Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

Cô ơi, hình này thì con được mấy điểm? (Tạm biệt điểm 10 cô cho)

Cô ơi, hình này thì con được mấy điểm?

(GDVN) - Hơn một tuần sau ngày "không chấm điểm", cô nhận được nhiều câu hỏi khác nhau: Cô ơi, tại sao con không có điểm? Với nhận xét thế này thì con được mấy điểm?...
Trong hơn một tuần sau ngày thực hiện "không chấm điểm" học sinh tiểu học, các cô giáo tiểu học vẫn nhận được những câu hỏi thắc mắc của học sinh "Cô ơi, tại sao con không có điểm?, Với nhận xét như thế này thì con được mấy điểm?...", thỉnh thoảng cô vẫn hỏi "Các con thích chấm điểm hay nhận xét hơn?"
Cô ơi, tại sao con không có điểm?
Năm học 2014-2015, cô Hải Yến – giáo viên một trường tiểu học dân lập tại Hà Nội được phân công dạy khối lớp 5. Theo như mọi năm, trong các giờ dạy trên lớp, cô Yến sẽ cho học sinh làm bài tập, sau đó chấm điểm ghi sổ. Nhưng đến năm học mới này, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 30 với việc thay đổi trong cách đánh giá cho điểm, một giờ lên lớp của cô cũng không còn giống như trước.
Mấy ngày sau khi thực hiện Thông tư 30, học sinh hỏi cô "Tại sao con không có điểm?". Ảnh minh họa
Thường xuyên tìm hiểu thông tin về giáo dục, cô Hải Yến cũng biết về Dự thảo Thông tư Ban hành quy định đánh giá học sinh tiểu học. Tuy nhiên, do chưa chính thức triển khai nên cô vẫn có chút dè chừng lo lắng. Từ khi Thông tư 30 chính thức được công bố, cô bắt đầu chuẩn bị tâm lý cho những giờ học khác.
Trước ngày 15/10, cô cố gắng giảm dần việc chấm điểm, vừa kết hợp nhận xét và cho điểm để học sinh làm quen. Sau ngày 15/10, việc thực hiện hoàn toàn theo Thông tư, không còn chấm điểm thường xuyên nữa.
Hình cô khen mặt cười, chưa hoàn thành kèm mặt méo; hay lời phê cần cố gắng, đã thạo l/n...là những sáng tạo bất ngờ của thầy cô, sau 1 tuần không chấm điểm.
Đến nay, hơn 1 tuần thực hiện Thông tư 30 trôi qua cũng là khoảng thời gian cô nhận được nhiều câu hỏi thắc mắc của học sinh và của cả phụ huynh. Bốn năm học trước, từ lớp 1 đến lớp 4, sau mỗi bài làm trên lớp, các con đều được cô giáo cho điểm. Nay thấy bài làm không được chấm điểm, mấy hôm sau các con có thắc mắc “Cô ơi, tại sao con không được chấm điểm?”, “Tại sao con không có điểm?”...
Trước câu hỏi hồn nhiên của các con, cô chỉ biết ân cần giải thích: “Điểm số không quan trọng, quan trọng là các con nhìn ra lỗi sai và biết sửa sai cho đúng”. Cũng có học sinh mạnh dạn nói lại với cô “Con thích có điểm hơn”.
Cuối giờ học, thay vì vội vàng chạy ùa ra sân chơi hay xách cặp ra về, các con lại cầm vở lên hỏi cô: “Với nhận xét như thế này thì con được mấy điểm?”
Tạm biệt “Những điểm mười cô cho”
Sáng nay bước vào lớp, sau hơn 1 tuần thực hiện Thông tư 30, cô giáo tiểu học Phương Thảo có tâm sự rằng: “Cô có hỏi cả lớp “Chấm điểm và viết nhận xét, các em thích cái nào hơn”? Nhiều cánh tay giơ lên trả lời thích cô viết nhận xét hơn. Tự nhiên thấy không còn mấy nặng nề với Thông tư này nữa”. Nhiều học sinh vui, nhưng cũng có một số em trả lời rằng thích cô chấm điểm hơn.
Cô hỏi lý do tại sao, các em nói rằng “không được khoe với bố mẹ”. Lòng cô Thảo lại thấy có chút luyến tiếc khi các em không còn được háo hức về nhà thật nhanh để khoe điểm với bố mẹ, không còn được vừa tủm tỉm cười vừa ngắm những điểm 10, điểm 9 nữa.
Cô chợt nghĩ đến những câu thơ trong bài Cô giáo lớp em trong Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 (trang 60): “Những lời cô giáo giảng/ Ấm trang vở thơm tho/ Yêu thương em ngắm mãi/ Những điểm 10 cô cho”, chắc giờ sẽ đổi thành “Yêu thương em ngắm mãi/ Lời ngọt ngào cô khen”.
Tạm biệt “những điểm 10 cô cho”, tạm biệt một cách làm cũ đã thành quen thuộc để bắt đầu một cách làm mới, tuy ban đầu còn nhiều bỡ ngỡ, khó khăn nhưng biết đâu lại mang lại hiệu quả hơn cả mong muốn.  
Thông tư 30 Ban hành Quy định về Đánh giá học sinh tiểu học có hiệu lực từ ngày 15/10/2014. Theo đó, thay vì đánh giá thường xuyên bằng điểm số, giáo viên đánh giá bằng nhận xét, lời nói; đánh giá bằng điểm số chỉ ở bài kiểm tra cuối học kì và cuối năm.
Nội dung đánh giá gồm: quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức, kỹ năng từng môn học và hoạt động giáo dục khác theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học; sự hình thành và phát triển một số năng lực như: tự phục vụ, tự quản, giao tiếp, hợp tác, tự học và giải quyết vấn đề; sự hình thành và phát triển một số phẩm chất như: chăm học, chăm làm, tích cực tham gia hoạt động giáo dục, trung thực, kỷ luật, đoàn kết...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét