Cân nhắc khi chọn ngành “hot”
Thứ Bảy, 08/03/2014 23:11
Ngày 8-3, chương trình Đưa trường học đến thí sinh 2014 do Báo Người Lao Động tổ chức với sự tài trợ của Công ty CP Phân bón Bình Điền và sự đồng hành của các trường ĐH, CĐ diễn ra tại Trường ĐH Lạc Hồng (tỉnh Đồng Nai). Hơn 1.000 học sinh (HS) đến từ các trường THPT: Nam Hà, Ngô Quyền, Lương Thế Vinh… của TP Biên Hòa.
Ngành dược vẫn khó vào
Ban tư vấn chương trình tỏ ra ngạc nhiên trước việc rất nhiều HS quan tâm đến các ngành có điểm chuẩn rất cao đồng thời hỏi kỹ cơ hội việc làm của các ngành này những năm sắp tới.
HS Nguyễn Linh hỏi: “Năm 2013, ngành công nghệ thực phẩm của Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM lấy điểm khá cao. Năm nay, bỏ điểm sàn thì điểm trúng tuyển là bao nhiêu, cao hơn năm trước không?”. TS Nguyễn Xuân Hoàn, phó hiệu trưởng trường này, cho biết ngành công nghiệp thực phẩm có số thí sinh đăng ký thi vào ngày càng đông. Điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 vào ngành này cho khối A và A1 là 19,5; khối B là 20,5. Điểm cho nguyện vọng bổ sung của khối A, A1 là 20,5 và khối B là 21,5; tỉ lệ chọi năm 2013 là 1/25.
ThS Mai Anh Thơ, Phó Phòng Đào tạo của Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, cho biết điểm chuẩn ngành công nghiệp thực phẩm của trường này năm 2013 là 17 (khối A) và 20 (khối B), không tuyển nguyện vọng bổ sung.
Học sinh tỉnh Đồng Nai đặt câu hỏi với các chuyên gia tư vấnẢnh: Huy Lân
Các ngành dược, tài chính, ngân hàng cũng được nhiều HS quan tâm. HS Trần Thế Anh (Trường THPT Nam Hà) hỏi: “Em muốn học ngành dược tại các trường đào tạo về y dược nhưng phải là trình độ ĐH hay chỉ cần CĐ là có thể mở nhà thuốc?”. TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, cho biết phải có bằng dược sĩ ĐH mới được đăng ký mở nhà thuốc hoặc cho thuê bằng để mở nhà thuốc. ThS Hồ Viễn Phương, Trường ĐH Lạc Hồng, bổ sung rằng phải mất 5 năm để học dược sĩ bậc ĐH. Các chuyên gia tuyển sinh cho biết điểm chuẩn vào những ngành này hằng năm khá cao nên thí sinh cần thận trọng.
ThS Trương Tiến Sĩ, Phó Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cho biết ngành tài chính - ngân hàng những năm trước điểm chuẩn cao. ThS Phạm Thế Vinh, Trưởng Phòng Quản lý chiến lược Trường ĐH Tài chính - Marketing, cũng nói điểm chuẩn ngành này của trường năm 2013 là 17. Năm nay, ngành này lấy theo 3 điểm chuẩn của từng khối A, A1, D1 và dự kiến điểm chuẩn khoảng 17-19.
Giỏi khỏi lo thất nghiệp
Một thí sinh hỏi Trường ĐH Lạc Hồng rất mạnh về Robocon, vậy cần năng lực thế nào và thi ngành gì mới có thể chế tạo được Robocon. ThS Phương trả lời rằng thí sinh có thể thi vào 4 ngành: công nghệ kỹ thuật cơ khí, công nghệ điện - điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa. Tuy nhiên, để thành công, thí sinh cũng cần năng khiếu liên quan đến công nghệ.
Trả lời câu hỏi về một số ngành năm nay “hot” nhưng 4 năm nữa còn “hot” không? TS Nghĩa khuyên HS cần hiểu ngành “hot” là ngành có nhiều người muốn thi và có nhiều việc làm, lương cao. Tuy nhiên, ở nước ta chưa có cơ quan nào dự báo được điều này. Ở bậc ĐH, sinh viên có kiến thức nền ở một số môn học, ra trường có thể làm rất nhiều việc khác nhau ngoài kiến thức chuyên ngành. Yêu thích ngành nghề gì thì vào học ngành đó là thành công được 1 bước, cộng thêm tốt nghiệp loại giỏi thì không lo thất nghiệp.
Hôm nay, chương trình diễn ra tại tỉnh Hậu Giang
8 giờ hôm nay (9-3), chương trình Đưa trường học đến thí sinh 2014 sẽ được tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Minh Quang và Trường THPT Lê Quý Đôn (thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang). Ban tư vấn chương trình gồm: PGS-TS Đặng Vũ Ngoạn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM; TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP HCM; ThS Trương Tiến Sĩ, Phó Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP HCM... cùng đại diện các trường: Quốc tế PSB, ĐH Hoa Sen, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương, ĐH Võ Trường Toản…
Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Đài PT-TH Hậu Giang và tường thuật trực tuyến trên nld.com.vn.
Đặng Trinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét