Bác Hồ và lịch sử nước ta (18/08/2011) |
Trong cuốn sách "Chiến đấu trong vòng vây”, hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Hữu Mai ghi), có đoạn đáng chú ý như sau: "...Một hôm, anh Vũ Kỳ, thư ký của Bác, viết thư cho tôi, nói Bác cần có một cuốn lịch sử Việt Nam. Thật khó tìm được cuốn sách này khi mọi người đã rời thành phố với một chiếc ba lô trên vai. Sau đó tôi được biết anh Kỳ đã tìm được một cuốn "Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim. Bác đánh dấu những đoạn viết về các cuộc khởi nghĩa và chiến tranh chống ngoại xâm, đặc biệt là chiến tranh chống Nguyên Mông và khởi nghĩa Lam Sơn và dặn anh Kỳ nhắc anh Thận và tôi nên đọc lại những đoạn đó”. (trang 90) |
Về sự kiện này, đồng chí Vũ Kỳ kể lại, sau ngày Toàn quốc kháng chiến 19-12-1946, Bác Hồ rời Hà Nội và từ ngày 18-2-1947, Bác làm việc ở tỉnh Thanh Hóa. Ở đây Bác đã viếng Vĩnh lăng - lăng của vị anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi. Bác đọc lại một số đoạn sử trong cuốn "Việt Nam sử lược”. Bài học đánh giặc và giữ nước của ông cha đến lúc này hết sức thiết thân với dân tộc ta, nhất là khi bắt đầu kháng chiến chống Pháp, vũ khí của ta còn rất thô sơ (dao, gậy, tầm vông, kiếm) chống quân đội Pháp trang bị toàn vũ khí tối tân lại có viện trợ mọi mặt của Mỹ. Bác Hồ nhắc đồng chí Thận (Tổng Bí thư Trường Chinh) và đồng chí Võ Nguyên Giáp cần đặc biệt chú ý và nghiên cứu kỹ đoạn viết trong Việt Nam sử lược về chiến tranh chống giặc Nguyên Mông và chiến tranh chống giặc Minh. Đoạn về chiến tranh chống giặc Nguyên Mông từ trang 132 đến trang 162. Giặc Nguyên Mông đã chiếm nửa thế giới và nước Tàu. Từ nước Tàu, chúng lấy cớ dẹp loạn Chiêm Thành nên mượn đường đi qua Việt Nam. Vua Trần Nhân Tông và cận thần biết rõ mưu đồ thâm độc của giặc Nguyên Mông sẽ chiếm nước ta nên từ chối, lấy cớ nước Nam không có đường đến Chiêm Thành. Giặc Nguyên Mông đòi tiến vào nước ta, đánh hay hòa, triều đình còn tranh cãi, một số người thấy Nguyên Mông mạnh quá, nước Tầu cũng đã phải chịu nữa là nước Nam. Chỉ còn cách hỏi ý kiến dân. Vua Trần Nhân Tông thông qua các bô lão họp tại điện Diên Hồng để bàn nên hòa hay nên đánh. Các bô lão đều đồng thanh xin đánh. Vua thấy dân đồng lòng như vậy cũng quyết kháng chiến. Lần đầu tiên nhân dân ta quyết định một vấn đề trọng đại của đất nước, Vua và triều đình coi đó như một mệnh lệnh cần chấp hành nghiêm chỉnh. Tháng 8 năm Giáp Thân (1284) Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn được phong chức Tiết chế thống lĩnh mọi lực lượng quân sự chống Nguyên Mông. Lời hịch truyền cho các vương hầu và quân sĩ thủy và bộ tại bến Đông bộ đầu, trước khi xuất kích bắt đầu cuộc kháng chiến đã được tóm tắt trong đoạn này như sau: "...Bản chức phục mệnh thống đốc quân sĩ ra phá giặc. Các vương hầu và các tướng sĩ ai nấy phải cầm giữ phép tắc, đi đâu không được làm phiền nhiễu dân và phải đồng lòng hết sức đánh giặc, chớ thấy thua mà ngã lòng, chớ thấy được mà tự kiêu, việc quân có luật, phép nước không thân, các ngươi phải giữ...” Những phẩm chất cao đẹp của một đội quân trung thành tuyệt đối với nhân dân đã được đúc kết trong lời hịch của Hưng Đạo Vương. Giặc Nguyên Mông tràn vào nước ta, tiến như vũ bão, thành Thăng Long thất thủ, Vua và triều đình rút về vùng nông thôn. Binh hùng tướng mạnh của địch chỉ vấp phải những trận đánh nhỏ của ta nhưng đều khắp các mặt trận đúng với tài thao lược "dùng ít thắng nhiều” của Hưng Đạo Vương. Giặc Nguyên Mông ba lần tiến vào nước ta, nhưng đều phải rút lui thảm hại. Sau hơn bốn năm kháng chiến, giữa năm 1288 ta toàn thắng, Vua sai mở tiệc khen thưởng quân sĩ, cho dân mở hội ba ngày, gọi là Thanh Bình diễn yến. Đoạn về chiến tranh chống giặc Minh từ trang 199 đến trang 232 ghi lại mọi thủ đoạn tàn ác bắt người An Nam đồng hóa với người Tầu, lập ra đền miếu bắt dân ta cúng tế theo tục bên Tầu, cách ăn mặc cho đến học hành bắt theo như người Tầu. Mọi sách vở của ta giặc Minh đều thu nhặt hết mang về Tầu. Lại đặt ra các thứ thuế, bổ thêm sưu dịch lấy tiền của, làm cho dân ta kiệt quệ, đói khổ. Chính từ bước đường cùng này, không những mất nước mà còn bị đồng hóa. Vì vậy, nhân dân cả nước nhiệt liệt hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đứng đầu là Lê Lợi chống giặc Minh mặc dù giặc Minh rất mạnh, bộ máy cai trị tàn ác của chúng dầy đặc khắp nước, địa phương nào cũng có quan người Tầu thống trị. Cuộc chiến đấu cực kỳ gian khổ. Có lúc kiệt quệ, quân ta ăn cả cỏ; voi, ngựa gầy trơ xương cũng vẫn phải giết lấy thịt để ăn, tưởng không gượng dậy nổi nữa nhưng cuộc chiến đấu vẫn tiếp tục, vừa đánh vừa đàm, vừa đàm vừa đánh. Đội quân của Lê Lợi cũng như của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đều từ dân mà ra, hết lòng phục vụ nhân dân. Các tướng lĩnh của Lê Lợi, dù quyền cao chức trọng đều "lấy giáp trụ làm chăn áo, lấy đồng cỏ làm cửa nhà”, "cơm ăn sớm tối không được hai bữa, áo mặc đông hè chỉ có một manh”. Từ tướng đến quân đều đồng cam cộng khổ với dân, cuộc kháng chiến đến năm thứ 10 thì ta quét sạch giặc Minh, chính quyền cả nước đặt dưới quyền Lê Lợi, lúc này đã xưng vương là Lê Thái Tổ, còn gọi là Bình Định Vương. Quân ta bắt được nhiều tù binh, dân ta có người căm thù giặc Minh đòi phải giết hết. Về việc này, Việt Nam sử lược đã ghi ý kiến của Bình Định Vương như sau: "Phục thù, báo oán là cái thường tình của mọi người, nhưng cái bản tâm người có nhân không muốn giết người bao giờ. Vả người ta đã hàng mà lại còn giết thì không hay. Nếu mình muốn thỏa cơn giận một lúc, mà chịu cái tiếng muôn đời giết kẻ hàng, thì sao bằng để cho muôn vạn con người sống mà khỏi được mối tranh chiến về đời sau lại để tiếng thơm lưu truyền thiên cổ trong sử sách”. Đã không giết tù binh, mặc dầu vừa trải qua cuộc kháng chiến nhân dân còn thiếu thốn đủ mọi thứ, Lê Lợi vẫn cấp 500 thuyền mới đủ đưa hai vạn tù binh về Tầu, không những cấp cho tù binh đủ lương ăn mà còn cả áo quần. Và sử còn ghi một hành động hết sức khác thường không ai đoán nổi: Lê Lợi Bình Định Vương đã đến tận nơi tiễn các tù binh này, coi như bắt đầu thời gian giao hảo bình thường giữa hai nước. Lê Lợi đã giao Nguyễn Trãi trọng trách làm bản báo cáo tổng kết cuộc kháng chiến 10 năm chống giặc Minh. Nguyễn Trãi là tham mưu thân cận nhất của Lê Lợi, có công rất lớn đã giúp Lê Lợi lãnh đạo cuộc kháng chiến. Bản báo cáo mang tên "Bình Ngô Đại Cáo” được sử ghi là "bản văn chương rất có giá trị đời Lê”, và không chỉ có đời Lê mà các thế hệ sau này đều coi "Bình Ngô Đại Cáo” là một Tuyên ngôn độc lập của Tổ quốc ta. Trên đây là tóm tắt hai đoạn trong Việt Nam sử lược mà khi bắt đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ đã căn dặn các lãnh đạo của Đảng phải đọc kỹ. Bài học sâu xa nhất mà hai cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông và giặc Minh để lại được nêu bật trong Việt Nam sử lược là phải coi sức mạnh của nhân dân là vô địch, không kẻ thù nào dù là Nguyên Mông hoặc giặc Minh đánh bại nổi, rõ ràng chúng chỉ có một lối thoát là đầu hàng, rút chạy. Cuộc kháng chiến 30 năm chống Pháp rồi chống Mỹ đã bắt đầu với những bài học vô giá ông cha để lại, với bao sự việc rất cụ thể ghi trong sử, chúng ta rất tự hào được sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, quân đội ta được dân quen gọi là Bộ đội Cụ Hồ, đã tiếp thu trọn vẹn phẩm chất cao đẹp của lực lượng võ trang dưới quyền thống lĩnh của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Bình Định Vương Lê Lợi. Dân tộc ta tồn tại đã ngàn năm, thường xuyên phải đối phó với giông bão về mọi mặt, tích lũy nhiều kinh nghiệm đánh giặc giữ nước và an dân trị nước. Chúng ta không ngạc nhiên khi Bác Hồ về nước sau hơn 30 năm xa cách, Bác đã viết ngay Lịch sử Việt Nam làm tài liệu học tập đào tạo cán bộ Việt Minh. Phải thông thạo lịch sử nước nhà mới có thể thực hiện đoàn kết muôn người như một đúng với truyền thống bao đời của ông cha, dù trong nước có giặc ngoại xâm hoặc không thì lúc nào cũng hòa hợp và đoàn kết không bỏ sót ai, không bao giờ chấp nhận lại có tầng lớp này chống tầng lớp kia. Bác Hồ thường nêu gương các vị khai quốc công thần, anh hùng dân tộc để giáo dục thế hệ ngày nay. Đặc biệt mỗi lần nhắc đến Nguyễn Trãi, Bác biểu lộ một tấm lòng ưu ái và khâm phục sâu sắc. Chỉ có nhân dân là sức mạnh vô địch dù kẻ thù mạnh đến đâu và vai trò làm chủ đất nước sau khi đã giải phóng đất nước khỏi bọn xâm lược là những tư tưởng lớn của Nguyễn Trãi, đã vượt lên trên thời đại của ông, mãi mãi có sức sống cho đời sau. Lý tưởng của ông là cứu nước và cứu dân. Cứu nước mới là cứu dân thoát khỏi họa đàn áp bóc lột của bọn thống trị nước ngoài. Muốn cho dân thật sự hết lầm than khổ cực, còn phải cứu dân thoát khỏi ách đàn áp bóc lột của bọn thống trị trong nước. Như thế mới thực sự cứu dân, thực sự yêu dân, thực sự vì dân. Một số người chỉ nói giải phóng đất nước, nói cứu nước và thỏa mãn với đất nước không còn bóng tên xâm lược nhưng lại không hề nghĩ đến dân đã được giải phóng chưa? Chính quyền đã về tay ta nhưng ta là ai, là dân hoặc là những người xa dân, quan liêu, tham nhũng, chỉ lo cho cá nhân và phe nhóm mà Nguyễn Trãi gọi là bọn thống trị trong nước. Bác Hồ rất tâm đắc với tư tưởng lớn của Nguyễn Trãi, ngay sau khi Cách mạng tháng 8 thành công, nước ta được độc lập, Bác Hồ đã nhìn thấy vấn đề cốt lõi của cách mạng là chính quyền, quyền lực chính trị, quyền lực Nhà nước thuộc về ai? Cách mạng thắng lợi, mọi quyền lực phải thuộc về nhân dân và chỉ thuộc về nhân dân. Bác Hồ đã nói: "Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”. Cho đến cuối đời, lúc nào Bác Hồ cũng đặc biệt quan tâm đến Đảng cầm quyền vì muốn dân thực sự được làm chủ, chỉ có dân mới được làm chủ thì Đảng phải là đầy tớ của dân. Nếu quyền đã được nhân dân giao phó lại không coi dân là chủ còn mình chỉ là người đầy tớ trung thành thì sớm muộn Đảng cũng sẽ xa dân, chưa phải là người lãnh đạo và người đầy tớ thật trung thành của nhân dân như Bác Hồ đã dạy. Dân là chủ theo quan niệm của Nguyễn Trãi và của Hồ Chí Minh là một. Chính vì vậy Hồ Chí Minh thường xuyên "gần gũi” với Nguyễn Trãi. Mỗi lần Bác Hồ về thăm Côn Sơn, đền thờ Nguyễn Trãi, đồng chí Vũ Kỳ vẫn gọi là Bác Hồ "về thăm” Nguyễn Trãi. Giữa tháng 2-1965, Bác Hồ lại "về thăm” Nguyễn Trãi ở Côn Sơn trước khi Bác bắt đầu viết Di chúc. Trong bài báo "Tài liệu tuyệt đối bí mật” của đồng chí Vũ Kỳ phản ánh quá trình mấy năm Bác viết Di chúc, có một đoạn như sau: Ngày 15 tháng 2 năm 1965, Bác Hồ "về thăm” Nguyễn Trãi ở Côn Sơn. Bác nghỉ trưa ở đó và xem rất kỹ văn bia trong đền thờ Nguyễn Trãi. Rồi đây các nhà viết sử có lẽ phải dành nhiều trang cho sự kiện không ngẫu nhiên này. Bởi Hồ Chí Minh tìm đến Nguyễn Trãi trong bước ngoặt lịch sử của dân tộc, đâu phải là một sự ngẫu nhiên. Cách nhau hơn năm thế kỷ (1380 - 1890) mà sao có những trùng hợp lạ kỳ, y như cuộc hẹn gặp lịch sử đã định sẵn. Hai nhà chính trị và quân sự kiệt xuất, hai nhà thơ lớn, hai nhân cách lớn và bao trùm lên tất cả là sự gặp nhau ở lòng tin tuyệt đối vào sức mạnh to lớn của nhân dân, là tấm lòng tha thiết đối với hạnh phúc nhân dân. Người đã từng nói: "Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”, cũng chính Nguyễn Trãi là người đã mở đầu "Bình Ngô Đại Cáo” bằng một câu bất hủ "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Hôm nay như hẹn vĩ nhân của thời đại mới với chân lý: Gốc có vững, cây mới bền Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân. Thái Duy |
Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011
Nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám...
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét