Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2012

3 sai lầm cực lớn của việc học thêm - (K14)


00:01:00 26/02/2012
Liệu có phải muốn giỏi là phải học thêm, để tiếp thu tốt thì phải học với thầy cô nổi tiếng và bất chấp thời gian?
Học thêm – câu chuyện muôn thuở không chỉ của riêng mỗi học sinh và thầy cô giáo mà còn là vấn đề mà toàn xã hội quan tâm. Từ lâu nói là học "thêm" nhưng thực tế không thể phủ nhận nhiều phụ huynh và teen lại có suy nghĩ ngược lại “học trên lớp chỉ là phụ, học thêm mới là chính”. Chính vì vậy mà nhà nhà bắt con mình phải đi học "thêm", từ em bé mới vào tiểu học cho đến teen chuẩn bị “vượt vũ môn hóa rồng”. Từ đây đã xuất hiện những vấn đề sai lầm về cách học thêm của teen hiện nay.

Muốn giỏi phải học thêm

Đó là tâm lí của hầu hết các phụ huynh. Nhiều phụ huynh cho rằng học trên lớp chỉ có 45 phút một tiết trong đó kể cả thời gian đầu giờ vào lớp ổn định, kiểm tra bài cũ, rồi thời gian 5 phút cuối tiết. Kết lại chẳng được bao nhiêu. Đấy là chưa tính đến thời gian teen làm việc riêng trong giờ học. Thêm vào đó là học thêm thì thầy cô giáo mới có thể giảng kĩ, giảng thêm nhiều dạng bài tập nâng cao khác và quan trọng hơn, đó là vấn đề “sợ” không đi học thêm sẽ “bị” điểm thấp, sẽ không đạt danh hiệu này, danh hiệu kia.

Còn với teen, thấy bạn bè mình ai ai cũng đi học thêm với thầy cô cả, nên đâm ra “bệnh” nửa muốn đi nửa không. Đi thì không còn thời gian tự học, mệt mỏi. Không đi thì lại không yên tâm, sợ mình không theo kịp các bạn. Cộng thêm những “tin lá cải” từ teen là đi học với cô có thể biết trước các dạng bài tập trong đề kiểm tra. Rồi thầy cô thường dạy trước bài trong sách giáo khoa ở lớp học thêm, thế là thôi... “cứ đi cho nó yên tâm.”

Phải học với thầy cô nổi tiếng

Mọi người thường cho rằng thầy cô nổi tiếng là những người có nhiều kinh nghiệm, dạy giỏi và quan trọng hơn cả là dạy trúng vào các chủ đề thường ra trong các đề thi. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng là “thầy giỏi thì mới có trò hay”. Bởi để học tốt không chỉ có một nhân tố duy nhất là thầy cô giáo mà vấn đề cốt lõi ở đây ở chính bản thân chúng ta. Nếu teen không tự học, tự nghiên cứu bài, mà chỉ đến lớp học thêm ghi ghi chép chép bài giải của thầy cô và các bạn rồi về nhà gấp sách để đó thì cũng chẳng để làm gì.

Có một điều mà ít phụ huynh cũng như học sinh quan tâm đó là phong cách dạy của thầy cô có phù hợp với cách thức chúng ta tiếp nhận hay không? Có thể thầy cô nổi tiếng dạy rất hay nhưng có rất nhiều teen vẫn không tiếc lời “chê”. 

Nhung (17t) cho biết: “Trường tớ có cô dạy Hóa rất giỏi. Nhiều bạn trong đội tuyển học sinh giỏi được cô đào tạo và giành giải cao. Nhưng khi học thêm với cô thì vẫn có những bạn phải rút lui. Lí do đơn giản là cô quen dạy cho các bạn học khá rồi, nên tốc độ dạy của cô đi khá nhanh. Với những bạn học lực trung bình khá như tớ thì không thể theo kịp.”


Ngược lại có những thầy cô được cho là dạy bình thường, kiến thức bình thường, tốc độ bình thường và mức độ nổi tiếng cũng bình thường lại giúp teen thu nhận kiến thức một cách tối ưu nhất. Đó là vì cả hai bên “hợp” với phong cách của nhau.

Học thêm bất cứ thời gian nào

Nếu nhìn vào lịch học của teen hiện nay, hẳn chúng ta không khỏi cảm giác “choáng váng”. Sáng đi học chính, chiều học thêm hoặc bổ trợ chính thức trên lớp, theo kiểu mỗi môn một buổi. Chiều tầm từ 17h - 19h sẽ là học thêm một ca. Sau đó từ 17h30 phút đến hơn 21h giờ là ca tiếp theo. Kết thúc một ngày vất vả của teen sẽ là về nhà học bài cũ, chuẩn bị bài mới. Nhiều gia đình có điều kiện hơn sẽ thuê hẳn gia sư về nhà dạy cho con. Teen chưa kịp kết thúc môn Toán thì đã thấy gia sư môn Lí tới. Mai lại đến Tiếng Anh rồi thì Hóa Học…

Thiếu ngủ là tình trạng của bất cứ teen cuối cấp nào. Ngủ gật trong giờ học, ăn vội miếng bánh mì hay chiếc bánh ngọt, vừa đi xe đạp vừa ăn… tất cả với teen diễn ra rất vội vã chỉ với mục đích kịp giờ học thêm. 

Tạm kết

Không ai phủ nhận việc học thêm là không tốt. Thế nhưng điều quan trọng là teen phải biết cách sắp xếp thời gian học và chơi một cách hợp lí, khoa học. Bởi việc học với lịch dày đặc không có thời gian nghỉ ngơi sẽ khiến ảnh hưởng tới sức khỏe của teen, từ đó không khéo lại “tiền mất tật mang”, vừa mất tiền đi học mà kiến thức thu được chỉ là con số 0, thậm chí còn tụt lại. Vì thế teen hãy chỉ học thêm môn nào mình cảm thấy chưa ổn và đừng bao giờ quên, việc tự học ở nhà.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét