Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

Giáo viên mòn mỏi chờ phụ cấp thâm niên
Gần một triệu giáo viên trên cả nước đang mong chờ được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên. 
Theo Nghị định 54/2011/CP về phụ cấp thâm niên cho giáo viên (GV), từ ngày 1.9.2011, những GV có thời gian giảng dạy từ 5 năm trở lên sẽ được hưởng khoản phụ cấp có giá trị bằng 5% mức lương đang hưởng. Những năm sau trở đi, phụ cấp thâm niên mỗi năm sẽ được tính thêm 1% và khoản tiền này được trả vào kỳ lương hằng tháng. Trước thông tin này, khỏi phải nói, GV vui mừng thế nào. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, GV vẫn chưa nhận được khoản phụ cấp trên.
 
Giáo viên vẫn đang chờ đợi khoản tiền phụ cấp thâm niên có hiệu lực từ 5 tháng qua - Ảnh: B.Thanh
Bà Lê Thị Minh Loan, Trưởng phòng Giáo dục Q.9 (TP.HCM), cho hay: "Ngay trong tháng 7.2011, khi nghị định vừa ban hành, ai cũng phấn khởi và phòng giáo dục đã triển khai xuống các trường. Các công việc hành chính như thống kê số lượng, hạch toán cụ thể từng GV được hưởng bao nhiêu, các trường đều tiến hành một cách nhanh chóng sao cho đến tháng 9 là chi trả ngay. Tuy nhiên đến giờ này, ngân sách cũng chưa về và chúng tôi cũng chưa có thông tin cụ thể". Một GV ở Q.1 có 20 năm đứng lớp than thở: "Cả trường tôi, GV nào cũng mừng. Vậy mà chờ đợi mãi nên đâm ra nản. Động viên tinh thần, giải quyết khó khăn cho nhà giáo mà để họ phải đợi dài cổ. Thử hỏi như vậy làm sao thu hút được học sinh thi vào ngành sư phạm".
Mong đừng bị lãng quên
Ông Trần Minh Thư, Hiệu trưởng Trường tiểu học Điện Biên (Q.10), nói: "Nghị định đã được ký ban hành, trách nhiệm của những bộ phận có liên quan phải thực hiện ngay".
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.10 thì cho rằng: "Đừng để nghị định như lời hứa của Bộ năm 2010, GV sẽ sống được bằng lương. Thực tế đến giờ lời hứa đó bị lãng quên mà nguồn động viên cho những người đứng lớp cũng trầy trật mãi không được nhận thì buồn cho nghề giáo lắm".
Đề cập vấn đề này, ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay: "Cứ phải chờ thông tư hướng dẫn chứ không có cách nào khác. Riêng TP.HCM đảm bảo có thông tư thì GV sẽ được truy lĩnh ngay vì ngân sách nhà nước luôn sẵn sàng cho nguồn kinh phí này".
Về quy trình thực hiện, ông Nguyễn Đình Thái Châu, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch của Sở GD-ĐT TP.HCM, giải thích: "Sau khi Chính phủ ký nghị định thì các bộ, ngành có liên quan phải họp bàn thống nhất để ban hành thông tư hướng dẫn. Khi thông tư được triển khai đến các địa phương thì sở tài chính sẽ rót kinh phí về các quận, huyện để chi trả cho GV". Cũng theo ông Thái Châu: "Sở dĩ GV chưa nhận được khoản tiền này là do chưa có thông tư hướng dẫn".
Thấy có lỗi vì sự chậm trễ
Thanh Niên có cuộc phỏng vấn ông Trần Kim Tự (ảnh), Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD-ĐT), xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, chế độ phụ cấp thâm niên cho nhà giáo thực thi từ ngày 1.9.2011, được tính từ ngày 1.5.2011, thế nhưng cho đến nay GV trong diện được phụ cấp vẫn mong ngóng. Xin ông cho biết vì sao việc ban hành thông tư hướng dẫn lại chậm trễ như vậy?
 
Một số trường ĐH đã chủ động thực hiện chính sách và các địa phương, theo tôi biết, đã chủ động lập dự toán chi. Nói như vậy nhưng chúng tôi cũng thừa nhận việc ban hành hướng dẫn là chậm trễ. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT rất quan tâm, liên tục đốc thúc vấn đề này, bản thân ban soạn thảo như chúng tôi cũng thấy rất có lỗi với các thầy cô trên cả nước vì sự ban hành chậm trễ này.
Theo quy trình, vì là thông tư liên tịch nên một mình Bộ GD-ĐT không thể chủ động về thời gian được, mặc dù Bộ GD-ĐT đã xây dựng soạn thảo, phải xin ý kiến của các bộ: Tài chính,  Lao động - Thương binh - Xã hội, bộ Nội vụ.

Bản thân ban soạn thảo như chúng tôi cũng thấy rất có lỗi với các thầy cô trên cả nước vì sự ban hành chậm trễ này

Vậy bao giờ thông tư hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên cho nhà giáo được ban hành?
Chắc chắn là trong tháng 2.2012 này thông tư sẽ được ban hành và có hiệu lực để các địa phương, cơ sở giáo dục công lập triển khai thực hiện ngay.
Xin ông cho biết đối tượng cụ thể nào sẽ được hưởng phụ cấp thâm niên và thời gian hưởng phụ cấp ra sao?
Nhà giáo trong biên chế, đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập được nhà nước cấp kinh phí hoạt động (bao gồm nguồn thu từ ngân sách nhà nước cấp và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật). Nhà giáo trong biên chế đang làm nhiệm vụ giảng dạy, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục ĐH công lập.
Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên được xác định bằng tổng các thời gian sau: thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng BHXH bắt buộc trong các cơ sở giáo dục công lập hoặc ngoài công lập (đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập nhưng trước đây giảng dạy ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập).
Vậy cán bộ quản lý giáo dục và nhà giáo đã nghỉ hưu có được hưởng mức phụ cấp thâm niên này không?
Cán bộ quản lý giáo dục ở cấp phòng, sở, bộ là đối tượng công chức nên không nằm trong diện được hưởng phụ cấp này. Còn những người là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng ở các cơ sở giáo dục công lập thì vẫn là nhà giáo vì theo quy định họ vẫn phải đứng lớp, như vậy họ vẫn là nhà giáo và họ vẫn được hưởng phụ cấp thâm niên. Ngoài ra, những nhà giáo được điều động từ các trường lên làm chuyên viên ở các phòng, sở GD-ĐT trong giai đoạn từ tháng 9.2010 đến tháng 5.2015, không giữ chức vụ quản lý thì được bảo lưu phụ cấp ưu đãi trong vòng tối đa là 3 năm.
Những nhà giáo trước khi nghỉ hưu được hưởng phụ cấp thâm niên như quy định trong Nghị định (chế độ phụ cấp thâm niên được thực hiện từ tháng 5.2011) thì đương nhiên được tính hưởng phụ cấp thâm niên trong lương hưu.
 Tuệ Nguyễn (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét