TT - Chiều 2-11-1963, các nhà giam phật tử trên khắp
thành phố Huế mở cửa. Được tháo cũi sổ lồng, chúng tôi vui sướng không
thể nào tả được. Dân chúng Huế nhảy múa ngoài đường.
Tối đó các đài phát thanh BBC, VOA tường thuật tướng
Dương Văn Minh cầm đầu “cuộc cách mạng 1-11-1963” và cho biết anh em
tổng thống Ngô Đình Diệm đã bị giết. Một sự thật ngoài sức tưởng tượng
của tôi. Còn Ngô Đình Cẩn ở Huế thì sao?
Tòa án quân sự đang xét xử ông Ngô Đình Cẩn - Ảnh tư liệu |
Chạy trốn
Từ khi thông tin “cách mạng 1-11-1963” ra đến Huế,
đường lên dốc Phủ Cam bị xe bọc thép và lính VNCH khóa chặt, vừa để quản
thúc Ngô Đình Cẩn và cũng vừa để bảo vệ ông ta. Nếu không canh giữ, dân
chúng có thể ùa vào làm thịt lãnh chúa miền Trung - con người đã gây ra
bao tội ác suốt chín năm qua.
Có người đến Tổng hội Sinh viên bảo chúng tôi: Này, các
anh phải cảnh giác tướng Đỗ Cao Trí - tư lệnh quân đoàn 1 và vùng 1
chiến thuật - là con người hai mặt đó. Không khéo hắn mở cửa cho Ngô
Đình Cẩn chạy ra nước ngoài lúc nào không biết! Biết thế nhưng sinh viên
tranh đấu không có bất cứ một cơ hội nào có thể tiếp cận được Đỗ Cao
Trí lúc đó cả.
Sau này có dịp sưu tập tư liệu về Ngô Đình Cẩn trong
thời điểm đó, tôi thấy lời cảnh báo của dân chúng có phần đúng. Theo
những người biết chuyện kể lại, lúc 10g45 sáng 2-11-1963, từ Đà Nẵng
tướng Đỗ Cao Trí điện thoại cho đại úy Nguyễn Văn Minh - hầu cận của Ngô
Đình Cẩn, rằng: Anh thông báo ngay cho cậu biết Sài Gòn vừa báo tin cho
tôi hay là tổng thống và ông cố vấn chính trị đã tự tử chết rồi. Tôi
không hiểu ra sao nữa! Qua thái độ, cách xưng hô và khẩu khí như thế
chứng tỏ Đỗ Cao Trí vẫn còn là người của gia đình họ Ngô.
Nguyễn Văn Minh báo lại cái tin sét đánh ấy cho Ngô
Đình Cẩn. Lúc đầu ông Cẩn không tin nhưng rồi cũng phải tin vì đó là sự
thật. Ông Cẩn sai Nguyễn Văn Minh liên lạc với cháu ông là linh mục
Nguyễn Văn Thuận ở bên nhà thờ dòng Cứu Thế. Linh mục Thuận mách cho cậu
Cẩn “mọi việc phải nhờ tướng Đỗ Cao Trí”.
Khoảng 1g30 trưa, ông Cẩn sai đại úy Minh gọi điện
thoại mời ông Trí ra Huế để bàn việc. Có lẽ ông Trí đã biết rõ quyết tâm
diệt nhà Ngô của Dương Văn Minh ở Sài Gòn nên ông không dám ra Huế theo
yêu cầu của ông Cẩn. Ngược lại, khoảng 3 giờ chiều 2-11-1963, ông Trí
lệnh cho thiếu tá Tuấn đem quân đội và xe thiết giáp vây nhà ông Cẩn ở
chân dốc Phủ Cam.
Không được ông Trí ra giúp cứu nguy mà lại còn bị quân
đội bao vây, ông Cẩn mất tinh thần đến cực độ. Bọn gia nô một thời lợi
dụng thế lực của ông làm mưa làm gió ở Huế không giúp được gì cho ông
Cẩn cả. May sao, một người nhà của ông quan sát không thấy quân đội gác ở
phía sông Phủ Cam nên ông Cẩn được đưa ra cửa sau chạy qua trốn ở nhà
thờ dòng Chúa Cứu Thế của cháu ông là linh mục Nguyễn Văn Thuận.
Linh mục Thuận thấy dân chúng phẫn nộ chống chế độ dòng
họ Ngô Đình như thác lũ đang dâng lên khắp nơi nên ông cũng lo sốt vó.
Ông không giúp được gì cho người cậu ruột của mình ngoài việc dành cho
cậu một cái phòng kín trong nhà thờ để cậu trốn. Qua được nhà thờ của
người cháu mình, ông Cẩn vẫn không yên tâm. Ông quá xúc động trước các
tin tức về cái chết của hai anh Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu.
Ông thất thần, mặt mày hốc hác, lắc đầu quầy quậy, đập
tay lên ngực thều thào: Thôi hết rồi! Thôi hết rồi. Còn chi nữa đâu...
Chuyện thật trớ trêu, ngày 2-11 đúng vào ngày sinh nhật Ngô Đình Cẩn!
Ông không thể nào ngờ vào ngày sinh nhật thứ 51 này lại chính là ngày
đại tang của hai người anh ông!
Ông Ngô Đình Cẩn nhận các nghi thức tôn giáo trước giờ ra pháp trường ngày 9-5-1964 - Ảnh: tư liệu |
Ngày tàn bạo chúa
Chiều 3-11, tướng Đỗ Cao Trí ra Huế và đi thẳng đến nhà
thờ dòng Chúa Cứu Thế gặp Ngô Đình Cẩn. Theo tư liệu và hồi ức của
Trịnh Quốc Thiên và Nguyễn Văn Minh, tướng Trí vẫn niềm nở và trọng vọng
ông Cẩn như ngày nào. Ngồi đối diện với ông Cẩn, tướng Trí lễ phép nói:
Hội đồng quân nhân cách mạng ủy nhiệm con đến đây để thưa lại với cậu,
tổng thống và ông cố vấn chết là do tai nạn ngoài ý muốn của các tướng
lãnh. Chuyện đã xảy ra như vậy bây giờ biết làm thế nào được. Con cũng
xin thưa với cậu, hội đồng quân nhân cách mạng kính mời cậu tham gia và
xin mời cậu đứng trong thành phần của hội đồng.
Ông Cẩn có vẻ ngạc nhiên nhưng vẫn giữ yên lặng và nhìn
mọi người trong phòng. Tướng Trí nhận thấy lời mời của mình như giễu
cợt không đúng chỗ nên nói thẳng vào điều mình muốn nói với ông Cẩn:
Việc đã xảy ra như vậy thì thế nào hội đồng quân nhân cách mạng cũng sẽ
áp dụng một số biện pháp đối với cậu như tịch biên tài sản... Con nghĩ
cậu nên tính xem thế nào... cậu có thể đưa cho con giữ hộ.
Đề nghị của ông Trí cũng đã được ông Cẩn nghĩ tới.
Trước khi ông Trí ra Huế, ông Cẩn đã gọi một người thân tín dặn rằng:
Chiếc bao bố ném ở dưới gầm giường... trong đó có 24 ký vàng. Chiếc valy
gồm một số gia bảo và quý vật... mày lo liệu giữ gìn không thì tụi nó
lấy hết. Số bạc mặt tao vẫn để trong tủ... Mày cứ trao cho Trí giữ hộ...
Cứ trao cho Trí không sao đâu... Đề nghị của ông Trí cao hơn những gì
Cẩn đã nghĩ. Nhưng trong hoàn cảnh ấy ông Cẩn không thể nào làm trái ý
ông Trí. Trò chuyện xong, ông Trí - vị tướng đã ngả về phía đảo chính
Diệm vào giờ chót, xách một bao vàng và chiếc valy đựng gia bảo và quý
vật của gia đinh họ Ngô đặt lên xe Jeep.
Sau đó, đoàn xe của ông Trí từ từ rời khỏi nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế.
Thấy ông Trí lấy của cải của ông Cẩn mà không giúp được
gì cho ông Cẩn cả, linh mục Nguyễn Văn Thuận và các linh mục dòng Chúa
Cứu Thế lén đến Tòa lãnh sự Mỹ ở đường Đống Đa xin cho ông Cẩn tỵ nạn.
Nhưng theo luật lệ ngoại giao quốc tế chỉ có tòa đại sứ
mới có quyền cho tỵ nạn mà thôi. Ông lãnh sự John Helble điện thoại vào
Sài Gòn xin lệnh tòa đại sứ và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Tòa đại sứ chấp
thuận một cách dè dặt. Trong lúc đang cứu xét về trường hợp tỵ nạn của
ông Cẩn chưa xong, ông Cẩn lại còn đòi cho phép thân mẫu ông là cụ bà
Phạm Thị Thân (bà quả phụ Ngô Đình Khả) cùng tỵ nạn với ông nữa, Bộ
Ngoại giao Hoa Kỳ buộc lòng phải ra chỉ thị cho lãnh sự quán của họ ở
Huế rút lui quyết định đồng ý cho ông Cẩn tỵ nạn.
Không rõ lệnh lạc ra làm sao, sau khi có tin ông Cẩn
xin đi tỵ nạn, ông Đỗ Cao Trí đến ngay tòa lãnh sự cảnh báo tòa đừng
chứa chấp ông Cẩn. Nếu tòa chứa ông Cẩn, dân chúng Huế sẽ tràn vào phá
tòa và hành hung ông Cẩn thì không có lực lượng nào giữ được an ninh cả.
Sau đó tướng Đỗ Cao Trí được lệnh của hội đồng quân
nhân cách mạng đưa ông Cẩn cùng với cụ thân mẫu ông vào Sài Gòn. Ông Trí
cùng với một sĩ quan Mỹ và một số sĩ quan VNCH tháp tùng ông Cẩn và
thân mẫu ông lên máy bay đi Sài Gòn lúc 10g45 sáng 5-11-1963.
Bạo chúa miền Trung Ngô Đình Cẩn đi khỏi Huế và không còn cơ hội trở lại nữa.
NGUYỄN ĐẮC XUÂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét