Giải Phẫu: Niệu Đạo
Mục tiêu bài giảng
1. Mô tả được vị trí, kích thước, cấu tạo, liên quan của niệu đạo.
Niệu đạo là ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài. Niệu đạo nam và nữ có khác nhau. Niệu đạo nam vừa dẫn nước tiểu vừa là đường xuất tinh.
I. NIỆU ĐẠO NAM
1. Đại cương
1.1. Đường đi
Từ cổ bàng quang đi thẳng xuống xuyên qua tiền liệt tuyến, qua hoành chậu và hoành niệu dục, cong ra trước và lên trên ôm lấy bờ dưới khớp mu rồi vào trong vật xốp dương vật tới quy đầu và mở ra ngoài qua lỗ niệu đạo ngoài ở đỉnh quy đầu.
1.2. Phân đoạn
Hình 1. Niệu đạo nam và nữ
1. Đoạn tiền liệt 2. Đoạn màng 3. Đoạn xốp 4. Hố thuyền
5. Tử cung 6. Bàng quang 7. Âm đạo 8. Niệu đạo
Về phương diện giải phẫu, niệu đạo nam chia ra làm 3 đoạn: đoạn tiền liệt, đoạn màng và đoạn xốp.
Về phương diện sinh lý, niệu đạo nam chia ra làm 2 đoạn: niệu đạo sau gồm đoạn tiền liệt và đoạn màng. Niệu đạo trước là đoạn xốp.
Về phương diện phẫu thuật, niệu đạo nam chia ra làm 2 đoạn: đoạn cố định gồm đoạn tiền liệt, đoạn màng và đoạn xốp ngay sau dây treo dương vật. Phần niệu đạo còn lại là niệu đạo di động.
1.3. Kích thước
Niệu đạo dài khoảng16cm: đoạn tiền liệt: 2,5 - 3cm; đoạn màng: 1,2cm; đoạn xốp: 12cm.
Lúc không đi tiểu niệu đạo là một ống không đều: có 4 chỗ hẹp và 3 chỗ phình.
- Đoạn phình.
+ Hố thuyền.
+ Đoạn niệu đạo hành dương vật
+ Xoang tiền liệt ở đoạn tiền liệt.
- Đoạn hẹp:
+ Lỗ niệu đạo ngoài.
+ Đoạn niệu đạo trong vật xốp.
+ Đoạn niệu đạo màng.
+ Đoạn niệu đạo cổ bàng quang.
2. Hình thể trong
2.1. Đoạn tiền liệt
- Ở giữa có một gờ gọi là mào niệu đạo liên tiếp với lưỡi bàng quang ở trên và xuống tận niệu đạo màng ở dưới. Ở 1/3 giữa và 1/3 dưới của đoạn tiền liệt tuyến mào niệu đạo nở rộng thành một lồi hình bầu dục gọi là lồi tinh. Giữa lồi tinh có lỗ của túi bầu dục tiền liệt tuyến. Ở 2 bên lỗ túi là 2 lỗ của ống phóng tinh.
- 2 bên lồi tinh có 2 rãnh, ở đáy rãnh có nhiều lỗ nhỏ của các tuyến tiền liệt đổ vào.
2.2. Đoạn màng
Có nhiều nếp dọc.
2.3. Đoạn xốp
Ngoài các nếp dọc còn có 2 lỗ đổ của 2 tuyến hành niệu đạo, lỗ của các hốc niệu đạo và van hố thuyền là 1 nếp ngang ở mặt trên niệu đạo cách lỗ niệu đạo ngoài khoảng 1 - 2 cm.
Hình 2.Niệu đạo nam (cắt đứng ngang)
1. Lỗ niệu đạo trong 2. Lồi tinh 3. Mào niệu đạo 4. Hành dương vật
5. Vành quy đầu 6. Hố thuyền 7. Lỗ niệu đạo ngoài
8. Tuyến hành niệu đạo 9. Vật hang 10. Động mạch sâu dương vật
3. Liên quan
3.1. Đoạn tiền liệt tuyến
Nằm trong tiền liệt tuyến.
3.2. Đoạn màng
Từ đỉnh tiền liệt tuyến đến hành dương vật qua hoành chậu và hoành niệu dục được cơ thắt vân niệu đạo bao quanh. Ra khỏi hoành niệu dục, thành sau niệu đạo đi vào vật xốp trong khi đó thành trước còn một phần ngoài vật xốp.
3.3. Đoạn xốp
Liên quan với vật xốp.
4. Cấu tạo
Thành niệu đạo được cấu tạo 2 lớp. Trong cùng là lớp niêm mạc, bên ngoài là lớp cơ: cơ dọc ở trong, cơ vòng ở ngoài
5. Mạch máu - thần kinh
5.1. Động mạch
- Đoạn tiền liệt tuyến được cấp máu bởi động mạch bàng quang dưới và động mạch trực tràng giữa.
- Đoạn màng do động mạch hành dương vật.
- Đoạn xốp do động mạch niệu đạo và một số nhánh động mạch mu dương vật và động mạch sâu dương vật.
5.2. Tĩnh mạch
Máu đổ về đám rối tĩnh mạch tiền liệt tuyến và tĩnh mạch thẹn trong.
5.3. Bạch mạch
- Đoạn tiền liệt tuyến và đoạn màng: bạch mạch đổ về các hạch dọc động mạch thẹn trong rồi đổ vào các hạch dọc động mạch chậu trong.
- Đoạn xốp: bạch mạch đổ về hạch bẹn sâu và một số đổ vào hạch động mạch chậu ngoài.
5.4. Thần kinh
Thần kinh xuất phát từ đám rối tiền liệt tuyến và các nhánh thần kinh thẹn.
II. NIỆU ĐẠO NỮ
Niệu đạo nữ dài 4 cm, rất đàn hồi, có thể dãn đến 1 cm. Đi từ lỗ niệu đạo trong xuống dưới, hơi ra trước đến lỗ niệu đạo ngoài, nằm giữa hai môi bé, trước lỗ âm đạo, dưới và sau quy đầu âm vật. Các bờ của lỗ niệu đạo ngoài hơi lộn ra ngoài.
Niệu đạo dính với thành trước âm đạo và dính với xương mu nhờ các sợi của dây chằng mu bàng quang.
Nguồn tham khảo:
ĐẠI HỌC Y DƯỢC HUẾ
Môn - chuyên khoa:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét