Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

Chạy theo thành tích trong giáo dục

Chạy đua thành tích là kiểu giáo dục nông cạn

"Chạy đua thành tích là kiểu giáo dục nông cạn" Cập nhật lúc 27/08/2011 01:00:00 PM (GMT+7) [Image]Nghiên cứu mới đây của Viện Giáo dục Anh phát hiện: kết quả bài thi của học sinh có thể được cải thiện đáng kể nếu các em tập trung vào việc học hơn là vào điểm số.


[Image] Ý nghĩa sâu xa của việc học tập đã bị “lãng quên” trong các lớp học khi giáo viên chỉ chăm chăm quan tâm tới kết quả thi cử của học sinh. Học sinh sẽ có động lực học tập lớn hơn, và có thái độ và khả năng tự lập tốt hơn cũng như tư duy chiến lược hơn khi giáo viên không ám ảnh chúng với điểm số.

Tác giả của nghiên cứu là phó giáo sư Chris Watkins chia sẻ: chính sách của các chính phủ ngày càng khiến giáo viên đi theo hướng lại, khuyến khích họ quá chú trọng vào điểm số của học sinh.

Phó giáo sư Watkins đã phân tích kết quả của hơn 100 nghiên cứu trên thế giới về vai trò của giáo viên trong việc giúp học sinh tiếp thu kiến thức tốt nhất. Ông chỉ ra rằng các bộ trưởng thường đặt giáo viên trước quá nhiều áp lực phải đảm bảo thành tích học tập tốt của học sinh trong các kỳ thi toàn quốc đến mực họ chỉ chú trọng giảng dạy một chiều, hơn là đặt ra những câu hỏi mở để cùng nhau thảo luận.
Việc đặt ra những câu hỏi mở giúp học sinh mở rộng hơn kiến thức đã học và qua đó thể hiện tốt nhất trong kỳ thi.

Ý nghĩa sâu xa của việc học tập đã bị “lãng quên” trong các lớp học khi giáo viên chỉ chăm chăm quan tâm tới kết quả thi cử của học sinh. Các thầy cô thậm chí còn “giảm tải” chương trình học để “giúp” học sinh dễ ôn hơn trước mỗi bài kiểm tra trên lớp và điều này khiến học sinh ít có động lực học tập hơn.
“Quan niệm thành tích học tập tốt có thể là nguyên nhân chính dẫn tới kết quả học tập thấp hơn mong đợi tại các trường trung học ở Anh. Nếu có điều gì mới chúng ta cần trong hệ thống trường học lúc này, thì đó là việc phải trở lại với ý nghĩa đích thực của việc học tập” - Phó giáo sư Chris Watkins

Trong một nghiên cứu, giáo viên được chia làm hai nhóm: một nhóm được chỉ đạo giúp học sinh chỉ tập trung vào việc học tập, trong khi nhóm kia được chỉ đạo tập trung đảm bảo học sinh thể hiện tốt nhất trên bài thi. Kết quả, nhóm học sinh chịu áp lực thi cử thực tế lại đạt được điểm số thấp hơn những học sinh được chú trọng học tập.

Một nghiên cứu khác chỉ ra, khi giáo viên nhấn mạnh việc học vì kiến thức hơn là vì thành tích thi cử, học sinh của họ cũng có óc phân tích hơn.

Một nghiên cứu sâu hơn áp dụng trên 4.203 học sinh cũng cho thấy thái độ học tập trên lớp của học sinh trở nên tích cực khi giáo viên tập trung vào việc học thực.

Ông Watkins nhấn mạnh: “Quan niệm thành tích học tập tốt có thể là nguyên nhân chính dẫn tới kết quả học tập thấp hơn mong đợi tại các trường trung học ở Anh. Nếu có điều gì mới chúng ta cần trong hệ thống trường học lúc này, thì đó là việc phải trở lại với ý nghĩa đích thực của việc học tập”.

John Holman - giám đốc Trung tâm nghiên cứu học tập khoa học quốc gia Anh - chia sẻ quan điểm, việc trang bị kiến thức cho học sinh phục vụ mục đích kỳ thi có thể dẫn tới điểm số tốt, nhưng điều này cũng thường ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình học tập lâu dài và thấu hiểu bản chất vấn đề của học sinh.

Ông nói: “Cõ lẽ điều này thể hiện rõ nhất trong các môn khoa học, ở đó việc quá tập trung kiến thức thi cử và kiểm tra sẽ làm cho những khía cạnh học tập quan trọng và đáng quan tâm khác như thực hành bị xao nhãng. Mọi bằng chứng đều cho thấy, chạy đua thành tích là kiểu giáo dục nông cạn và dẫn tới sự nhàm chán, khiến học sinh quay lưng lại với khoa học”.  
                                                                                                  Đình Ngân (theo Guardian)  

1 nhận xét:

  1. Không biết những lí luận trên có thể đúng bao nhiêu phần trăm đối với giáo dục Việt Nam. Nhưng về mặt thực tế có thể thấy được : "Bệnh thành tich" đang ăn sâu vào trong "cơ thể" vốn đã èo uộc của ngành giáo dục. Nó bàng bạc khắp mọi cấp, mọi trường, mọi thành phần xã hội, mà nguy hiểm nhất là tư tưởng đó lại tồn tại không ít thì nhiều trong từng giáo viên...!

    Trả lờiXóa