Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012

Nhà thơ Vũ Quần Phương: “Đạp đổ cổng trường là cú hích của lịch sử”

Thứ tư 16/05/2012 06:10
(GDVN) - Tâm lí ngại thay đổi là yếu tố quan trọng nhất gây cản trở sự phát triển rộng rãi của mô hình thực nghiệm. Tâm lí cầu an có ở tất cả mọi ngành nghề, ăn sâu vào trong suy nghĩ của rất nhiều người. Muốn thay đổi thì Nhà nước phải biết rằng, có những người thất bại vẫn cần được khen. Ngày xưa người ta có câu: “Luận anh hùng chớ kể hơn thua” cũng là vì lẽ đó.
Ba ngày sau khi sự kiện hàng trăm phụ huynh thức đêm chờ đợi, rồi "đạp đổ cổng trường Thực nghiệm" chỉ để mua được bộ hồ sơ đăng ký cho con thi vào lớp 1, Nhà thơ Vũ Quần Phương đã chia sẻ với Báo Giáo dục Việt Nam những góc nhìn hết sức thú vị.


Nhà thơ Vũ Quần Phương

Mừng vì bà con vẫn còn trọng sự học

Thưa Nhà thơ Vũ Quần Phương, ông có suy nghĩ gì khi chứng kiến cảnh phụ huynh học sinh chen lấn, xô đẩy để xin cho con vào trường Thực nghiệm vừa qua?

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Điều thứ nhất là tôi mừng. Vì trong hoàn cảnh xã hội đang rất khó khăn như hiện nay mà bà con mình vẫn hiếu học, trọng sự học, trọng chữ, lo cho sự học của con em mình. Xã hội đang gặp bao nhiêu khó khăn, nhất là khó khăn về sự suy thoái đạo đức nhưng người dân vẫn trọng chữ nghĩa là vẫn đưa cho tôi chút hi vọng vào tương lai.

Cái mừng tiếp theo là bản thân tôi thấy rằng phương pháp giáo dục thực nghiệm này rất hay. Nhiều người mong muốn cho con em họ được học ở trường này thì đây cũng là niềm hi vọng cho mô hình giáo dục này phát triển mạnh hơn trong tương lai.

Những ngày qua nhìn hình ảnh nhếch nhác, chen lấn nhau như thời đi "chạy loạn", xếp hàng mậu dịch của các bà, các bác mà tôi thấy tội vô cùng. Nhưng cũng chính từ sự vất vả mà tôi càng thấy rất cảm phục, kính trọng sự quan tâm đến tương lai của các bậc phụ huynh.

Thưa ông, nhiều người cho rằng, hiện tượng đổ xô về trường Thực nghiệm này là do danh tiếng của GS.Ngô Bảo Châu, ông nghĩ thế nào về điều này?

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Vai trò của Ngô Bảo Châu là chủ yếu trong hiện tượng. Gần đây, Châu có viết 1 cuốn sách Ai và Ky ở xứ sở tang hình. Trong ngày sách của thành phố Hồ Chí Minh đây là cuốn sách bán chạy nhất. Mặc dù nó không phải là dễ đọc nhưng người ta nghĩ rằng Châu thì sẽ giúp con họ đến gần hơn cái đích thành công như Châu. Câu chuyện đó cũng giống như xin học trường này vì họ nghĩ vào học ở đây cũng sẽ có cơ hội nào đó, có thể đạt được những thành tích nổi tiếng cả thế giới như Ngô Bảo Châu.

Nhưng theo tôi thì mọi người cần nhớ rằng, không phải chỉ môi trường có thể đào tạo ra nhân tài. Thành công của một nhà khoa học cần nhiều yếu tố mà quan trọng nhất là chính bản thân của người đó: phương pháp tư duy, thông minh, chuyên cần của người này.

Không phải ai học thực nghiệm cũng thành Ngô Bảo Châu. Và nhiều nhà khoa học không học thực nghiệm vẫn rất giỏi đấy thôi. Cũng đừng vì hiếu thắng mà làm chệch mất hướng phát triển của trẻ. Vì vậy nếu học được thì tốt không thì các trường khác cũng vẫn có những điểm hay.

Cú hích lớn của lịch sử cho nền giáo dục Việt Nam

Theo ông thì trong thời đại hiện nay, giáo dục Việt Nam cần phải làm gì để có thể đáp ứng được nhu cầu của toàn xã hội?

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Qua hiện tượng trường Thực nghiệm, tôi cũng có góp ý với ngành giáo dục là muốn cách tân muốn thay đổi nền giáo dục thì đây là chính là cơ hội thuận tiện. Đây cũng là một nhu cầu của xã hội là dịp quẫy một làn sóng, cú hích của lịch sử để có thể thay đổi. Một khi có cầu thì chúng ta cần phải nhân rộng ra thành nhiều trường. Đây là cơ hội, cú hích của lịch sử để thay đổi vể vươn ra biển lớn.

Cách giáo dục này tôi đã thấy từ lâu trên thế giới. Thứ nhất, không phải dạy kiến thức mà là dạy làm ra kiến thức giống như câu: “Cho cái cần chứ không cho con cá”. Không dạy thụ động, học thụ động mà là có phản biện, nâng cao tính dân chủ của học trò. Học kiến thức đồng thời học kĩ năng sống, kĩ năng cộng tác. Nhưng ở ta có nhiều trở ngại chưa nhân được lên, vì thế đây là dịp thuận lợi để nhân lên.

Nếu như bây giờ có nhiều trường tốt như trường Thực nghiệm này thì sẽ không còn tình trạng chen lấn, xô đẩy để xin vào trường nữa.


Cảnh chen lấn tại trường Thực nghiệm


Nhưng thưa ông, trước đây nhiều người e ngại khi chọn trường Thực nghiệm nay, vì thế mà hơn 30 năm nay chương trình thực nghiễm vẫn chỉ là thực nghiệm. Và cũng có thông tin rằng, một số trẻ vẫn cứ học thêm kiến thức ở trường khác theo "chương trình cũ"...


Nhà thơ Vũ Quần Phương: Phương pháp thực nghiệm là phương pháp hay, nhưng hơn ba chục năm qua vẫn chỉ là thực nghiệm, chưa nhân rộng ra được vì có một số hệ lụy. Tức là người ta thấy nó hay, nhưng người ta không tin là nó được chấp nhận. Chương trình thì sộc sệch không cố định nên cần phải có những người thầy giỏi đủ sức để dạy học trò.

Tính mở rộng của thày và trò trong cách dạy, cách học được phát huy tối đa ở ngôi trường này. Và có những suy nghĩ ấu trĩ rằng, tính sáng tạo của học trò quá cao thì sẽ có thể làm mất chuẩn, là cho người ta không bắt, không quản lí được.

Ngoài ra, để dạy theo mô hình thực nghiệm thì thời đòi hỏi giảng viên phải có trình độ cao, có thể xử lý nhiều tình huống bất ngờ không có giáo án. Bởi vậy chỉ có thầy giỏi phát huy được tính tích cực, dân chủ, phản biện của học trò.

Tâm lí ngại thay đổi là yếu tố quan trọng nhất gây cản trở sự phát triển rộng rãi của mô hình thực nghiệm. Tâm lí cầu an có ở tất cả mọi ngành nghề, ăn sâu vào trong suy nghĩ của rất nhiều người. Muốn thay đổi thì Nhà nước phải biết rằng, có những người thất bại vẫn cần được khen. Ngày xưa người ta có câu: “Luận anh hùng chớ kể hơn thua” cũng là vì lẽ đó.

Cái khó của các em học sinh là khi học xong thực nghiệm phải hòa vào cùng với các học sinh khác để thi đại học. Việc thay đổi đang là bức bách lắm rồi. Chúng ta cần phải thay đổi ngay, thay đổi toàn diện và phải bất chấp những thất bại thì mới có thành công.

Trân trọng cảm ơn ông!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét