Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

Phó Vụ trưởng khẳng định: "Phạm Xuân Khánh NCS 9 năm là sai quy chế"

Thứ sáu 11/05/2012 06:42
(GDVN) - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Hoàng Thị Lan Phương khẳng định,luận án Tiến sĩ của NCS Phạm Xuân Khánh vượt quá thời hạn, Trường ĐH Bách Khoa làm việc chưa nghiêm túc.
Ngay sau khi bài báo Vụ Nghiên cứu sinh kéo dài 9 năm: Quy định của Bộ đang bị "bóp méo"? được Báo Giáo dục Việt đăng tải sáng 10/5, một số độc giả đã phản hồi rằng từ khi công nhận nghiên cứu sinh (NCS) đến khi "nộp đơn, làm hồ sơ" trong thời gian 7 năm là đúng quy chế.

Để làm sáng tỏ vấn đề này, Báo Giáo dục Việt Nam đã có buổi làm việc với Bà Hoàng Thị Lan Phương - Phó vụ trường Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), người trực tiếp kiểm tra Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội.

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Hoàng Thị Lan Phương

Thưa Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Hoàng Thị Lan Phương, xin bà cho biết thời hạn 7 năm tối đa cho một NCS làm Luận án Tiến sĩ tính từ mốc thời điểm nào?

PVT Hoàng Thị Lan Phương: Theo quy chế Đào tạo trình độ tiến sĩ (Ban hành kèm theo Thông tư số 10 /2009/TT-BGDĐT ngày 07 / 5 /2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo), tại khoản 4 điều 23 ghi rõ “Nghiên cứu sinh được xác định là hoàn thành chương trình đào tạo đúng hạn nếu trong thời hạn quy định, luận án đã được thông qua ở Hội đồng đánh giá luận án cấp cơ sở. Nghĩa là luận án đã được bảo vệ thành công cấp cơ sở (Bộ môn).

Viện phó Viện Đào tạo sau Đại học của Trường ĐH Bách Khoa nói rằng, chỉ cần NCS nộp hồ sơ, làm hồ sơ trước thời hạn 7 năm là đúng quy định. Điều này có đúng không, thưa bà? 


PVT Hoàng Thị Lan Phương: Trường ĐH Bách Khoa nói như vậy thì hoàn toàn không đúng với quy định của Bộ.

Trong quy chế của Bộ đã ghi rõ tại điều 23: “Nghiên cứu sinh được xác định là hoàn thành chương trình đào tạo đúng hạn nếu trong thời hạn quy định, luận án đã được thông qua ở Hội đồng đánh giá luận án cấp cơ sở”. Do vậy, nếu ai nói là chỉ cần nộp hồ sơ trước thời hạn 7 năm là hoàn toàn sai quy chế, chưa hiểu quy chế.

Bà là người trực tiếp xuống làm việc với Trường ĐH Bách Khoa về trường hợp của NCS Phạm Xuân Khánh bị tố là làm luận án Tiến sĩ quá 9 năm. Xin bà cho biết về nội dung buổi làm việc đó?

PVT Hoàng Thị Lan Phương: Anh Phạm Xuân Khánh có quyết định 4489 công nhận nghiên cứu sinh của Bộ GD & ĐT vào ngày 25 – 8 – 2003, có quyết định số 1627 của Trường Bách Khoa giao đề tài và người hướng dẫn vào 10 – 9 – 2003. Với hai mốc thời gian này, thì có thể cho NCS tính thời gian bắt đầu ngày nào cũng được. Thực tế là Trường ĐH Bách Khoa tính theo tháng 9 – 2003. Nhưng đúng ra phải tính theo tháng 8 – 2003 của Bộ mới chính xác nhất.

Đơn nghiên cứu sinh của Phạm Xuân Khánh


Quyết định đào tạo cho NCS Khánh là trong vòng 4 năm. Như vậy, theo quyết định của Bộ đến tháng 8 – 2007 là hết hạn 4 năm học tập của anh Khánh. Nếu hết thời hạn 4 năm mà chưa hoàn thành thì học viên được quyền xin gia hạn thêm.

Tại thời đểm đó, quy chế 18 quy định NCS được đề nghị gia hạn 12 tháng. Nếu chờ Bộ ra công văn đồng ý thì thời gian gia hạn 12 tháng, còn Trường được phép gia hạn trong 6 tháng học tập. Trường Bách Khoa cũng đã ra quyết định số 82, gia hạn thêm cho anh Khánh.

Nếu đúng nguyên tắc trong quy chế quy định là trước khi hết thời gian 4 năm, nếu NCS tự thấy không hoàn thành được thì phải làm đơn xin gia hạn thêm trước 6 tháng.

Ở điểm đó trường Bách khoa có du di cho anh này. Đáng lẽ, NCS phải làm đơn xin gia hạn thêm vào trước tháng 3 năm 2007. Và trường ĐH Bách khoa Hà Nội chỉ có thể gia hạn thêm bắt đầu thời gian kết thúc học tập vào tháng 9 – 2007 cộng thêm 6 tháng là vào khoảng tháng 3 – 2008. Nhưng nhà trường lại gia hạn đến tháng 5 – 2008.

Như vậy là ngay phần gia hạn học tập, NCS này đã bị chậm mất 2 tháng. Tuy nhiên, đối với khối kĩ thuật hoàn thành luận án rất khó khăn, do đó thay đổi một chút chúng tôi vẫn chấp nhận được .

Tháng 5- 2008, NCS chưa hoàn thành luận án thì bị trả về cơ quan cũ, trong vòng hai năm NCS có thể quay lại để hoàn thành luận án theo đúng quy định. Khi trả về hai năm thì đến tháng 5 – 2010 là hạn chót để quay lại làm luận án. Nhưng thực tế là đến tháng 8 – 2010, NCS Phạm Xuân Khánh mới nộp hồ sơ bảo vệ luận án.

Tới 30 - 11 - 2010 theo quyết định 4047 Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho phép NCS Phạm Xuân Khánh bảo vệ Luận án cấp Bộ môn.

Chính xác từ tháng 8 – 2003, đến tháng 8 – 2010 NCS phải bảo vệ cấp Bộ môn, nhưng trường lại quyết định đến 30 – 11 – 2010 NCS mới bảo vệ luận án cấp Bộ môn. Như vậy, tính từ khi công nhận là NCS đến khi thông qua cấp cơ sở, NCS Phạm Xuân Khánh đã vượt so với thời gian quy định từ 3 đến 5 tháng.

Theo quy chế của Bộ Giáo dục Đào tạo, NCS Phạm Xuân Khánh không được phép bảo vệ Luận án Tiến sĩ


Với những gì làm việc với trường Bách Khoa, bà nhận thấy việc gia hạn muộn là do trường hay NCS Phạm Xuân Khánh?

PVT Hoàng Thị Lan Phương: Phải nhìn vào đơn xin gia hạn của NCS thì mới đánh giá được là việc gia hạn muộn này là do trường hay là do NCS. Ở đây là do NCS nộp đơn muộn vào 19-01-2008, lúc này NCS mới viết đơn gia hạn. Đáng lẽ họ phải nộp đơn vào tháng 6 năm 2007, trước khi hết hạn đào tạo 4 năm, như vậy mới đúng quy chế. Lỗi này thuộc về NCS. Nguyên tắc thì trường không gia hạn thêm cho NCS, nhưng có thể Trường vẫn du di cho NCS.

Vậy thời gian quá hạn là bao nhiêu lâu thì vẫn được bảo vệ, thưa bà?

PVT Hoàng Thị Lan Phương: Đúng theo quy chế đã nói rõ: Thời gian tối đa cho phép trình luận án để bảo vệ là 7 năm (84 tháng) kể từ ngày có quyết định công nhận nghiên cứu sinh. Quá thời gian này, nghiên cứu sinh không được bảo vệ luận án và các kết quả học tập thuộc chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ không được bảo lưu. 

Tuy nhiên, vào những trường hợp cụ thể đặc biệt với các ngành kĩ thuật nếu anh có báo cáo, có nguyên do hợp lí thì Bộ sẽ xem xét. Tùy vào từng điều kiện thực tiễn Bộ sẽ đưa ra quyết định cụ thể. Các đơn vị phải theo đúng quy chế mà làm, nếu vượt quá thì phải báo cáo xin ý kiến của lãnh đạo Bộ. 

Trường hợp này là quá ba tháng phải báo cáo lãnh đạo bộ chỉ ra những lí do chậm trễ đề nghị Bộ cho ý kiến, nếu đồng ý thì cho bảo vê, không đồng ý thì không được bảo vệ.

Trường ĐH Bách Khoa làm đã không cẩn thận, chưa nghiêm túc, chưa làm theo đúng như quy chế của Bộ.

Ông Khánh bảo vệ luận án quá thời gian quy định tối đa như vậy, trách nhiệm thuộc về ai thưa bà?

PVT Hoàng Thị Lan Phương: Trước tiên sai sót là ở phía nhà trường. Nếu trường làm đúng thì phải báo cáo Bộ đề nghị lãnh đạo Bộ cho ý kiến về việc quá thời gian quy định này. Tuy nhiên vì trường nghĩ rằng quá 3 tháng là không có vấn đề gì do vậy họ tự ra quyết định, vẫn cho bảo vệ.

Trước đây với các trường hợp cụ thể ví dụ như với khối khoa học kĩ thuật cần trang thiết bị, cần tốn kém thời gian cho các thí nghiệm thì Bộ vẫn có thể cho phép kéo dài thêm một khoảng thời gian nhất định.

Đối với quy chế là đã vựợt, sai quy định trong trường hợp thực tế phải báo cáo lãnh đạo Bộ, xin phép Bộ thì là đúng nhất. Đây là một sơ suất của nhà trường.

Thưa bà, với những sơ suất, du di tương tự liệu quy chế của Bộ có đang "bóp méo"?

PVT Hoàng Thị Lan Phương: Những trường hợp có lí do chính đáng và được báo lên lãnh đạo Bộ thì sẽ được xem xét, còn trường hợp khác như ông Khánh thì còn phải căn cứ vào nhiều yếu tố để quyết định.

Xin bà cho biết đối với trường hợp này giải quyết như thế nào?

PVT Hoàng Thị Lan Phương: Đáng lẽ trường phải sát sao, giám sát từng mốc thời gian để đốc thúc, nhắc nhở NCS hoàn thành đúng hạn. Tuy nhiên, trường chưa bám chặt quy chế để làm, 84 tháng rồi thì không được làm bảo vệ nữa. 

Bộ đều có nhắc nhở trường phải làm đúng quy chế. Trường hợp quá nhiều thì sẽ không cấp phôi bằng. Tuy nhiên, Trường Bách khoa được tự chủ và thực tế là họ đã cấp phôi bằng cho NCS.

Bộ đã phải tổ chức cuộc họp để nghe giải trình về NCS này ngay khi nhận được thông tin. Vụ nhắc nhở trường phải làm việc nghiêm túc theo đúng quy chế.

Trường hợp này đã vượt qua quy chế và quyền hạn của Vụ nên phải báo cáo với lãnh đạo Bộ để xin ý kiến giải quyết.

Trân trọng cảm ơn bà!


NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Vụ Nghiên cứu sinh kéo dài 9 năm: Quy định của Bộ đang bị "bóp méo"?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét