Thứ Tư, 11 tháng 1, 2012

Huế - những tháng ngày sục sôi - Kỳ 3: Lửa từ bi từ Sài Gòn đến Huế - (TT)


TT - Cuối tháng 5-1963, Đoàn sinh viên phật tử công bố hai văn bản quan trọng. Thư gửi cho sinh viên học sinh Huế và kiến nghị của Đoàn sinh viên phật tử Huế gửi tổng thống Diệm. Chúng tôi kêu gọi sinh viên học sinh tham gia cuộc đấu tranh cho lý tưởng tự do, bình đẳng. Kiến nghị tổng thống Việt Nam cộng hòa sớm giải quyết năm nguyện vọng của Phật giáo.
Malcolm Brown với bức ảnh hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu gây chấn động thế giới - Ảnh tư liệu của A.J.Langguth
Trong vòng phong tỏa
Thư kêu gọi sinh viên do tổng thư ký Phan Đình Bính ký (vì đoàn trưởng Hoàng Văn Giàu bị gọi đi học quốc sách ấp chiến lược ở suối Lồ Ồ chưa về). Kiến nghị do đại diện năm khoa đại học, đại diện Viện Hán học và đại diện bốn trường cao đẳng ký. Thư và kiến nghị được in ronéo hàng ngàn bản phát cho quần chúng và báo chí. Khả năng in ấn của chúng tôi không đáp ứng được yêu cầu của quần chúng, nên chúng tôi đã tổ chức phát thanh hằng ngày để phổ biến tài liệu, tin tức thu thập qua các đài và báo chí ngoại quốc.
Từ sau khi ký tên dưới thư gửi cho sinh viên học sinh Huế tấn phát ra ngoài, tên tuổi anh Phan Đình Bính rất được chú ý. Vào sáng 3-6-1963, Bính đi ôtô về thăm các bệnh nhân bị đàn áp đang nằm điều trị tại Bệnh viện Huế, giữa đường anh bị lực lượng an ninh của Diệm đón bắt. Bính là sinh viên Huế đầu tiên bị bắt nên gây ra một sự xúc động mạnh mẽ trong mọi người. Chúng tôi đưa kiến nghị đòi phải thả ngay Phan Đình Bính. Trong tù Bính tuyệt thực đến kiệt sức. Cuối cùng chính quyền Diệm phải đưa Bính vào quản thúc tại Bệnh viện Huế.
Để ngăn chặn hoạt động tranh đấu của chúng tôi, từ đầu tháng 6-1963 chế độ Diệm cho cắt nước, cắt điện, phong tỏa chùa Từ Đàm. Hàng ngàn người bị ém trong khuôn viên chùa. Tin chùa Từ Đàm bị phong tỏa lại làm xúc động lòng người cả nước. Cuộc đấu tranh đòi giải tỏa chùa Từ Đàm diễn ra khắp nơi. Máu tiếp tục đổ ở đầu cầu Bến Ngự, ở trước Tòa đại biểu chính phủ, số 5 Lê Lợi... Tình hình hết sức bức xúc. Nhiều đoàn viên sinh viên phật tử chịu không nổi tìm cách phá vỡ vòng vây. Ban đêm anh em lén qua nhà dân xung quanh chùa, mò qua phố mua bánh kẹo thuốc men rồi lên chùa lại.
Dù bị phong tỏa, thiếu thốn mọi bề nhưng chúng tôi vẫn vui vẻ, hội họp, in ấn, bàn thảo công việc suốt ngày. Ở trong chùa ăn chay suốt cả tháng đến lúc về nhà trọ ăn mặn, nên món nào tôi cũng có cảm giác tanh tao không ăn được. Phải tập cả tuần lễ sau mới quen trở lại.
4 ngày, hai vụ tự thiêu ở Huế
Sau hơn một tháng đấu tranh, bao nhiêu hứa hẹn của chính quyền Diệm đều chỉ là những thủ đoạn lừa bịp để kéo dài thời gian với hi vọng những người tham gia phong trào chịu không nổi phải giải tán, lúc đó chính quyền sẽ trừng trị từng người. Đấu tranh bạo động, biểu tình thì các thầy không cho, sợ vi phạm tinh thần bất bạo động. Phát thanh, viết in truyền đơn hoài cũng chán. Nhiều lúc chúng tôi cảm thấy bí, không biết làm gì.
Bất ngờ ngày 11-6-1963, ngọn lửa Thích Quảng Đức bừng sáng giữa TP Sài Gòn. Cả thế giới bàng hoàng, xúc động. Ngọn lửa Thích Quảng Đức làm rung chuyển chế độ Diệm. Nhà thơ Vũ Hoàng Chương bừng tỉnh ra khỏi cơn Say mây viết ngay bài Lửa từ bi tuyệt vời. Bài thơ tác động rất mạnh đến tinh thần của sinh viên học sinh cả miền Nam.
Gần một tháng sau, ngày 7-7, thủ lĩnh nhóm Tự Lực Văn Đoàn hồi trước Cách mạng Tháng Tám 1945, nhà văn Nhất Linh, uống thuốc ngủ tự vận để chống lại tòa án của Diệm xử ông về tội chống Diệm. Chúng tôi tổ chức truy điệu Nhất Linh. Những người từng mê say văn học của Tự Lực Văn Đoàn, những sinh viên văn khoa từng học Đoạn tuyệt với thầy Lê Tuyên, những giáo viên dạy văn học còn đứng ngoài cuộc tranh đấu giờ xích lại gần chúng tôi.
Tiếp theo ngọn lửa Thích Quảng Đức, ngày 4-8-1963, ngọn lửa Nguyên Hương bùng lên ngay trước tỉnh đường tỉnh Bình Thuận. Ngày 13-8-1963, Sadi Thanh Tuệ 18 tuổi tự thiêu tại chùa Phước Duyên, phía sau chùa Thiên Mụ, Huế. Không khí tranh đấu ở Huế trở nên căng đầy. Chính quyền Diệm tổ chức cướp xác Thanh Tuệ, phong tỏa khu vực từ cầu Bạch Hổ lên chùa Phước Duyên.
Chúng tôi tổ chức tuyệt thực ngay hàng rào kẽm gai cấm cầu Bạch Hổ. Ngày 15-8, sau cuộc biểu tình phản đối việc cướp xác Sadi Thanh Tuệ ở Huế, ni sư Diệu Quang - người Huế, tự thiêu tại Ninh Hòa (gần Nha Trang). Ngày 16-8, chính quyền Diệm ban hành lệnh giới nghiêm và thiết quân luật toàn diện. Để cho dân chúng đi lại theo dõi cuộc tranh đấu được dễ dàng, lúc này chúng tôi đã tổ chức thêm một trụ sở tranh đấu nữa tại chùa Diệu Đế. Buổi trưa, buổi chiều hàng ngàn người đứng chật hai đoạn đường Bạch Đằng và Huỳnh Thúc Kháng trên đôi bờ sông Đông Ba trước chùa nghe phát thanh. Công an, cảnh sát của Diệm ra sức dẹp mà không thể dẹp được. Vì thế mặc dù thiết quân luật, chúng tôi vẫn phát thanh đều đều.
Sau khi hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu ở Sài Gòn, thượng tọa Thích Tiêu Diêu, 71 tuổi, người làng An Truyền, xuất thân chùa Tường Vân, phát nguyện noi theo gương hòa thượng Thích Quảng Đức tự mổ bụng tại một địa điểm thích hợp ở Huế để góp phần cầu nguyện cho năm nguyện vọng. Lãnh đạo Phật giáo không đồng ý. Trong thời gian chờ đợi sự đồng ý của lãnh đạo, thượng tọa tuyệt thực. Đến đêm 15 rạng ngày 16-8-1963, không rõ đã được sự đồng ý của lãnh đạo hay chưa, thượng tọa mặc y vàng có kết bông gòn phía trong ra ngồi trước nhà thiền bên sân trái chùa Từ Đàm (nơi dựng tượng cư sĩ Lê Đinh Thám ngày nay), tự tưới xăng lên mình rồi bật lửa tự thiêu. Ngọn lửa Tiêu Diêu cũng hào hùng không thua gì ngọn lửa Quảng Đức. Thượng tọa an nhiên ngồi chấp tay niệm Phật trong ngọn lửa rực cháy. Xung quanh ngọn lửa Tiêu Diêu, hàng ngàn phật tử cúi lạy và đọc kinh tiếp dẫn không ngớt.
Để đối phó với âm mưu cướp xác của chính quyền Diệm như trường hợp Sadi Thanh Tuệ, chúng tôi bố trí lực lượng sinh viên học sinh và phật tử nắm tay nhau làm thành nhiều lớp hàng rào bao quanh ngọn lửa Tiêu Diêu. Nhờ thế lực lượng dã chiến của ông Diệm không dám nhảy qua cướp xác. Linh cữu của thượng tọa được quàn ngay trong nhà giảng chùa Từ Đàm.
Trong những ngày này sinh hoạt đấu tranh ở chùa Diệu Đế rất rộn ràng. Nhiều vị tăng ở Sài Gòn ra thuyết pháp, trực tiếp đề cập đến thái độ hỗn xược của bà Ngô Đình Nhu đối với sự hi sinh cao cả của hòa thượng Thích Quảng Đức. Chưa bao giờ chế độ Ngô Đình Diệm bị đả kích một cách công khai, mạnh mẽ đến như thế. Hai bên bờ sông Đông Ba và sân chùa Diệu Đế đông nghịt người đến nghe và họ vỗ tay tán thưởng như sấm dậy. Sinh viên phật tử mua mấy phuy xăng và củi về chất thành mấy giàn hỏa giữa sân chùa Diệu Đế, tuyên bố sẵn sàng theo gương hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để cầu nguyện cho năm nguyện vọng. Bản thân tôi đến lúc này thấy chuyện vào ngồi trong giàn hỏa tự thiêu cho chánh pháp không có gì là khó khăn, sợ hãi cả.
Tin sinh viên Huế chuẩn bị tự thiêu ở chùa Diệu Đế lan ra khắp thành phố. Người người xúc động...
NGUYỄN ĐẮC XUÂN
_______________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét