Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

Giải Phẫu: Bàng Quang

Giải Phẫu: Bàng Quang

 

 
Mục tiêu bài giảng
1. Mô tả được vị trí, kích thước, cấu tạo, liên quan của bàng quang.
2. Mô tả được các phương tiện cố định bàng quang.
3. Mô tả được các mạch máu nuôi dưỡng bàng quang.
4. Vẽ thiết đồ đứng dọc qua chậu hông nam giới.
Là một cơ quan rỗng nằm dưới phúc mạc chứa đựng và bài xuất nước tiểu, có kích thước, hình dạng và vị trí thay đổi theo tuổi, giới...Dung tích khoảng 250 - 350 ml.
I. Hình dạng – vị trí 
Khi rỗng bàng quang nằm trong phần trước vùng chậu, sau xương mu, trước các tạng sinh dục, trực tràng, trên hoành chậu. Khi căng bàng quang có hình cầu nằm trong ổ bụng. Ở trẻ em bàng quang nằm trong ổ bụng.
Bàng quang có hình tứ diện có 4 mặt một đáy và một đỉnh:                                                              
Hình 1. Bàng quang ở nữ
1. Tử cung  2. Mặt trên  3. Đỉnh bàng quang   4. Mặt dưới bên   5. Niệu đạo  6. Trực tràng 7. Âm đạo
- Mặt trên: phủ bởi phúc mạc, lồi khi bàng quang đầy, lõm khi bàng quang rỗng.
- 2 mặt dưới bên: nằm tựa trên hoành chậu. 2 mặt này gặp nhau ở trước bởi 1 bờ tròn đôi khi được gọi là mặt trước.
- Mặt sau: còn gọi là mặt đáy, ở phần trên mặt sau có phúc mạc phủ.
- Đỉnh bàng quang: chỗ gặp nhau của 2 mặt dưới bên và mặt trên có dây chằng rốn giữa treo bàng quang vào rốn.
- Thân bàng quang: phần bàng quang nằm ở giữa đỉnh và đáy. 
- Lỗ niệu đạo trong: chỗ gặp nhau bởi đáy và mặt dưới bên.
- Cổ bàng quang: phần bàng quang xung quanh lỗ niệu đạo trong.
II. Liên quan 
1. Với phúc mạc
Phúc mạc phủ ở đáy bàng quang rồi phủ lên thành bụng trước, thành bên chậu, phía sau phủ lên tử cung ở nữ hoặc túi tinh ở nam tạo nên túi bịt bàng quang sinh dục.
2. Với các cơ quan xung quanh
 
Hình 2. Liên quan giữa bàng quang với các cơ quan xung quanh ở nam
1. Ruột non 2. Lỗ niệu quản 3. Xương mu 4. Khoang sau xương mu 
5. Túi cùng bàng quang trực tràng 6. Trực tràng 7. Tuyến tiền liệt
2.1. Hai mặt dưới bên
Hai mặt dưới bên liên quan với khoang sau xương mu là một khoang ngoài phúc mạc có hình chữ U mở ra sau, trải từ nền chậu tới rốn, một phần ở vùng chậu, một phần ở vùng bụng. Khoang được giới hạn:
- Phía sau: mạc tiền liệt (thuộc lá tạng mạc chậu).
- Phía ngoài: mạc cơ bịt trong và cơ nâng hậu môn thuộc lá thành mạc chậu.
- Phía trong: mạc phủ lên 2 mặt dưới bên của bàng quang.
- Phía dưới: dây chằng mu tiền liệt tuyến.
- Phía trên: phúc mạc đi từ bàng quang tới thành bụng trước.
Trong khoang có các mô liên kết thưa, mô mỡ và các mạch máu, thần kinh đến bàng quang. Qua khoang sau xương mu, bàng quang liên quan với xương mu và khớp mu.
2.2. Mặt trên
Nam: liên quan với ruột non, kết tràng xích ma.
Nữ: liên quan với thân tử cung khi bàng quang rỗng.
2.3. Mặt sau
Nam: ống dẫn tinh, túi tinh, trực tràng.
Nữ: thành trước âm đạo, cổ tử cung.
III. Phương tiện cố định bàng quang 
Bàng quang được cố định vững chắc nhất ở đáy và cổ bàng quang.
Cổ bàng quang được gắn chặt vào hoành chậu, tiếp nối với bàng quang là tuyến tiền liệt (åí nam) và niệu đạo gắn chặt vào hoành niệu đục.
Cổ bàng quang còn được cố định bởi:
- Nam: dây chằng mu tiền liệt.
- Nữ: dây chằng mu bàng quang.
Đỉnh bàng quang: dây chằng rốn giữa do ống niệu rốn xơ hóa và bít tắc lại treo đỉnh bàng quang vào mặt sau rốn.
Hai mặt dưới bên: dây chằng rốn trong do động mạch rốn xơ hóa tạo thành, có nhiệm vụ cố định 2 mặt dưới bên của bàng quang.
Phía sau bàng quang còn được cố định bởi mạc tiền liệt.
Phúc mạc ở trên cũng góp phần cố định bàng quang.
IV. Hình thể trong 
Niêm mạc bàng quang màu hồng nhạt. Khi rỗng tạo các nếp niêm mạc. Khi căng các nếp niêm mạc này mất đi.
Vùng tam giác bàng quang được giới hạn bởi 2 lỗ niệu quản và lỗ niệu đạo trong niêm mạc không bị xếp nếp. Có một gờ nối 2 lỗ niệu quản gọi là nếp gian niệu quản. Ở mặt sau, có một gờ khác từ chính giữa tam giác chạy xuống lỗ niệu đạo trong gọi là lưỡi bàng quang.
 
Hình3. Hình thể trong bàng quang ở nam giới
1. Dây chằng rốn giữa 2. Nếp gian niệu quản 3. Lỗ niệu quản
4. Tam giác bàng quang 5. Tuyến tiền liệt 6. Lỗ ống phóng tinh     7. Lồi tinh
V. Cấu tạo
Thành bàng quang được cấu tạo 4 lớp từ trong ra ngoài có:
- Lớp niêm mạc.
- Lớp dưới niêm mạc: không có ở vùng tam giác bàng quang.
- Lớp cơ: các lớp cơ tròn xếp thành 3 lớp: cơ vòng ở giữa, cơ dọc ở ngoài và ở trong.
- Lớp thanh mạc: là lớp phúc mạc hoặc nơi không có phúc mạc phủ, bàng quang được phủ bởi lớp mô liên kết.
VI. Mạch máu và thần kinh 
1. Động mạch 
Bàng quang được nuôi dưỡng bởi các động mạch phát xuất từ động mạch chậu trong hay trực tiếp từ động mạch chậu trong.:
- Động mạch bàng quang trên: phần động mạch rốn không bị hóa xơ, cung cấp máu cho mặt trên và một phần dưới bên.
- Động mạch bàng quang dưới: cung cấp máu cho phần sau mặt dưới bên và tiền liệt tuyến.
- Các nhánh của động mạch trực tràng giữa, động mạch thẹn trong, động mạch bịt.
2. Tĩnh mạch
Các tĩnh mạch bàng quang tạo nên đám rối tĩnh mạch bàng quang rồi từ đó đổ về tĩnh mạch chậu trong.
3. Bạch mạch
Bạch huyết đổ về hạch bạch huyết dọc động mạch chậu trong.
4. Thần kinh
Các thần kinh tách ra từ đám rối hạ vị và S1, S2 chi phối vận động và cảm giác của bàng quang.
Nguồn tham khảo: 
ĐẠI HỌC Y DƯỢC HUẾ
Môn - chuyên khoa: 
- See more at: http://yhvn.vn/tai-lieu/giai-phau-bang-quang#sthash.UbvjkTJr.dpuf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét