Mình nhớ lại khoảng năm 2000, khi ấy còn ở trường Võ Đắt, đã có lần bàn luận về cách đặt dấu thanh. Hầu như các GV đều cho rằng cách đặt dấu thanh theo dạng như "hòa" là đúng, còn cách đặt như "hoà" là sai, ngay cả hiệu trưởng (đã qua đại học Ngữ văn - chính quy) cũng có ý kiến tương tự như vậy. Lúc ấy mình cũng cố gắng giải thích nhưng đều vô hiệu...và câu chuyện lập tức được lái sang hướng khác...
Cho mãi đến năm khoảng năm 2004, lúc này ở trường Đức Hạnh. Năm đó mình dán chữ decal câu khẩu hiệu : Nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong đó có tiếng "hoà" mình dán dấu huyền nằm đúng trên chữ "a" (tức là "HOÀ").
Đến hôm sau, không biết lí do gì, bảng chữ được hạ xuống (về sau thì mới biết là hạ xuống để nối thêm phần nền sao cho đủ dán thêm "muôn năm").
Mình ngạc nhiên khi phát hiện tiếng "HOÀ" bị gỡ dấu huyền và dán lại trên chữ O, thành "HÒA". Mình nêu thắc mắc và "lí luận" một hồi với GV (cũng Ngữ văn) nhưng được GV ấy yêu
cầu ngược trở lại : anh hãy tìm một dẫn chứng nào đó trên SGK tôi mới tin.
Thế là tôi phải chạy đi tìm cuốn SGK. Để chắc ăn, tôi lấy cuốn Ngữ văn 9. Kết quả là sẽ không khó tìm ra lời giả đáp. Lúc ấy GV làm bảng mới chịu dán lại dấu huyền trên chữ cái "A" đúng như vị trí chính xác của nó.
Chuyện cũng diễn ra tương tự ở một trường khác (mà một giáo viên cũng bị cho là sai khi đặt dấu thanh vào âm chính ) mà tình cờ tôi nghe được...
Nói chuyện trên để thấy rằng cái giáo dục của ta còn nhiều bất cập. Ai đời là GV Ngữ văn mà không nắm được quy luật đặt dấu thanh ở âm nào trong phần vần của một tiếng (âm tiết) !
Vậy thì chả trách HS yếu Tiếng Việt. Càng không thể trách HS yếu ngoại ngữ !!
Cần khẳng định lại rằng : Trong Tiếng Việt, dấu thanh đặt ngay trên âm chính (của phần vần). Ở trường hợp tiếng "hoà", âm "o" là âm đệm, âm "a" mới là âm chính. Nếu đặt dấu huyền trên âm "o" thì nhầm cho rằng nó là âm chính. Cứ cho âm "o" là "âm chính", tiếp theo vậy âm "a" trong trường hợp này là âm gì ? Là âm cuối chăng ? - Không đúng ! (Vì làm gì trong Tiếng Việt có âm cuối là âm "a") . Là âm đệm chăng ? - Càng không có cơ sở, càng sai quấy , ngược ngạo...!
Khác với trường hợp "hoà", ở trường hợp "hòi" thì âm chính là âm "o" (chứ không phải là "âm đệm") và âm "i" là bán âm cuối (Trong Tiếng Việt có âm cuối là âm "i").
Tóm lại, tôi thấy rất bất ngờ với nhiều hiện tượng cụ thể trong việc giảng dạy Ngữ văn từ khi tôi làm một giáo viên Ngữ văn ở trường Sư Phạm (Thuận Hải cũ, sau này là Ninh Thuận) cho đến giờ, làm một giáo viên THCS. Cái bất ngờ của tôi ở đây không hàm chứa một chút thú vị nào, trái lại càng ngày tôi càng nhận ra sự mệt mỏi khi phải đối diện với những cái kỳ khôi đang diễn ra hằng ngày, mà lắm lúc chỉ biết thở dài ngao ngán, không thốt được nên lời.
Hình như ta đang giảng dạy theo cách làm của một người thợ chứ không đúng nghĩa của một người thầy. Cứ sao chép, cắt dán, nói theo đuôi, đến hẹn lại lên...Giáo dục sẽ đi về đâu, Tiếng Việt sẽ đi về đâu khi mà cứ tiếp tục cái kiểu dạy học không lí luận, dạy học theo kiểu "truyền ngón" như hiện nay. Kết quả, thầy chỉ cần "dạy tốt một bài", trò chỉ việc "thuộc lòng vài bài" miễn sao "đạt danh hiệu" này nọ, miễn sao đạt điểm cao để lấy "thành tích" cho nhà trường là được.
Tôi nhớ lại thời ở trường Sư Phạm Ninh Thuận, khi dự giờ thao giảng về Ngữ âm (lớp Cao đẳng tiểu học), cô giáo đã dõng dạc nói là : "Trung khu thần kinh nằm ở khoang miệng". Tất cả mọi người dự hôm đó ngơ ngác tái mặt nhìn nhau vì cứ ngỡ như đang trong mơ ! Thật ra ai cũng có sự sai sót nhưng sự sai sót kiến thức ở hoàn cảnh này thì không thể ngờ!
Nhìn ra cuộc sống, cái sai cũng nhan nhản mà cấp có trách nhiệm có ai để ý tới để chấn chỉnh đâu ? Việc phân biệt "âm" với "chữ cái" chưa rõ ràng ngay trên đài truyền hình VTV (ví dụ G8 thì đọc là 'gờ tám" (đọc theo âm) thay vì nên đọc theo tên chữ cái là "rê tám" (VD như khi đọc tên tứ giác chẳng hạn như tứ giác GHIK là "rê hát i ca") ; rồi cũng trên đài báo ta thường nghe nói "nghỉ hưu" thay vì phải nói là "về hưu", "trường tư thục mầm non Sơn Ca" thay vì phải viết là "tư thục mầm non Sơn Ca";...
Biết vậy nhưng những người giáo viên bình thường nói thì cũng như nói vào khoảng không...mà không nói thì trong lòng trĩu nặng...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét