Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

Nhân chuyện Quỳnh Anh, nghĩ về cách giáo dục con trẻ...

Thứ tư 29/02/2012 11:12
(GDVN) - Mấy hôm nay, trên báo mạng lại rộ lên về một chuyện không đáng phải "lùm xùm" của cô bé Quỳnh Anh đi thi Vietnam’s Got Talent cùng bà mẹ "nổ"...,

Trước tiên, tôi xin trích lại một đoạn ngắn đã được đăng trên một số báo: “Ngày 24/2, website của trường quốc tế nơi mẹ Quỳnh Anh làm việc đăng tải bức thư tay của Quỳnh Anh gửi đến Quốc hội. Người viết thư tố cáo nhà sản xuất chương trình Vietnam’s Got Talent đã cắt ghép tiết mục “Tình mẹ” của em trong tập 7 vòng loại sân khấu, biến chuyện cô bé 15 tuổi đi thi hát trở nên lố bịch để gây scandal. Quỳnh Anh cũng chia sẻ, sự việc này khiến cho gia đình em bị khủng hoảng tinh thần, và khiến em phải trải qua 240 giờ sống trong sợ hãi.”

Nội dung bức thư gửi tới Quốc hội của Quỳnh Anh khiến cho dân cư mạng xôn xao. Số đông cho rằng đây không phải là một bức thư của một cô bé 15 tuổi vì lời lẽ sắc bén và sâu cay. 

Những người khác đoán đây chắc là do "sự xúi giục của bà mẹ". “Bà này đã 'giết' con một lần, giờ lại xúi nó thế này khác gì 'giết' tiếp phát nữa". “Tội nghiệp cô bé 15 tuổi, chỉ tại mẹ Ngọ thôi”, nhiều người bày tỏ sự thương hại đối với Quỳnh Anh qua các mạng xã hội. 

Nickname Moon@... viết: “Cuộc sống của cháu chắc chưa gặp một khó khăn gì phải không? Nên cháu không biết vượt qua, không biết đối mặt, chỉ biết 'vẫy vùng trong đau khổ' như cháu nói. 

Cháu sống giàu có, hạnh phúc mà chắc chắn rất nhiều cô bé 15 tuổi như cháu mơ ước mà không bao giờ được. Cháu học ở trường quốc tế mà mẹ cháu là hiệu trưởng, được mẹ nâng như nâng trứng, được thầy cô vỗ về chứ không phải như các em khác đi học. Nên cháu nhìn cuộc đời cũng như cuộc sống của cháu, đó là ai cũng phải vỗ về cháu, nâng bốc cháu. Đó là sai lầm to lớn mà gia đình cháu đã làm với cháu. 

Cháu được thương kiểu 'ghét' nên cháu cũng lệch lạc theo tình thương đó. Thay vì bỏ học để viết một lá thư nhảm nhí gửi lên Quốc hội để mọi người lại thêm một trận cười đau bụng, thì cháu nên ráng học hành nên người, ráng luyện thanh cho tốt để sau này làm ca sĩ nhé cháu.

Chằng biết mẹ con Quỳnh Anh nghĩ gì, khi dư luận vừa lắng dịu lại một lần nữa "Bắn súng vào mặt hồ vừa yên ả"?
Mẹ con thí sinh Quỳnh Anh đang gây bàn tán sôi nổi trên mạng.
Mẹ con thí sinh Quỳnh Anh đang gây bàn tán sôi nổi trên mạng.


Đọc xong đoạn này, mình chợt nhớ đến câu "cửa miệng" của các cụ: "Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi"..., thực sự hồi nhỏ mình cũng lấy làm khó hiểu: tại sao các cụ lại nghĩ và hành xử như vậy? 

Nhớ lại hồi mình còn nhỏ, mỗi khi thấy các anh mình và mình đánh/cãi nhau với con hàng xóm, việc đầu tiên của mẹ là lôi con mình về "cho một trận", dù biết con mình đúng mười mươi, dù bà rất ít khi đánh con, cùng lắm chỉ cho ăn vài "con lươn" vào mông. Bà rất kỵ cái kiểu bênh con chằm chặp trước mặt đông nhan mọi người. 

Hồi mình đang học lớp 9/10, cả nhà sơ tán sang tận Thủy Nguyên, Hải Phòng, mình học ở trường cấp III Quảng Thanh. Năm đó mình được báo cáo điển hình toàn trường về thành tích học tập bộ môn tiếng Nga. Nhà trường tổ chức một đoàn giáo viên đến thăm hỏi gia đình các em được báo cáo điển hình, các thầy giáo phần lớn còn rất trẻ, chỉ khoảng ngoài 20 tuổi. 

Hôm đó, ngờ đâu mẹ mình lại "tố" đủ mọi thứ tội của mình với thầy cô giáo: nào là từng ấy tuổi mà còn mải chơi, chuyên môn chơi lò cò với trẻ con, nào là lười biếng, đểnh đoảng... nấu cơm không sống thì khê: "nó chỉ mải mê nghịch ngợm, vạch vạch cái hình gì trên nền bếp, đến nỗi cơm khê cũng chẳng biết" vv và vv (mình là út, lại là con gái "chấy rận" duy nhất trong gia đình có 8 anh em nên bố mẹ rất cưng chiều, mà mẹ còn quá khắt khe với mình như vậy?). 

Ở bên ngoài, nghe mẹ vạch tội mình với các thầy giáo trẻ như vậy mà tức đến nổ ruột: Mẹ đâu biết lúc đó mình tranh thủ vừa nấu cơm vừa lấy than củi "vạch vạch" lên nền bếp, tìm cách chứng minh một bài hình học?

Con của mẹ được chọn đi báo cáo điển hình toàn trường về học tập đấy. Lại nữa, dù sao mình cũng là con gái 16, 17 tuổi rồi, các thày thì còn rất trẻ... mà mẹ chẳng biết giữ sĩ diện cho con gái, sao mẹ chẳng tâm lý với mình? Thế là cả buổi chiều hôm đó, mình nằm khóc ấm ức một mình và nhất định "tuyệt thực" luôn bữa cơm chiều... 

Những ngày sau, càng cảm thấy ngượng với các thầy giáo, mình càng quyết tâm học giỏi để chứng mình với các thầy: lời của mẹ là không đúng, là bất công với em, các thầy ạ. 

Một chuyện khác: có lần mình sáng tác một vở kịch khá công phu để lớp mình diễn. Viết xong mình rất hài lòng, cho rằng viết như vậy là hay rồi, cũng lớp lang, cũng tình tiết gay cấn rắc rối, hấp dẫn… nhưng mình vẫn cẩn thận đưa cho anh mình (là giáo viên dạy văn), chắc mẩm thế nào cũng được anh khen.... không ngờ sau khi xem xong, anh phán ngay một câu xanh rờn:... "Phải bỏ hết đi, viết lại từ đầu rồi đưa lại cho anh xem"... Thật đúng là "một gáo nước lạnh" dội vào ngọn lửa nhiệt tình của mình... 

Nhưng cũng nhờ thế mà sau này vở kịch của lớp mình giành được giải A. Chồng mình cũng thường kể chuyện về quan điểm của mẹ anh đối với sự học hành của con cái: trong sổ liên lạc giữa nhà trường và gia đình của anh, mẹ thường hay nhận xét là "lười lao động, lười học"... 

Mỗi khi con có thành tích học tập nào đáng ghi nhận, ví dụ như đứng nhất nhì lớp, thi đỗ vào Đại học vv, hàng xóm, bạn bè đến chúc mừng thì cụ dửng dưng: "Học thì phải thi, thi thì phải đỗ, có gì lạ đâu?". Mãi sau này mình mới vỡ lẽ: đấy chính là lúc các cụ... "thương cho roi cho vọt" các con của mình. 

Thiết nghĩ cách dạy con của các cụ đáng để chúng ta phải suy ngẫm, và cũng là một bài học bổ ích cho các bậc làm cha mẹ trẻ hiện nay thường có xu hướng coi các con mình là cái "rốn của vũ trụ". 

Chuyện của cháu Quỳnh Anh và mẹ cháu làm mình nhớ tới một câu nói của nhà văn Liên Xô A. Phađêép, đại ý: "Giá trị con người là một phân số mà mẫu số là sự tự đánh giá về họ". 

Lại nhớ đến Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du: người Việt ta, ai ai cũng công nhận đó là một tác phẩm bất hủ, với cách dùng từ ngữ trau chuốt, những câu thơ lục bát tả cảnh tả tình kỳ tài. Vậy mà trước khi khép lại tác phẩm trác việt như vậy, cụ Nguyễn hạ một câu kết: "Lời quê chắp nhặt dông dài, Mua vui cũng được một vài trống canh" Cái sự khiêm nhường này của cụ khiến người ta càng thấy cụ thật vĩ đại! 

Kim Chi

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

Vatican công bố hàng trăm tài liệu mật


Thứ hai 26/12/2011 07:27
(GDVN) - Vatican đã chính thức cho công bố hơn 100 tài liệu lịch sử quan trọng và bí mật nhất của mình sau nhiều thế kỷ được cất giữ cẩn mật.
Các tài liệu vô giá này có có nguồn gốc từ thế kỷ thứ 8 tới hơn một thiên niên kỷ trước. Chúng gồm cả các thư từ trao đổi giữa các Giáo hoàng với nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng như: thư gửi các Hiệp sĩ Templar Galileo, Martin Luther và Henry VIII; thư của Đức Giáo Hoàng Sixtus V gửi nữ hoàng Mary của xứ Scots tháng 11/1586; hàng chục thư từ trao đổi giữa các lãnh chúa với các Hồng y giáo chủ, các tài liệu của Galileo Galilei - người bị xét xử ở tòa án dị giáo năm 1633...

Ngoài ra, còn có một lá thư viết trên vải lụa năm 1650 của một Hoàng hậu Trung Quốc tên là Wang gửi Đức Giáo Hoàng Innocent X trong đó cam kết trung thành với Công giáo sau khi được rửa tội và đặt tên thánh là Helena...

Các tài liệu mật này vốn được cất giữ trong các phòng điều hòa không khí của kho lữu trữ khổng lồ bên dưới tòa thánh Vatican.

Tuy nhiên, chúng sẽ cùng xuất hiện tại một cuộc triển lãm chưa từng có được tổ chức ở bảo tàng Capitoline của thành phố Rome trong dịp kỷ niệm 400 năm ngày thành lập Cục lưu trữ bí mật của Vatican.

"Đây là một sự kiện đặc biệt, Cha Federico Lombardi - phát ngôn viên của Vatican nói với tờ Daily Telegraph. Đây là lần đầu tiên một cuộc triển lãm có ý nghĩa như vậy được tổ chức. Chưa bao giờ nhiều tài liệu như thế của Cục lưu trữ bí mật được phép rời khỏi Vatican".
Nguyễn Hường (theo Telegraph

Lễ Di quan - Phần 1

Chú Hiền

Cu Thiết - Cháu đích tôn của thím Sáu
Thầy Hạnh Khương và ban nghi lễ
Chú Huy - ôm nhang, chú Tuệ, người ôm di ảnh thím Sáu, đi lui
Chú Hiền đang theo đoàn đưa đám để chụp hình
Bác Ba Nhì (Bác gái) đi theo đoàn đưa đám tang thím Sáu
Chị Hương đang dìu Ba theo đám đưa tang thím Sáu
Đoàn đưa đám tang của thím Sáu vừa ra khỏi nhà
Bác Chín ngồi lại nhà vì bệnh không theo được đoàn đưa đám

Kiểm soát và cân bằng quyền lực - (Tia Sáng)



David Williams
Nam Tước Acton có một câu nói nổi tiếng: “Quyền lực luôn tham nhũng; quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng tuyệt đối.” Khi có quá nhiều quyền lực trong tay, ngay đến người tốt cũng cai trị độc đoán. Do hiểu rõ bản chất của vấn đề như vậy, chủ nghĩa hiến chế mới nảy sinh, và đó là một bước ngoặt so với cách nghĩ truyền thống về quyền lực ở châu Á cũng như phương Tây. Trong cách nghĩ truyền thống, người ta thường ca tụng các nhà lãnh đạo và trao cho họ quyền lực tuyệt đối để bảo vệ an ninh quốc gia. Các nhà lãnh đạo truyền thống thì muốn xem thần dân trong nước như con cái, để họ làm nhiệm vụ của bậc cha mẹ và ra quyền hành xử như cha với con. Vượt ra khỏi tư duy đó là điều tiên quyết để thiết lập một chính phủ hiến định và công bằng.

1. Khi một người hay một nhóm nhỏ độc quyền quyền lực, họ sẽ trấn áp người khác.


Sau một thời gian, sự tập trung quyền hành quá mức dẫn đến tha hóa về cả tinh thần và vật chất, do đó người tốt dù có muốn đi nữa cũng mất khả năng lèo lái quốc gia một cách sáng suốt. Không một cá nhân nào hoàn toàn trong sạch. Ai cũng ít nhiều có thiên kiến, sai lầm về tư tưởng và vị kỷ. Một người tốt không phải là người không có nhược điểm. Người tốt là người biết kiềm chế và vượt qua được những nhược điểm đó. Nhưng để làm được điều này, họ cần có sự hỗ trợ của người khác. Nhưng khi tập trung quá nhiều quyền lực trong tay, người cầm quyền gạt bỏ khả năng và cơ hội hỗ trợ của những người khác.
Vì lý do này, một nhà lãnh đạo tốt sẽ không muốn nắm giữ quá nhiều quyền lực. Cái anh ta cần là một hệ thống trong đó nhiều người khác có thể góp phần vào quá trình ra quyết định. Khi đó, thay vì đơn thuần điều hành đất nước bằng mệnh lệnh, anh ta sẽ cân nhắc những quan điểm khác nhau. May ra lúc ấy anh ta sẽ buộc phải nhận ra rằng chính mình cũng có những thiên kiến, những sai lầm về tư tưởng, và cũng vị kỷ. Một nhà lãnh đạo thật sự anh minh cần sự sáng suốt ấy, và sẽ biết ơn những tiếng nói phản biện, thay vì trấn áp họ.
Quyền lực tuyệt đối tha hóa tinh thần, vì khi một người có quyền lực trên hết thảy mọi người khác, những người khác sẽ chỉ nói những điều họ nghĩ rằng người cầm quyền muốn nghe. Họ giấu đi những điều gây phật lòng, và không bao giờ bày tỏ những quan điểm và ý kiến trái ngược. Kết quả là người cầm quyền chẳng bao giờ nghe được những điều cần biết để có thể lãnh đạo sáng suốt hơn. Tệ hại hơn, sự tha hóa tinh thần này có thể dẫn đến tha hóa tâm hồn. Nếu không ai dám đưa ra những thông tin hay ý kiến chói tai, hoặc phản đối người cầm quyền, người cầm quyền cứ tưởng mình không hề có thiên kiến, không hề mắc sai lầm và không hề vị kỷ. Từ đó anh ta cho rằng mọi ý kiến của anh ta đều đúng. Anh ta bắt đầu ngộ nhận rằng lợi ích cá nhân của anh ta chính là lợi ích của xã hội. Khi ấy, anh ta trở thành một kẻ độc tài.

Vì lý do này, một nhà lãnh đạo tốt sẽ không muốn nắm giữ quá nhiều quyền lực. Cái anh ta cần là một hệ thống trong đó nhiều người khác có thể góp phần vào quá trình ra quyết định. Khi đó, thay vì đơn thuần điều hành đất nước bằng mệnh lệnh, anh ta sẽ cân nhắc những quan điểm khác nhau. May ra lúc ấy anh ta sẽ buộc phải nhận ra rằng chính mình cũng có những thiên kiến, những sai lầm về tư tưởng, và cũng vị kỷ. Một nhà lãnh đạo thật sự anh minh cần sự sáng suốt ấy, và sẽ biết ơn những tiếng nói phản biện, thay vì trấn áp họ.

Dĩ nhiên, không phải nhà lãnh đạo nào cũng xuất thân là người tốt. Ngược lại, họ có thể ham muốn quyền lực chỉ để trấn áp người khác và thủ lợi cho bản thân, cho gia đình và cho những kẻ về hùa theo họ. Những người như vậy vốn đã tha hóa ngay từ trước khi họ có quyền lực. Một khi tập trung quyền lực trong tay, họ sẽ sử dụng ngay quyền lực đó để đàn áp kẻ khác.

Tóm lại, những chính quyền nắm quyền lực quá tập trung sẽ lạm quyền và tham nhũng. Cách duy nhất để giới hạn quyền lực của họ và tránh lạm dụng là tản quyền.

2. Vì lý do đó, hiến pháp cần phân bổ quyền hành cho nhiều thành phần khác nhau của chính quyền để có sự giám sát và cân bằng quyền lực.

Bởi quyền lực tập trung sẽ sinh lạm dụng, không có cách giải quyết nào khác ngoài việc phân chia quyền lực cho các thành phần khác nhau của chính quyền. Ý tưởng này được gọi là giám sát và cân bằng quyền lực: hiến pháp thiết lập nên sự cân bằng về quyền lực giữa các thành phần khác nhau của chính quyền để chúng có thể giám sát lẫn nhau. Giám sát và cân bằng quyền lực chính là cốt lõi của chủ nghĩa hiến chế. Vì không một cá nhân hay một nhóm nhỏ nào thâu tóm mọi quyền lực, sẽ không ai có quyền lực tuyệt đối để đàn áp kẻ khác. Khi các ngành trong chính quyền cần sự hợp tác của nhau thì họ phải lắng nghe nhau, phải thương thảo và phải cùng nhau làm việc. Khi nhiều người có khả năng tác động lên chính quyền và chính sách, chính quyền đó mới có thể trở nên công bằng và trung dung hơn, bởi vì khi đó chính quyền không chỉ còn phục vụ lợi ích của một nhóm nhỏ. Đồng thời, chính quyền cũng sẽ sáng suốt hơn, bởi các chính sách hay quyết định là kết quả của quá trình thảo luận trong đó nhiều cách nhìn khác nhau đã được cân nhắc.

Một số người, đặc biệt tại châu Á và châu Phi, lo ngại rằng giám sát và cân bằng quyền lực sẽ tạo nên bất ổn, tranh cãi, bế tắc, thậm chí nội chiến. Đúng là khi cơ chế giám sát và cân bằng quyền lực không được thiết kế hợp lý, hậu quả của nó có thể không như mong đợi. Nhưng nếu được thiết kế tốt, nó sẽ không dẫn đến bất ổn quá mức bình thường. Những đất nước ổn định và thịnh vượng đều có một cơ chế giám sát và cân bằng quyền lực nào đó. Lựa chọn duy nhất ngoài phân quyền là tập quyền. Mà tập quyền, như đã phân tích ở trên, luôn dẫn đến cai trị áp bức. Điều này rõ ràng tệ hại hơn nhiều so với những bất đồng bắt nguồn từ những tranh cãi chính trị thông thường.

Có nhiều mô hình giám sát và cân bằng quyền lực, do các yếu tố khác nhau được kết hợp một cách khác nhau. Nếu được thiết kế một cách cẩn trọng, giám sát và cân bằng quyền lực có thể giảm thiểu một cách có hiệu quả các bất ổn, cũng như tăng cường bảo vệ người dân chống lại chính quyền tha hóa và độc đoán.

3. Các hiến pháp phân quyền theo nhiều cách khác nhau

Có nhiều cách phân chia quyền lực giữa các nhân tố của chính quyền. Và các hiến pháp khác nhau thiết lập nên các chính quyền với kết cấu khác nhau. Có hiến pháp gọi người đứng đầu chính phủ là tổng thống, có nơi khác gọi là thủ tướng, lại có chỗ kết hợp ngành hành pháp và lập pháp với nhau trong một hội đồng mà người đứng đầu hội đồng không phải là tổng thống mà cũng chẳng phải thủ tướng. Vài hiến pháp công nhận chính quyền địa phương bán tự trị, nơi khác thì không. Có hiến pháp tổ chức hai viện lập pháp, có chỗ chỉ có một viện duy nhất. Như vậy, trong nhiều hệ thống hiến định khác nhau, kết cấu của chính quyền là khác nhau. Vì vậy, phân chia quyền lực giữa các thành phần chính quyền của các hệ thống hiến định khác nhau cũng sẽ khác biệt.

Thêm vào đó, cho dù các hiến pháp có quy định kết cấu chính quyền tương tự như nhau, chúng vẫn có thể phân chia quyền lực theo nhiều cách khác nhau cho các nhân tố đó. Thí dụ, tổng thống có thể có quyền phủ quyết những dự án luật do bên lập pháp đưa ra, hoặc có thể không có quyền đó. Thượng viện của ngành lập pháp có thể chỉ có quyền cố vấn cho hạ viện, nhưng viện này cũng có thể có quyền bác bỏ các dự luật của hạ viện. Chính quyền địa phương có thể có quyền lực rộng rãi trên các vấn đề liên quan đến cuộc sống của người dân trong khu vực đó. Nhưng họ cũng có thể chỉ có quyền lực hạn chế trong một số lĩnh vực mà thôi.

Trong bài viết ngắn ngủi này, thật khó để liệt kê hết tất cả hình thức phân quyền. Nhưng tựu trung lại, các mô hình chính là:

* Hầu hết các hiến pháp chia chính quyền trung ương thành ba phần – quyền lập pháp, quyền hành pháp và tòa án. Các quyền này được trao cho những người hay nhóm người khác nhau. Một số hiến pháp tách biệt hoàn toàn các quyền lực này, tức là các nhân tố trong chính quyền không hề có những mảng phận sự chồng lấn. Nhưng cũng có một số hiến pháp cho phép sự chia sẻ quyền lực nhất định, chẳng hạn tổng thống vừa có quyền hành pháp vừa có quyền phủ quyết dự luật (một phần của quyền lập pháp) trong một số trường hợp hạn chế. Phương thức phân quyền này được gọi l
à tam quyền phân lập.

* Một số hiến pháp phân chia quyền lực giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương hay vùng lãnh thổ. Do sự phân chia này được quy định bởi hiến pháp, chính quyền trung ương không thể can thiệp vào phạm vi quyền lực của chính quyền vùng lãnh thổ. Quan trọng hơn cả, chính quyền trung ương không thể giải tán chính quyền địa phương đó hoặc tước đoạt một số quyền đã được hiến pháp trao cho họ. Có trường hợp chính quyền vùng lãnh thổ có thể soạn hiến pháp cho riêng địa phương họ, với cả ba ngành lập pháp, hành pháp và tòa án như chính quyền trung ương. Phương thức phân chia quyền lực này được gọi l
à chính thể liên bang.

* Mọi bản hiến pháp chính danh phân chia quyền lực giữa chính quyền và công dân nhằm mục đích bảo vệ quyền cá nhân. Một số quyền cá nhân tự bản chất là quyền nhân thân, như quyền kết hôn. Nhưng một số quyền mang tính chính trị, như quyền biểu tình hoặc quyền thành lập hội đoàn chính trị. Bằng cách thực thi các quyền này, công dân có thể kiểm soát chính phủ. Phương thức phân quyền này được gọi là quyền cá nhân.

* Mọi hiến pháp dân chủ còn phân chia quyền lực giữa chính quyền công dân thông qua bầu cử. Trong một nước dân chủ, quyền lực thuộc về nhân dân. Chính quyền có bổn phận phục vụ người dân, chứ người dân không phải phục tùng chính phủ. Nhưng người dân không thể cáng đáng hết công việc hàng ngày của chính quyền vì còn phải lo cho cuộc sống riêng của họ. Vì vậy, hiến pháp cho chính quyền quyền thay mặt người dân để giải quyết công việc trong những lĩnh vực phù hợp, với tư cách là công bộc của nhân dân. Tuy vậy, nhân dân vẫn nắm quyền giám sát tối thượng. Nếu nhân dân không hài lòng với cách làm việc của các viên chức chính quyền, họ có thể bỏ phiếu bãi nhiệm các viên chức đó qua bầu cử.

4. Dù mọi quốc gia đều cần tản quyền, có nhiều hình thức phân quyền khác nhau, và các quốc gia khác nhau phải chọn những hệ thống khác nhau cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của quốc gia đó.

Như đã trình bày ở trên, có nhiều hình thức phân quyền. Một số hiến pháp áp dụng nhiều hình thức cùng một lúc, trong khi một số hiến pháp khác chỉ áp dụng một hình thức phân quyền mà thôi. Không có một hình thức phân quyền nào được xem là duy nhất phù hợp cho mọi quốc gia trong mọi thời kỳ. Đã có rất nhiều sách vở bàn đến các hình thức phân quyền trong bản hiến pháp. Đôi khi các phân tích đó mang nặng tính chuyên môn. Do đó, trong phạm vi bài viết ngắn này, khó có thể tóm gọn mọi khía cạnh của các tri thức đó.

Tuy vậy, bài viết này nhấn mạnh một điều quan trọng: các hình thức phân quyền khác nhau mang lại các hệ quả khác nhau. Bởi cân bằng và giám sát quyền lực là trọng tâm của thể chế hiến định, các nhà soạn thảo hiến pháp đã dành nhiều công sức nghiên cứu các hệ quả của mỗi hình thức phân quyền khi chúng được áp dụng riêng rẽ hay kết hợp lẫn nhau. Thế nhưng, không có một hệ thống hiến định nào hoàn hảo hay đạt mọi mục đích đặt ra. Các nhà soạn thảo hiến pháp luôn phải chọn lựa hoặc thỏa hiệp. Chẳng hạn, một số thể chế hiến định tạo điều kiện cho mọi khuynh hướng chính trị được đại diện trong chính quyền, nhưng lại có thể khiến chính trị bị chia rẽ và phân tán, vì sự tham gia của quá nhiều luồng ý kiến khác nhau sẽ khiến các bên khó đạt đồng thuận để ra quyết định. Một số thể chế hiến định khác có thể khiến vài khuynh hướng chính trị thiểu số không được đại diện trong chính quyền, nhưng bộ máy chính trị hoạt động suôn sẻ hơn. Một số hệ thống tập trung vào ý thức hệ chứ không phải quyền lợi “cục bộ” của từng địa phương. Một số hệ thống khác lại chú trọng đến các mối quan tâm cụ thể của các địa phương chứ không đặt nặng ý thức hệ, v.v... Mỗi thể chế hiến định này đều có những ưu và khuyết đỉểm.

Như vậy, mỗi quốc gia sẽ thấy có một số hệ thống thích hợp với họ hơn là những hệ thống khác. Tùy từng quốc gia cụ thể, những mục tiêu nhất thiết cần phải có, và những nhược điểm cần đặc biệt lưu tâm mà tránh, sẽ không giống nhau. Ví dụ, văn hóa của một số quốc gia có khuynh hướng tập trung quyền lực vào tay một người mà thôi, như người đứng đầu hành pháp, và rồi người này tìm cách thâu tóm những quyền lực khác cho riêng anh ta. Một số quốc gia khác xem việc hạn chế quyền hành pháp là quan trọng, nên trao nhiều quyền lực hơn cho ngành lập pháp và tòa án. Cách này có thể có nhược điểm là sự thiếu vắng một ngành hành pháp mạnh có thể ứng phó mau lẹ trước những thay đổi nhanh chóng của thế giới. Nhưng nếu phải cân bằng giữa các ưu và khuyết điểm của từng hệ thống cho một quốc gia cụ thể, hệ thống cho phép ngăn chặn chính quyền độc đoán có ưu điểm hơn hẳn so với một hệ thống chủ trương cho ngành hành pháp quyền được tự do làm theo ý họ. Nghệ thuật soạn thảo một bản hiến pháp cần lưu tâm đến các đặc điểm và nhu cầu cụ thể của từng quốc gia là vì thế.

Trần Duy Nguyên và Nguyễn Thị Hường dịch

Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2012

Thăm Cô Năm (Cô Năm Lên)

Cô Năm mở cửa, Hiền đứng trước nhà

Bàn thờ Ông Bà (Bên Dượng Năm - Dượng Ngọc)

Cô Năm và Hiền

Dượng Ngọc

Trưởng tộc Phạm - Phạm Hương

Anh Hương (Phạm Hương) - Trưởng tộc Phạm

Vợ chồng anh chị

Viếng thăm Bà ngoại Tám

Bà ngoại Tám, 20 - 02 - 2012, Nghĩa Hành Quảng Ngãi

Dì Trang, người phụng dưỡng Bà ngoại Tám

Di ảnh của ông ngoại Tám

Viếng nhà cậu Ba Đắp - Phần 4

Chụp hình lưu niệm chung với mợ và 3 anh có Ba và Bác Chín gái- người mặc áo ấm đỏ.


Mợ Ba Đắp

Hai anh, con của cậu Ba Đắp

Người đứng gần mợ B là ông anh cả (?) - bị bệnh

Những giai nhân “bỗng thành bất tử” trong âm nhạc Đoàn Chuẩn

pháp luật đời sống


26-02-2012 | 14:02
(Nguoiduatin.vn) - Có thể nói, Đoàn Chuẩn là vị nhạc sĩ hào hoa vào loại bậc nhất của âm nhạc Việt Nam. Những người mến mộ dường như đã dành những lời đẹp nhất, sang trọng nhất cho ông. Họ gọi ông là "ông hoàng nhạc tình", "Công tử Bạc Liêu của xứ Bắc Kỳ", "Nhạc sĩ của mùa thu Hà Nội"...
Để hiểu rõ hơn những người tình trong âm nhạc Đoàn Chuẩn, người viết tìm đến ngôi nhà cũ của ông trên con phố Cao Bá Quát, Hà Nội. Ngôi nhà giờ đây được người con trai thứ của ông, nghệ sĩ Đoàn Đính, sinh sống và chăm sóc. Đoàn Đính trao cho tôi bản nhạc chép tay ngày trước của cha mình. Thật lạ lùng và thú vị, lần giở những trang sách chất đầy kí ức ấy, những bóng hồng cũ trong âm nhạc xưa lại mồn một hiện về.
Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn
Bí mật về bóng hồng qua "Tình nghệ sĩ"
Cuộc đời Đoàn Chuẩn như cách nói của ông là “Tình nghệ sĩ”. Bởi đã trót mang trong mình cái thứ tình yêu say đắm, điên cuồng ấy, cho nên chuyện ông có nhiều giai nhân âu cũng là điều bình thường. Và như một lẽ tự nhiên, những bóng hồng kia đã tạo nên mạch nguồn cảm hứng dạt dào, vô tận cho ông. Chính họ cũng trở thành một sự hấp dẫn và bất tử hóa những ca từ của âm nhạc Đoàn Chuẩn. Sự thấp thoáng, ẩn hiện, phảng phất của mỗi một người tình, mỗi một câu chuyện tình vì thế đã làm lấp lánh, huyền ảo thêm những giai điệu quyến rũ, gợi tình ấy.
Người tình âm nhạc đầu tiên của Đoàn Chuẩn được biết đến vào mùa thu năm 1947. Ông từng tiết lộ rất rõ về nàng trong cuốn lưu bút âm nhạc của mình. Người con gái ấy có một cái tên thật tao nhã và dịu dàng: Thanh Hương. Vì thế mới có câu hát: "Đây quán Thanh Hương mấy thu vàng ấm" trong tình khúc "Tình nghệ sĩ". Đó cũng là bài hát đầu tiên của Đoàn Chuẩn, riêng tặng cô hàng xinh đẹp của quán cà phê Thanh Hương với tài pha cà phê ngon kì lạ của vùng tự do Khu 4 ngày chống Pháp.
Sau này câu hát được đổi thành: "Đất khách ly hương mấy thu vàng ấm". Nhưng kì thực, Ly Hương ấy là một sự biến chuyển từ Thanh Hương, tên một người con gái đẹp mà ông một thời mê mẩn. Trong bản nhạc chép tay của nhạc sĩ, lời đề tựa phía dưới ca khúc “Tình nghệ sĩ” còn ghi rõ: "Viết tại hàng cà phê Thanh Hương, nơi CT và ĐC đều chết mệt vì cô hàng". Và thế là mỗi ngày, quán Thanh Hương ngày ấy lại quen thuộc với sự xuất hiện của hai vị khách, hai tâm hồn nghệ sĩ, cùng đồng điệu ở một tình yêu dành cho cô chủ quán xinh đẹp.
Đoàn Chuẩn (bên trái) và người bạn tri âm Từ Linh (ảnh chụp năm 1950)
Thời kì ấy là dịp nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đi thực tế công tác ở miền Trung, tham gia vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc (Đây cũng là lúc ông bước vào giai đoạn sáng tác nhiều nhất rồi đạt đến đỉnh cao sự nghiệp, trước khi ông bị "vướng" cùng các nhạc sĩ khác trong vụ Nhân văn giai phẩm). Thời gian ông ở lại không lâu, nhưng từng đó thời gian cũng đủ để ông dệt nên một mối tình thơ lãng mạn. ông gửi hết vào âm nhạc và gọi tên nó là “Tình nghệ sĩ”. Sau này, khi ông trở ra Bắc, do điều kiện đi lại khó khăn nên ông không thể quay lại để thăm quán Thanh Hương lần nữa. Cũng không liên lạc để biết thêm tin tức về nàng. Tất cả chỉ còn lại là âm nhạc và bí mật về cái tên Thanh Hương phải đến nửa thế kỉ sau, khi tác phẩm ra đời mới được ông tiết lộ.
Nguyên mẫu giai nhân của những tình ca bất hủ
Trong số rất nhiều những giai nhân của cuộc đời ông, có lẽ Thanh Hằng là cái tên được gợi nhắc nhiều nhất. Nàng là một ca sĩ nổi tiếng nhất nhì Hà thành lúc bấy giờ với vẻ đẹp đài các, sang trọng.
Lần đầu tiên gặp và nghe nàng hát, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã đem lòng si mê, dù lúc đó ông đã có vợ con. Thanh Hằng mặc dù được biết bao công tử con nhà quyền quý săn đón, nhưng trái tim nàng chỉ cảm kích và lỗi nhịp trước tâm  hồn hào hoa, sự từng trải và tài năng nghệ sĩ của Đoàn Chuẩn. Mối tình ngang trái nhưng đầy lãng mạn ấy đã nổi tiếng một thời với biết bao giai thoại. Thanh Hằng không những trở thành nàng thơ mà còn trở thành nhân vật nữ chính trong những câu chuyện kinh điển gắn liền với tên tuổi của vị “công tử bạc Liêu xứ Bắc”. Chuyện là một lần ông ngẫu hứng đưa nàng xuống đi dạo biển Đồ Sơn. Trong khi nhiều người gửi xe trên bờ và đi bộ xuống biển thì ông lại cho xe chạy xuống bờ cát. Mục đích duy nhất là để đáp ứng yêu cầu của người đẹp: Chỉ cần bước chân ra là đã có thể chạm ngay những con sóng. Khi được người khác nhắc nhở, ông chỉ khoát tay và bảo: "Xe chiếu bóng đến đâu thì trả tiền đến đó". 
Ông bà Đoàn Chuẩn và con gái đầu lòng
Câu chuyện về 1000 bông hoa hồng được nhiều người biết đến. Tuy nhiên con số 1000 chỉ là cách nói tượng trưng, không một ai dám chắc chắn. Nhưng theo tiết lộ mới nhất của nghệ sĩ Đoàn Đính thì chính Thúy Hằng là “diễn viên nữ chính” của màn tỏ tình lãng mạn bậc nhất ấy. Ngày đó, biết nàng là một ca sĩ nổi tiếng, được nhiều chàng trai theo đuổi. Ông đã nghĩ ra cách tỏ tình độc đáo như thế để gây ấn tượng.
Mặc dầu vậy, đây cũng chính là mối tình gây cho ông nhiều đau khổ và thương tổn nhất. Khi Thúy Hằng nhận ra sự xa vời và mong manh của tình yêu, nàng đã quyết liệt chia tay người nhạc sĩ hào hoa rồi vội vã đi lấy chồng không một lời từ biệt. Ông viết "Bài ca bị xé" lấy cảm hứng từ việc chứng kiến những lá thư ông gửi bị chính tay nàng xé tan và đốt thành tro. "Tà áo xanh" (còn có tên là "Dang dở”) với nguyên mẫu Thúy Hằng, trong lời đề tựa có câu: "Khi nào em đến với anh, Xin đừng quên chiếc áo xanh, Có đúng không em? Người con gái có "đôi môi cá vàng". Những lời trao đổi giữa anh và em, “Và từ đấy, anh đã ngoan ngoãn, lặng lẽ trôi theo dòng đời, im tiếng lảng tránh, ân hận... Xuân 1955".
Còn ở "Vàng phai mấy lá" là những dòng xót xa: "Em đã gửi ai, bài ca em xé, khi em đi lấy chồng? Thu 1955". Có lẽ nỗi đau từ cuộc tình đẹp mà dang dở đã khiến nhạc sĩ xót xa, đau khổ trong một thời gian dài. Bởi vậy, hai năm sau ngày Thúy Hằng đi lấy chồng, âm nhạc của ông vẫn còn đau đáu: "Để có những chiều im tắt nắng, Người ta nhớ lại mối tình đi, Theo trăng không ngủ anh thao thức, Sao nỡ dối lòng, Dương Quý Phi?"  (Lời tựa bài hát “Tâm sự” viết cuối Thu 1956). Những li biệt, cách trở của người phụ nữ khi đã có gia đình đã thực sự chia lìa họ. Dù sau đó Thúy Hằng lấy chồng và sinh sống ngay ở Phố Mai Hắc Đế, Hà Nội, không xa lắm với căn nhà ở phố Cao Bá Quát của ông. Gần đấy mà lại quá xa xôi, có lẽ vì thế mà tâm hồn đa sầu của người nghệ sĩ ấy vẫn không nguôi vương vấn, thương nhớ tình xưa.
Thanh Hằng, sau ngày lấy chồng, nàng cũng từ giã luôn sự nghiệp ca hát, đổi tên thành Lê Hằng, sống an phận bên chồng và những đứa con. Hiện nay, người con gái xưa ấy vẫn còn sinh sống cùng con gái ở căn nhà cũ trên con phố Mai Hắc Đế, Hà Nội. Nghe đâu con gái của "Nàng" cũng là một mỹ nhân có tiếng của phố cổ Hà thành thế hệ sau đó.        
Đào Bích

Nguyên Tổng bí thư: Bệnh đã chẩn, ai uống thuốc trước tiên?

Trò chuyện với VietNamNet, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu cho rằng công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng quan trọng nhất phải hành động, bắt đầu từ cấp cao nhất là Bộ Chính trị, để mọi việc không phải là “khẩu hiệu”.



‘Phải biết gội đầu’
Thưa ông, nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) vừa qua đã nêu ba vấn đề cấp bách nhất hiện nay trong xây dựng Đảng. Ông nhận thấy sự cấp bách đặt ra trong bối cảnh hiện nay như thế nào?
Trước hết, tôi hoan nghênh tinh thần nhìn thẳng vào sự thật của nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, mà ở đây, ba vấn đề cấp bách nhất được chỉ ra "đúng và trúng" với những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém chưa được giải quyết, chậm khắc phục, khiến lòng tin của nhân dân đối với Đảng giảm sút trong thời gian qua.
Cần nhớ rằng, di chúc Bác Hồ đã căn dặn sau chiến tranh việc đầu tiên cần làm là củng cố, chỉnh đốn Đảng. Điều này đã được triển khai thực hiện nhưng việc này làm chưa đến nơi đến chốn. Do làm chưa đến nơi đến chốn nên những tiêu cực không được đẩy lùi, thậm chí có những vấn đề nghiêm trọng nảy sinh khiến tình hình ngày càng phức tạp hơn.
Trong ba vấn đề cấp bách thì vấn đề trung tâm và cấp bách nhất, đó là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp.


Ông Lê Khả Phiêu: Nếu người giữ trọng trách cao trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước mà hư hỏng thì hại cho Đảng, hại cả quốc gia, dân tộc. Ảnh: Phạm Hải

Điều này thực nguy cho chế độ. Bởi lẽ, nếu một đảng viên cấp cơ sở suy thoái, hư hỏng sẽ chỉ ảnh hưởng đến cơ sở nhưng một người đứng đầu tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, người giữ trọng trách cao trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước mà hư hỏng thì hại cho Đảng, hại cả quốc gia, dân tộc.
Bệnh đã chẩn. Thuốc đã bốc. Nhưng thuốc kê giải bệnh phải uống để chỉnh đốn Đảng không phải là khẩu hiệu. Tôi cũng đã nêu nhiều lần rằng vai trò tiên phong "uống thuốc giải bệnh" phải là Bộ Chính trị, cần sinh hoạt dân chủ, thẳng thắn tự phê bình và phê bình những yếu kém, tồn tại để làm gương cho cấp dưới.
Đã tắm phải biết gội đầu. Bộ Chính trị làm trước, báo cáo trước TƯ đã phê bình, tự phê bình đến đâu, TƯ có ý kiến, rồi đến lượt TƯ làm. Nếu ít thời gian thì làm TƯ 4 lần hai, giống như TƯ 6 năm 2003 lần một bàn về nông nghiệp, lần hai bàn riêng về xây dựng Đảng trong 8 ngày.
Trong thư gửi Bộ Chính trị mới đây, tôi đã nói Bộ Chính trị phải làm gương làm mẫu, kiểm điểm cả tư tưởng chính trị, đạo đức, công tác cán bộ, quan hệ giữa những người đứng đầu các tổ chức, tập thể, cá nhân.
Sự cấp bách TƯ 4 đã tự nhận rõ và tôi đồng tình tuyệt đối. Đó là những cấp bách nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Nếu chỉnh đốn Đảng lần này làm không nghiêm thì bộ máy Ðảng và Nhà nước suy yếu, niềm tin của nhân dân đối với Ðảng, với chế độ bị xói mòn.
Việc củng cố, chỉnh đốn xây dựng Ðảng lần này dứt khoát phải thực hiện nghiêm túc, quyết tâm, mà những căn nguyên, hạn chế đã chỉ ra rồi, giờ quan trọng nhất đó là hành động với những giải pháp, việc làm cụ thể.
Cơ chế giám sát quyền lực
Vấn đề trung tâm nhất như ông đề cập, và cũng là vấn đề trung tâm mà TƯ 4 nhấn mạnh - đó là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Theo ông, thực trạng này do đâu?
Do căn bệnh cá nhân chủ nghĩa đã trở nên quá nặng ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi tiền tài. Sự tồn tại của cái gọi là dây lợi ích quyền lực, của nhóm lợi ích, của mối quan hệ quyền lực và đồng tiền chi phối dẫn đến tình trạng lạm quyền, chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, cục bộ. Tiền dễ biến người ta thành tù binh khi mối quan hệ tiền và quyền lực hòa quyện.
Thực trạng đã nặng lắm rồi, như căn bệnh ung thư. Thực ra, thực trạng này Đảng đã thường xuyên ngăn chặn nhưng làm không đến nơi đến chốn khiến căn bệnh ngày càng trở nên trầm trọng.
Lỗi do chúng ta thiếu cơ chế, chính sách đồng bộ để giám sát, ngăn ngừa những vi phạm. Những người tốt vẫn đông! Đánh đồng họ sao được với những tác động mặt trái kinh tế thị trường? Anh chạy chức, chạy quyền, thì lòng tự trọng anh đặt ở đâu? Hãy đặt vấn đề tự phê bình và phê bình.
TƯ 4 nêu thực trạng suy thoái nhưng theo tôi cần phải làm rõ suy thoái về tư tưởng chính trị là gì, nghiêm trọng như thế nào. Và TƯ, trước hết là Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đội ngũ cán bộ chủ chốt của các Ðảng bộ trực thuộc Trung ương cần tự phê bình và phê bình để làm rõ có hay không có sự mơ hồ, dao động về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Vì sao có sự phai nhạt lý tưởng? Sự suy thoái về tư tưởng chính trị dẫn đến sự suy thoái trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, đạo đức, lối sống. Phải chăng đó là sự suy thoái từ ý thức hệ, là sự phai nhạt lý tưởng XHCN? Không có cơ chế giám sát đồng bộ đầy đủ sẽ khó, khi mà đồng tiền vẫn có thể len lỏi, chi phối. Chống tham nhũng đã trở nên quá cấp bách rồi.
Chất vấn, bỏ phiếu tín nhiệm
Như ông nói thì sự suy thoái bắt nguồn từ quyền và sự chi phối của đồng tiền và yêu cầu phải có cơ chế giám sát. Vậy cơ chế phải như thế nào để có thể kiểm soát quyền lực, thưa ông?



“Bỏ phiếu tín nhiệm nên được coi là văn hóa chính trị phổ biến”. Ảnh: Phạm Hải

Vấn đề chính ở đây là thiếu cụ thể hóa trong tổ chức thực hiện, không đi vào cụ thể hóa thì nói mãi cùng bằng không. Công tác cán bộ vẫn luôn đánh giá vấn đề ở cơ chế tuyển chọn nhưng đi vào cụ thể hóa thực hiện đến đâu? Hay như sinh hoạt dân chủ trong Đảng đã tốt chưa?
Liệu chúng ta có thể tiến hành chất vấn trong Đảng, thực hiện tiếp xúc đảng viên cơ sở trước các kỳ hội nghị Trung ương, hay hàng năm bỏ phiếu tín nhiệm các ủy viên được Trung ương giới thiệu ra làm các công tác Nhà nước? Đó là những vấn đề cần làm.
Như việc tiếp xúc đảng viên cơ sở trước mỗi kỳ họp Trung ương hoàn toàn khả thi. Quốc hội đã làm được, tại sao Đảng không làm được? Có thể không nhất thiết phải tiếp xúc toàn bộ đảng viên cơ sở nhưng trước mỗi kỳ họp, anh định bàn gì thì xác định tiếp xúc những đối tượng theo những vấn đề định bàn. Không chỉ đảng viên, anh có thể tiếp xúc cả những đối tượng ngoài Đảng như quần chúng nhân dân, nếu vấn đề cần thiết.
Kỳ họp hàng năm cũng có thể chất vấn các ủy viên Trung ương được giới thiệu ra làm chức danh Nhà nước. Hay vấn đề cán bộ phải dân chủ từ tuyển chọn, đề bạt, bổ nhiệm công khai, minh bạch.
Bỏ phiếu tín nhiệm nên được coi là văn hóa chính trị phổ biến. Người đứng đầu nếu không hoàn thành nhiệm vụ, không đủ sức đảm đương thì nên thôi, đừng cố nèo. Bản thân anh trước khi ứng cử đã phải nêu chương trình hành động và cam kết thể hiện. Anh thể hiện được thì quần chúng, nội bộ đánh giá tín nhiệm anh để anh anh tiếp tục làm, nếu không làm được thì phải tự rút lui, miễn nhiệm.
Khi những người có tiếng tăm không tốt trong dư luận nhân dân, kể cả trong Đảng, thì cũng nên cân nhắc. Hàng năm nếu thấy có dư luận thì nên đặt vấn đề để người đó nghiêm túc xem xét có sai, chưa tốt thì phải chấn chỉnh, sửa đổi, tiếp thu, không sửa được thì cũng nên thôi. Nên làm như thế để lấy lại niềm tin của nhân dân với Đảng. 
Đăng Tấn - Xuân Linh

Viếng nhà cậu Ba Đắp - Phần 3

     Mợ Ba Đắp (người mặc áo xanh), ba anh con cậu Ba Đắp ( đứng thứ 2, thứ 4 và cuối cùng từ trái sang).




Viếng thăm nhà cậu Ba Đắp - Phần 2



Mợ Ba Đắp

                                                        Hình cậu Ba Đắp - dưới trái
                                                                         Hình cậu Ba Đắp

Viếng thăm nhà cậu Ba Đắp- Phần 1

                                                     Đường vào nhà cậu Ba Đắp
                                                      Cổng ngỏ nhà cậu Ba Đắp
                                                                  Nhà cậu Ba Đắp

                                                           Hòn non bộ trước cửa sổ

Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2012

3 sai lầm cực lớn của việc học thêm - (K14)


00:01:00 26/02/2012
Liệu có phải muốn giỏi là phải học thêm, để tiếp thu tốt thì phải học với thầy cô nổi tiếng và bất chấp thời gian?
Học thêm – câu chuyện muôn thuở không chỉ của riêng mỗi học sinh và thầy cô giáo mà còn là vấn đề mà toàn xã hội quan tâm. Từ lâu nói là học "thêm" nhưng thực tế không thể phủ nhận nhiều phụ huynh và teen lại có suy nghĩ ngược lại “học trên lớp chỉ là phụ, học thêm mới là chính”. Chính vì vậy mà nhà nhà bắt con mình phải đi học "thêm", từ em bé mới vào tiểu học cho đến teen chuẩn bị “vượt vũ môn hóa rồng”. Từ đây đã xuất hiện những vấn đề sai lầm về cách học thêm của teen hiện nay.

Muốn giỏi phải học thêm

Đó là tâm lí của hầu hết các phụ huynh. Nhiều phụ huynh cho rằng học trên lớp chỉ có 45 phút một tiết trong đó kể cả thời gian đầu giờ vào lớp ổn định, kiểm tra bài cũ, rồi thời gian 5 phút cuối tiết. Kết lại chẳng được bao nhiêu. Đấy là chưa tính đến thời gian teen làm việc riêng trong giờ học. Thêm vào đó là học thêm thì thầy cô giáo mới có thể giảng kĩ, giảng thêm nhiều dạng bài tập nâng cao khác và quan trọng hơn, đó là vấn đề “sợ” không đi học thêm sẽ “bị” điểm thấp, sẽ không đạt danh hiệu này, danh hiệu kia.

Còn với teen, thấy bạn bè mình ai ai cũng đi học thêm với thầy cô cả, nên đâm ra “bệnh” nửa muốn đi nửa không. Đi thì không còn thời gian tự học, mệt mỏi. Không đi thì lại không yên tâm, sợ mình không theo kịp các bạn. Cộng thêm những “tin lá cải” từ teen là đi học với cô có thể biết trước các dạng bài tập trong đề kiểm tra. Rồi thầy cô thường dạy trước bài trong sách giáo khoa ở lớp học thêm, thế là thôi... “cứ đi cho nó yên tâm.”

Phải học với thầy cô nổi tiếng

Mọi người thường cho rằng thầy cô nổi tiếng là những người có nhiều kinh nghiệm, dạy giỏi và quan trọng hơn cả là dạy trúng vào các chủ đề thường ra trong các đề thi. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng là “thầy giỏi thì mới có trò hay”. Bởi để học tốt không chỉ có một nhân tố duy nhất là thầy cô giáo mà vấn đề cốt lõi ở đây ở chính bản thân chúng ta. Nếu teen không tự học, tự nghiên cứu bài, mà chỉ đến lớp học thêm ghi ghi chép chép bài giải của thầy cô và các bạn rồi về nhà gấp sách để đó thì cũng chẳng để làm gì.

Có một điều mà ít phụ huynh cũng như học sinh quan tâm đó là phong cách dạy của thầy cô có phù hợp với cách thức chúng ta tiếp nhận hay không? Có thể thầy cô nổi tiếng dạy rất hay nhưng có rất nhiều teen vẫn không tiếc lời “chê”. 

Nhung (17t) cho biết: “Trường tớ có cô dạy Hóa rất giỏi. Nhiều bạn trong đội tuyển học sinh giỏi được cô đào tạo và giành giải cao. Nhưng khi học thêm với cô thì vẫn có những bạn phải rút lui. Lí do đơn giản là cô quen dạy cho các bạn học khá rồi, nên tốc độ dạy của cô đi khá nhanh. Với những bạn học lực trung bình khá như tớ thì không thể theo kịp.”


Ngược lại có những thầy cô được cho là dạy bình thường, kiến thức bình thường, tốc độ bình thường và mức độ nổi tiếng cũng bình thường lại giúp teen thu nhận kiến thức một cách tối ưu nhất. Đó là vì cả hai bên “hợp” với phong cách của nhau.

Học thêm bất cứ thời gian nào

Nếu nhìn vào lịch học của teen hiện nay, hẳn chúng ta không khỏi cảm giác “choáng váng”. Sáng đi học chính, chiều học thêm hoặc bổ trợ chính thức trên lớp, theo kiểu mỗi môn một buổi. Chiều tầm từ 17h - 19h sẽ là học thêm một ca. Sau đó từ 17h30 phút đến hơn 21h giờ là ca tiếp theo. Kết thúc một ngày vất vả của teen sẽ là về nhà học bài cũ, chuẩn bị bài mới. Nhiều gia đình có điều kiện hơn sẽ thuê hẳn gia sư về nhà dạy cho con. Teen chưa kịp kết thúc môn Toán thì đã thấy gia sư môn Lí tới. Mai lại đến Tiếng Anh rồi thì Hóa Học…

Thiếu ngủ là tình trạng của bất cứ teen cuối cấp nào. Ngủ gật trong giờ học, ăn vội miếng bánh mì hay chiếc bánh ngọt, vừa đi xe đạp vừa ăn… tất cả với teen diễn ra rất vội vã chỉ với mục đích kịp giờ học thêm. 

Tạm kết

Không ai phủ nhận việc học thêm là không tốt. Thế nhưng điều quan trọng là teen phải biết cách sắp xếp thời gian học và chơi một cách hợp lí, khoa học. Bởi việc học với lịch dày đặc không có thời gian nghỉ ngơi sẽ khiến ảnh hưởng tới sức khỏe của teen, từ đó không khéo lại “tiền mất tật mang”, vừa mất tiền đi học mà kiến thức thu được chỉ là con số 0, thậm chí còn tụt lại. Vì thế teen hãy chỉ học thêm môn nào mình cảm thấy chưa ổn và đừng bao giờ quên, việc tự học ở nhà.