp trung học phổ thông sẽ gây xáo trộn, mất cân đối về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên các cấp học phổ thông. Hơn nữa, việc dôi dư cơ sở vật chất và giáo viên cấp trung học phổ thông có thể dẫn đến tăng tỉ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trung học phổ thông, đi ngược chủ trương phân luồng học sinh sau trung học cơ sở.
Thứ hai, việc kéo dài thêm một năm giáo dục cơ bản là thực sự không cần thiết, bởi vì sau trung học cơ sở, một bộ phận học sinh sẽ học sơ cấp, trung cấp nghề nghiệp hoặc tham gia lao động phù hợp và 9 năm giáo dục cơ bản hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu đối với các em. Đối với những học sinh sẽ học lên cao đẳng, đại học thì những nội dung giáo dục bổ sung, nâng cao cho các em có thể thực hiện trong năm học đầu của cấp trung học phổ thông hoặc qua mô đun văn hóa của trình độ trung cấp nghề nghiệp. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét