Thứ Tư, 9 tháng 5, 2012

Phát triển nguồn nhân lực: Quy hoạch một đằng, đào tạo một nẻo

Thứ tư 09/05/2012 07:22
Chính phủ đã có quy hoạch dài hạn về phát triển nhân lực các ngành nghề từ nay đến 2020. Tuy nhiên, thực tế đào tạo và xu hướng chọn ngành nghề đang đi lệch với nhu cầu thực tế.
Cần khoa học cơ bản, kỹ thuật công nghệ
Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn từ 2006 đến 2020. Theo đó, Chính phủ ưu tiên phát triển một số ngành trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, công nghệ thông tin, công nghệ cơ điện tử và tự động hóa, công nghệ sinh học, một số ngành nghề kỹ thuật và công nghệ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa và hiện đại hóa, đào tạo giáo viên và chuyên gia trình độ cao trong lĩnh vực dịch vụ... Quy hoạch của nhà nước xác định: “Điều chỉnh cơ cấu số lượng sinh viên được đào tạo theo nhóm các ngành, nghề để đến năm 2020 đạt tỷ lệ như sau: khoa học cơ bản 9%; sư phạm 12%; công nghệ - kỹ thuật 35%; nông - lâm - ngư 9%; y tế 6%; kinh tế - luật 20% và các ngành khác 9%”.

Nhiều thí sinh chọn ngành kinh tế...


Cũng theo quy hoạch, đến năm 2020 những ngành nghề có nhu cầu nhân lực cao thuộc về lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ. Đến năm 2015, các ngành cần nhiều nguồn nhân lực là giao thông vận tải, du lịch, công nghệ thông tin... (mỗi ngành cần trên 500.000 người). Trong khi ngành ngân hàng chỉ cần khoảng 240.000 người. Đặc biệt ngành tài chính được dự báo từ năm 2011-2015 cần 2,2 triệu người, nhưng sẽ chỉ còn 1,6 triệu người vào 2016-2020. Như vậy, nhu cầu về ngành tài chính, ngân hàng không phải là quá nóng như hiện nay và sẽ giảm mạnh từ năm 2016.
Bất hợp lý phân bổ chỉ tiêu
Trên thực tế, việc xác định chỉ tiêu như hiện nay đã không còn phù hợp với quy hoạch của Chính phủ và dự báo ngành nghề. Điều đáng nói là chính Bộ GD-ĐT cũng nhận thấy điều này nhưng lại không tìm cách hạn chế.
Tại hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ diễn ra đầu năm nay, lãnh đạo Bộ nói trên cho biết kỳ thi tuyển sinh năm 2011 vẫn còn một số hạn chế, mất cân đối ngành tuyển sinh và đào tạo. Theo thống kê của Bộ thì năm 2011 có tới 248/416 (chiếm tỷ lệ 59,62%) trường ĐH, CĐ tuyển sinh một trong 4 ngành: kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng, kế toán. Chỉ có 76 trường ĐH và 92 trường CĐ thuộc khối y dược, năng khiếu - nghệ thuật và một số trường sư phạm không tuyển sinh các ngành trên.

... nhưng rất ít thí sinh thi vào các ngành xã hội


Cũng theo thống kê nói trên, tỷ lệ chỉ tiêu tuyển sinh của các trường phân bổ cho các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng, kế toán chiếm xấp xỉ 38% so với tổng chỉ tiêu, còn lại 62% chỉ tiêu tuyển sinh cho tất cả các ngành đào tạo khác. Bình quân trong 3 năm (2009 - 2011), số thí sinh đăng ký vào 4 ngành trên chiếm xấp xỉ 41% trong tổng số hồ sơ đăng ký dự thi.
Mặc dù thừa nhận chỉ tiêu khối ngành kinh tế chiếm quá nhiều, nhưng năm 2012 Bộ vẫn tiếp tục giao chỉ tiêu cao nhất cho khối ngành này. Tại hội nghị kế hoạch ngân sách của Bộ GD-ĐT vào năm ngoái, Vụ Kế hoạch - Tài chính đã đưa ra tổng chỉ tiêu tuyển mới toàn ngành hệ chính quy ĐH, CĐ năm 2012 là 576.000. Trong số đó chỉ tiêu dành cho khối ngành kinh tế - tài chính - ngân hàng chiếm tới 184.300 (tỷ lệ 32%), cao nhất trong các khối ngành. Các ngành còn lại gồm: kỹ thuật công nghệ 30%; sư phạm 9,5%; khoa học tự nhiên và xã hội nhân văn 9%; nông lâm ngư nghiệp: 7,5%; y dược: 7%; nghệ thuật, thể dục thể thao 5%.
Chính vì phân bổ chỉ tiêu quá nhiều cho khối ngành kinh tế nên không có gì ngạc nhiên khi các năm qua khối ngành này bao giờ cũng có thí sinh đăng ký dự thi đông nhất. Trong khi đó những ngành học về khoa học cơ bản ngày càng ít thí sinh. Trao đổi với PV Thanh Niên về thực trạng này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga thừa nhận: “Đúng là số hồ sơ thí sinh đăng ký thi ĐH về chuyên ngành xã hội nhân văn ngày càng giảm. Năm 2010 số thí sinh thi khối C chiếm 7,8%, còn năm 2011 là 6,4%. Trong khi đó, số lượng thí sinh đăng ký thi các ngành quản lý kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng... lại tăng nhanh. Điều này đang ảnh hưởng đến cơ cấu nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét