Thứ Năm, 13 tháng 3, 2014

Tuyển sinh đại học cao đẳng 2014: phương án “Ba quy tắc” 06/03/2014

Tuyển sinh đại học cao đẳng 2014: phương án “Ba quy tắc”
Tuyển sinh đại học cao đẳng 2014: phương án “Ba quy tắc”
Các ngành đặc thù và quy định tiêu chí sàn của thí sinh học các ngành này là có điểm trung bình tổng kết PTTH từ 7 trở lên cho đại học và 6 trở lên cho CĐ.
Đây là một trong ba quy tắc mà TS. Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường Đại học FPT đề xuất trong kỳ tuyển sinh năm 2014.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn bài  viết của TS. Tùng góp ý cho phương án thay thế điểm sàn của Bộ GD&ĐT.
Bức tranh chung về các đề án tuyển sinh riêng 2014
2014 sẽ là năm có thay đổi quan trọng trong phương thức tuyển sinh ĐH-CĐ. Với tinh thần “tự chủ” được quy định trong Luật Giáo dục Đại học 2012 và được nhấn mạnh như một giải pháp quan trọng trong Nghị quyết Hội nghị TW 8 về đổi mới giáo dục.
Bộ GD&ĐT đang xây dựng hành lang pháp lý cho vấn đề tự chủ này, các trường ĐH-CĐ cũng đang định hướng sẽ làm gì để thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của mình. 


Thí sinh thì quan tâm đến việc sắp tới sẽ thi cử và xét tuyển thế nào, còn xã hội thì quan tâm những thay đổi này khi triển khai cụ thể sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đại học và quyền học tập sau phổ thông của thanh niên ra sao. 
Hiện Bộ GD&ĐT đã công bố phương án tuyển sinh của 62 trường, trong đó có 40 trường đại học và 22 trường cao đẳng, chiếm 10% số trường cao đẳng và 20% số trường đại học cả nước.
Trong danh sách các trường có cả những trường tốp đầu như ĐH Quốc gia Hà nội, ĐH Bách khoa HN, có những trường mang tính khu vực như ĐH Đà nẵng, ĐH Thái nguyên, ĐH Vinh, và có cả những trường thực sự đang gặp khó khăn trong tuyển sinh khi năm 2013 chỉ có vài chục sinh viên nhập học.
Đọc tất cả các đề án này thấy khá nhiều điểm chung - có thể dựa vào đó hình thành bộ quy tắc tuyển sinh cho năm 2014 và các năm sau này.   
Khối ngành năng khiếu

Trong danh sách 62 trường nêu trên, có 10 trường thuộc khối văn hóa – nghệ thuật đã tuyển sinh riêng từ 2013 thông qua thi năng khiếu và xét tuyển dựa trên kết quả học môn Ngữ văn.
Ngoài ra có thêm 7 trường cao đẳng liên quan đến văn hóa - nghệ thuật cũng đề nghị được tuyển sinh riêng như 10 trường kia. Một số trường có các ngành đào tạo thuộc khối Kiến trúc, Đồ họa, Giáo dục Thể chất, Mầm non… - là các ngành mang tính năng khiếu – cũng đề nghị được thi năng khiếu riêng.
Như vậy có thể thấy xu thế tuyển sinh cho các trường thuộc các ngành năng khiếu (văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, đồ họa, giáo dục mầm non, giáo dục thể chất…) đã hình thành rõ, và thử nghiệm cho 10 trường khối này tuyển sinh riêng 2013 đã cho kết quả tốt. Để tạo hành lang pháp lý chung, nên chăng Bộ ra quy định riêng về tuyển sinh các ngành năng khiếu. 
Quy tắc 1: Bộ GD&ĐT lên danh mục các ngành năng khiếu (văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, đồ họa, giáo dục mầm non, giáo dục thể chất…) được tự chủ tuyển sinh, và quy định tiêu chí “sàn” của thí sinh học các ngành này là có điểm trung bình môn Ngữ văn phổ thông trung học từ 7 trở lên với đại học và 6 trở lên với cao đẳng, đồng thời các trường tuyển sinh ngành này sẽ tổ chức thi năng khiếu hoặc sử dụng kết quả thi năng khiếu của trường khác để xét tuyển. 
Khối ngành đặc thù

Một số ngành đặc thù cần cho xã hội nhưng đang thiếu người học. Nhưng ngành này cũng không cần đầu vào quá xuất sắc. Bộ có thể cho tuyển sinh với tiêu chí là chỉ cần tốt nghiệp phổ thông với kết quả học tâp vượt một ngưỡng chất lượng nhất định. Đây cũng là kiến nghị của các trường đại học lớn như ĐH Thái nguyên, Đà nẵng, Vinh. 
 
Quy tắc 2: Bộ GD&ĐT lên danh mục các ngành đặc thù (nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, quản lý-quản trị...), và quy định tiêu chí sàn của thí sinh học các ngành này là có điểm trung bình tổng kết phổ thông trung học từ 7 trở lên cho đại học và 6 trở lên cho cao đẳng.   
Các ngành khác
Nếu không tính các trường thuộc khối năng khiếu, thì 100% các trường cao đẳng có phương án tuyển sinh riêng đều đề nghị tuyển sinh kết hợp “3 chung” và xét tuyển dựa trên kết quả phổ thông theo một tỷ lệ hợp lý, ví dụ 70% tuyển theo “3 chung”, 30% tuyển với kết quả học tập phổ thông vượt một ngưỡng chất lượng nhất định. 
Trong đề án tuyển sinh của các trường đại học, nếu bỏ đi các trường thuộc khối năng khiếu và một số đề án của các trường đặc thù như ĐH Bách khoa (sơ tuyển trước theo kết quả học phổ thông, sau đó theo “3 chung”), Đại học Quốc gia Hà nội (phương án thi kiểm tra năng lực, nhưng 2014 vẫn theo “3 chung”), Đại học Kiểm sát Hà nội (“3 chung” kết hợp phỏng vấn), ĐH Kiến trúc TP HCM (“3 chung” nhưng đổi môn thi) - thì 29/30 (97%) trường đại học có đề án nộp cho Bộ đều đề xuất phương án tuyển sinh kết hợp thi “3 chung” và xét tuyển theo kết quả học phổ thông - giống như đề xuất của các trường cao đẳng. 

Đây là đề nghị khá hợp lý, mở rộng tiêu chí “sàn” như dự kiến của Bộ GD&ĐT, sử dụng được kết quả học phổ thông để xét tuyển đại học cao đẳng - tuy nhiên để quản lý được chất lượng có thể phải khống chế tỷ lệ tối đa được xét tuyển. 
 
Quy tắc 3: Với các ngành không thuộc danh mục trong quy tắc 1 và 2, các trường có thể xét tuyển theo kết quả học tập phổ thông tối đa 30% chỉ tiêu với điểm trung bình phổ thông từ 7 trở lên (đại học) và 6 trở lên (cao đẳng). Số thí sinh còn lại tuyển dựa trên điểm sàn thi “3 chung”. 
 
Ba quy tắc
 
Ba quy tắc 1,2,3 nếu được áp dụng sẽ là “sàn” pháp lý áp dụng cho tất cả các trường ĐH-CĐ trong mùa tuyển sinh 2014. Mỗi trường sẽ dựa trên hành lang pháp lý này quy định về sàn riêng của trường mình (không thấp hơn sàn chung), quy định về tỷ lệ thi tuyển và xét tuyển và có thể kết hợp thêm các quy tắc thi tuyển, xét tuyển khác.
Trường nào chỉ dựa trên kết quả thi “3 chung” (như ĐH Bách khoa HN) thì số xét tuyển theo kết quả thi phổ thông tính là 0%. Các con số 30%/70%, 7 điểm (xét tuyển đại học), 6 điểm (xét tuyển cao đẳng) nêu trong các quy tắc chỉ là con số ước tính. Bộ GD&ĐT có thể dựa trên số liệu thống kê các năm trước để đưa ra con số phù hợp.
Các quy tắc này nếu đưa vào quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ 2014 thì Bộ sẽ không cần quản lý chi tiết đề án của từng trường nữa mà vẫn quản lý được chất lượng đầu vào, thực hiện được giải pháp “các trường tự chủ tuyển sinh theo quy chế tuyển sinh của Bộ”.
Các trường có hành lang khá rộng để tuyển sinh, kể cả cho các trường tốp đầu và tốp cuối. Nhiều ngành khó tuyển sẽ có thêm cơ hội tuyển sinh đào tạo nhân lực cho xã hội.
Với thí sinh, với việc vừa sử dụng kết quả thi đại học, vừa sử dụng kết quả học tập phổ thông để vào ĐH-CĐ thì lựa chọn cũng sẽ mềm dẻo hơn. Đây là phương án áp dụng khi vẫn còn thi 3 chung. Sau này nếu bỏ thi 3 chung và thay thế bằng một kỳ thi quốc gia khác – thì phương án “Ba Quy tắc” vẫn có thể áp dụng với các điều chỉnh về danh mục các ngành và các con số cụ thể cho phù hợp.
Phương án này cần được áp dụng song song với việc quản lý chặt chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm, và ngoài tiêu chí giảng viên, phòng học, cần bổ sung thêm tiêu chí suất đầu tư/sinh viên khi xác định chỉ tiêu để nâng cao chất lượng. 
 (Nguồn: http://giaoduc.net.vn/)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét