Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

GS Ngô Bảo Châu mở bàn tròn về đổi mới SGK và 6 câu hỏi lớn được GS luận giải

GS Ngô Bảo Châu và chuyên trang giáo dục Hocthenao.vn đã mở bàn tròn trực tuyến bàn về việc đổi mới SGK để dư luận quan tâm theo dõi và đóng góp ý kiến.
Trên chuyên trang Hocthenao.vn, GS Ngô Bảo Châu đã đưa ra 6 luận cứ để độc giả cùng đóng góp và phản biện. Theo đó, bàn tròn diễn ra từ 8h sáng ngày 20.4 và nhận được phản hồi cũng như ý kiến của hàng trăm độc giả.

GS Ngô Bảo Châu. Ảnh: internet
Dưới đây là 6 câu hỏi lớn được GS Ngô Bảo Châu luận giải:
1.Tại sao 10 năm phải đổi sách giáo khoa một lần?
Không có lập luận thực sự thuyết phục cho việc đổi sách giáo khoa định kỳ 10 năm một lần. Tại sao phải đổi sách giáo khoa theo định kỳ? Nếu định kỳ thì tại sao lại là 10 năm, chứ không phải 5 năm, 20 năm hay 50 năm. Việc cần làm định kỳ là đánh giá chất lượng sách giáo khoa thông qua thực tế sử dụng.
2. Lấy gì làm luận cứ cho việc thay đổi sách giáo khoa?
Để làm lại sách giáo khoa, cần phải chỉ ra những nội dung nào trong sách giáo hiện hành là lạc hậu, hay thiếu chính xác, những phương pháp tiếp cận nào là không phù hợp. Để thay đổi một cái gì đó, cần phải phân tích, đánh giá chính cái mà mình muốn thay đổi. Luận cứ cho việc đổi mới sách giáo khoa chỉ có thể là kết quả của việc đánh giá chất lượng sách giáo khoa thông qua thực tế sử dụng. Kết quả này có thể cho thấy sách giáo khoa tốt rồi, không cần thay đổi gì cả, hoặc sách giáo khoa cơ bản là tốt, nhưng cần sửa sai, cập nhật ở một số chỗ nhưng không cần thay đổi cấu trúc chung, hoặc là sách giáo khoa hiện hành hỏng cơ bản, phải làm lại từ đầu.
3. Ai là người rà soát đánh giá chất lượng sách giáo khoa? Ai là người kiến nghị việc thay đổi sách giáo khoa?
Quốc hội, chính phủ là cơ quan quyết định việc thay đổi sách giáo khoa, nhưng những cơ quan này không thể tự kiến nghị việc này. Đánh giá định kỳ chất lượng sách giáo khoa và kiến nghị thay đổi nếu cần thiết cũng không thể giao cho những người làm sách giáo khoa, như Nhà xuất bản hay Viện khoa học giáo dục, vì họ có quyền lợi liên quan. Việc giám sát và kiến nghi thay đổi sách giáo khoa này cần được uỷ thác cho một Uỷ ban giáo dục quốc gia độc lập với các cơ quan hành chính sự nghiệp của Bộ giáo dục và đào tạo.
4. Nếu làm lại sách giáo khoa, thì làm sách giáo khoa trước, hay làm chương trình trước?
Trên lý thuyết thì phải có chương trình rồi mới viết sách giáo khoa, không ai xây nhà xong mới mời kiến trúc sư vẽ thiết kế. Trên thực tế, xây dựng chương trình trước khi viết sách là một việc khó, không có ai được đào tạo và có kinh nghiệm để làm tổng công trình sư cho việc xây dựng chương trình học và sách giáo khoa. Trong thực tế, chúng ta viết sách giáo khoa xong rồi mới soạn chương trình.
Những người viết sách đều biết, ít khi viết mục lục trước khi viết sách. Những người đã từng viết sách đều biết, phải bắt đầu soạn một mục lục nháp, viết một vài chương sẽ thấy mục lục không ổn, sửa lại mục lục rồi lại viết tiếp…
Việc làm sách giáo khoa phức tạp hơn nhiều vì cần có sự phối hợp của nhiều người. Phối hợp như thế nào cần được thiết kế trước. Theo thông lệ quốc tế thì cần có hai nhóm độc lập, một nhóm làm chương trình, một nhóm viết sách, nhóm làm chương trình thẩm đinh công việc của nhóm viết sách, nhóm viết sách phản biện lại nhóm làm chương trình trên cơ sở những bất cập gặp phải trong quá trình viết sách.
5. Tại sao không dịch nguyên sách giáo khoa nước ngoài?
Sách giáo khoa nước ngoài rất khác nhau, ở mỗi nước, các bộ sách giáo khoa thường cũng rất khác nhau. Không có luận cứ vững chắc cho việc chọn ra một bộ nào đó, coi nó là tốt nhất, thích hợp nhất với Việt Nam rồi dịch nguyên xi. Khó có thể làm khác với cách chúng ta vẫn làm từ trước đến nay là chọn ra một số bộ sách giáo khoa tốt của nước ngoài, “tích cực” tham khảo để viết ra sách cho mình.
6. Cần thay đổi gì nhất trong chương trình và sách giáo khoa hiện hành?
Ngoại ngữ: Chất lượng học tiếng Anh là yếu tố bất bình đẳng căn bản trong giáo dục phổ thông ở Việt Nam. Trẻ xuất thân từ các gia đình khá giả được học tiếng Anh tốt hơn nhiều.
Nhân văn: Nếu như sách giáo khoa về toán và khoa học tự nhiên của Việt nam không khác đáng kể so với sách giáo khoa nước ngoài, sách giáo khoa và chương trình về xã hội và nhân văn khác nhiều cả về nội dung và phương pháp. Hiểu biết và khả năng của trẻ Việt nam về toán và khoa học cũng không khác nhiều so với trẻ em các nước khác, nhưng hiểu biết về nhân văn và khả năng ứng xử xã hội thì lại có một khoảng cách rất lớn. Vì vây, cần có những thay đổi cơ bản trong chương trình và sách giáo khoa nhân văn, cả về nội dung và phương pháp.
Sức khoẻ, lối sống, đạo đức: Xã hội thay đổi nhanh, nhiều gia đình mất phương hướng, nhà trường phải đảm nhiệm một phần vai trò giáo dục của gia đình: trẻ em cần được học những kỹ năng cơ bản để giữ gìn sức khoẻ, những nguyên tắc cụ thể để sống chan hoà với cộng đồng.
Kỹ thuật: Cần mở rộng việc dạy lập trình từ rất sớm.

Đổi mới SGK còn tranh cãi "mệt nghỉ" đã vội "vẽ" đề án máy tính bảng 4.000 tỉ

"Để có sách giáo khoa điện tử phải có người làm nội dung sách chứ, hiện nay chúng ta vẫn đang bàn cãi mệt nghỉ về cái đề án nghìn tỷ đổi mới sách giáo khoa phổ thông. Vấn đề này vẫn chưa xong, chưa xác định được tổng chỉ huy cho công cuộc đổi mới sách giáo khoa vậy làm gì có nội dung mà đưa vào sách điện tử", GS Nguyễn Xuân Hãn – ĐH Quốc gia Hà Nội bày tỏ.
Đề án máy tính bảng 4.000 tỉ đồng của Sở GD ĐT TP.Hồ Chí Minh đang nhận được nhiều luồng ý kiến phản đối gay gắt của dư luận. Trong đó, rất nhiều giáo viên, chuyên gia giáo dục quan ngại về tác động xấu và sự tốn kém mà đề án sẽ mang lại.
Tập trung vào chơi nhiều hơn học


Bà Nguyễn Thanh Hà – Hiệu trưởng trường THCS Thăng Long – Ba Đình - Hà Nội.
“Sách giáo khoa điện tử rất hay nhưng việc đưa vào sử dụng một cách hiệu quả là rất khó. Trong khi đó, việc đầu tư cho nó là rất lớn, bình thường hiện nay một máy tính bảng khoảng hơn 4 triệu nếu tính hiệu quả sử dụng mà có thể sử dụng được từ lớp 1 đến lớp 12 thì quá tốt rồi nhưng vì nó là đồ điện tử liệu nó có bền được đến lớp 12 hay không? Các con sử dụng có giữ được không?
Chỉ cần rơi, vỡ, giằng co nhau…là lại phải thay, không thay ngay thì không có gì học. Trong khi đó, ở nước ta rất nhiều gia đình sẽ không đủ kinh tế để trang bị cho con thiết bị này. Bản thân tôi thì tin chắc rằng những thiết bị điện tử như máy tính bảng không thể có độ bền đến 12 năm trong khi người sử dụng lại là độ tuổi quá nhỏ.
Người ta tính 12 năm với 4 triệu thì mỗi năm chỉ hết hơn 300.000 đồng, nhưng một bộ sách giáo khoa của học sinh lứa tuổi này cũng chỉ hết từng ấy tiền mà không sợ bị hỏng, vỡ, mất cắp…
Hơn nữa, ở lứa tuổi này, nếu đưa cho các cháu một máy tính bảng thì chắc chắn các cháu sẽ tập trung vào việc chơi nhiều hơn việc học. Trong trường cũng có một giáo viên cho con thử học theo máy tính bảng và chỉ sau vài hôm cháu đã tìm được rất nhiều trò chơi điện tử trong máy để trốn mẹ chơi rồi”.
Hạn chế khả năng đọc viết

Bà Tô Thụy Diễm Quyên – chuyên gia giáo dục Microsoft năm 2013 - đại diện cho các giáo viên Việt Nam tham dự Diễn đàn Giáo dục Toàn cầu tại Barcelona.

“Nói về lợi thế, đề án mỗi học sinh một máy tính bảng có nhiều thuận lợi như: Các em sẽ không phải xách những cặp sách nặng nề đến trường nữa mà chỉ cần cầm một máy tính bảng, có thể tìm kiếm, chia sẻ thông tin, nộp bài cho giáo viên rất hiệu quả. Vấn để của cái đề án này là ở chỗ giá thành của nó như thế nào để có thể làm đại trà được.
Một vấn đề khác là một thiết bị không thể là một nơi để chứa sách giáo khoa được, trong khi đó, nguyên tắc của một máy tính bảng là tìm kiếm thông tin, lưu trữ và chia sẻ.
Chỉ khi nào ta sử dụng hết 3 tính năng này  thì mới đem lại hiệu quả tối ưu về việc học.
 Một lo ngại nữa đối với giáo viên là việc sử dụng máy tính bảng ở độ tuổi từ lớp 1 đến lớp 3 sẽ làm hạn chế khả năng tập đọc, tập viết chữ, số của các em vì đây là giai đoạn các em cần tập đọc và tập viết.
Nếu học bằng máy tính bảng thì chúng ta phải song song với các phương pháp truyền thống khác như có giờ rèn chữ…để giữ cho các em duy trì được việc viết chữ”.
Lại một sự vẽ vời tốn kém

GS Nguyễn Xuân Hãn – ĐH Quốc gia Hà Nội

“Tôi không hiểu tại sao họ lại có ý tưởng trang bị cho mỗi học sinh một máy tính bảng ở thời điểm mà rất nhiều học sinh Việt  Nam còn đang thiếu sách, thiếu bút, thiếu vở để có thể đến trường vào đầu năm học mới…
Đó là chưa kể đến việc nhiều học sinh vùng khó còn ăn chưa no, mặc chưa ấm. Trước, ngành giáo dục cũng đã đưa vào sử dụng bảng tương tác thông minh trong các trường học. Hiệu quả đến đâu?
Đã có ai thống kê? Chỉ thấy báo chí kêu rất nhiều về việc nhiều trường mua mà không biết sử dụng, sử dụng không hiệu quả, thậm chí có trường mang nợ vì bảng tương tác, trang bị để cho đẹp, cho có….
Vậy thì, liệu máy tính bảng có rơi vào vết trượt này? Nó là một sự lãng phí vô cùng nếu như thực hiện nó không ra sao. Ta nên nghĩ đến việc đổi mới tư duy dạy và học như  thế nào trước.
Hơn nữa, để có sách giáo khoa điện tử phải có người làm nội dung sách chứ, hiện nay chúng ta vẫn đang bàn cãi mệt nghỉ về cái đề án nghìn tỷ đổi mới sách giáo khoa phổ thông.
Vấn đề này vẫn chưa xong, chưa xác định được tổng chỉ huy cho công cuộc đổi mới sách giáo khoa vậy làm gì có nội dung mà đưa vào sách điện tử, mà số hóa. Việc kiểm định nó sẽ như thế nào, cập nhật ra sao khi ta có chương trình mới, sách giáo khoa mới?"

Đổi mới SGK: Hình thành 6 phẩm chất, 9 năng lực cho học sinh

TS Nguyễn Anh Dũng, Bộ phận thường trực đổi mới chương trình SGK phổ thông, Bộ GD&ĐT cho biết, hiện bộ phận này đã phác thảo được một số ý tưởng cơ bản về xây dựng chương trình.
TS Nguyễn Anh Dũng nói:
Theo tôi nghĩ, vấn đề cốt tử của đổi mới lần này là chúng ta chuyển từ xây dựng chương trình theo cách tiếp cận nội dung sang chương trình hướng đến hình thành năng lực. Nói một cách đơn giản như thế này:
Chương trình theo cách tiếp cận nội dung thì dạy cho học sinh biết cái gì; Còn chương trình hướng đến năng lực cho học sinh là học sinh làm được gì trên cơ sở các em biết. Như vậy năng lực là đích, là đầu ra của giáo dục. Với cách tiếp cận như vậy nó sẽ chi phối các yếu tố của chương trình như mục tiêu- tức là dạy để làm gì; nội dung dạy học - tức dạy cái gì; phương pháp và hình thức tổ chức dạy học - tức là học bằng cách nào; và cuối cùng là thi, kiểm tra, đánh giá và chất lượng giáo dục.
Nhưng mục tiêu của chương trình hiện hành cũng đề cập vấn đề dạy năng lực?
TS Nguyễn Anh Dũng
Đúng vậy, đây cũng chưa phải là cái gì mới. Ngay trong Luật Giáo dục, chúng ta cũng đã đề cập tới việc hình thành năng lực cho mỗi học trò. Tuy nhiên, chương trình lần trước chúng ta chưa làm tròn nhiệm vụ đó.Mục tiêu của chúng ta lần này có ưu điểm là hình thành nên phẩm chất và năng lực của học sinh. Cho tới nay, trên cơ sở nghiên cứu các tài liệu và xin ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học giáo dục, bộ phận thường trực đã xây dựng, đề xuất những phẩm chất, năng lực cần hình thành cho học sinh. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục xin ý kiến rộng rãi về việc này.
Những năng lực, phẩm chất đó là gì, thưa ông?
Chúng tôi đề đề xuất 6 phẩm chất cần hình thành cho học sinh: Yêu gia đình, quê hương đất nước; Nhân ái khoan dung; Trung thực, tự trọng, chí công, vô tư; Tự lập, tự tin, tự chủ; Có trách nhiệm với bản thân, cộng đồng, đất nước, nhân loại; Nghĩa vụ công dân. Trên cơ sở 6 phẩm chất này, chúng tôi xác định cần phải hình thành cho học sinh từ tiểu học đến THPT các mức độ tương ứng.
 
Học sinh trường THCS Đống Đa - Hà Nội trong một tiết học Vật lý. Ảnh: Như Ý Học sinh trường THCS Đống Đa - Hà Nội trong một tiết học Vật lý. Ảnh: Như Ý 
Chúng tôi cũng đề xuất hình thành 9 năng lực cho học sinh. Khi mà tìm hiểu để xác định 9 năng lực này, chúng tôi đã tham khảo chương trình của nhiều nước. Học sinh của mình nói riêng và dân mình nói chung việc hợp tác rất yếu nên chúng tôi chọn năng lực hợp tác. 9 năng lực đó cụ thể là: Tự học; Giải quyết vấn đề; Sáng tạo; Tự quản lý; Giao tiếp; Hợp tác; Sử dụng CNTT; Sử dụng ngôn ngữ; Tính toán.
Nội dung - cấu trúc chương trình thì có gì mới?
Ý tưởng của chúng tôi là xây dựng chương trình phổ thông thành 2 giai đoạn như Nghị quyết 29 đã đề ra: Giai đoạn giáo dục cơ bản gồm cấp tiểu học và THCS; Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp ở cấp THPT.
Thực ra chúng ta đã có Tiểu học, THCS, THPT. Nhưng trước đây chúng ta quan niệm tới THCS là xây dựng cơ sở của học vấn phổ thông, đến THPT là hoàn thiện học vấn phổ thông. Còn lần này chúng ta khẳng định đến lớp 9 là đã hoàn thành học vấn phổ thông. Cấp THPT chỉ là định hướng nghề nghiệp. Ý tưởng này sẽ chi phối việc chọn gì và dạy đến mức nào cho học sinh. Kết thúc giai đoạn cơ bản là học sinh có đủ những năng lực, những phẩm chất để có thể tiếp tục học lên hoặc bước vào đời. Cho nên sau THCS sẽ phải có việc đẩy mạnh hướng nghiệp cho học sinh - điều mà chúng ta chưa làm tốt ở chương trình hiện hành.
Đến THPT chủ yếu tập trung vào định hướng nghề nghiệp cho các em. Cụ thể, Bộ Giáo dục có ý tưởng chỉ có 4 môn học bắt buộc. Như vậy học sinh chỉ học 4 môn bắt buộc, còn lại là hoàn toàn tự chọn theo thiên hướng, theo khả năng/năng lực của mỗi học trò.
Cảm ơn tiến sĩ!


- 9 năng lực đó cụ thể là: Tự học; Giải quyết vấn đề; Sáng tạo; Tự quản lý; Giao tiếp; Hợp tác; Sử dụng CNTT; Sử dụng ngôn ngữ; Tính toán.
- 6 phẩm chất: Yêu gia đình, quê hương đất nước; Nhân ái khoan dung; Trung thực, tự trọng, chí công, vô tư; Tự lập, tự tin, tự chủ; Có trách nhiệm với bản thân, cộng đồng, đất nước, nhân loại; Nghĩa vụ công dân.

Thứ Ba, 23 tháng 12, 2014

Nội quy Ban Tăng sự trung ương nhiệm kỳ VII và quyết định ban hành của GHPGVN

Nội quy Ban Tăng sự trung ương nhiệm kỳ VII và quyết định ban hành của GHPGVN

Ngày 27/08/2013 6:33:23 AM | Xem (4965)
Chọn định dạng chữ
  • zoom in
  • zoom out
  • text align left
  • text align center
  • text align right
  • Chỉnh màu chữ
  • Làm đậm
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ
 --------------------------
Số : 243/2013/QĐ.HĐTS
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 --------------------------------------

                     Tp. Hồ Chí Minh, ngày 17 tháng 7 năm 2013
 QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Nội quy Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN

Nhiệm kỳ VII (2012 - 2017)


CHỦ TỊCH
HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

-Căn cứ điều 25, 26 chương V Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (tu chỉnh lần thứ v);
-Căn cứ Nghị quyết số 210/NQ.HĐTS ngày 02/7/2013 Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam;
-Xét tờ trình ngày 02/7/2013 của Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành Nội quy hoạt động Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ VII (2012 – 2017), gồm có 12 chương, 57 điều đã được Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự thông qua ngày 02/7/2013 (đính kèm Nội quy).
Điều 2: Các cấp Giáo hội từ Trung ương đến địa phương, khi triển khai thực hiện các hoạt động Phật sự liên quan đến lĩnh vực Tăng sự, phải tuân thủ các quy định của Hiến chương GHPGVN, Nội quy Ban Ban Tăng sự Trung ương và pháp luật Nhà nước.
Điều 3: Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng Trung ương, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng Thường trực Trung ương, Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh, cấp huyện, Trưởng ban và các thành viên Ban Tăng sự Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Nội quy này.
Điều 4: Nội quy này chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2013.

Nơi nhận :
- Như Điều 3 "để thực hiện”
- Ban Thường trực HĐTS GHPGVN
- Ban Tôn giáo Chính phủ
- Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành
"để biết”
- Lưu VP1 - VP2.
TM. BAN THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
CHỦ TỊCH
(đã ký)
Hòa thượng THÍCH TRÍ TỊNH
 
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ
 ---------------------------
BAN TĂNG SỰ TRUNG ƯƠNG
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------------------------------- 
NỘI QUI
BAN TĂNG SỰ TRUNG ƯƠNG
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 243/2013/QĐ.HĐTS ngày 17 tháng 7 năm 2013
của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt nam)

CHƯƠNG I
DANH HIỆU - MỤC ĐÍCH - CHỨC NĂNG
ĐIỀU 1: Chùa, Tổ đình, Thiền viện, Tu viện, Tịnh viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường (sau đây gọi chung là Tự viện) là đơn vị cơ sở hợp pháp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tất cả Tăng, Ni là thành viên của GHPGVN sinh hoạt, tu học và hành đạo tại đơn vị cơ sở của Giáo hội là Tự viện.
Theo quy định của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ngành thực hiện chức năng quản lý Tăng Ni, Tự Viện trên phạm vi toàn quốc, lấy tên là "BAN TĂNG SỰ TRUNG ƯƠNG GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM”, gọi tắt là Ban Tăng sự Trung ương.
ĐIỀU 2: Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN hoạt động nhằm mục đích:
a) Thống nhất lãnh đạo, quản lý Tăng, Ni và các cơ sở Tự Viện trong cả nước theo quy định của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
b) Phối hợp với các Ban, Viện Trung ương thực hiện chức năng nhiệm vụ được Giáo hội giao phó trong việc truyền bá Chánh pháp, chấn chỉnh việc sinh hoạt và hành đạo của Tăng, Ni, Tự viện theo đúng Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và pháp luật Nhà nước.
ĐIỀU 3: Chức năng của Ban Tăng sự Trung ương là y cứ Giới luật, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Pháp luật Nhà nước để giám sát, hộ trì việc tu học, hành đạo của Tăng, Ni và hoạt động Phật sự của Tự viện. Báo cáo với Ban Thường Trực Hội đồng Trị sự GHPGVN nghiên cứu và có ý kiến chỉ đạo giải quyết những vấn đề có liên quan đến ngành Tăng sự; đề xuất các dự án, chương trình hoạt động thuộc phạm vi ngành Tăng sự, trình Ban Thường trực Hội đồng Trị sự xét duyệt để thực hiện.
CHƯƠNG II
 TỔ CHỨC – NHÂN SỰ
ĐIỀU 4: Nhân sự Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự chuẩn y, gồm có:
- Trưởng ban
- Hai Phó Trưởng ban Thường trực
- Các Phó Trưởng ban
- Chánh Thư ký
- Các Phó Thư ký
- Ủy viên đặc trách Ni giới
- Ủy viên Thường trực
- Ủy viên.
ĐIỀU 5:
a. Trưởng ban, do Hội đồng Trị sự suy cử; các Phó Trưởng ban Thường trực và các Phó Trưởng ban Tăng sự chuyên trách, Chánh Thư ký, các Phó Thư ký, Ủy viên đặc trách Ni giới, Ủy viên Thường trực và Ủy viêndo Trưởng ban Tăng sự Trung ương đề cử, được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự chuẩn y bằng một quyết định.
b. Vì tính chất, hình thức đặc thù của các Hệ phái Phật giáo nên được thành lập: Phân ban Phật giáo Nam tông Khmer, Phật giáo Nam tông Kinh và Hệ phái Khất sĩ.
c. Phân ban Ni giới thuộc Ban Tăng sự Trung ương hoạt động theo Nội quy được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN phê chuẩn.
ĐIỀU 6:
a. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, thành phố (gọi chung là Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh) được thành lập Ban Tăng sự, nhân sự không quá 27 thành viên, trong đó có một Ủy viên đặc trách Ni giới. Trưởng Ban Tăng sự GHPGVN cấp tỉnh do Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh suy cử; các Phó ban, Thư ký, Ủy viên Thường trực và Ủy viên do Trưởng ban Tăng sự cấp tỉnh đề cử và được Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh chuẩn y bằng một quyết định.
b. Ủy viên Phân ban Ni giới thuộc Ban Tăng sự GHPGVN cấp tỉnh được phép thành lập Phân ban đặc trách Ni giới số lượng không quá 27 thành viên và được Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh chuẩn y bằng một quyết định.
CHƯƠNG III
 NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
ĐIỀU 7: Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN có nhiệm vụ:
a) Tổng hợp tình hình Tăng, Ni, Tự viện trong cả nước; lập các dự án, chương trình hoạt động, kế hoạch thực hiện những chủ trương, công tác Phật sự thuộc phạm vi ngành Tăng sự.
b) Thường xuyên đôn đốc Ban Tăng sự GHPGVN cấp tỉnh triển khai thực hiện các Nghị quyết, chương trình hoạt động của Giáo hội.
c) Lập danh bạ Tăng, Ni, Tự viện và chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động, sinh hoạt của Tăng, Ni, Tự viện theo Luật Phật, Hiến chương Giáo hội, Nội quy Ban Tăng sự và Pháp luật Nhà nước.
d) Lập danh sách Tăng, Ni tấn phong giáo phẩm, tuyên dương công đức trình Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, hoặc Hội nghị thường niên Hội đồng Trị sự xét duyệt, Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc thông qua.
ĐIỀU 8: Trưởng ban, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tăng sự Trung ương là thành viên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, thừa ủy nhiệm Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN ký các văn bản thuộc phạm vi ngành Tăng sự.
ĐIỀU 9: Ban Tăng sự GHPGVN cấp tỉnh có nhiệm vụ:
a) Đề xuất dự án, kế hoạch về Tăng sự trình Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh quyết định. Tổ chức, triển khai thực hiện các công tác Phật sự thuộc phạm vi ngành Tăng sự do Trung ương Giáo hội chủ trương, chỉ đạo hoặc do yêu cầu tại địa phương đặt ra.
b) Tổng hợp tình hình Tăng, Ni, Tự viện địa phương, báo cáo với Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh và Ban Tăng sự Trung ương.
c) Quản lý danh bạ Tăng, Ni, Tự viện tại địa phương.
d) Góp ý cho Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh giải quyết những vấn đề liên quan đến Tăng, Ni, Tự viện.
e) Lập danh sách tuyên dương công đức và tấn phong giáo phẩm đối với Tăng, Ni hội đủ tiêu chuẩn theo quy định của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương, trình Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh thông qua, báo cáo bằng văn bản với Ban Tăng sự Trung ương để trình Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, hoặc Hội nghị thường niên Hội đồng Trị sự xét duyệt. Thủ tục tấn phong chính thức được thực hiện tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc, được Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh phê chuẩn; Đức Pháp chủ GHPGVN ban hành Giáo chỉ tấn phong giáo phẩm.
ĐIỀU 10: Trưởng ban Tăng sự GHPGVN cấp tỉnh thừa ủy nhiệm Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh ký các văn bản thuộc phạm vi ngành Tăng sự.
ĐIỀU 11: Các vấn đề có liên quan đến ngành Tăng sự, sau khi được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN thông qua, Ban Tăng sự Trung ương sẽ phối hợp với Văn phòng Trung ương Giáo hội tổ chức triển khai, thực hiện.
CHƯƠNG IV
THÀNH PHẦN TĂNG, NI TRONG GIÁO HỘI
ĐIỀU 12: Thành phần Tăng, Ni trong GHPGVN gồm có:
-Thành phần Giáo phẩm.
-Thành phần Đại chúng.
ĐIỀU 13: Thành phần Giáo phẩm gồm có :
-Giáo phẩm Tăng: Hòa thượng, Thượng tọa.
Giáo phẩm Ni: Ni trưởng, Ni sư.
ĐIỀU 14: Thành phần Đại chúng gồm có: Tăng, Ni đã thọ giới Tỳ kheo (Đại đức), Tỳ kheo Ni (Sư cô), Thức xoa Ma na, Sa di, Sa di Ni.
ĐIỀU 15:
a. Tu nữ Phật giáo Nam tông Kinh, Khmer là những nữ tu xuất gia theo nghi thức và thọ giới biệt truyền của Phật giáo Nam tông.
b. Những nam nữ Phật tử sống và tu hành trong các cơ sở Tự viện đã đăng ký hộ khẩu nhưng chưa xuất gia, được gọi chung là "Tịnh nhơn”.
CHƯƠNG V
QUẢN LÝ TỰ VIỆN và TĂNG, NI
ĐIỀU 16: Tất cả các Tự viện là cơ sở tín ngưỡng theo đúng truyền thống của Đạo Phật được kiến tạo trước ngày 07.11.1981 (ngày Đại hội thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam), đều là đơn vị cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam theo quy định của Hiến chương Giáo hội.
ĐIỀU 17: Những cơ sở Tự viện do tổ chức, Hệ phái xây dựng trước ngày 07.11.1981, thuộc quyền quản lý, điều hành trực tiếp của các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Trung ương đến địa phương, có sự lưu tâm đến đặc thù, truyền thống của từng Hệ phái trong hệ thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
ĐIỀU 18: Những Tự viện có tín ngưỡng theo truyền thống tổ chức, Hệ phái đều do tổ chức, Hệ phái quản lý, điều hành về sinh hoạt tín ngưỡng, tu học tại các cơ sở đó, nhưng tất cả đều thống nhất quản lý về mặt tổ chức trong hệ thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
ĐIỀU 19: Những cơ sở tín ngưỡng Đạo Phật được kiến tạo sau ngày 07.11.1981 cho đến nay, nếu chưa đăng ký danh bạ Tự viện thì phải lập các thủ tục đăng ký theo quy định của Pháp luật Nhà nước.
Cơ sở Tự viện được xem là hợp pháp, về mặt luật pháp phải được sự chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; về mặt tín ngưỡng phải được Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh chấp thuận, sau đó mới được đăng ký danh bạ đơn vị cơ sở Tự viện của Giáo hội.
ĐIỀU 20: Việc xây dựng mới các cơ sở tín ngưỡng Đạo Phật tại các vùng giãn dân, vùng kinh tế mới, vùng dân tộc ít người v.v... theo thủ tục như sau:
a. Nếu là cá nhân Tăng, Ni hoặc Cư sĩ Phật tử xây dựng thì cá nhân đó làm thỉnh nguyện thư gửi Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh, để Ban Thường trực Ban Trị sự xin phép các cơ quan chức năng cấp tỉnh theo quy định của Pháp luật Nhà nước.
b. Nếu Trung ương Giáo hội hay Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh chủ trương xây dựng thì Ban Thường trực Ban Trị sự đứng đơn xin phép xây dựng theo quy định của Pháp luật.
c. Nếu địa phương chưa thành lập Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh, thì Tăng Ni hoặc Cư sĩ đệ trình Ban Thường trực Hội đồng Trị sự để được hỗ trợ và xin phép xây dựng theo quy định của Pháp luật.
ĐIỀU 21: Việc tiếp nhận hiến cúng các cơ sở Tự viện, Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật về đất đai, giải quyết vấn đề nội bộ của cơ sở cho ổn định trước khi tiếp nhận và đăng ký danh bạ.
ĐIỀU 22: Việc cải gia vi tự do Ban Trị sự kết hợp cùng Ban Tăng sự GHPGVN cấp tỉnh quyết định và phải được sự chấp thuận của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh theo quy định của Pháp luật.
ĐIỀU 23: Mẫu con dấu tròn các cơ sở Tự viện được thực hiện theo quy định chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Pháp luật Nhà nước.
ĐIỀU 24: Tất cả thành phần Tăng, Ni (Tu sĩ) như đã quy định tại các điều 12, 13, 14, 15 Chương IV đều phải lập lý lịch đăng ký vào danh bạ Tăng, Ni (Tu sĩ), Tự viện của Ban Tăng sự GHPGVN cấp tỉnh.
ĐIỀU 25: Ban Tăng sự Trung ương căn cứ danh bạ, lập danh sách Tăng, Ni (Tu sĩ) đệ trình Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp giấy Chứng nhận Tăng, Ni (Tu sĩ) để xác nhận tư cách thành viên Tăng, Ni (Tu sĩ) trong Giáo hội.
- Phân ban Tăng sự Nam tông lập thủ tục trình Hòa thượng Trưởng ban hay Phó Trưởng ban phụ trách Phật giáo Nam tông cấp tỉnh ký giấy Chứng nhận Tu sĩ; Trừ các thành viên lớn tuổi, tu lâu hoặc phát nguyện tu trọn đời thì trình Hòa thượng Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự phụ trách Phật giáo Nam tông ấn ký.
ĐIỀU 26 : Thành viên Tăng, Ni (Tu sĩ) Giáo hội Phật giáo Việt nam đều phải cư trú tại các cơ sở Tự viện hợp pháp của Giáo hội. Trường hợp vì yêu cầu phục vụ lao động sản xuất, tham gia các công tác từ thiện xã hội, phục vụ nhân dân buộc phải cư trú ngoài cơ sở Tự viện v.v... thì phải có thời gian cụ thể và được sự chấp thuận của Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh nơi đi và nơi đến.
ĐIỀU 27: Tăng, Ni không được cư trú và hoạt động tín ngưỡng Đạo Phật tại các nơi thờ tự không phải là tín ngưỡng Đạo Phật như: Đình, Đền, Phủ, Miếu, nhà trọ, nhà khách v.v... và không được cư trú tại các tư gia Phật tử.
CHƯƠNG VI
XUẤT GIA - HOÀN TỤC
ĐIỀU 28: Nam, nữ Phật tử có nguyện vọng phát tâm xuất gia, tu học tại các cơ sở Tự viện phải theo đúng Luật Phật và đủ các điều kiện sau đây:
a) Không vi phạm pháp luật. Tự tay viết đơn phát nguyện, ghi rõ lý do và nguyện vọng phát tâm xuất gia; Lý lịch cá nhân có xác nhận của cơ quan Nhà nước không quá 6 tháng.
b) Phải đầy đủ các căn, thể chất lành mạnh, không bị bệnh truyền nhiễm, bệnh tâm thần và có phiếu khám sức khỏe tốt.
c) Nam Nữ Phật tử dưới tuổi vị thành niên, do cha mẹ hoặc người giám hộ làm đơn ký thác cho vị trụ trì cơ sở Tự viện. Nam nữ Phật tử đã có gia thất, muốn xuất gia phải có sự đồng ý của vợ hoặc chồng theo các quy định tại mục a, b, c, d điều 28 chương VI Nội quy này.
d) Được Tăng, Ni trụ trì cơ sở Tự viện nơi người xuất gia đến cư trú và tu hành bảo lãnh.
e) Các nam nữ Phật tử tại địa phương có nhân duyên xuất gia, tu học phải được vị trụ trì, Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện và địa phương chấp thuận. Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện phải báo trình Ban Tăng sự GHPGVN cấp tỉnh tri tường.
f) Việc nhận người vào tu hành tại cơ sở Tự viện phải thực hiện theo quy định Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo và Nghị định của Chính phủ.
g) Nam nữ Phật tử có đầy đủ thủ tục xuất gia được Ban Tăng sự GHPGVN cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận xuất gia.
ĐIỀU 29: Tăng, Ni (Tu sĩ) đã hoàn tục, Ban Trị sự, Ban Tăng sự GHPGVN cấp tỉnh thu hồi các giấy Chứng nhận Tăng, Ni (Tu sĩ), các Chứng điệp thọ giới liên quan đến tư cách Tăng, Ni (Tu sĩ) và báo cáo về Văn phòng Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam để Ban Tăng sự xóa tên trong danh bạ Tăng, Ni.
ĐIỀU 30: Tăng, Ni đã tự nguyện hoàn tục, được phát nguyện xuất gia trở lại, nhưng phải chấp hành những quy định của điều 28 Nội quy Ban Tăng sự Trung ương; Tăng, Ni do vi phạm giới luật buộc phải hoàn tục thì không được xuất gia trở lại. Theo luật Phật chế, Ni giới đã hoàn tục thì không được phép xuất gia trở lại.
CHƯƠNG VII
GIỚI ĐÀN - GIỚI TỬ - AN CƯ SINH HOẠT ĐỊNH KỲ
ĐIỀU 31: Giới đàn là hình thức nghi lễ trong Đạo Phật, được tổ chức để truyền giới cho các Tăng, Ni trong hạn tuổi theo từng loại giới phẩm do Phật chế để tu học và hành đạo. Giới luật được ấn định trong Luật Phật như sau:
a) Thành phần Tăng giới có :
1. Giới Luật Sa di
2. Giới Luật Tỳ kheo
b) Thành phần Ni giới có:
1. Giới Luật Sa di Ni
2. Giới Luật Thức xoa Ma na
3. Giới Luật Tỳ kheo Ni
ĐIỀU 32: Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh trước khi tổ chức Đàn giới, phải lập thủ tục đăng ký với Trung ương Giáo hội và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại địa phương. Thủ tục đăng ký: Văn bản đăng ký tổ chức Đàn giới, danh sách Ban Tổ chức, danh sách Giới sư Tăng, Giới sư Ni và danh sách giới tử.
Việc tổ chức Giới đàn phải thực hiện đúng tinh thần hướng dẫn của Trung ương Giáo hội thông qua kế hoạch tổ chức của Ban Tăng sự GHPGVN cấp tỉnh và Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo.
ĐIỀU 33: Sau khi thọ giới hợp lệ, các giới tử sẽ được Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp Chứng điệp thọ giới.
ĐIỀU 34: Giới tử được tuyển chọn thọ giới Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni phải có đủ các tiêu chuẩn:
Tuổi đời từ 20 tuổi đến 60 tuổi (tính theo khai sinh).
Không vi phạm Pháp luật Nhà nước.
Các căn đầy đủ, không tàn tật, không mắc bệnh truyền nhiễm và bệnh tâm thần.
Đã thọ giới Sa di (Tăng), Thức xoa Ma na (Ni) ít nhất là 2 năm.
Có trình độ tốt nghiệp Trung cấp Phật học, văn hóa phổ thông trung học hoặc tương đương đối với các giới tử có tuổi đời dưới 30.
Trúng tuyển trong kỳ khảo hạch của Đàn giới.
Đối với Phật giáo Nam tông (Nam tông Khmer và Nam tông Kinh) thực hiện theo truyền thống của Hệ phái, nhưng phải hội đủ các quy định tại mục 1 đến mục 6 điều 34 Nội quy này; đối với Tăng, Ni giới tử Hệ phái Khất sĩ, về phần khảo hạch Giới luật và Kinh tụng, Ban Giám khảo nên chú ý đến tính biệt truyền của Hệ phái.
ĐIỀU 35:
a. Được tuyển chọn là giới tử thọ giới Sa di, Sa di Ni phải đủ các tiêu chuẩn:
Tuổi đời từ 16 tuổi trở lên đến 60 tuổi, tính theo khai sinh.
Không vi phạm Pháp luật Nhà nước.
Các căn đầy đủ, không tàn tật, không mắc bệnh truyền nhiễm và bệnh tâm thần.
Đã tu học ít nhất là 2 năm, tính từ ngày cấp giấy chứng nhận xuất gia.
Có trình độ văn hóa ít nhất là tốt nghiệp phổ thông cơ sở hoặc tương đương đối với các giới tử có tuổi đời dưới 30.
Phải thuộc các nghi thức tụng niệm tùy theo từng Hệ phái.
Phải trúng tuyển trong kỳ thi khảo hạch của Đàn giới.
b. Được tuyển chọn giới tử thọ giới Thức xoa Ma na phải đủ các tiêu chuẩn:
Tuổi đời từ 18 tuổi trở lên đến 60 tuổi, tính theo khai sinh.
Không vi phạm Pháp luật Nhà nước.
Các căn đầy đủ, không tàn tật, không mắc bệnh truyền nhiễm và bệnh tâm thần.
Đã thọ giới Sa di Ni ít nhất là 2 năm.
Có trình độ văn hóa ít nhất là tốt nghiệp phổ thông cơ sở hoặc tương đương đối với các giới tử có tuổi đời dưới 30.
Phải thuộc các nghi thức tụng niệm tùy theo từng Hệ phái.
Phải trúng tuyển trong kỳ thi khảo hạch của Đàn giới.
c. Đối với Phật giáo Nam tông (Nam tông Khmer và Nam tông Kinh) thực hiện theo truyền thống của Hệ phái, nhưng phải hội đủ các quy định từ mục 1 đến mục 7 điều 35 Nội quy Ban Tăng sự Trung ương; đối với Hệ phái Khất sĩ, về phần khảo hạch Giới luật và Kinh tụng, Ban Giám khảo nên chú ý đến tính biệt truyền của Hệ phái.
d. Đối với người xuất gia trên 60 tuổi, chỉ được thọ giới Sa di, Sa di Ni hoặc Bồ tát giới.
ĐIỀU 36: Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh không đủ điều kiện tổ chức Đại giới đàn, thì Tăng Ni giới tử có thể đăng ký thọ giới tại các tỉnh, thành hội khác, nhưng phải được Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh nơi giới tử cư trú giới thiệu, mới được xem là hợp lệ.
ĐIỀU 37: Theo Luật Phật chế, mỗi năm Tăng, Ni phải An cư 03 tháng để thúc liễm thân tâm, tinh tấn đạo nghiệp, tu tập Giới - Định - Tuệ.
Thể chế tổ chức An cư được quy định như sau:
1. Phải tổ chức An cư vào mùa hạ, tiền an cư hoặc hậu an cư.
2. Các trường hạ An cư tập trung bao gồm Tăng hoặc Ni từ 30 người trở lên trong địa phương; Tăng, Ni phải an cư riêng biệt. Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh hoặc Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức theo quy định do Trung ương Giáo hội hướng dẫn; Trường hạ tập trung do Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện tổ chức thì phải được sự chấp thuận của Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh. Trường hợp Ni chúng không đủ điều kiện an cư thì được tòng Tăng an cư.
3. Các cơ sở Tự viện có từ 05 Tỳ kheo (Tỳ kheo Ni) trở lên cư trú theo dạng tập thể, nếu thực hiện an cư tại chỗ, phải làm thủ tục đăng ký tại Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh thông qua Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện. Số lượng Tăng, Ni và chương trình sinh hoạt An cư phải được Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh chấp thuận thì việc an cư mới hợp pháp.
Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, xác minh về tình hình sinh hoạt an cư của Tăng, Ni tại các cơ sở cùng cấp.
4. Chư Tăng Nam tông (Nam tông Khmer và Nam tông Kinh), Hệ phái Khất sĩ an cư theo truyền thống Hệ phái.
ĐIỀU 38:Trước khi tổ chức trường hạ an cư tập trung, Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh hoặc Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện phải báo trình với Cơ quan Nhà nước cấp tương đương để được giúp đỡ.
ĐIỀU 39:Mỗi Tăng, Ni thực hiện an cư hợp pháp lần đầu sẽ được Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp Chứng điệp An cư.
ĐIỀU 40:Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện tổ chức sinh hoạt cho Tăng, Ni trong địa phương mỗi tháng ít nhất một lần vào 1 trong 2 ngày sám hối, Bố tát để tụng giới, kiểm điểm việc tu học của Tăng, Ni trong tháng qua đối với Đạo pháp và dân tộc theo chủ trương đường lối của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
CHƯƠNG VIII
TRỤ TRÌ - BỔ NHIỆM TRỤ TRÌ
ĐIỀU 41: Tại mỗi đơn vị cơ sở Tự viện có Tăng, Ni cư trú, Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh bổ nhiệm Trụ trì. Trụ trì là người thay mặt Giáo hội quản lý, điều hành các hoạt động của cơ sở Tự viện theo đúng Hiến chương Giáo hội và pháp luật Nhà nước. Về mặt luật pháp, trụ trì chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động Phật sự tại cơ sở Tự viện.
ĐIỀU 42: Cơ sở Tự viện tại các địa phương do Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh và Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện quản lý theo quy định tại điều 16, 17, 18 chương V của Nội quy này.
Các hoạt động Phật sự tại Tự viện, trụ trì phải tuân thủ sự hướng dẫn của GHPGVN cấp tỉnh, cấp huyện và Pháp luật Nhà nước.
Các cơ sở chưa có trụ tri, GHPGVN cấp huyện thực hiện việc đăng ký bổ nhiệm trụ trì với GHPGVN cấp tỉnh và Cơ quan Nhà nước cùng cấp.
Những cơ sở đã có trụ trì nhưng chưa có quyết định bổ nhiệm trụ trì, Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh ra quyết định hợp thức hóa trụ trì cho cơ sở đó.
ĐIỀU 43: Những cơ sở Tự viện khuyết nhiệm trụ trì, tùy theo tình hình cơ sở đó, được giải quyết theo các trường hợp:
1. Trường hợp Giáo hội có đủ nhân sự là Tăng hay Ni để bổ nhiệm trụ trì thì sẽ bổ nhiệm Tăng hay Ni (có hộ khẩu thường trú) trong địa phương thuộc phạm vi tỉnh, thành phố liên hệ cơ sở đó.
Chỉ có Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh mới có thẩm quyền ra quyết định bổ nhiệm trụ trì, thông qua ý kiến đề xuất của Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện sau khi tham khảo ý kiến nội bộ cơ sở Tự viện đó; nếu có liên quan các Hệ phái, thì phải được sự thống nhất của chư vị Giáo phẩm Hệ phái.
Quá trình tiến hành thủ tục bổ nhiệm trụ trì phải đăng ký với chính quyền ở cấp tỉnh (nếu bổ nhiệm ra khỏi quận, huyện cư trú); hoặc chính quyền quận, huyện (nếu bổ nhiệm trong cùng quận, huyện). Sau khi được sự thống nhất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh sẽ ban hành quyết định bổ nhiệm trụ trì.
Việc bổ nhiệm Trụ trì cần có sự lựa chọn những Tăng, Ni với những tiêu chuẩn như sau: Về Phật học, có trình độ Tốt nghiệp Trung cấp Phật học trở lên; về thế học, tốt nghiệp Phổ thông Trung học (tú tài) trở lên; về mặt đạo, đã thọ giới Tỳ kheo ít nhất là 5 năm (hoặc có hạ lạp từ 5 năm) trở lên, có tăng phong phẩm hạnh và đơn phát nguyện trụ trì.
2. Trong trường hợp cần thiết phải bổ nhiệm nhân sự Tăng hay Ni từ tỉnh, thành phố này đến trụ trì cơ sở Tự viện thuộc tỉnh, thành phố khác phải có sự trao đổi nhất trí giữa Ban Thường trực Hội đồng Trị sự với Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh, các cơ quan chức năng chính quyền tỉnh, thành phố liên hệ (nơi đi và nơi đến); Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh nơi đến ký quyết định bổ nhiệm trụ trì.
Trường hợp Tăng hay Ni là giáo phẩm của Giáo hội thuyên chuyển vùng sinh hoạt tôn giáo hoặc bổ nhiệm công tác, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự sẽ tham khảo ý kiến Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh và đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại địa phương.
Đối với việc bổ nhiệm trụ trì hoặc giới thiệu đương sự chuyển vùng sinh hoạt tôn giáo được thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo và Nghị định của Chính phủ.
3. Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh có quyền ra quyết định bãi miễn và thu hồi quyết định bổ nhiệm Trụ trì đối với cơ sở Tự viện, khi vị trụ trì cơ sở đó gây mất đoàn kết nội bộ, vi phạm Giới luật, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Pháp luật Nhà nước. Việc cư trú của đương sự bị bãi miễn và thu hồi quyết định trụ trì được giải quyết theo quy định của pháp luật.
4. Trường hợp không có nhân sự là Tăng hay Ni để bổ nhiệm trụ trì, Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện nơi đó triệu tập phiên họp, lập các thủ tục theo luật định, đăng ký với cơ quan Nhà nước cùng cấp để thực hiện việc quản lý điều hành cơ sở Tự viện, theo hai trường hợp:
a) Nếu cơ sở Tự viện có đông tín đồ thì công cử một Ban Hộ Tự gồm 05 thành viên: Một Trưởng ban, một Phó ban, một Thư ký, một Thủ quỹ và một Kiểm soát cho đến khi GHPGVN cấp tỉnh bổ nhiệm Tăng hay Ni làm trụ trì.
Chức năng của Ban Hộ tự là đại diện cho tín đồ Phật giáo, đảm nhận vai trò quản lý, điều hành sinh hoạt tín ngưỡng tại cơ sở Tự viện theo đúng đường lối, chủ trương, Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và chịu trách nhiệm về các sinh hoạt tại cơ sở Tự viện trước Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện, Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh và pháp luật Nhà nước.
b) Nếu xét thấy không cần lập Ban Hộ tự, thì thành lập Ban Trụ trì lâm thời do Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện quản lý và hỗ trợ về mặt tín ngưỡng cho đến khi GHPGVN cấp tỉnh bổ nhiệm Trụ trì.
5. Những cơ sở Tự viện đã có trụ trì được giải quyết theo các trường hợp:
a) Không lập Ban Hộ tự.
b) Nếu trước đây đã thành lập Ban Hộ tự do chưa có Trụ trì, sau khi bổ nhiệm trụ trì thì Ban Hộ tự kết thúc chức năng và nhiệm vụ đã được phân công; hoặc có thể chuyển thành Ban Hộ trì Tam bảo, do Trụ trì quyết định tùy theo nhu cầu.
c) Đối với các chùa Phật giáo Nam tông (Nam tông Khmer và Nam tông Kinh), theo truyền thống của Hệ phái thì Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh ban hành quyết định công nhận Ban Quản trị chùa.
6. Đối với các Tổ đình hay cơ sở lớn của các Tổ chức, Hệ phái thì có thể bổ nhiệm 01 Ban Quản Trị gồm Viện chủ, Trụ trì, Phó Trụ trì v.v...
7. Tăng, Ni thuyên chuyển hoạt động tôn giáo từ địa phương này đến địa phương khác, thực hiện theo Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo, phải được chính quyền cấp huyện châp thuận việc đăng ký hoạt động tôn giáo đương sự mới thực hiện việc đăng ký cư trú. Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện phải báo cáo bằng văn bản với Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh để thống nhất trong quản lý.
ĐIỀU 44: Bất động sản của cơ sở Tự viện là tài sản của Giáo hội theo quy định tại điều 63 chương XI Hiến chương GHPGVN và được Pháp luật bảo hộ.
CHƯƠNG IX
DANH XƯNG GIÁO PHẨM - DANH XƯNG TĂNG, NI ĐẠI CHÚNG
THỦ TỤC TẤN PHONG GIÁO PHẨM
ĐIỀU 45:Danh xưng hàng giáo phẩm Tăng có 2 bậc :
- Hòa Thượng
- Thượng Tọa
Danh xưng hàng giáo phẩm Ni có 2 bậc :
- Ni Trưởng
- Ni Sư
Danh xưng hàng Đại chúng có 2 bậc :
- Tăng đã thọ giới Tỳ kheo: Đại Đức
- Tăng đã thọ giới Sa di: Tăng sinh
Danh xưng hàng Đại chúng Ni có 2 bậc :
- Ni đã thọ giới Tỳ kheo Ni: Sư cô
- Ni đã thọ giới Sa di Ni, Thức xoa: Ni sinh.
ĐIỀU 46:Tiêu chuẩn được tấn phong lên hàng Giáo phẩm của Tăng giới và Ni giới theo điều 53, 54, điều 55 chương IX Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; quy định của Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo và Nghị định của Chính phủ (tùy trường hợp có sự uyển chuyển nhằm đáp ứng yêu cầu Phật sự của Giáo hội).
Đối với Phật giáo Nam tông Khmer, có sự tùy nghi theo đặc thù của Hệ phái.
ĐIỀU 47: Thủ tục tấn phong Giáo phẩm được tiến hành như sau:
- Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh có trách nhiệm lập thủ tục đề nghị tấn phong Giáo phẩm Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư trong kỳ Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc, hoặc Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự hay Hội nghị thường niên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hồ sơ gồm có:
- Sơ yếu lý lịch (có xác nhận của chính quyền địa phương).
- Bản sao Chứng điệp thọ giới Tỳ kheo/Tỳ kheo Ni; Chứng nhận Tăng, Ni.
- Bản sao Giáo chỉ tấn phong Thượng tọa hoặc Ni sư (đối với tấn phong Hòa thượng, hoặc Ni trưởng).
- Đăng ký với Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Pháp luật.

CHƯƠNG X
SẮC PHỤC TĂNG, NI
ĐIỀU 48: Sắc phục Tăng, Ni Giáo hội Phật giáo Việt Nam biểu hiện qua hình thức sắc phục của các truyền thống Hệ phái Phật giáo Việt Nam.
Riêng sắc phục Tăng, Ni Phật giáo Bắc tông vốn có sự khác nhau theo từng khu vực địa phương và thay đổi theo từng giai đoạn phát triển của Phật giáo, nay quy định thống nhất sắc phục Tăng, Ni Phật giáo Bắc tông Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong cả nước gồm 3 hình thức: Lễ phục, Giáo phục, Thường phục.
- Lễ phục của Tăng, Ni khi dự các buổi lễ.
- Giáo phục của Tăng, Ni không dùng trong các buổi lễ.
- Thường phục là lối ăn mặc gọn gàng, giản dị, tuy không theo hình thức giáo phục, nhưng vẫn giữ được sắc thái cá biệt của người xuất gia và đặc thù của Phật giáo Việt Nam (không đồng hóa cách ăn mặc thông thường của xã hội).
a) Lễ phục:
Tăng, Ni từ hàng Giáo phẩm đến thành phần Đại chúng, gồm có:
Tỳ Kheo: Hậu màu vàng tay rộng (không quá 80 phân), y màu vàng.
Tỳ Kheo Ni: Hậu lam tay rộng (không quá 80 phân), y màu vàng.
Sa di: Hậu màu lam tay rộng (không quá 30 phân), mạn y màu vàng.
Sa di Ni, Thức xoa ma na: Áo tràng màu lam rộng tay (không quá 30 phân), mạn y màu vàng.
-Thành phần Tịnh nhơn: Chỉ dùng áo tràng màu lam hoặc màu nâu tay hẹp.
b) Giáo phục :
Tăng, Ni hàng Giáo phẩm gồm có:
Tăng : Áo tràng màu nâu, hoặc màu vàng sậm, tay rộng không quá 30 phân.
Ni : Áo tràng màu lam, tay rộng không quá 30 phân.
Tăng, Ni thuộc thành phần Đại chúng, gồm có :
Tỳ Kheo : Áo tràng màu nâu tay rộng không quá 30 phân.
Tỳ Kheo Ni : Áo tràng màu lam, tay rộng không quá 30 phân.
Sa di : Áo nhựt bình màu nâu, tay rộng không quá 20 phân.
Sa di Ni, Thức xoa ma na Ni : Áo nhựt bình màu lam, tay rộng không quá 20 phân.
c) Thường phục :
-Tăng, Ni thuộc thành phần Đại chúng có thể ăn mặc theo hình thức thường phục khi làm lao động tại hiện trường.
-Thành phần Tịnh nhơn chỉ được ăn mặc theo hình thức thường phục.
* Hình thức thường phục theo kiểu áo vạc hò: Màu sắc tùy nghi.
ĐIỀU 49:Hình thức thường phục được áp dụng chung cho Tăng, Ni các Hệ phái, nhưng tránh tình trạng xen lẫn giữa các Hệ phái với nhau.
CHƯƠNG XI
KHUYẾN GIÁO - KỶ LUẬT - TUYÊN DƯƠNG CÔNG ĐỨC
ĐIỀU 50: Các thành phần Tăng, Ni Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngoài việc hành trì giới luật, kiểm thúc oai nghi, tu tập Giới - Định - Tuệ, truyền trì Chính pháp Đạo Phật, còn được khuyến giáo luôn luôn tuân giữ và thực hành những điều cơ bản như sau:
1. Quan hệ đối xử với nhau theo pháp Lục Hòa cộng trụ, giữ gìn và nâng cao tinh thần hòa hợp trong Giáo hội. Mỗi thành viên Tăng, Ni trong Giáo hội là một công dân tốt của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, là một thành viên trung kiên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, quyết tâm thực hiện có hiệu quả phương châm hành động của Giáo hội: "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.
2. Mỗi cơ sở Tự, Viện là một đơn vị cơ sở gương mẫu của Giáo hội trong việc hướng dẫn, giáo dục tín đồ Phật giáo tại địa phương, thực hiện tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn và phát huy truyền thống Phật giáo Việt Nam, gắn bó hài hòa trong cộng đồng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
3. Phát huy ánh sáng Chính pháp của Đạo Phật, cương quyết loại trừ ảnh hưởng tà giáo, mê tín dị đoan, chấn chỉnh lễ nghicách thức thờ cúng không phù hợp với sinh hoạt tín ngưỡng Đạo Phật tại các cơ sở Tự, Viện cũng như tư gia Phật tử.
4. Tăng, Ni, Tự, Viện xây dựng nếp sống Đạo chân chính, lành mạnh, lấy lao động sản xuất tự túc hợp pháp, đúng Chính pháp làm nền tảng giải quyết các nhu cầu về vật chất trong đời sống thường nhật.
5. Cương quyết ngăn chận hành vi khất thực phi pháp, lợi dụng hình thức Tu sĩ Phật giáo để làm trái với truyền thống của Đạo Phật. Tăng, Ni nào cần duy trì hạnh khất thực để biểu hiện một hạnh nguyện truyền thống đúng Chính pháp, phải được Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh chấp thuận cho phép bằng 01 giấy chứng nhận.
6. Các thành viên Tăng, Ni Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến chương Giáo hội, Nội quy Tăng sự Trung ương và Pháp luật Nhà nước.
ĐIỀU 51: Căn cứ điều 65, 66, 67 chương XII Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, quy định các biện pháp kỷ luật (cử tội) đối với những thành viên Tăng, Ni có hành vi:
- Vi phạm Giới, Luật Phật.
- Vi phạm Hiến chương và các quy định của Giáo hội.
- Làm tổn thương đến thanh danh và đường lối hoạt động của Giáo hội.
- Làm phương hại đến lợi ích của Dân tộc và Tổ quốc Việt Nam.
Bao gồm một số biện pháp cụ thể như sau:
1. Tăng, Ni nào vi phạm giới, luật, Trưởng ban Tăng sự GHPGVN cấp tỉnh có nhiệm vụ thẩm tra, tổng hợp dữ kiện, đề nghị Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh thành lập Hội đồng Yết Ma theo luật Phật và áp dụng điều 67 Hiến chương Giáo hội để xử lý. Hội đồng Yết ma chỉ có hiệu lực trong thời gian xét xử vấn đề đó.
2. Tăng, Ni có hành vi làm tổn thương đến thanh danh, vi phạm Hiến chương, và các quy định của Giáo hội, Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh có trách nhiệm thẩm tra mức độ phạm lỗi nặng hay nhẹ để xử lý theo một trong các hình thức sau đây:
a) Chỉ đạo cho Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện tiến hành phê bình, kiểm điểm trên cơ sở tinh thần đoàn kết hòa hợp, chân tình xây dựng, giúp người có lỗi thấy được lỗi lầm, thành thật nhận lỗi và quyết tâm khắc phục, sửa chửa lỗi lầm đã phạm.
Cần kiên trì tiến hành từng bước, lần thứ nhất: Phê bình, kiểm điểm trước Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện. Sau thời gian tối đa 6 tháng, nếu người có lỗi chưa chuyển biến tốt, tiến hành lần thứ hai để phê bình kiểm điểm trước toàn thể Tăng, Ni trong Quận, Huyện, Thị xã và Thành phố thuộc tỉnh.
b) Phê bình kiểm điểm trước Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh có cảnh cáo trực tiếp, người phạm lỗi phải viết bản tự kiểm, lưu trữ tại văn phòng Ban Trị sự để giám sát sự chuyển biến của người phạm lỗi.
c) Cảnh cáo là thông tri trong toàn Tỉnh, Thành hội Phật giáo biết về Tăng, Ni đã phạm lỗi với đầy đủ các hành vi phạm lỗi.
d) Tẩn xuất, khai trừ khỏi Giáo hội.
3. Tăng, Ni nào bị pháp luật xử lý, trường hợp bị đưa ra xét xử trước tòa án thì không được sử dụng sắc phục, danh hiệu và tư cách Tăng, Ni Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
4. Tăng, Ni nào bị pháp luật xử lý, kết án theo luật pháp hiện hành, bị mất quyền công dân, đương nhiên không còn tư cách là Tăng, Ni trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Khi quyền công dân được phục hồi thì được xin xuất gia lại nhưng phải chấp hành đúng các quy định tại điều 28 chương VI của Nội quy này.
ĐIỀU 52:Tăng, Ni nào phạm lỗi bị cảnh cáo và được thông tri trong toàn Giáo hội thì không còn tư cách được bổ nhiệm Trụ trì tại các cơ sở Tự, Viện và không được phân công vào các nhiệm vụ khác trong Giáo hội. Nếu đã bổ nhiệm trụ trì thì thu hồi lại quyết định.
ĐIỀU 53: Tùy theo thành viên Tăng, Ni và mức độ phạm trọng giới, mất tư cách Tăng hay Ni, Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, hoặc Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh có quyền ban hành quyết định tẩn xuất ra khỏi hàng ngũ Tăng, Ni của Giáo hội theo các trình tự như sau :
-Nếu Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh ban hành quyết định thì phải do Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN đệ trình.
-Nếu Ban Thường trực Hội đồng Trị sự ban hành quyết định thì do Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh đề nghị và được Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh GHPGVN chuẩn y.
-Nếu Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh ban hành quyết định thì phải có văn bản báo trình cho Ban Thường trực Hội đồng Trị sự được biết để xem xét trước khi thi hành.
ĐIỀU 54: Các thành viên Tăng, Ni của Giáo hội có nhiều công đức đối với Đạo pháp và Giáo hội, có thành tích đối với đất nước và xã hội thì sẽ được Giáo hội tuyên dương và tặng Bằng tuyên dương công đức, hoặc Bằng công đức theo điều 64 chương XII Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
CHƯƠNG XII
HỘI HỌP - BAN HÀNH - SỬA ĐỔI
ĐIỀU 55:
- Ban Tăng sự Trung ương mỗi năm họp toàn Ban một lần trước Hội nghị thường niên của Hội đồng Trị sự một tháng để tổng kết công tác trong năm và trước Đại hội Phật giáo Việt Nam toàn quốc một tháng để tổng kết công tác trong nhiệm kỳ. Đặc biệt, khi có các công tác Phật sự đột xuất, Trưởng ban Tăng sự Trung ương sẽ triệu tập phiên họp bất thường để giải quyết các Phật sự có liên quan.
- Nhiệm kỳ của Ban Tăng sự Trung ương là 5 năm, tương ứng với nhiệm kỳ của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
ĐIỀU 56: Chỉ có Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam mới có thẩm quyền sửa đổi Nội quy Ban Tăng sự Trung ương.
ĐIỀU 57: Nội quy Ban Tăng sự Trung ương gồm 12 chương 57 điều, do Ban Tăng sự Trung ương soạn thảo và tu chỉnh, đã được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thông qua ngày 02 tháng 7 năm 2013 và có hiệu lực thực hiện kể từ ngày Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN ký quyết định ban hành.
 
BAN TĂNG SỰ TRUNG ƯƠNG    
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM



GỬI BÀI VIẾT PHẢN HỒI

 (E-mail)
Mã bảo mật
 
Email dành cho các cấp Giáo hội và bạn đọc gửi tin tức hoạt động Phật sự, bài viết nghiên cứu đến ban biên tập:
banbientapwebsitepgvnvp2@gmail.com
Xem hướng dẫn chọn vào đây
Dung lượng tối đa: 11MB
Các định dạng File nén sau: File.rar; File.zip
Các định dạng văn bản sau: File.doc; File.docx; File.pdf

CÁC BÀI VIẾT KHÁC
» THÔNG TƯ: Tổ chức Đại lễ tưởng niệm lần thứ 706 Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn25/11/2014 1:01 PM
» Thông tư hướng dẫn gởi báo cáo tổng kết năm 2014 07/11/2014 10:08 AM
» Thông báo của GHPGVN tổ chức Đại lễ cầu siêu nạn nhân tai nạn giao thông 28/10/2014 10:04 AM
» Thông tư hướng dẫn sinh hoạt, tu học tại Tự viện 20/10/2014 8:38 AM
» Bản đúc kết Hội nghị Chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer lần thứ VI tại An Giang 15/09/2014 5:08 PM
» Nghị quyết Hội nghị mở rộng Ban thường trực HĐTS GHPGVN 11/09/2014 3:01 PM
» Thông tư hướng dẫn thực hiện đổi con dấu các cấp GHPGVN 06/09/2014 4:35 PM
» Thông báo: Hội nghị chuyên đề Phật giáo Nam Tông Khmer lần thứ VI 15/08/2014 8:26 PM
» Phản ảnh thông tin không chính xác trên báo Người Cao Tuổi 31/07/2014 9:05 AM
» Nghị quyết Hội nghị Ban Thường trực HĐTS 6 tháng đầu năm 2014 30/06/2014 8:37 AM
» Thông bạch tổ chức Lễ Cầu nguyện Hòa bình cho Biển Đông 21/05/2014 8:22 AM
» Thông báo hội nghị sơ kết công tác Phật sự 6 tháng đầu năm 2014 nhiệm kỳ VII (2012 - 2017) 18/05/2014 9:08 AM
» Thông điệp của đức Pháp chủ GHPGVN về hòa bình tại biển Đông 13/05/2014 12:59 AM
» Thông điệp Vesak 2014 của ngài Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc 12/05/2014 10:16 AM
» HT.Thích Thiện Nhơn phát biểu tuyên bố Ninh Bình 2014 11/05/2014 9:16 PM
» Thông cáo Báo chí về Đại lễ Vesak LHQ năm 2014 (28.04.2014) 28/04/2014 8:09 PM
» Thông điệp may mắn của BTC Vesak 2014 22/04/2014 3:36 PM
» Thông điệp Đại lễ Phật đản PL. 2558 của Đức Pháp chủ GHPGVN 05/04/2014 10:16 AM
» Diễn văn Đại lễ Phật đản PL. 2558 của GHPGVN 05/04/2014 10:14 AM
» Ý nghĩa Đại lễ Phật đản PL. 2558 của Ban Hoằng pháp TW GHPGVN 05/04/2014 10:13 AM

Công Phượng lên tiếng sau khi Thái Lan vô địch AFF Cup

Công Phượng lên tiếng sau khi Thái Lan vô địch AFF Cup

Chủ nhật, 10:26 | 21/12/2014
Thể thao ) - Sau khi Thái Lan vô địch AFF Cup 2014, cầu thủ ngôi sao của đội tuyển U19 Việt Nam đã lên tiếng phân tích nguyên nhân vì sao người Thái có thể lên đỉnh của bóng đá khu vực.

cong phuong len tieng sau khi thai lan vo dich aff cup
Chỉ ít phút sau khi thầy trò HLV Kiatisuk vượt qua Malaysia với tổng tỉ số 4-3 để giành chức vô địch AFF Cup 2014 một cách thuyết phục, tiền đạo Nguyễn Công Phượng của HAGL đã bất ngờ đưa ra quan điểm cá nhân của mình để lý giải vì sao người Thái "suốt ngày vô địch Đông Nam Á".
 
Theo cựu thủ quân U19 Việt Nam, điều đầu tiên dẫn đến thành công của người Thái chính là tính chuyên nghiệp: "Thứ nhất, mọi người hãy nhìn vào những CLB của Thái Lan.
 
Họ xây dựng được những cái rất chuyên nghiệp như sân bãi, bộ phận phục vụ. Cả sân tập và sân thi đấu của họ rất đẹp, họ trồng cỏ kim. Như vậy, các cầu thủ của họ đều được tập luyện và thi đấu trên mặt sân cỏ tốt nhất.
 
Bộ phận phục vụ của họ có riêng một số người làm công việc hàng ngày như bơm bóng, mang bóng ra sân, chuẩn bị nước... Và các cầu thủ chỉ việc ra sân là tập và chỉ biết tập mà thôi, chứ không phải suốt ngày phải dậy sớm lục đục lấy bóng bơm bóng, hay đi lấy nước, rồi ra sân bóng mềm tí là bị chửi lên chửi xuống".
 
Công Phượng chia sẻ, một điều quan trọng nữa giúp người Thái luôn chứng minh được vị thế số một của mình trong khu vực Đông Nam Á chính là tinh thần fair-play khi thi đấu.
 
"Và điều này mới quan trọng để giúp họ thành công, đó chính là lối đá của người Thái. Họ đá bóng chứ không phải đá người, không bao giờ vào bóng ác ý, hay dùng những tiểu xảo khiến cho cả 2 bên chơi bóng một cách thoải mái và cảm thấy rất an toàn không phải đá trong cảm giác lo sợ
 
Và đó mới chỉ là CLB hạng bét của Thái Lan, thử hỏi một CLB lớn nhất Việt Nam đã làm được như vậy chưa?", Công Phượng viết trên trang mạng xã hội cá nhân của mình ngay sau khi Thái Lan vô địch AFF Cup 2014.
 
Trước đó, bầu Đức - ông bầu được xem như là "cha nuôi" của lứa cầu thủ trẻ tài năng gồm Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường...luôn coi Thái Lan là đối thủ số một của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á và ông đánh giá cao người Thái ở tính chuyên nghiệp.
 
Cũng bởi vậy, bầu Đức từng đưa rất nhiều ngôi sao bóng đá Thái Lan về với HAGL như Thonglao, Dusit, Sakda...và cả Kiatisuk - HLV đang giành được khá nhiều thành công cùng với các ĐT U23 và ĐTQG Thái Lan.
 
Khi U19 HAGL đánh bại U21 Thái Lan để lên ngôi vô địch giải U21 Quốc tế - Báo Thanh Niên vừa qua, bầu Đức đã không thể giấu nổi cảm xúc của mình khi nói: "Không gì sướng bằng việc vượt qua người Thái để vô địch!". Bầu Đức cho biết ước mơ lớn nhất của ông hiện tại là lứa Công Phượng sẽ đánh bại người Thái để giành chức vô địch SEA Games 2017 cũng như AFF Cup 2018.
 
Hiện Công Phượng và đồng đội đang có chuyến tập huấn tại Thái Lan để chuẩn bị cho V-League 2015. Thầy trò HLV Graechen hy vọng họ sẽ học được người Thái nhiều điều trước khi bước vào những thử thách đầy khó khăn ở V-League 2015.