- Nguyễn Thị Kim Thiện
Hiện
nay, trong văn học hậu hiện đại, giễu nhại được coi là một trong những
khuynh hướng sáng tác chủ đạo của dòng văn học này. Người ta có thể dễ
dàng thấy được dấu vết của giễu nhại trong các sáng tác của Phạm Thị
Hoài, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Bình Phương,...
Tuy nhiên, giễu nhại không chỉ là đặc quyền của chủ nghĩa hậu hiện đại
mà thực chất nó đã hình thành và phát triển từ những giai đoạn văn học
trước đó. Trở về thời Phục hưng ta có thể thấy những Rable, Cervantes,..
hoặc gần hơn nữa là chủ nghĩa hiện đại với James Joyce và Franz Kafka ở
thế kỉ XX. Ở Việt Nam, nổi bật lên với những Hồ Xuân Hương, Tú
Xương, Vũ Trọng Phụng. Nam Cao -
một nhà văn cùng thời với Vũ Trọng Phụng, một cây bút văn xuôi hiện
thực bậc thầy, liệu Nam Cao có chút vương vấn nào với khuynh hướng giễu
nhại hay không?
Trong
toàn bộ sáng tác của Nam Cao, truyện ngắn “Chí Phèo” là một trong những
tác phẩm xuất sắc nhất, góp phần khẳng định tài năng và vai trò của Nam
Cao đối với nền văn học hiện đại Việt Nam. Tác phẩm được coi là một sự
kiện đánh dấu bước ngoặt đổi mới về nghệ thuật trong nền văn xuôi nước
nhà. Kể từ khi tác phẩm ra đời cho đến nay đã thu hút rất nhiều công
trình khoa học nghiên cứu về nó trên nhiều lĩnh vực, từ chuyên ngành văn
học hiện đại, văn học dân gian cho đến lí luận văn học. “Chí Phèo” còn
là mảnh đất màu mỡ trong các lĩnh vực nghệ thuật khác như điện ảnh, hội
họa,... Mặc dù tác phẩm ra đời cách đây 70 năm, từ năm 1941 đến nay,
nhưng tác phẩm vẫn luôn có sức hấp dẫn lớn với công chúng ở mọi thời
đại. Người ta thấy ở “Chí Phèo” bao điều thú vị và bao nhiêu kiến giải
về tác phẩm với những lí thuyết khác nhau. Còn đối với tôi thì lại thấy
trong tác phẩm ẩn chứa một phong cách giễu nhại của Nam Cao.
Giễu
nhại là một khái niệm cho đến nay còn tồn tại rất nhiều cách kiến giải.
Theo cách hiểu thông thường, hiểu một cách đơn giản nhất, giễu nhại có
nghĩa là sự bắt chước, bắt chước để châm biếm. Theo M.Bakhtin, giễu nhại
là nói bằng giọng của kẻ khác nhưng đưa vào đó một khuynh hướng nghĩa
đối lập hẳn với khuynh hướng nghĩa của lời người đó.
Trong
văn học, giễu nhại được coi là một thủ pháp nghệ thuật dựa trên sự nhại
lại một tư tưởng, một quan điểm, một cách viết cũ nhằm tạo nên tiếng
cười giễu cợt trên nhiều cấp độ khác nhau. Hay nói cách khác nhại là
hình thức phê bình châm biếm hoặc là hình thức chế giễu khôi hài bằng
cách bắt chước phong cách (style) và bút pháp (manner) của một nhà văn
hoặc một nhóm nhà văn đặc biệt để nhấn mạnh đến sự non yếu của nhà văn
ấy hoặc những quy ước bị lạm dụng của trường phái ấy.
Như
vậy, mô hình chung của nhại là hình thức tạo ra một A’ giống với A (A
là cái có trước, cái đã có trong suy nghĩ, tiềm thức của cộng đồng) về
hình thức bên ngoài, về một đặc điểm hay một cấu trúc nổi bật. Đồng thời
A không đồng nhất với A’ ở một vài sắc thái ý nghĩa, có thể là trái
ngược. Hay nói cách khác, nhại là một trò chơi hai cấu trúc. Trong văn
học, tác giả sáng tạo nên một hình thái cấu trúc này dựa trên một hình
thái cấu trúc khác. Chúng lồng ghép vào nhau để tạo nên một thực thể
chứa đựng sự mâu thuẫn. Nhại để mà giễu, giễu xuất phát từ nhại. Giễu
nhại mang tính bản thể luận, nó đặt nghi vấn với bản chất của hiện tượng
và trở thành sự phản quy phạm.
Trong
phạm vi bài viết này, chúng tôi đi sâu nghiên cứu ý thức giễu nhại được
thể hiện trong truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao qua các đối tượng cụ
thể. Với mỗi một đối tượng giễu nhại, sẽ có những nguyên tắc hình thức
giễu nhại tương ứng .
1.Giễu nhại ý thức dân gian, ý thức đại chúng:
Đối
tượng giễu nhại đầu tiên phải kể đến trong truyện ngắn “Chí Phèo” của
Nam Cao đó là quần chúng nhân dân mà tiêu biểu ở đây là người nông dân.
Với đối tượng này, yếu tố nhại được xác định trên nguyên tắc sử dụng lớp
ngôn ngữ của quần chúng – những từ ngữ, cụm từ chêm xen có tác dụng
nhấn mạnh nội dung của phát ngôn.
Trước
hết, yếu tố nhại ngôn từ của dân gian được thể hiện qua việc nhà văn sử
dụng một hệ thống các từ ngữ mang tính chất phủ định, mơ hồ “hình như”, “có lẽ” “không biết ... chỉ biết”, và các cụm từ “có người bảo”, “người ta bảo”,... xuyên suốt tác phẩm. Các từ ngữ và cụm từ này thường được đặt ở đầu câu như thể nhấn mạnh cho toàn nòng cốt câu.
Câu chuyện về cuộc đời của Chí Phèo được bắt đầu bằng một sự mơ hồ, nhập nhằng ngay từ xuất thân của hắn:
“Không biết
đứa chết mẹnào đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này! A ha! Phải
đấy hắn cứ thế mà chửi, hắn chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra
cái thằng Chí Phèo? Mà có trời biết! Hắn không biết, cả làng Vũ Đại cũng không ai biết.”
Chí
Phèo là kẻ mồ côi, không cha không mẹ, không một ai trong làng Vũ Đại
biết nguốn gốc xuất thân của Chí, đến ngay cả bản thân Chí cũng không hề
biết. Chí Phèo cứ thế lớn lên dưới sự truyền tay của hết người này đến
người khác. Và câu chuyện về Chí Phèo cũng theo đó mà được truyền miệng
khắp nơi. Mà tính chất truyền miệng thì bao giờ cũng tạo nên nhiều dị
bản, không biết cái nào đúng, cái nào sai.
“Hình như, có mấy lần bà ba nhà ông Lý, trẻ lắm mà lại hay ốm lửng, bắt hắn bóp chân, hay xoa bụng, đấm lưng gì đấy. Người ta bảo
ông Lý ra đình thì hách dịch, cả làng phải sợ, mà về nhà phải sợ cái bà
ba còn trẻ này. Người bà ấy phốp pháp, má bà ấy hây hây, mà ông lý thì
hay đau lưng lắm; người có bệnh đau lưng thì hay sợ vợ mà chúa đời là
khoẻ ghen. Có người bảo ông Lý ghen anh canh điền khoẻ mạnh mà sợ bà ba không dám nói. Có người thì bảo anh canh điền ấy được bà ba quyền thu quyền bổ trong nhà tin cẩn nên lấy trộm tiền trộm thóc nhiều. Mỗi người nói một cách. Chẳng biết đâu mà lần. Chỉ biết một hôm Chí bị giải huyện rồi nghe đâu phải đi tù. Không biết tù mấy năm, nhưng hắn đi biệt tăm bảy, tám năm, rồi một hôm, hắn lại lù lù ở đâu lần về.”
Qua
lời kể của Nam Cao, sự thể Chí Phèo bị bà ba nhà ông Lý gọi đến không
hề xác thực, bao nhiêu lần cũng không rõ, chỉ là “hình như” thôi và làm
“gì đấy” thì ai mà biết chắc được. Trong một đoạn văn ngắn mà cụm từ
“người ta bảo” được lặp đi lặp lại ba lần với hình thức tương tự “có
người bảo” hay “ có người thì bảo”. Họ “không biết” thế này mà “chỉ
biết” thế kia. Vậy nhưng người ta kể cứ như là biết hết mọi điều. Chí
Phèo có phải đi tù hay không, không ai biết, người ta chỉ “nghe đâu”.
Người ta “không biết” Chí đi tù bao lâu, chỉ biết biết hắn đi biền biệt
bảy, tám năm mới về.
Trong
tác phẩm, Nam Cao đã sử dụng một cách triệt để ngôn từ của dân gian, từ
“hình như” xuất hiện 11 lần. Từ “có lẽ”, “có thể” xuất hiện 10 lần. Từ
“không biết”, “chỉ biết” với các biến thể của nó như là “chả biết”,
“không hiểu” xuất hiện 13 lần. Còn cấu trúc câu kiểu “Người ta bảo...”
được sử dụng tới 4 lần. (Xem phần phụ lục).
Các
từ ngữ “hình như”, “có lẽ” là những khẩu ngữ biểu thị ý phỏng đoán,
khẳng định một cách dè dặt về điều mình nghĩ, điều mình biết, điều mình
sẽ nói. Dân gian thường hay sử dụng những khẩu ngữ này trong giao tiếp,
khi sự kiện mà họ định miêu tả không nằm trong sự kiểm soát tuyệt đối
của họ. Nghĩa là sự chính xác của phát ngôn chiếm một phần trăm rất nhỏ.
Bởi vì sự kiện ngôn ngữ của họ chỉ có tính chất phỏng đoán, do đó mà
người ta không phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính xác thực trong
phát ngôn của mình. Đây là một thói quen cố hữu trong việc sử dụng ngôn
ngữ của người nông dân và của một lớp người dân Việt Nam. Trong truyện
ngắn “Chí Phèo”, Nam Cao đã sử dụng khoảng 40 lần những từ ngữ, cụm từ
mang tính chất phỏng đoán, mơ hồ. Tác giả đã nhại lại cách nói này của
quần chúng để giễu cái nhìn của đại chúng với đại chúng. Những từ ngữ,
những cụm từ này thường được sử dụng khi người phát ngôn không chắc
chắn, không biết rõ điều mình sẽ nói.Nhà văn đặt chúng trong lời dẫn
truyện của mình và cả trong ngôn ngữ của chính nhân vật. Từ đó để giễu
thái độ của người nông dân khi nhìn nhận những người xung quanh mình. Đó
là vấn đề không biết, không hiểu một cách rõ ràng, chính xác sự việc
nhưng đã nói về sự việc ấy như thể mình là người trong cuộc. Đồng thời
họ cũng không hề có ý thức trách nhiệm về nội dung phát ngôn của mình.
Đặc
biệt là cụm từ “không biết ... chỉ biết” được nhà văn nhại lại một cách
đắc địa để giễu cái nhìn một chiều, phiến diện của người nông dân. Họ
không biết đại cục, mà chỉ biết cái nhỏ nhặt, tầm thường. Khi không biết
tường minh sự việc, chỉ biết cái bề ngoài của nó, nhưng họ lại phát
ngôn rộng khắp. Thậm chí cái “không biết ... chỉ biết” còn trở thành một
tâm lí ngàn đời khó thay đổi của người nông dân. Họ không cần quan tâm
đến cái mà họ “không biết”, họ thấy một cách trực diện, ngay trước mắt
cái mà họ “chỉ biết”, thế là đủ. Ngay cả khi bị đè nén, bị áp bức, họ
cũng “chỉ biết than thở chứ không biết làm gì khác”.
Giễu
đại chúng, Nam Cao còn nhại cái nhìn mang tính chất xăm xoi, chứa đựng
đầy định kiến của nhân dân đối với thế giới xung quanh mình. Ở đây, tác
giả đã sử dụng hàng loạt các hư từ nhằm nhấn mạnh cái nhìn ấy. Mỗi lời
kể bao giờ cũng có sự chêm xen các từ “mà, cũng, lại, thì,...” và các cặp từ “đã ... lại ”, “thì...lại”, “mà... thì”, “thì ra, thì đã”, “thì lại”,...
Sự xuất hiện dày đặc các hư từ này không những không khiến lời văn rườm
rà, rối rắm mà trái lại, nó làm tăng hiệu quả diễn đạt của ngôn từ.
“Cái mặt của thị đích thực là một sự mỉa mai của hóa công: nó ngắn đến nỗi người ta có thể tưởng bề ngang lớn hơn bề dài, thế mà hai má nó lại hóp vào mới thật là tai hại, nếu má nó phinh phính thì mặt thị lại còn được hao hao như mặt lợn, là thứ mặt vốn nhiều hơn người ta tưởng, trên cổ người... Ðã thế thị lại ăn trầu thuốc, hai môi dày được bồi cho dày thêm, cũng may quyết trầu sánh lại, che được cái màu thịt trâu xám ngoách. Ðã thế những cái răng rất to lại chìa ra: ý hẳn chúng nghĩ sự cân đối chữa được một vài phần cho sự xấu. Ðã thế thị lại
dở hơi; đó là một ân huệ đặc biệt của Thượng đế chí công; nếu sáng suốt
thì người đàn bà ấy sẽ khổ sở ngay từ khi mua cái gương thứ nhất.”
Có
lẽ trong văn học Việt Nam, chưa có nhân vật người phụ nữ nào xấu như
thị Nở và chưa có người phụ nữ nào tập trung hết thảy mọi khuyết điểm
trong mình như thị Nở. Nhưng nếu như Nam Cao chỉ miêu tả thị Nở xấu thì
không nói làm gì. Trong ngôn ngữ miêu tả thị Nở, Nam Cao đặc biệt sử
dụng các cặp từ “thế mà...lại”, “đã thế...lại” và “và...lại” tạo thành
cấu trúc câu nhấn mạnh, có tác dụng diễn tả ý tăng cấp của sự tình. Sự
tình ấy bản thân đã mang một đặc điểm nào đó rồi nhưng nó còn mang thêm
một đặc điểm nữa. Đặc điểm trước gây kinh ngạc, sững sờ thì đặc điểm sau
còn gây sửng sốt hơn cả đặc điểm trước.
So
sánh hai câu văn “Nhưng cái răng rất to chìa ra.” và “Đã thế những cái
răng rất to lại chìa ra.” ta thấy có sự khác biệt rõ rệt. Mặc dù về nội
dung cả hai câu văn này đều có chung một cấu trúc nghĩa miêu tả. Nhưng
câu văn thứ hai khi chêm xen cặp từ “đã thế...lại” thì nó còn mang nghĩa
tình thái. Nó thể hiện sự đánh giá, nhận xét của người nói về những
chiếc răng của thị Nở, đó là thái độ chê bai, châm biếm đầy soi xét.
“Và thị lại nghèo nếu trái lại, ít nhất đã có một đàn ông khổ sở. Và thị lại là dòng giống của một nhà có mả hủi: cái này khiến không một chàng trai nào phải phân vân.”
Không
chỉ đối với thị Nở - tầng lớp dưới, mà đối với tầng lớp trên – địa chủ,
cường hào, nhà văn cũng sử dụng triệt để cặp từ này:
“Bá Kiến đã không vu vạ gì cho hắn, lại còn giết gà mua rượu cho hắn uống, xong lại đãi thêm đồng bạc để về uống thuốc.”
Nếu
như câu văn trên không có sự chêm xen các từ “đã..., lại còn..., xong
lại...” vào giữa các hành động của bá Kiến thì những việc làm của bá
Kiến quả thật rất đáng ca ngợi. Tuy nhiên sự có mặt của những từ này bên
cạnh mỗi một hành động ấy đã làm tăng thêm lớp nghĩa tình thái. Nó bao
hàm cả thái độ xét nét của người dân khi nhìn nhận sự tình này.
Cặp
từ “đã...lại” còn được Nam Cao sử dụng rất nhiều lần trong tác phẩm,
cùng với các cặp từ “mà...lại”, “thì...lại”, “đã...thì”,... Bên cạnh các
cặp từ, nhà văn còn sử dụng các hư từ như “cũng, mà, lại, thì,...” chêm
xen trong các câu văn của mình. Theo thống kê, khảo sát sơ bộ, từ “mà”
được sử dụng khoảng 30 lần, từ “lại” được sử dụng đến 40 lần,... (Xem
bảng thống kê).
Trong
dân gian, quần chúng nhân dân, đặc biệt là những người nông dân thường
hay sử dụng những hư từ này để thể hiện sự đánh giá, nhận xét một cách
gián tiếp của mình về nội dung phát ngôn và về đối tượng được nhắc đến
trong phát ngôn. Nam Cao đã nhại lại cách nói này để giễu cái nhìn săm
soi, soi mói, đầy định kiến của đại chúng. Với bất cứ đối tượng nào, dù
là kẻ bằng mình hay là kẻ bề trên của mình, họ cũng luôn giữ thái độ soi
xét khi nói về đối tượng ấy.
Thị
Nở xấu một phần thì thị Nở xấu thật, nhưng thị còn xấu hơn khi mà dưới
con mắt của người đời, thị bị người ta soi xét kĩ lưỡng từ đại thể cho
đến cái tiểu tiết. Thành thử thị là người vừa xấu vừa vô duyên, thị “đã”
thế này thị “lại” còn thế kia. Nếu không phải là soi mói, người ta lại
biết được về Chí Phèo:
“Hắn về hôm trước, hôm sau đã thấy ngồi ở chợ uống rượu với thịt chó suốt từ trưa đến xế chiều”.
Thói
quen soi xét về người khác đã ăn sâu bám rễ trong tư tưởng của người
nông dân Việt Nam. Nó tạo nên cái nhìn đầy định kiến về thế giới, về
những người xung quanh mình.
Nam
Cao đã nhại lớp ngôn từ của đại chúng để giễu cái nhìn của đại chúng
hết sức phiến diện, săm soi, đầy định kiến với những đối tượng khác –
không phải là mình. Từ đó để giễu nhại ý thức dân gian luôn quy chiếu
mọi sự vật, hiện tượng qua cái nhìn chủ quan của mình.
2.Giễu nhại ý thức lãng mạn đương thời:
Trong
thời đại Nam Cao những năm 1930 – 1945, một bộ phận không nhỏ người
Việt Nam bị chi phối sâu sắc bởi cảm quan và ý thức lãng mạn. Lãng mạn
đi vào trong văn học và có tác động hai chiều tới cuộc sống đời thường.
Người ta thậm chí còn yêu như trong sách vở, biến chuyện tình cảm của
mình thành câu chuyện tình lâm li, mơ mộng.
Còn
Nam Cao, trong truyện ngắn “Chí Phèo”, Nam Cao đã đặt câu chuyện tình
yêu giữa Chí Phèo và thị Nở trong hoàn cảnh một đêm trăng - một motip
quen thuộc trong văn học lãng mạn:
“... trăng lên, mặt trăng rằm vành vạnh. Và ánh trăng chảy trên đường trắng tinh”.
“Chiều hôm ấy, trăng lại sáng hơn mọi chiều, trăng tỏa trên sông và sông gợn biết bao nhiêu gợn vàng”.
Không
gian đầy lãng mạn với ánh trăng tròn đầy, viên mãn và ánh sáng lung
linh, huyền ảo chảy tràn khắp nơi. Chỉ có điều, đó không phải là không
gian gặp gỡ, tình tự của trai thanh, gái lịch theo ý thức lãng mạn. Nam
Cao dựng lên không gian ấy để sắp đặt cho một cuộc nhân duyên giữa hai
con người nơi đáy cùng của xã hội. Một kẻ là con quỷ dữ của làng Vũ Đại,
còn kẻ kia là người đàn bà xấu xí và vô duyên nhất làng Vũ Đại. Nhà văn
đã miêu tả đêm trăng rằm với tất cả vẻ đẹp nguyên sơ, vốn có của nó.
Vầng trăng “trong trẻo”, và ánh trăng như “rắc bụi trên sông”. Trước
cảnh trăng đẹp như thế, con người thường xao xuyến, bâng khuâng và có
những cách thưởng nguyệt vô cùng thi vị. Còn Chí Phèo, hắn có biết thế
nào là đẹp, thế nào là thơ? Trong đêm trăng hắn chỉ thấy cái bóng hắn “đen và méo mó trên đường trăng nhễ nhại. Nó xệch xạc về bên trái, thu gọn vào rồi lại dài loang ra, xé rách vài chỗ.” Thị Nở có thấy trăng đẹp không hay thị cũng chỉ thấy “những vàng ấy rung rinh mới trông thì đẹp, nhưng trông lâu mỏi mắt”. Thêm
một chút gió mát, thị khép dần mi mắt và chìm vào giấc ngủ. Và Chí Phèo
gặp thị Nở tình cờ như bao sự tình cờ khác, chỉ có điều tình yêu giữa
hai con người này nảy sinh theo bản năng tự nhiên của con người. Mô tả
cuộc tình duyên giữa Chí Phèo và thị Nở, Nam Cao đã nhại hình ảnh ánh
trăng để giễu ý thức lãng mạn đương thời. Không phải cuộc tình tự bên
ánh trăng nào cũng thi vị, lãng mạn và thơ mộng. Không phải ánh trăng
lúc nào cũng thuần khiết, tròn đầy và lung linh, huyền ảo. Nó cũng có
lúc nhễ nhại, xệch xạc, và méo mó.
Giễu
ý thức lãng mạn, Nam Cao còn nhại cách tỏ tình của đôi lứa trong tình
yêu. Chí Phèo – thị Nở không tỏ tình với nhau bằng những cái hôn hay
bằng những lời vuốt ve ngọt ngào. Trái lại, cấu véo và phát nhau như thể
là phương thức tỏ tình riêng của hai con người này.
“Thị phát khẽ hắn một cái, làm vẻ không ưa đùa. Sao mà e lệ thế. Xấu mà e lệ thì cũng đáng yêu. Hắn muốn
làm thị thẹn thùng hơn nữa, hắn véo thị một cái thật đau vào đùi. Lần
này thì không những thị nẩy người. Thị kêu lên choe choé. Thị nắm cổ hắn
mà giúi xuống”...
Và Nam Cao gọi đó là cách “âu yếm bình dân”.
Ý
thức lãng mạn luôn cho rằng tình yêu là một cái gì đó đẹp đẽ, xa xôi,
đã là tình yêu thì phải bay bổng, ngọt ngào. Những đêm trăng đẹp đã trở
thành hình mẫu lí tưởng cho những cặp đôi hẹn hò, tình tự. Nam Cao đã
giễu nhại ý thức lãng mạn khi miêu tả mối tình Chí Phèo – thị Nở. Mối
tình ấy như một sự chệch chuẩn, phản quy phạm, nằm ngoài đường quỹ đạo
thông thường. Vậy cái quy phạm ở đây là gì? Với ý thức lãng mạn, tình
yêu có một khung chuẩn. Nó phải gắn với trăng, phải có cuộc tình tự dưới
ánh trăng tròn và phải đi kèm với những lời ngọt ngào yêu thương của
đôi tình nhân. Mối tình Chí Phèo – thị Nở đã phản cái khuôn mẫu ấy. Có
trăng đấy, có đôi lứa đấy, nhưng không hề có sự ngọt ngào, thi vị, nhẹ
nhàng. Họ ồn ào, họ ầm ĩ, họ thượng cẳng chân hạ cẳng tay, nhưng vẫn tha
thiết yêu thương.
3.Giễu nhại ý thức cá nhân:
Đối
tượng thứ ba mà Nam Cao giễu nhại không ai khác chính là bản thân tác
giả. Để làm rõ vấn đề này, chúng ta xem lại bảng hệ thống các từ ngữ,
cụm từ có ý nghĩa phỏng đoán, mơ hồ, phiếm chỉ. Những từ ngữ, cụm từ này
không những chỉ được nhà văn sử dụng để giễu nhại đại chúng mà còn giễu
nhại chính bản thân Nam Cao.
Với
tư cách là một nhà văn, là người dẫn dắt, sắp xếp và tổ chức cốt
truyện, sự kiện, nhân vật, về lí mà nói không có điều gì mà nhà văn
không biết. Nhà văn “biết tuốt”, biết từ đầu chí cuối, cái gì cũng biết.
Tuy nhiên, Nam Cao đã chối từ sự ban phát của chân lí ấy. Trong truyện
ngắn “Chí Phèo”, Nam Cao đã sử dụng mô hình ngôn ngữ có sự tham gia của
các từ ngữ, cụm từ phỏng đoán, để tự giễu chính mình, thừa nhận giới hạn
của một nhà văn trong sáng tạo nghệ thuật.
Nam
Cao viết về Chí Phèo nhưng Nam Cao có biết tất tần tật về Chí Phèo
không? Nam Cao không biết, chuyện về Chí Phèo được Nam Cao kể lại như
chỉ là những cóp nhặt lời qua tiếng lại của dân chúng. Cả làng Vũ Đại
không ai biết Chí Phèo do ai sinh ra, Nam Cao không biết. Tuổi của Chí
Phèo, bản thân Chí Phèo không nhớ, hắn chỉ “nhớ mang máng rằng có lần hắn hai mươi tuổi, rồi hắn đi ở tù, rồi hình như hắn hăm nhăm không biết có đúng không?”. Ngay cả đến tác giả, tác giả cũng còn nhiều băn khoăn “hắn mới đâu hăm bảy hay hăm tám...”.
Là
người dõi theo từng bước đi của Chí Phèo nhưng tác giả không cho mình
là người biết hết mọi điều về nhân vật. Ngôn ngữ kể chuyện của Nam Cao
được chêm xen bởi rất nhiều khẩu ngữ “hình như”, “có lẽ”, “không
biết...chỉ biết”,...
“Chưa bao giờ hắn tỉnh và có lẽ hắn chưa bao giờ tỉnh táo, để nhớ rằng có hắn ở đời. Có lẽ hắn cũng không biết rằng hắn là con quỷ dữ của làng Vũ Ðại, để tác quái cho bao nhiêu dân làng”.
Chí
Phèo triền miên trong những cơn say, tác giả biết vậy, người đọc cũng
biết như thế. Nhưng tác giả lại không dám chắc về điều mình nghĩ, tác
giả chỉ phỏng đoán “có lẽ” chưa bao giờ Chí tỉnh táo. Thấu hiểu về nhân
vật của mình, nhưng Nam Cao cũng chỉ phán đoán, chứ không khẳng định
chắc chắn điều gì. Chí Phèo có biết hắn là con quỷ dữ của làng Vũ Đại
hay không? Tác giả không khẳng định, tác giả chỉ nghĩ “có lẽ hắn cũng
không biết”.
Đến
khi Chí Phèo gặp thị Nở, Chí bắt đầu thức tỉnh, dòng suy nghĩ trong hắn
chảy tràn, tuôn đến bao nhiêu là ưu tư. Nhưng những suy tư ấy là gì,
chỉ có Chí Phèo biết, Nam Cao biết hay không biết? Tác giả tái hiện
những cảm xúc của Chí Phèo trong niềm do dự, băn khoăn. Có thể đó là
dòng kí ức đang hiện hữu:
“Hình như
có một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày
thuê, vợ dệt vải, chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá
giả thì mua dăm ba sào ruộng làm.”
Có thể đó là nỗi lo lắng về tương lai:
“Chí Phèo hình như đã trông thấy trước tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau, và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau.”
Từ
“hình như” được xen vào những câu kể đã cho ta thấy những chi tiết ấy
chỉ là những điều mà tác giả nghĩ, chỉ là những dự cảm của tác giả về
nhân vật. Do vậy mà tác giả đã không khẳng định chắc chắn, đó đơn thuần
chỉ là những dự đoán, những suy nghĩ của riêng bản thân nhà văn về nhân
vật của mình.
“Hắn thấy vừa vui lại vừa buồn. Và một cái gì nữa, giống như là ăn năn. Cũng có thể như thế lắm. Người ta hay ăn năn hối hận về tội ác khi không đủ sức để ác nữa.”
Cụm
từ “cũng có thể” lại cho ta thêm một phán đoán nữa. Nhân vật Chí Phèo
có thấy một cái gì đó nữa, nhưng đó là cảm giác gì thì Chí không thể gọi
tên. Tác giả không biết mà chỉ cho là, nghĩ là, có thể là một sự ăn
năn. Tất cả những cảm giác ấy của nhân vật, có phải nhà văn tự thấy mình
không đủ sâu sắc để nắm bắt, không đủ thông tuệ để tri nhận hay đó chỉ
là một trò chơi của phán đoán? Tất cả âu cũng chỉ là những thiên kiến,
những diễn giải của riêng tác giả nên mới được gói ghém trong những
“hình như”, “có lẽ”, “có thể”,... Nhân vật trong truyện dù gì đi chăng
nữa cũng là một hữu thể đang tồn tại, đang sống trong một thế giới. Tác
giả có là người cha đỡ đầu của nhân vật đi chăng nữa thì cũng chỉ là
người có công đầu kiến tạo nên nhân vật ấy mà thôi. Còn cuộc sống của
nhân vật, thế giới bên trong của nhân vật là một cuộc sống, một thế giới
tồn tại không theo ý muốn của nhà văn. Nó phát triển và diễn tiến theo
quy luật của riêng nó, tác giả có muốn cũng không thể xâm nhập và điều
khiển theo ý mình được.
Không
chỉ riêng gì Chí Phèo, các nhân vật khác được tác giả dựng lên trong
truyện, tác giả cũng chỉ biết một phần, chứ không hoàn toàn biết hết.
Khi Chí Phèo đến ăn vạ nhà bá Kiến, chửi đống ở trước cổng nhà bá Kiến,
Nam Cao nhận xét:
“Hàng xóm phải một bữa điếc tai, nhưng có lẽ
trong bụng thì họ hả: xưa nay họ mới chỉ được nghe bà cả, bà hai, bà
ba, bà tư nhà cụ bá chửi người ta, bây giờ họ mới thấy người ta chửi lại
cả nhà cụ bá”.
Mặc
dù tác giả đã đưa ra những lí lẽ thuyết phục để giải thích và minh
chứng cho thái độ hả hê của dân làng khi thấy Chí Phèo chửi nhà Bá Kiến.
Nhưng nhà văn lại không khẳng định hùng hồn điều ấy, mà chỉ là nhà văn
nghĩ, nhà văn cảm thấy thôi. Còn chính xác hay không nữa thì tác giả
cũng không mạnh bạo khẳng định.
Nói về mối quan hệ giữa Năm Thọ và Bá Kiến, Nam Cao viết:
“Năm Thọ vốn là một thằng đầu bò đầu bướu. Hồi ấy, bá Kiến mới ra làm lý trưởng, nó hình như kình nhau với lão ra mặt”.
Hay kể về Binh Chức, tác giả cũng sử dụng cấu trúc ngôn từ phủ định, mơ hồ:
“Chẳng hiểu anh ta cũng biết thế mà chán cảnh nhà hay sao mà mãn hạn ba năm cũng không thấy trở về”.
“Một hôm, không hiểu nghĩ ngợi thế nào, hắn vác dao đến bảo thẳng vào mặt lý Kiến”.
Đáng
lí là một nhà văn, là người nhào nặn nên các nhân vật trong câu chuyện
của mình, Nam Cao phải là người hiểu hơn ai hết từ hoàn cảnh, xuất xứ
nhân vật cho đến tâm tư, tình cảm, những dự định và mục đích hành động
của nhân vật. Nhưng tác giả đã không cho mình là người biết hết mọi điều
như thế. Sự mâu thuẫn giữa Năm Thọ với bá Kiến, Nam Cao cũng chỉ biết
“hình như”. Còn việc Binh Chức bỏ đi sau khi mãn hạn tù, tác giả cũng
“chẳng hiểu” Chức có biết sự tình ở nhà những năm hắn đi lính hay không
mà đến nỗi chán chường phải bỏ đi như thế. Và khi Binh Chức trở về, hắn
vác dao đến nhà bá Kiến, tác giả cũng “không hiểu” nhân vật của mình
nghĩ ngợi thế nào mà lại nảy sinh hành động ấy.
Như
vậy, Nam Cao đã nhại cách nói của nhân dân đại chúng để giễu chính bản
thân tác giả. Ở đây, Nam Cao đã sử dụng các từ ngữ, cụm từ “hình như”,
“có lẽ”, “không biết...chỉ biết” để tạo nên cấu trúc ngôn ngữ mang sắc
thái ý nghĩa phỏng đoán, mơ hồ, phiếm chỉ. Qua mô hình ngôn ngữ này, Nam
Cao đã giễu nhại sự đề cao tác giả - người sáng tác trong quan niệm văn
chương truyền thống, nhà văn luôn biết hết mọi sự tình và là người am
hiểu tường tận cuộc sống. Nam Cao thẳng thắn khẳng định những giới hạn
của mình trong sáng tác nghệ thuật. Có điều nhà văn biết nhưng cũng có
những điều mà nhà văn không biết rõ nhưng vẫn viết ra. Các nhân vật, các
sự kiện trong tác phẩm, nhà văn chỉ biết một phần mà không thể biết
hết. Nhà văn chỉ đóng vai trò là người dẫn dắt người đọc khám phá sợi
dây kết nối giữa các nhân vật, giữa các sự kiện trong kết cấu truyện.
Chính điều này đã trả lại cho văn học mối quan hệ bình đẳng mang tính
đối thoại giữa nhà văn và bạn đọc.
*
Như
vậy, trong truyện ngắn “Chí Phèo”, Nam Cao đã tạo ra các mô hình ngôn
ngữ để giễu nhại các đối tượng trên các mặt ý thức. Đáng chú ý là cấu
trúc phỏng đoán “hình như A”(có lẽ A, có thể A); “người ta bảo A”; cấu
trúc “đã A lại B” cùng với các hư từ “mà, cũng, lại, thì,...” và cấu
trúc “chẳng hiểu A” (“không biết A, không hiểu A,...”), đặc biệt là
“không biết A chỉ biết B”. Các cấu trúc này được Nam Cao nhại trên cơ sở
các mô thức nói năng quen thuộc của dân gian. Từ đó để tác giả giễu ý
thức dân gian với cái nhìn định kiến, phiến diện, săm soi, xét nét của
đại chúng với đại chúng. Đồng thời cũng để giễu ý thức cá nhân của tác
giả luôn cho mình – nhà văn là người “biết tuốt”, biết hết mọi sự tình.
Qua truyện ngắn “Chí Phèo”, Nam Cao còn giễu ý thức lãng mạn đương thời
khi nhại motip “tình yêu đôi lứa” mà cụ thể ở đây là không – thời gian
tình tự và cách thức tình tự.
Nhại
là một kĩ thuật được sử dụng phổ biến trong mọi lĩnh vực nghệ thuật ở
mọi thời đại. Đối với văn học, nhại được thể hiện phong phú, đa dạng
theo từng loại đối tượng tạo nên nhiều kiểu nhại khác nhau. Do vậy để
xác định yếu tố nhại, chúng ta cần xác định đối tượng nhại và các nguyên
tắc hình thức để thực hiện giễu nhại.
PHẦN PHỤ LỤC
Bảng 1: Hệ thống các từ ngữ, cụm từ có ý nghĩa phỏng đoán, mơ hồ, phiếm chỉ:
Từ ngữ, cụm từ
|
Câu văn
|
1.Hình như
|
1. Hình như, có mấy lần bà ba nhà ông Lý, trẻ lắm mà lại hay ốm lửng, bắt hắn bóp chân, hay xoa bụng, đấm lưng gì đấy.
2. ... hắn thấy hình như không còn hăng hái nữa.
3. Sự ngọt ngào làm mềm nhũn, vả lại những người đứng xem về cả rồi, hắn thấy hình như trơ trọi.
4. Hồi ấy, bá Kiến mới ra làm lý trưởng, nó hình như kình nhau với lão ra mặt
5. Thế mà bụng lại phinh phính đầy, hình như bụng hơi đau.
6. Hình như hắn ngủ.
7. Hắn nghĩ ngợi một tí rồi hình như hiểu.
8. Hình nhưcó một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ.
9. Chí Phèo hình như đã trông thấy trước tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau, và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau.
9. Hết ngạc nhiên thì hắn thấy mắt mình hình như ươn ướt.
10. Nhưng hình như hắn chưa thật say.
11.Hắn nhớ mang máng rằng có lần hắn hai mươi tuổi, rồi hắn đi ở tù, rồi hình như hắn hăm nhăm không biết có đúng không?
|
2.Có lẽ
|
1. nhưng có lẽ trong bụng thì họ hả.
2. hắn có lẽ hắn cũng không biết Chí Phèo chửi hắn.
3. Chưa bao giờ hắn tỉnh và có lẽ hắn chưa bao giờ tỉnh táo, để nhớ rằng có hắn ở đời.
4. Có lẽ hắn cũng không biết rằng hắn là con quỷ dữ của làng Vũ Ðại, để tác quái cho bao nhiêu dân làng
5. Bên kia, có lẽ vì mụ giẫy cái yếm xẹo xọ để trật ra cái sườn nây nây.
6. có lẽ vì cố quá cho nên chúng nứt nở như rạn ra.
7. Có lẽ chính vì thế mà thị Nở không sợ cái thằng mà cả làng sợ. Gần gũi lâu cũng sinh quen, mà quen thì ít khi còn sợ.
8. Cũng có thể như thế lắm.
9. Cũng có lẽ bà tủi thân bà.
10. Cũng có lẽ, cụ chỉ muốn bà Tư đừng đi lâu quá thế.
|
3. Không biết, chẳng biết, chỉ biết,...
|
1. Chẳng biết đâu mà lần.
2. Chỉ biết một hôm Chí bị giải huyện rồi nghe đâu phải đi tù.
3. Không biết tù mấy năm, nhưng hắn đi biệt tăm bảy, tám năm, rồi một hôm, hắn lại lù lù ở đâu lần về.
4. Than thở chẳng ích gì cho ai, cái bọn dân đinh suốt đời bị đè nén sở dĩ bị đè nén suốt đời chỉ vì khi bị đè nén chúng chỉ biết than thở chứ không biết làm gì khác.
5. Chí Phèo chẳng biết họ hàng ra làm sao, nhưng cũng thấy lòng nguôi nguôi.
6. Chẳng hiểu anh ta cũng biết thế mà chán cảnh nhà hay sao mà mãn hạn ba năm cũng không thấy trở về.
7. Những việc ấy chính là cuộc đời của hắn; cuộc đời mà hắn cũng chả biết đã dài bao nhiêu năm rồi.
8. Không biết vợ tôi nó tiêu pha gì hay cho trai mà không còn một đồng nào cả.
9. Một hôm, không hiểu nghĩ ngợi thế nào, hắn vác dao đến bảo thẳng vào mặt lý Kiến.
10. Hắn nhớ mang máng rằng có lần hắn hai mươi tuổi, rồi hắn đi ở tù, rồi hình như hắn hăm nhăm không biết có đúng không?
11. Có lẽ hắn cũng không biết rằng hắn là con quỷ dữ của làng Vũ Ðại, để tác quái cho bao nhiêu dân làng.
12. Bà uất ức, uất ức với ai không biết.
13. Đi lâu thế, không biết rằng đi đâu?
|
4. Người ta bảo ...
|
1. Người ta bảo ông Lý ra đình thì hách dịch, cả làng phải sợ, mà về nhà phải sợ cái bà ba còn trẻ này.
2. Có người bảo ông Lý ghen anh canh điền khoẻ mạnh mà sợ bà ba không dám nói.
3. Có người thì bảo anh canh điền ấy được bà ba quyền thu quyền bổ trong nhà tin cẩn nên lấy trộm tiền trộm thóc nhiều.
4. Cụ bá cười nhạt, nhưng tiếng cười giòn giã lắm: người ta bảo cụ hơn người cũng chỉ bởi cái cười.
|
Bảng 2: Tần số xuất hiện của các hư từ
Từ ngữ, cụm từ
|
Tần số
xuất hiện
|
Câu văn tiêu biểu
|
1. Mà
|
34
|
1. Đã bảo mà! Cái tiếng quát tháo kia là tiếng lý Cường.
2. Bà ấy lại cứ trẻ, cứ phây phây, cứ đẹp như mới ngoài hai mươi tuổi, mà sao đa tình.
3. Mà thấy ghét những thằng trai trẻ, giá làm con bà không đáng, mà thấy đâu cũng đùa
|
2. Lại
|
42
|
4. Nhưng thị lại là người dở hơi.
5. ... rồi một hôm, hắn lại lù lù ở đâu lần về.
6. Mắc cái phải cái thằng liều lĩnh quá, nó lại say rượu, tay nó lại lăm lăm cầm một cái vỏ chai, mà nhà lúc ấy toàn đàn bà cả.
|
3. Cũng
|
27
|
7. Ông phó đi đánh bạc ban đêm về cũng tạt vào; anh trương tuần đi tuần cũng tạt vào; anh hàng xóm cũng mò sang, thậm chí đến cái thằng hương Điền, đầu hai thứ tóc, già đời làm đầy tớ cho các ông lý trưởng, cũng mon men vào gạ gẫm.
|
4. thì
|
63
|
8. Gặp người bướng bỉnh, đanh thép thì nó lừa đốt nhà hay cho mấy lát dao; gặp người non mặt, thì nó quăng vào chai rượu lậu, hay gây sự rồi lăn ra kêu làng.
9. Cái mắt thì ngầu lên, hai chân thì đi lảo đảo, cái môi bầm lại mà run bần bật.
10. Cái mũi thì vừa ngắn, vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành.
|
5. đã...lại
Đã thế...lại
Thì...lại
Đã....thì
|
13
|
11. Ðã thế thị lại ăn trầu thuốc, hai môi dày được bồi cho dày thêm, cũng may quyết trầu sánh lại, che được cái màu thịt trâu xám ngoách.
12. Ðã thế những cái răng rất to lại chìa ra: ý hẳn chúng nghĩ sự cân đối chữa được một vài phần cho sự xấu.
13. Ðã thế thị lại
dở hơi; đó là một ân huệ đặc biệt của Thượng đế chí công; nếu sáng suốt
thì người đàn bà ấy sẽ khổ sở ngay từ khi mua cái gương thứ nhất.
14. Người ta không ai sợ kẻ khác phạm đến cái xấu, cái nghèo, cái ngẩn ngơ của mình, mà thị lại chỉ có ba cái ấy
|
6. đã thấy
đã phải
|
6
|
15. Một anh đi thả ống lươn, một buổi sáng tinh sương đã thấy hắn trần truồng và xám ngắt trong cái váy đụp để bên một lò gạch bỏ không.
16. Hắn về hôm trước, hôm sau đã thấy ngồi ở chợ uống rượu với thịt chó suốt từ trưa đến xế chiều.
|
7. mà dám
mà cũng
|
9
|
17. Ờ thế mà cũng
dám độc lực chọi nhau với lý trưởng, chánh tổng, bá hộ tiên chỉ làng Vũ
Đại, Chánh Hội đồng kỳ hào, huyện hào, Bắc kỳ nhân dân đại biểu, khét
tiếng đến cả trong hàng huyện.
18. Ấy thế mà hắn cũng chưa vừa lòng đâu.
|
8. mà...phải
mà...thì
thì...mà
|
11
|
19. Hắn làm thì làm cật lực mà quanh năm vẫn nghèo rớt mồng tơi.
20. Người bà ấy phốp pháp, má bà ấy hây hây, mà ông lý thì hay đau lưng lắm; người có bệnh đau lưng thì hay sợ vợ mà chúa đời là khoẻ ghen.
|
9. thì lại
thì ra
thì đã
|
9
|
21. Thì ra nó vượt ngục và về đây nhờ ông lý một cái thẻ mang tên một người lương thiện và một trăm đồng bạc để trốn đi.
22. Ai bảo làm sao thì ư hữ làm vậy, mới quát một tiếng thì đã đái cả ra quần.
23. Nhưng bộ điệu thì lại như hiền lành.
|
Tiếp theo > |
---|
Các bài viết khác:
- Giáo sư Trần Đức Thảo với các vấn đề lịch sử (10/01/2012)
- Tiến trình gốm sứ Việt Nam (Kỳ 5) (10/01/2012)
- Cuộc chạy tiếp sức lịch sử (Đặng Thân nhìn từ Nguyễn Huy Thiệp) (10/01/2012)
- Phụ nữ tự sát - Lỗi tại tiểu thuyết? Một góc nhìn về phụ nữ với văn chương - xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX (Lược trích) (10/01/2012)
- Hãy để sự cao hứng tột độ và trí tưởng tượng dẫn dắt chúng ta (09/01/2012)
- Cuộc tỷ thí giữa Hitle và Giun đất trong cuốn tiểu thuyết ma mãnh của Đặng Thân(*) (09/01/2012)
- Tìm hiểu khả năng ứng dụng lý thuyết "trường" vào nghiên cứu đời sống văn học Việt Nam thế kỷ XX (09/01/2012)
- Về đặc điểm tư tưởng Việt Nam (08/01/2012)
- Roger Garaudy (1913. ) (08/01/2012)
- Truyện ngắn Thạch Lam: Nhìn từ lý thuyết mô hình văn bản nghệ thuật cuả Iu.Lotman (08/01/2012)
- Jean - Paul Sartre và vấn đề người viết (08/01/2012)
- Bàn về bút hiệu của Nguyễn Du (07/01/2012)
- Tinh thần dấn thân cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam thời ký đầu quốc gia tự chủ(Qua hai tấm gương tiêu biểu Pháp Thuận và Khuông Việt) (07/01/2012)
- Trần Đức Thảo và sự suy niệm về Cái hiện tại sống động (06/01/2012)
- Đọc Nguyễn Du- tiểu thuyết lịch sử (*) (05/01/2012)
- “GỬI BILL GATE VÀ TRỜI XANH” - Một thông điệp văn hóa thời kỹ trị (05/01/2012)
- Chất phiêu lưu trong cốt truyện của tiểu thuyết Lê Văn Trương (05/01/2012)
- Văn hoá Việt Nam đối diện với văn hoá Mỹ (1) (04/01/2012)
- Ái tình trong tiểu thuyết Lê Văn Trương (04/01/2012)
- Thiên Sứ của Phạm Thị Hoài: Tiếp nhận từ lý thuyết trò chơi (04/01/2012)
- Tiến trình gốm sứ Việt Nam (PhầnIV) (04/01/2012)
- Một số đặc điểm tương đồng giữa Thơ Mới Hàn Quốc và Thơ Mới Việt Nam (03/01/2012)
- Đặc điểm thể loại văn bia Việt Nam (02/01/2012)
- Thuyết Bất Vô (1) (02/01/2012)
- Nước, đặc trưng hình thái của tư tưởng Việt Nam (1) (31/12/2011)
- Khái niệm "tiểu thuyết" của Phạm Quỳnh nhìn từ ý thức thể loại ở vùng Đông Á thời cận hiện đại (30/12/2011)
- Một số tương đồng giữa thơ ca của Tân Nguyệt phái (Trung Quốc) và phong trào Thơ Mới (Việt Nam) (29/12/2011)
- Phương sách ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc trong nhận định của Yveline Féray (Khảo sát trường hợp Nguyễn Trãi trong Vạn Xuân) (28/12/2011)
- Sự vận động của truyện ngắn Việt Nam sau 1975 qua những cách tân về hình thức (28/12/2011)
- Tâm Vũ Trụ (Kỳ cuối) (28/12/2011)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét