Thứ Tư, 11 tháng 1, 2012

CHỐNG THAM NHŨNG ĐỂ XÂY DỰNG ĐẢNG TRONG SẠCH “Phải tạo cơ chế cho người ta mở miệng” - (PLTP HCM)


Hai triệu chứng của bệnh tiêu cực, tham nhũng cần tập trung chống nhất là nạn chạy chức, chạy quyền và tham nhũng đất đai.
“Cái khó nhất ở đây, theo ý của Bác Hồ, là “làm cho người ta mở miệng”. Hiện nay tiêu cực đang diễn ra rất phổ biến nhưng phát hiện, thanh trừ rất khó vì người ta không dám nói. Do đó phải tạo cơ chế để người ta mở miệng nhiều hơn là điều cơ bản và hết sức quan trọng để Mặt trận và cụ thể hơn là nhân dân góp sức phát hiện tiêu cực, tham nhũng. Nếu vẫn còn tâm lý “đấu tranh, tránh đâu” thì người ta không thể mạnh dạn tham gia được”.
Đó là ý kiến của GS Lưu Văn Đạt, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật của Ủy ban Trung ương MTTQ VN, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM bên lề Hội nghị lần thứ bảy Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN (khóa VII) tổ chức ngày 10-1 tại TP.HCM.
Trước hết phải đẩy lùi được tham nhũng
Theo GS Lưu Văn Đạt, Mặt trận phải đứng bên dân, mạnh mẽ vào cuộc để đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng. Làm được những điều trên chính là bảo vệ Đảng. “Điều đầu tiên và trước hết để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là phải đẩy lùi được tham nhũng, tiêu cực. Thời gian qua, chúng ta cứ nói hoài “tiêu cực, tham nhũng chưa được đẩy lùi”. Vậy đến bao giờ thì mới đẩy lùi được? Nếu không đẩy lùi được căn bệnh này thì làm sao xây dựng Đảng?” - GS Đạt đặt câu hỏi lớn.
GS Lưu Văn Đạt góp ý tại Hội nghị lần thứ bảy Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN (khóa VII). Ảnh: ĐQ
GS Đạt cho rằng hai triệu chứng của bệnh tiêu cực, tham nhũng cần tập trung chống nhất là nạn chạy chức, chạy quyền và tham nhũng đất đai. Nạn chạy chức, chạy quyền đang diễn ra một cách tinh vi và đây chính là nguồn cơn làm nên tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên “buộc chúng ta phải có cơ chế để trị”. Trong khi đó, tham nhũng trong đất đai cũng đang gây nên những bức xúc lớn trong nhân dân. “Người dân đang ở thế yếu nên cần phải có cơ chế để đảm bảo được công bằng trong việc thu hồi đất và chống lại nạn tham nhũng trong đất đai” - GS Đạt nói.
Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về lĩnh vực văn hóa-xã hội của Ủy ban Trung ương MTTQ VN, cũng đề nghị: Mặt trận cần vào cuộc một cách mạnh mẽ hơn để chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ đảng viên. Việc chống tham nhũng cũng cần phải được đẩy mạnh hơn nữa. “Nếu Mặt trận không vào cuộc một cách mãnh liệt hơn mà cứ như chuồn chuồn đạp nước thế này thì chắc rằng tham nhũng ngày càng nhiều hơn” - ông Túc nhấn mạnh.
Dứt khoát phải có cơ chế giám sát, phản biện
Có ý kiến cho rằng để Mặt trận có thể vào cuộc mạnh mẽ hơn trong việc chống tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh thì phải tạo cơ chế để Mặt trận tham gia. Trong đó, cấp thiết phải có cơ chế giám sát và phản biện cho Mặt trận, điều mà trong nghị quyết của Đảng những nhiệm kỳ gần đây đã nói rõ, MTTQ cũng đã nhiều lần kiến nghị nhưng đến nay vẫn chưa được hiện thực hóa.
“Dứt khoát phải có cơ chế giám sát, phản biện cho Mặt trận và cụ thể hóa nó thành một văn bản pháp quy bắt buộc thì mặt trận mới có điểm tựa thực sự vững chắc để tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Nhất là trước tình trạng lạm quyền, lộng quyền của cán bộ nhà nước hiện nay thì càng phải nhanh chóng có cơ chế trên” - GS Đạt phân tích.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TSKH Trương Công Phú, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn kinh tế của Ủy ban Trung ương MTTQ VN, cho biết ông rất đồng tình với quan điểm trên. Ông Phú nói: “Có cơ chế giám sát phản biện thì mới trừ được những cán bộ biến chất, tham nhũng đang nắm quyền lực. Trong khi đó, cơ chế hiện hành chưa định rõ trách nhiệm bên phản biện, bên được phản biện là gì. Việc tiếp thu ra sao, không tiếp thu thì thế nào cũng vẫn đang bỏ ngỏ. Điều ấy làm cho công tác phản biện của Mặt trận gặp rất nhiều khó khăn”.
MINH CƯỜNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét