Chương trình tiểu học: Giáo viên, học sinh đều… mệt
GiadinhNet - Theo một số giáo viện, chương trình tiểu học mới còn nhiều bất cập khiến cả giáo viên và học sinh đều rất vất vả.
Thảm họa ngôn từ
"Bà có mái tóc dài nhưng trắng phau. Mỗi buổi tối khi bé Hưng nhà em không chịu ăn cơm bà liền rũ tóc ra méo xệch mồm dạo nó. Bé Hưng sợ phát khiếp vội vàng ăn ngay". Trên đây là một bài văn được xem "thảm họa" ngôn từ của học sinh cấp tiểu học miêu tả về bà mình. Bài văn đang được truyền tay nhau trên các trang mạng xã hội để các bà mẹ tham khảo về tình trạng cằn cỗi trong tư duy của một bộ phận trẻ em hiện nay.
Theo cô giáo Hải Yến, người đã có gần 20 năm kinh nghiệm dạy học ở Trường tiểu học Khương Thượng (Hà Nội): “Chương trình mới hiện nay có cái hay là giúp học sinh học ít hơn. Tuy nhiên, nhìn chung giảm tải không đáng kể. Cách học hiện nay yêu cầu học sinh phải vận động hơn nhưng phần nhiều học sinh thích đọc truyện tranh, chơi điện tử nên lời lẽ cộc lốc, diễn đạt ngây ngô và buồn cười như bài văn trên. Trước đây, trong chương trình có những bài cung cấp vốn từ cho học sinh, nay bị bỏ đi khiến việc dạy môn Văn của giáo viên khổ vô cùng”.
Ở lớp 3 nhưng học sinh đã phải tiếp xúc với những đề văn kiểu như "Kể về lễ hội hoặc một trận thi đấu thể thao". Cô Yến cho rằng, ở tầm 8 tuổi, có thể các em rất thích thể thao hoặc xem hội nhưng các em làm sao biết được các luật chơi để mô tả hoặc làm sao phân biệt được thế nào là vi phạm đường biên, hoặc cầu thủ phạm lỗi gì... Trong khi chương trình cũ phải đến lớp 4 các em mới phải làm quen với dạng bài này.
Cô Đoàn Thị Hồng Thủy, giáo viên lớp 5, Tổ phó chuyên môn Trường tiểu học Lê Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình) cho biết: "Trong một số lần họp chuyên môn, tôi đã có phản ánh về việc một số thay đổi trong chương trình mới hiện nay không phù hợp với học sinh. Nếu trước đây, chương trình tách ra các bộ môn Từ ngữ- Ngữ pháp thì nay gộp lại thành luyện từ - câu và phải học theo các chủ đề, không tách riêng nên học sinh tiếp thu rất chậm. Trước đây, ở chương trình lớp 5 có 3 tiết: Lập dàn ý, miệng và viết vở.
Hiện nay, chỉ có 3 dạng: Kể chuyện đã nghe đã đọc, kể chuyện đã được chứng kiến và tham gia, kể về tình yêu quê hương đất nước. Trong số đó, ở dạng thứ 3 không thích hợp với học sinh miền núi vì các em ít được tham gia các hoạt động tập thể nên sự phân tích tổng hợp kém hơn học sinh thành phố".
Bất cập, máy móc
Cô giáo Hải Yến cho biết, chương trình Toán hiện đang học sớm hơn trước đây. Chẳng hạn ở lớp 2, hiện học sinh đã học các phép tính với con số hàng nghìn, trong khi trước đây đến lớp 3 mới được học. Với Toán đại trà không đến nỗi phức tạp như nhiều phụ huynh kêu than nhưng có quá nhiều dạng Toán. Chẳng hạn ở chương trình lớp 4, học sinh chưa kịp nhớ hết dạng Toán này đã phải chuyển sang dạng Toán khác mới kịp chương trình. Ở chương trình mới này, giáo viên không được ra bài tập nên học sinh không thể ghi nhớ hết. Khi về nhà, do không có bài tập nên các em không ôn lại bài học trên lớp.
Ngoài ra, với thời lượng khoảng 40 phút cho một tiết nhưng lớp có đến 60 học sinh, mỗi em chưa được một phút để trả lời câu hỏi của giáo viên nên theo cô Yến, mỗi tiết học trung bình chỉ khoảng 20 học sinh được gọi trả lời. Ngoài ra, chương trình mới hiện nay khiến sự kèm cặp của bố mẹ không còn phù hợp nếu không nắm được phương pháp. Nhiều gia đình, bố mẹ đều là dân chuyên Toán nhưng lại giải bài tập của một học sinh lớp 3 bằng phương pháp đại số khiến cô giáo lắc đầu, còn học sinh lại không hiểu gì. Ở lớp không đủ thời gian, ở nhà bố mẹ không biết phương pháp giảng dạy nên cả giáo viên và học sinh đều mệt.
5 nhóm nội dung sẽ giảm tải trong năm học này: - Giảm tải những kiến thức được viết trong chương trình-sách giáo khoa để dạy học ở nhiều môn khác nhau. - Bỏ những nội dung trùng lặp dạy cả ở lớp dưới và lớp trên do chưa lường hết hạn chế của cách xây dưng chương trình- sách giáo khoa theo quan điểm đồng tâm. - Giảm tải những bài tập, câu hỏi yêu cầu vận dụng kiến thức quá sâu, không phù hợp trình độ nhận thức và tâm sinh lý lứa tuổi học sinh. - Việc giảm tải cũng quan tâm đến các kiến thức mang đặc điểm địa phương. - Những bài học trước đây sắp xếp chưa hợp lý nay sẽ được sắp xếp lại để học sinh thuận tiện hơn trong việc chuẩn bị đồ dùng dạy-học và mạch kiến thức được liên tục, không ngắt quãng. (Nguồn: Bộ GD&ĐT) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét