Văn hóa - Nghệ thuật quốc tế
Ban nhạc Westlife biểu diễn tại Việt Nam
Cập nhật lúc 04:08, Thứ tư, 31/08/2011 (GMT+7)
Năm nay những khán giả Việt Nam yêu thích âm nhạc quốc tế được đón chào nhiều ca sĩ, ban nhạc nước ngoài danh tiếng tới biểu diễn như: Backstreet Boys, Super Junior, JYJ, Ð.A-chu-lê-ta... và sắp tới là ban nhạc đến từ Ai-len Westlife (trong ảnh). Westlife ra mắt công chúng lần đầu vào năm 1998, gồm các thành viên: Mác, Xa-ne, Ních-ki, Ki-an và Bri-an (rời nhóm năm 2004).
Tên gọi của Westlife xuất phát từ việc có ba thành viên đến từ Xli-gô (tây bắc Ai-len). Ngay từ khi thành lập, bằng phong cách pop ballad đặc trưng và sự tinh tế trong kỹ thuật hát cùng với ngoại hình đẹp, Westlife nhanh chóng trở thành một trong những boyband nổi tiếng với nhiều bản tình ca nhẹ nhàng, đi vào lòng người như Soledad, Flying Without Wings, Seasons in the sun, My love... Ca khúc My love nằm trong an-bum Coast to Coast phát hành tháng 11-2000, khi được tách ra thành đĩa đơn đã đưa những chàng trai này trở thành ban nhạc đầu tiên trong lịch sử nền ghi âm ở Anh có bảy đĩa đơn liên tiếp đạt vị trí số 1. Westlife bán tổng cộng hơn 44 triệu an-bum tại hơn 40 nước, trong đó ở Anh là hơn 12 triệu an-bum. Ngoài ra, Westlife đã bốn lần giành giải Ghi âm của năm tại Anh và nhiều giải thưởng danh giá khác. Chuyến lưu diễn lần này tại Việt Nam của Westlife nằm trong khuôn khổ chương trình quảng bá cho an-bum mới nhất Gravity dự kiến diễn ra tại Hà Nội vào đầu tháng 10.
Bức tranh tường có niên đại 2.000 năm
Các nhà khảo cổ I-ta-li-a vừa khai quật được một bức tranh khảm trên tường vẽ Thần A-pô-lô trong thần thoại Hy Lạp vây quanh là các nữ thần, có niên đại khoảng 2.000 năm tại Thủ đô Rô-ma. Trong thần thoại Hy Lạp, A-pô-lô là vị thần ánh sáng, chân lý và nghệ thuật. Bức tranh được phát hiện dưới một đường hầm gần Ðấu trường La Mã, có niên đại vào khoảng giữa năm 64 và 109 trước Công nguyên, trong tình trạng khá nguyên vẹn, được trang trí trên phần nổi của bức tường có chiều cao khoảng 2m, rộng 16m. Ngoài ra, tại đường hầm này còn tìm thấy nhiều bức tranh tường độc đáo khác. Ðây được coi là một phát hiện quan trọng giúp các nhà khoa học trong việc nghiên cứu khảo cổ học.
Giới thiệu cuốn Cho tôi một vé đi tuổi thơ tại Thái-lan
Tại Băng-cốc (Thái-lan) vừa diễn ra buổi giao lưu và giới thiệu cuốn truyện Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Ðây là tác phẩm được trao giải thưởng văn học Ðông - Nam Á (S.E.A Write Award) tại Thái-lan năm 2010 và đã được Phó giáo sư - tiến sĩ Môn-ti-ra Ra-tô thuộc Viện Nghiên cứu châu Á của Trường đại học Chulalongkorn dịch sang tiếng Thái. Tiến sĩ Môn-ti-ra Ra-tô cũng là dịch giả của cuốn Nhật ký Ðặng Thùy Trâm sang tiếng Thái trước đây. Cuốn Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ do nhà xuất bản Nanmeebooks Co.Ltd ở Thái-lan phát hành và dự kiến sẽ được hai nhà xuất bản nước ngoài khác là Hannacroix Creek Books ấn hành bằng tiếng Anh và Dasan Book cho ra mắt bằng tiếng Hàn Quốc trong thời gian tới.
HOÀNG THANH
*** Phạm Nhàn : Cách viết các từ nước ngoài không nhất quán trong bài báo : lúc thì viết tên gốc nước ngoài, lúc thì viết tên nước ngoài theo lối phiên âm tiếng Việt (có dấu gạch ngang). Thiết nghĩ ở thời đại ngày nay, khi mà đất nước ta đã hội nhập sâu vào cộng đồng thế giới thì việc làm quen dần với các danh từ riêng của tiếng nước ngoài, nên ghi đúng tiếng gốc của tên riêng đó hơn là ghi theo kiểu phiên âm tiếng Việt. Ghi phiên âm thì dễ đọc nhưng sẽ là "xa lạ" khi phải tiếp xúc với tên gốc sau này. Đây là kinh nghiệm của bản thân gặp phải trong rất nhiều trường hợp trong thực tế. Sách giáo khoa của ta cũng rơi vào tình trạng này. Học sinh quen đọc phiên âm, đến khi gặp đúng từ đó ở dạng nguyên gốc thì đành chịu...không nhận ra ! |
|