Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Tác giả vở 'cây lêu': ‘Tôi sai sót nhưng tôi đúng’


Cập nhật lúc :8:18 PM, 31/05/2012
(ĐVO) Bà Đặng Thị Lanh, tác giả cuốn vở Tiếng Việt 1 bị sai chính tả, thừa nhận có sai sót khi không đòi xem chế bản trước khi in, nhưng tin là bản gốc của mình không sai.
>>> Tác giả cuốn "cây lêu" nguyên là Vụ phó thuộc Bộ GDĐT?
>>> Chưa ai nhận trách nhiệm sai sót trong vở Tiếng Việt lớp 1

Cuốn “Vở luyện tập Tiếng Việt 1”, do Nhà xuất bản Đà Nẵng chịu trách nhiệm xuất bản, có một số lỗi sai chính tả nghiêm trọng (Xem chi tiết >>>). Đến nay, NXB Đà Nẵng vẫn chưa xác định được nguyên nhân và xử lý những người có liên quan. Đất Việt đã phỏng vấn bà Đặng Thị Lanh, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) – tác giả cuốn vở, để làm rõ thông tin.

Những lỗi sai chính tả trong cuốn "Vở luyện tập Tiếng Việt 1".

- Bà nói gì về những sai sót trong sản phẩm luyện tập tiếng Việt dành cho học sinh lớp 1 do bà là tác giả?

- Thực sự tôi rất buồn và lấy làm tiếc khi xảy ra những lỗi sai nghiêm trọng trong cuốn “Vở luyện tập Tiếng Việt 1” trên. Tôi thừa nhận mình đã mắc sai sót và chủ quan khi không đòi kiểm tra chế bản lần cuối trước khi nó được in. Nhưng tôi tin tưởng là tôi không thể mắc những lỗi sai “giỗ” thành “dỗ”, “cây nêu” thành “cây lêu”. Tôi đã có 38 năm nghiên cứu và giảng dạy về ngữ âm tiếng Việt nên khó có thể mắc lỗi sai nghiêm trọng như vậy được. Tôi bị “tai bay vạ gió”.

- Khẳng định mình không sai, bà chỉ cần đưa ra bản gốc cuốn vở do bà viết là mọi chuyện sẽ rõ ràng, sẽ chứng minh được không phải lỗi của bà?

- Thú thật là nếu tôi còn giữ được bản thảo gốc thì mọi chuyện đã không phức tạp thế này. Do không quen sử dụng máy tính nên bản thảo tôi viết tay trên giấy và đã nộp cho bên đối tác là Nhà sách Kim Hoa. Khi vụ việc đáng tiếc này xảy ra, tôi đã lập tức liên hệ với bên nhà sách Kim Hoa để yêu cầu họ đưa lại bản thảo gốc của tôi để chứng thực mọi việc. Nhưng họ không trả lại cho tôi với lý do là bản thảo đó đã thất lạc trong quá trình dọn dẹp giấy tờ, hồ sơ. Vì thế, tôi nói tôi không sai thì có người không tin, vì tôi chưa đưa ra được bằng chứng.

- Như vậy là bà không làm việc trực tiếp với NXB Đà Nẵng để in cuốn vở này mà thông qua một đơn vị khác?

- Khoảng năm 2003 – 2004, ông Nguyễn Mạnh Dũng là đại diện cho Nhà sách Kim Hoa đã đặt hàng và kí hợp đồng trọn gói với tôi để tôi viết cuốn “Vở luyện tập Tiếng Việt 1”. Nghĩa là tôi nhận tiền thù lao một lần, sau đó việc sử dụng, in ấn, tái bản là toàn quyền của nhà sách Kim Hoa.

Tác giả Đặng Thị Lanh: "Tôi đã có 38 năm nghiên cứu và giảng dạy về ngữ âm tiếng Việt nên khó có thể mắc lỗi sai nghiêm trọng như vậy được". Ảnh: Duy Minh.
Thời gian cũng đã gần chục năm nên tôi cũng không để ý cuốn vở đó đã được in ấn hay tái bản bao nhiêu lần. Ngay cả cuốn vở có sai sót lần này, đến bây giờ, tôi vẫn chưa cầm trong tay. Vì cuốn vở đó không phải xuất bản lần đầu nên tôi càng có cơ sở để tin là lỗi không phải của mình. Bởi nếu sai từ đầu do tôi thì sao suốt thời gian dài qua, không ai phát hiện ra?

- Bà tin mình không sai nhưng cuốn vở khi đến tay độc giả đã bị sai chính tả. Vậy theo bà, nguyên nhân gây nên sai sót trên là do ai, ở khâu nào?

- Tôi đã gọi điện cho chị Kim Nhị (biên tập viên biên tập “Vở luyện tập Tiếng Việt 1” – PV) để hỏi xem chị và bên NXB Đà Nẵng có chỉnh sửa gì bản thảo gốc của tôi không. Chị Nhị không xác nhận gì và nói lãnh đạo NXB đang điều tra xác định nguyên nhân.

Tôi là người trong cuộc nên có lẽ tôi đưa ra ý kiến sẽ không khách quan. Nhưng có thể ở khâu chế bản đã “tự tin mình đúng” nên chỉnh sửa lại các từ trên, dẫn đến sai sót trong sản phẩm xuất bản cuối cùng. Tôi rất nóng ruột chờ kết luận cuối cùng của bên chịu trách nhiệm là NXB Đà Nẵng.

- Sau khi vụ việc xảy ra, phía nhà sách Kim Hoa và NXB Đà Nẵng đã liên hệ để làm rõ mọi việc với bà chưa?

- Họ không liên hệ trước mà chính tôi phải gọi cho họ để mong muốn làm rõ sai sót trên. Bên nhà sách Kim Hoa thì như tôi đã nói ở trên, họ không trả lại bản thảo gốc cho tôi.

Còn bên NXB Đà Nẵng thì khá khó khăn tôi mới lấy được số điện thoại của ông giám đốc Trương Công Báo. Đến khi tôi gọi điện thì lần đầu tiên ông Báo mới biết tôi là tác giả cuốn vở đó. Ông Báo đã trả lời tôi một cách rất nghiêm túc và hứa sẽ làm rõ mọi việc, tìm ra đúng nguyên nhân gây nên sai sót.

Bên NXB cho tôi biết, họ sẽ họp về vụ việc này vào chiều 31/5 và sẽ sớm đưa ra kết luận chính thức.

- Vụ việc lần này có ảnh hưởng gì đến cuộc sống và công việc của bà không?

- Suốt mấy ngày hôm nay, tôi ăn ngủ không yên. Dù tôi tin là không phải lỗi của mình nhưng vụ việc này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của tôi. Nhiều người không hiểu các khâu để cho ra một cuốn sách sẽ nghĩ ngay lỗi sai là của tác giả. Nhiều người, nhiều cơ quan đã, đang hoặc sẽ làm việc với tôi, liên hệ với tôi để viết sách chắc chắn sẽ có nghi ngại.

Thật trớ trêu là vụ việc sai chính tả này lại liên quan đến tôi, một người chuyên về ngành ngữ âm tiếng Việt. Rất nhiều đồng nghiệp, bạn bè và học trò đã gọi điện hỏi thăm và tỏ ra bất ngờ, cũng như không tin những sai sót đó là do tôi. Thực sự tôi rất buồn và mong sự việc được làm sáng tỏ càng sớm càng tốt.

"Tôi không thấy cô Lanh nói ngọng"

Ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD – ĐT:
"Khi tôi còn đương chức Thứ trưởng, tôi có công tác cùng bà Lanh một số năm. Trong quá trình công tác, bà Lanh là một người tận tụy với công việc, trình độ chuyên môn tốt, được mọi người tín nhiệm. Khi tiếp xúc tôi không thấy cô Lanh nói ngọng, lại là người có chuyên môn nên khó có thể để xảy ra những lỗi sai chính tả đáng tiếc như vậy. Theo tôi, mọi người nên kiểm tra lại khâu in ấn xuất bản vì các nhà in ở miền Bắc hay nói ngọng, hoặc ở khâu biên tập”.

Ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ tiểu học, Bộ GD – ĐT: “Bà Đặng Thị Lanh, nguyên là Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, tác giả cuốn sách, đã nghỉ hưu từ cách đây 13 năm, từ năm 1999. Tôi không có bình luận gì cả, mà nếu có bình luận thì cũng giống như các bạn thôi. Tôi cho rằng, bất kỳ người nào khi viết sách đều phải cẩn thận, khi để để xảy ra sai sót dù là ai cũng đều có lỗi, phải chịu trách nhiệm".

 Ngọc Anh (ghi)
Duy Minh
Bình Minh
Ở cơ quan tôi cũng có nhiều người viết sai chính tả lắm, ví dụ như " d " thành " gi " hay " r ". Đúng ra phải là " Có giỗ " và " Cây nêu " chứ nhỉ, " dỗ " chỉ dùng trong " dỗ dành " thôi chứ.

Tuấn Long
Kính gửi mọi người, như mẫu trên báo đưa ra thì tôi thấy lỗi từ phía bà Lanh. Lý do: - Các chữ mẫu đều một kiểu, vậy ko thể nói bà Lanh viết chữ "có", "cây" còn chữ "dỗ" và "lêu" là do Ban biên tập. - Thứ 2, thật vô trách nhiệm với đứa con tinh thần của mình khi từ năm 1999, 1 càn bộ lãnh đạo của Bộ GD&ĐT lại kém về trình độ máy tính, không lưu bài gửi, gửi bán bản gốc xong là phủi tay cầm tiền - không cần quan tâm, kiểm tra, đọc phản hồi. Lý lẽ bà Lanh đưa ra tôi thấy là vô trách nhiệm. Trân trọng

Đinh Khắc Bình
Đây là vở tập viết,gíup cho trẻ luyện chữ.Luyện chữ elờ chứ không phải en nờ,chữ d đê chứ không phải Gi.Tuyệt nhiên không phaỉ tập đọc mà sai chính tả?Càng khó có thể biên tập chữ khác đi?Còn nhận đúng thì đến các bé lớp 1 cũng biết là viết đúng hay sai so với vở tập.Hoá ra chẳng cứ các đạo diễn phim không bao giờ xem phim của mình,mà đến người soạn sách cũng vậy?Đến sách giả cũng khó giả kiểu này?

Quang Hoà
Tác giả là người thực hiện cải cách Tiếng Việt nổi tiếng với việc cho trẻ nhỏ học chữ E trước chữ A nổi tiếng hồi nào. Lỗi chính tả vụ này cũng nổi tiếng theo chiều hướng xấu. Có thể sai từ người khác song tác giả cũng phải chịu trách nhiệm. Còn ông nguyên thứ trưởng Nhĩ nói cũng hay. Nói không ngọng và viết ngọng không liên quan gì .

steve
Tôi sai sót nhưng tôi đúng’ ??? = không chấp nhân lỗi mình làm?

Nguyễn Tiến Dũng
"Tôi không thấy cô Lan nói ngọng" Vâng, các anh cũng để một lỗi không nên có, nhất là ở bài báo về vấn đề này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét