CHƯƠNG I PHẨM KHÔNG HÝ LUẬN
Số 1 CHUYỆN KHÔNG HÝ LUẬN (Tiền thân Apaṇṇaka)
Có một số người đã nói lên…
Đức Thế Tôn kể câu chuyện này trong khi trú tại đại tinh xá Kỳ Viên (Jetavana) gần thành Xá-vệ (Sāvatthi).
Nhưng do ai câu chuyện này được kể?
Đó là năm trăm người bạn ngoại đạo của Trưởng giả Cấp Cô Độc (Anātha-Piṇḍika).
Một hôm, Trưởng giả Cấp Cô Độc đưa năm trăm người bạn của mình đều là những đệ tử ngoại đạo đi đến tinh xá Kỳ Viên. Ông cũng mang theo rất nhiều vòng hoa, nước hương, y dược, cùng với dầu, mật, đường, vải và y áo đến đó. Sau khi cung kính đảnh lễ đức Thế Tôn, ông cúng dường lên Ngài những vòng hoa.., và dâng cho Tăng chúng y dược…cùng với y áo. Sau khi cúng dường xong, ông ngồi xuống một bên, tránh xa sáu sự lỗi lầm trong khi ngồi. Tương tự như vậy, những đệ tử ngoại đạo cũng đảnh lễ đức Thế Tôn và ngồi xuống gần bên Trưởng giả Cấp Cô Độc, ngắm nhìn sắc mặt sáng rực như mặt trăng rằm của đức Thế Tôn, ngước nhìn sắc tướng tối ưu có đầy đủ các tướng tốt của Phật quả, tỏa ánh sáng rộng một sải, và ngắm nhìn hào quang của đức Phật, một thứ hào quang phóng ra như hai vòng hoa ghép lại, từng cặp chồng lên nhau.
Thế rồi, bằng tiếng nói vang vọng như tiếng sư tử trẻ rống lên trong thung lũng Hùng Hoàng, như một cơn mây bão vào mùa mưa, như sông Hằng Thiên giới (Ngân hà) ầm ầm đổ xuống, và âm thanh như đan dệt lại thành một chuỗi ngọc; lại bằng một giọng nói đủ tám phần hoàn hảo, hấp dẫn làm thích thú tai nghe, Ngài thuyết giảng cho họ một bài pháp đầy dịu ngọt và sáng chói với nhiều vẻ đẹp khác nhau.
Sau khi nghe pháp ngữ của đức Thế Tôn, với tâm tịnh tín, họ đứng lên cung kính đảnh lễ bậc Chánh Trí, phá bỏ những giáo thuyết mà họ đã quy y trước đây và quy y theo đức Phật. Từ đó về sau, họ thường cùng với Trưởng giả Cấp Cô Độc mang nước hương và vòng hoa…đến nghe Pháp ở tinh xá. Rồi họ thực hành bố thì, thọ trì giới luật và tu tập Bát quan trai giới.
Bấy giờ, đức Thế Tôn từ thành Xá-vệ trở lại thành Vương-xá (Rājagaha). Khi đức Thế Tôn đi rồi, họ lại phá vỡ niềm tin mới và quay lại quy y vào những giáo thuyết ngoại đạo, trở về lại tình trạng ban đầu của họ.
Sau bảy tám tháng lưu trú ở Vương-xá, đức Thế Tôn quay trở lại Kỳ Viên. Thêm một lần nữa, Trưởng giả Cấp Cô Độc cùng với những người bạn này của ông đi đến đức Thế Tôn, đảnh lễ và dâng cúng nước hoa…rồi ngồi xuống một bên. Sau đó, Trưởng giả Cấp Cô Độc bạch lại với đức Thế Tôn sự việc, rằng khi đức Thế Tôn ra đi du hoá, những người bạn của ông đã từ bỏ pháp quy y và quay trở lại tình trạng ban đầu của họ.
Mở miệng hoa sen của mình, giống như mở hộp châu báu, tỏa hương thơm tuyệt diệu với đầy đủ những hương thơm nhờ công đức nói lời chánh ngữ từ vô lượng kiếp, đức Thế Tôn đã phát ra lời ái ngữ khi Ngài hỏi:
– Này các Ưu-bà-tắc, có đúng là các vị đã từ bỏ Tam bảo để quy y theo những giáo thuyết ngoại đạo không?
Khi không thể che dấu được sự việc, họ đã thú nhận và nói:
– Bạch đức Thế Tôn, đúng như vậy.
Nghe thế, đức Thế Tôn nói:
– Này các Ưu-bà-tắc, không đâu ở giữa địa ngục A tỳ bên dưới và cõi trời Hữu đãnh phía trên, không đâu trong tất cả vô lượng vô biên thế giới có một người bằng Như Lai về công đức giữ giới và những công hạnh khác, chứ đừng nói gì tối ưu hơn Như Lai.
Sau đó, Ngài thuyết giảng cho họ những công đức của Tam bảo như đã được đề cập trong các kinh:
– Này các Tỳ-kheo, trong tất cả chúng sanh dù không chân, hai chân, bốn chân hay nhiều chân, Như Lai là tối thắng hơn cả. Không có thứ gì ở thế giới này hay những thế giới khác tối thắng hơn Như Lai. Như Lai quả thực là bậc tối thượng giữa các đệ tử…
Rồi Ngài nói tiếp:
– Không có người đệ tử nào, dù là nam hay nữ, những người đã quy y theo Tam bảo có đầy đủ công đức tối ưu như vậy lại đọa lạc vào chốn địa ngục hay những ác thú. Trái lại, thoát khỏi hoàn toàn sự tái sanh vào những ác thú, họ được sanh về thiên giới, và ở đấy thọ nhận được nhiều vinh quang lớn lao. Do đó, khi các vị từ bỏ quy y Tam bảo để tin tưởng vào dị giáo là các vị đã đi lầm đường.
(Và sau đây là những đoạn kinh được trích dẫn để làm rõ ý nghĩa, rằng không có một người nào đã quy y Tam bảo, tìm thấy được giải thoát và công đức tối thắng lại bị tái sanh vào những cảnh giới khổ đau:
Những ai quy y vào đức Phật
Sẽ không đọa vào cõi khổ đau
Khi bỏ thân người, họ sẽ được
Đạt lấy thân trời ngay liền sau.
Những ai quy y vào Chánh pháp
Sẽ không đọa vào cõi khổ đau
Khi bỏ thân người, họ sẽ được
Đạt lấy thân trời ngay liền sau
Những ai quy y vào Tăng già
Sẽ không đọa vào cõi khổ đau
Khi bỏ thân người, họ sẽ được
Đạt lấy thân trời ngay liền sau
Những ai quy y vào muôn vật
Sơn lâm, vườn rừng hay thần cây
Quy y như vậy không an ổn
Tối thượng quy y, không phải đây
Sẽ không thoát khỏi mọi đau khổ
Khi lại quy y những thứ này.
Quy y vào Phật, Pháp và Tăng
Nương vào chánh tuệ thấy rõ rằng
Khổ đế, nhân khổ và khổ diệt
Đạo đế, Bát thánh tám chi phần.
Quy y như vậy được an ổn,
Tối thượng quy y, chính là đây
Sẽ được giải thoát mọi đau khổ
Nếu ai quy y vào pháp này.
Nhưng đức Thế Tôn không kết thúc pháp thoại tại đây, mà Ngài còn nói tiếp:
– Này các Ưu-bà-tắc, chuyên tâm tưởng nhớ đến Phật, chuyên tâm tưởng nhớ đến Pháp, chuyên tâm tưởng nhớ đến Tăng, chính điều ấy giúp các vị chứng nhập Dự lưu qủa, Dự lưu đạo; Nhất lai quả, Nhất lai đạo; Bất hoàn quả, Bất hoàn đạo; và A-la-hán quả, A-la-hán đạo.
Sau khi dùng những phương tiện khác nhau để thuyết pháp cho họ xong, đức Thế Tôn nói:
– Với việc từ bỏ quy y Tam bảo như vậy, các vị đã đi lạc lối.
(Và ở đây, những quả vị và những đạo lộ khác nhau dành cho những ai chuyên tâm quán niệm đến đức Phật…cần được giảng giải rõ ràng bằng những lời kinh như sau:
– Này các Tỳ-kheo, có một pháp mà nếu thực hành và tu tập sẽ đưa đến yểm ly, chấm dứt tham ái, chấm dứt hữu, đạt được tịch tịnh, tuệ quán, giác ngộ, Niết bàn. Pháp này là gì? Đấy là chuyên tâm tưởng nhớ đến đức Phật.)
Sau khi khích lệ các cư sĩ như vậy rồi, đức Thế Tôn nói:
– Này các Ưu-bà-tắc, cũng như vậy vào đời quá khứ, có những người đã vội vàng đi đến kết luận ngu ngốc, xem những gì không phải là nơi quy y là nơi quy y chân thực, nên đã trở thành nạn nhân của lũ quỷ Dạ-xoa trong sa mạc ma quỷ và bị diệt vong hoàn toàn; trong khi những người chí thành với giáo pháp chân thực và vô tranh, đã đạt được an ổn trong cùng một nơi chốn như vậy.
Và khi nói lời này xong, đức Thế Tôn giữ im lặng.
Sau đó, cư sĩ Cấp Cô Độc từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, tán thán Ngài bằng cách cung kính chắp tay đưa lên ngang trán và bạch:
– Bạch đức Thế Tôn, thật rõ ràng cho chúng con thấy trong đời hiện tại, rằng các vị cư sĩ này đã bị tà kiến dẫn dắt nên từ bỏ nơi quy y tối thượng. Nhưng vào đời quá khứ, sự diệt vong của những người kiến thủ ở trong sa mạc ma quỷ và sự an ổn của những người chí thành với Chánh pháp thì chúng con đều bị che khuất không thể nhìn thấy, và chỉ một mình Thế Tôn biết được. Vậy cầu mong Thế Tôn giảng giải điều này cho chúng con được rõ, giống như làm cho mặt trăng tròn đầy mọc lên giữa bầu trời.
Thế rồi đức Thế Tôn nói:
– Này các cư sĩ, Như Lai đạt được toàn trí chính nhờ từ vô lượng kiếp đã thành tựu Thập ba la mật, rũ bỏ những chướng ngại của thế gian. Các vị hãy chí thành lắng nghe, thận trọng giống như các vị đang rót chất tuỷ của con sư tử vào một cái ống nhỏ bằng vàng.
Sau khi khích lệ để cho Trưởng giả chú ý như vậy, đức Thế Tôn tuyên thuyết rõ ràng Tiền sanh đã bị che lấp, giống như làm tan đi lớp băng tuyết để cho mặt trăng tròn đầy hiễn lộ giữa không trung.
* * *
Thuở xưa, tại kinh thành Ba-la-nại (Benares) thuộc vương quốc Ca-thi (Kāsi), có một vị vua tên là Phạm Dự (Brahmadatta) trị vì. Bấy giờ, Bồ-tát thọ sanh vào trong gia đình một vị thương nhân. Và khi đến tuổi trưởng thành, Bồ-tát thường hành trình buôn bán khắp nơi cùng với năm trăm cỗ xe, khi thì đi từ phương đông đến phương tây, khi thì đi từ phương tây đến phương đông. Tại Ba-la-nại, cũng có một vị thương nhân trẻ khác, một gã đần độn ngu ngốc, thiếu sự lanh lợi tháo vát.
Bấy giờ, vào thời điểm của câu chuyện, Bồ-tát chất đầy những mặt hàng quý giá của xứ Ba-la-nại lên năm trăm cỗ xe, tất cả sẵn sàng để xuất hành. Và vị thương nhân trẻ tuổi đần độn này cũng làm như vậy. Bồ-tát nghĩ, “Nếu gã thương nhân trẻ tuổi ngu ngốc này cùng đi với ta, và năm trăm cỗ xe cùng đi với nhau thì con đường sẽ bị chật, sẽ rất khó khăn để kiếm nước, củi…cho đoàn người và rơm cỏ cho đàn bò. Hoặc ta hoặc gã một người phải đi trước.” Vì thế, Ngài cho mời vị kia đến và đưa ra ý kiến của mình. Ngài nói:
– Này anh bạn, hai chúng ta không thể đi cùng với nhau được, anh muốn đi trước hay muốn đi sau?
Vị kia nghĩ: “Nếu ta đi trước, ta sẽ có được nhiều thuận lợi. Ta sẽ có một con đường còn nguyên vẹn. Đàn bò của ta sẽ có được phần cỏ tốt nhất. Đoàn người của ta sẽ có phần rau củ tốt nhất để làm món ca ri. Nước sẽ không bị vấy đục. Và cuối cùng, ta sẽ tự định giá cả trong việc trao đổi những mặt hàng của mình.” Nghĩ như thế, anh ta trả lời:
– Này anh bạn, tôi sẽ đi trước.
Trái lại, Bồ-tát thầy đi sau có nhiều thuận lợi hơn. Ngài nghĩ thế này: “Những người đi trước sẽ san bằng con đường còn gồ ghề lởm chởm, sau đó ta sẽ đi cùng con đường mà họ đã đi qua. Đàn bò của họ sẽ gặm thứ cỏ già cỗi, trong khi đàn bò của ta sẽ gặm thứ cỏ ngọt tươi mà nó mọc nơi con đường đó. Đoàn người của ta sẽ tìm được thứ rau củ tươi ngọt để làm món ca ri tại nơi những thứ rau già đã bị nhổ đi. Nơi đó không có nước, đoàn người đi trước sẽ phải đào giếng để lấy nước dùng, và ta sẽ uống nước tại những cái giếng mà họ đã đào. Tranh cãi giá cả sẽ làm hỏng công việc buôn bán. Trong khi đi đến sau, ta sẽ trao đổi hàng hoá của mình theo giá mà họ đã ấn định.” Thấy được tất cả những sự thuận lợi này, Bồ-tát nói với vị kia:
– Này anh bạn, thế thì anh cứ đi trước.
– Rất tốt, tôi sẽ đi trước. Vị thương nhân ngớ ngẩn trả lời.
Rồi anh ta thắng các cỗ xe và lên đường. Hành trình, anh ta rời bỏ nơi cư trú của loài người và đi đến vùng biên giới sa mạc. (Bấy giờ, các sa mạc gồm có năm loại như sau: sa mạc trộm cướp, sa mạc thú dữ, sa mạc không có nước, sa mạc ma quỷ, và sa mạc không có thức ăn. Sa mạc thứ nhất là khi đi ở trên đường sẽ bị bọn cướp bao vây. Sa mạc thứ hai là khi đi ở trên đường sẽ bị những con sư tử và những con thú hoang khác bao vây. Sa mạc thứ ba là khi đi ở trên đường sẽ không có nước để dùng. Sa mạc thứ tư là khi đi ở trên đường sẽ bị những yêu ma bao vây. Và sa mạc thứ năm là khi đi ở trên đường sẽ không tìm ra được rễ củ và những thứ thức ăn khác. Trong năm loại sa mạc này, hai sa mạc cần nói đến là sa mạc không có nước và sa mạc ma quỷ.)
Vì thế, vị thương nhân trẻ ngu ngốc này cho đặt những bình nước lớn lên xe, đổ đầy nước vào và khởi hành băng qua sa mạc dài sáu mươi dặm. Bấy giờ, khi anh ta đã đi đến giữa sa mạc, một con quỷ dạ xoa sống ở đó nói thầm thế này: “Ta sẽ làm cho những người này vứt hết nước dự trữ của họ, và sẽ ăn thịt họ khi họ mệt lữ.” Vì thế bằng thần lực của mình, nó biến hoá ra một cỗ xe đẹp được kéo bởi những con bò trắng thuần chủng. Rồi cùng với một đoàn tùy tùng hơn mười con quỷ dạ xoa, tay mang cung, ống đựng tên, gươm và tấm chắn, nó cỡi lên cỗ xe đó giống như một vị đế vương. Nó dắt những hoa sen xanh và hoa súng trắng quanh đầu, làm cho tóc tai và áo quần ướt sũng, còn những bánh xe thì làm cho dính đầy bùn. Và những người hầu của nó, kẻ trước kẻ sau cùng đi với nó, với tóc tai và áo quần ướt sũng, với những vòng hoa sen xanh, hoa súng trắng quấn quanh đầu và những bó sen trắng trong tay, miệng nhai những cọng sen nhỏ giọt nước và bùn. Như vậy, chúng đi đến chỗ những người này.
Bấy giờ, những người trưởng đoàn lữ hành có thói quen thế này: mỗi khi có gió thổi ngược, họ sẽ đánh xe lên phía trước cùng với những người tuỳ tùng vây quanh để tránh bụi. Nhưng khi gió thổi từ phía sau, họ sẽ đánh đi ở sau. Vào lúc này, gió đang thổi ngược chiều nên vị thương nhân trẻ đánh xe lên phía trước. Khi con quỷ dạ xoa nhận biết được vị thương nhân đến gần, nó đưa chiếc xe của nó sang một bên đường và ân cần chào đón anh ta, rồi hỏi anh ta đang đi đâu. Vị trưởng đoàn lái buôn cũng đưa xe mình qua một bên đường để cho những cỗ xe sau đi qua. Trong khi dừng lại bên đường, anh ta nói với con quỷ Dạ-xoa:
– Thưa ông, chúng tôi vừa rời Ba-la-nại. Chúng tôi nhận thấy rằng ông trang sức những bông sen xanh và hoa súng trắng ở trên đầu, tay lại cầm hoa sen trắng và đỏ, còn những người hầu của ông thì đang nhai những cọng sen. Tất cả các ông đều lấm bùn và ướt sũng. Vậy có phải các ông đã gặp mưa khi đi trên đường, gặp được những hồ nước phủ đầy hoa sen và hoa súng?
Nghe thế, con quỷ dạ xoa liền giải thích:
– Bạn nói gì vậy? Ở đằng kia đã hiện rõ vệt đen thẫm của rừng xanh. Từ nơi đó trở đi, không còn có thứ gì khác ngoài nước ngập khắp khu rừng. Ở đấy trời mưa luôn và ao hồ ngập đầy nước, khắp nơi đều có các ao hồ phủ đầy hoa sen và hoa súng.
Rồi khi thấy đoàn xe này đi ngang qua, nó hỏi:
– Đoàn xe này đi đến đâu?
Họ trả lời:
– Chúng tôi đi đến chỗ kia…
– Các vị chở hàng hóa gì trong các cỗ xe này?
Họ trả lời cho nó biết. Rồi khi nhìn thấy cỗ xe cuối cùng đi qua, nó hỏi:
– Các vị chở gì trong cỗ xe này mà trông nó di chuyển nặng nhọc quá vậy?
– À, chở nước trong đó.
– Đoạn đường đã đi qua, các vị thật hợp lý khi mang nước theo. Nhưng bây giờ thì không còn cần thiết nữa khi ở phía trước nước quá dồi dào. Nếu đập vỡ các bình chậu và đổ hết nước đi, các vị sẽ di chuyển được dễ dàng hơn.
Rồi nó nói thêm:
– Thôi, các vị hãy tiếp tục cuộc hành trình của mình đi. Còn chúng tôi phải đi vì dừng nghĩ ở đây cũng đã lâu.
Rồi đi xa thêm một quãng nữa, cho đến khi khuất dạng, nó quay trở lại kinh đô Dạ-xoa của mình và trú ở đó.
Nghe theo lời xúi giục của con quỷ dạ xoa, vị thương nhân ngu ngốc đã hành động một cách điên rồ. Anh ta đập vỡ tất cả bình chậu và đổ hết nước đi, không giữ lấy dầu chỉ một giọt trong lòng bàn tay. Rồi anh ta ra lệnh cho đoàn xe tiếp tục lên đường. Nhưng họ không tìm đâu ra được một giọt nước ở phía trước, và cơn khát đã làm cho họ kiệt sức. Họ vẫn tiếp tục hành trình suốt cả ngày. Đến khi mặt trời lặn, họ cởi ách bò và xếp thành một vòng tròn, rồi cột những con bò vào những bánh xe. Nhưng bò không có nước uống, người không có nước nấu cơm nên cả đoàn kiệt sức nằm gục xuống đất mà ngủ. Rồi đến khi đêm xuống, những con quỷ Dạ-xoa đi ra khỏi kinh đô của chúng và giết chết từng người và từng con bò một. Sau khi ăn thịt họ xong, những con quỷ Dạ-xoa đã để lại một đống xương trắng và ra đi. Như vậy, chỉ vì một mình gã thương nhân trẻ ngu ngốc, đã đưa cả đoàn lái buôn đến sự diệt vong, khiến xương của họ bị vung vãi khắp nơi, trong khi năm trăm cỗ xe vẫn đứng ở đấy với tất cả hàng hóa còn nguyên vẹn.
Bấy giờ, sau khi tính toán thời gian gã thương nhân trẻ tuổi ngu ngốc đã ra đi được sáu tuần, Bồ-tát bắt đầu rời khỏi kinh thành cùng với năm trăm cỗ xe, và sau đó đi đến vùng biên giới sa mạc. Ở đấy, Ngài cho đổ đầy nước vào các bình chậu và dự trữ một nguồn nước dồi dào. Rồi cho đánh trống lên, Ngài tập họp đoàn người lại trong trại và nói với họ thế này:
– Không được phép dùng một bụm nước nào khi chưa có sự cho phép của ta. Có những loài cây độc ở trong hoang mạc này, vì thế các vị không được ăn bất cứ thứ lá, hoa, trái nào mà trước đây các vị chưa từng ăn, không được ăn khi chưa hỏi ta.
Khuyên bảo mọi người như vậy xong, Bồ-tát cùng với năm trăm cỗ xe tiến vào sa mạc. Khi Ngài đi đến giữa sa mạc, con quỷ dạ xoa giống như trường hợp trước đây, đã xuất hiện trên con đường Bồ-tát đi. Nhưng khi nhìn thấy con quỷ dạ xoa, Bồ-tát thấy rõ bản chất của nó, nên nghĩ: “Không có nước ở trong cái sa mạc Vô thuỷ này. Người này với đôi mắt đỏ ngầu và có thái độ hung hăng, những cỗ xe kia lại không có ai bảo vệ. Rất có thể nó đã xúi giục gã thương nhân trẻ ngu ngốc đi trước ta đổ hết nước đi, và sau đó chờ khi họ kiệt sức, đã ăn thịt vị thương nhân kia và tất cả đoàn người của anh ta. Nhưng nó không biết tài trí sẵn có của ta.” Thế rồi Ngài quát mắng con quỷ Dạ-xoa:
– Hãy xéo đi! Chúng tôi là những thương nhân. Chúng tôi sẽ không đổ bỏ nước mà mình có khi chưa nhìn thấy nơi nào có nhiều nước hơn. Chỉ khi nào chúng tôi nhìn thấy một nơi có nhiều nước hơn, chúng tôi mới tin tưởng để đổ bỏ những chậu nước này, làm cho những cỗ xe nhẹ đi.
Con quỷ Dạ-xoa đánh xe lên thêm một quãng nữa cho đến khi khuất dạng, rồi quay trở lại nhà mình ở kinh đô Dạ-xoa. Khi con quỷ dạ xoa đi rồi, đoàn người của Bồ-tát đã nói với Ngài:
– Thưa chủ nhân, chúng tôi nghe bọn người kia nói rằng ở đằng kia có một khu rừng rậm và trời thường có mưa ở đấy. Bọn họ mang hoa sen trên đầu và cầm hoa súng nơi tay, còn miệng thì nhai những cọng cây đó, trong khi tóc tai và áo quần của họ thì sũng ướt, nước chảy ròng ròng. Chúng ta hãy đổ nước đi. Với những cỗ xe nhẹ, chúng ta sẽ đi nhanh hơn.
Khi nghe họ nói vậy, Bồ-tát ra lệnh cho dừng lại, tập họp tất cả mọi người lại và nói với họ:
– Hãy nói cho ta biết, trước đây có người nào trong các vị nghe rằng có ao hồ trong sa mạc này không?
Họ trả lời:
– Không thưa ông chủ, đó chính là lý do vì sao nó được gọi là “Sa mạc Vô thuỷ”.
– Chúng ta vừa nghe một vài người nói rằng trời đang mưa ngay ở bìa rừng phía trước. Vậy gió mưa có thể thổi đi được bao xa?
– Được một dặm, thưa ông.
– Có người nào ở đây đã chạm được cơn gió mưa này không?
– Không, thưa ông.
– Cách xa bao nhiêu thì có thể thấy được đầu mây?
– Khoảng một dặm, thưa ông.
– Có ai ở đây nhìn thấy đầu mây không?
– Không có ai nhìn thấy cả thưa ông chủ.
– Các vị có thể thấy được ánh chớp cách bao xa?
– Bốn hoặc năm dặm, thưa ông.
– Có người nào ở đây nhìn thấy tia chớp không?
– Không có ai cả, thưa ông.
– Người ta có thể nghe được tiếng sấm rền cách bao xa?
– Khoảng hai ba dăm, thưa ông.
– Có ai ở đây nghe tiếng sấm rền không?
– Thưa ông, không có ai cả.
– Đó không phải là người mà là những con quỷ Dạ-xoa. Chúng sẽ quay trở lại với hy vọng ăn được thịt chúng ta lúc chúng ta đã kiệt sức sau khi làm theo lời khuyên của chúng là đem đổ hết nước đi. Vị thương nhân trẻ đi trước chúng ta không phải là một người tài trí, chắc chắn anh ta đã bị lừa, đem đổ hết nước đi để rồi bị ăn thịt khi đã kiệt sức. Chúng ta sẽ tìm thấy năm trăm cỗ xe được để lại với hàng hóa còn y nguyên như lúc khởi hành. Nội trong ngày nay chúng ta sẽ gặp những cỗ xe đó. Hãy đi càng nhanh càng tốt, không được đổ môt giọt nước nào cả.
Sau khi nói như vậy để thuyết phục đoàn người, Bồ-tát tiếp tục hành trình cho đến khi bắt gặp năm trăm cỗ xe đứng đấy với hàng hóa còn y nguyên, còn xương người lẫn xương bò nằm vung vãi khắp nơi. Ngài cho tháo ách xe ra và sắp xếp lại thành một hình tròn, tạo thành một trại phòng ngự vững chắc. Ngài cho người và bò của mình ăn tối sớm, rồi sắp cho đàn bò nằm nghỉ ở giữa bọn họ.
Còn bản thân Ngài cùng với những người lãnh đạo đoàn lữ hành, cầm gươm dao đứng canh gác suốt cả ba canh trong đêm chờ cho đến khi rạng đông. Vào lúc tảng sáng ngày hôm sau, khi cho đàn bò ăn và làm xong mọi thứ cần thiết, Bồ-tát vứt bỏ những cỗ xe yếu của mình để lấy những cỗ xe mạnh hơn, bỏ đi những mặt hàng ít giá trị của mình để lấy những hàng hóa vô chủ có giá trị nhất. Rồi đi tiếp đến nơi đã định, Bồ-tát bán các hàng hoá với giá tiền gấp hai ba lần giá vốn, sau đó trở về kinh thành của mình mà không mất đi một người nào trong đoàn.
* * *
Kết thúc câu chuyện, đức Thế Tôn nói:
– Này các cư sĩ, như vậy chính trong đời quá khứ, những kẻ ngu ngốc đã bị diệt vong hoàn toàn, trong khi những người trung thành với sự thật vô hý luận, đã thoát khỏi bàn tay của ma quỷ, đạt đến đích của mình và trở về nhà an toàn.
Rồi sau khi nói lên mối liên hệ của hai câu chuyện xong, vì mục đích trình bày sự thật vô hý luận này, đức Thế Tôn đọc lên bài kệ sau:
Có một số người đã nói lên
Sự thật tối thượng, vô hý luận
Nhưng người tà luận lại khác đi
Nói lên tà luận, không chân thật
Người trí y đây được khai ngộ
Nắm chặt sự thật vô hý luận.
Khi dạy pháp Pháp chân thật vô hý luận như vậy xong, đức Thế Tôn nói tiếp:
– Những gì được gọi là con đường chân thật vô hý luận, không chỉ đem lại ba thiện sự thành tựu, sáu cõi Trời dục giới, những điều thành tựu ở Phạm thiên giới, mà sau cùng còn đem lại quả vị A-la-hán. Trong khi những gì được gọi là con đường tà luận, sẽ dẫn đến tái sanh vào bốn ác thú hoặc tái sanh làm người hạ liệt nhất.
Kế tiếp, đức Thế Tôn tiếp tục thuyết giảng mười sáu hành tướng của Tứ Đế. Kết thúc thời pháp, năm trăm vị nam cư sĩ chứng được quả Dự lưu
Sau khi thuyết pháp, kể hai câu chuyện, thiết lập mối quan hệ và nối kết chúng lại với nhau xong, đức Thế Tôn kết thúc bằng cách nhận diện Tiền thân:
– Vào thuở đó, Đề-bà-đạt-đa (Devadatta) là chàng thanh niên thương nhân ngu ngốc, đệ tử của Đề-bà-đạt-đa là những người đi theo vị thương nhân đó, đệ tử của ta là những người đi theo vị thương nhân có trí, còn vị thương nhân trí tuệ ấy chính là ta.
Số 2 CHUYỆN CON ĐƯỜNG CÁT (Tiền thân Vaṇṇupatha)
Không thoái chí, đào sâu con đường cát…
Đức Thế Tôn kể câu chuyện này trong khi Ngài trú tại thành Xá-vệ (Sāvatthi).
Câu chuyện này kể về ai?
Câu chuyện này kể về một thầy Tỳ-kheo thối chí.
Chuyện kể rằng, trong khi đức Phật đang sống tại thành Xá-vệ, có một thiện nam thuộc gia đình quý tộc sống ở thành Xá-vệ đã đến tinh xá Kỳ Viên để nghe đức Thế Tôn thuyết giảng. Sau khi nhận thấy rằng chính các dục gây ra khổ đau, vị này đã phát tâm xuất gia. Sau năm năm sống đời xuất gia, khi đã học xong hai điển mục thiết yếu và tu tập những pháp môn thiền quán, thầy nhận lấy nơi đức Thế Tôn một đề tài Thiền quán thích hợp với bản thân mình rồi đi vào một khu rừng và trải qua kỳ an cư mùa mưa ở đó. Mặc dù nỗ lực hết mình trong suốt ba tháng, nhưng thầy không thể hiển bày được một chút Tuệ quán nào. Vì thế thầy nghĩ: “đức Thế Tôn nói có bốn hạng người, ta chắc chắn thuộc hạng người thấp kém nhất. Ta nghĩ rằng, trong kiếp này không có Đạo hay Quả nào dành cho ta. Vậy ta sống ở rừng làm gì nữa? Ta sẽ trở lại sống với đức Thế Tôn, chiêm ngưỡng vẻ đẹp sáng ngời của thân Phật và lắng nghe pháp ngữ cam lồ của Ngài.”
Nghĩ thế, thầy đã quay trở lại tinh xá Kỳ Viên. Bấy giờ, các pháp hữu của thầy nói:
– Pháp hữu, chính thầy nhận được đề tài thiền quán từ nơi đức Thế Tôn và đã ra đi sống đời độc cư của một Sa-môn. Vậy sao thầy lại có mặt nơi đây, vui thích sống với hội chúng? Có thể nào thầy đã đạt được sở nguyện tối hậu của một Tỳ-kheo, và rằng thầy sẽ không bao giờ biết đến tái sinh nữa?
– Thưa các pháp hữu, tôi không đạt được Đạo cũng không đạt được Quả, cảm thấy mình không có khả năng nên thối thất và quay trở lại đây.
– Pháp hữu, thầy đã hành động sai trái, đã thể hiện một tâm tính bạc nhược khi đã phát nguyện đi theo giáo pháp của bậc Đạo sư hùng lực. Hãy đi với chúng tôi, chúng tôi sẽ đưa thầy đến bạch với đức Thế Tôn.
Nói vậy xong, họ đưa thầy này đến gặp đức Thế Tôn. Khi đức Thế Tôn biết họ đến, Ngài nói:
– Này các Tỳ-kheo, các thầy đã đưa Tỳ-kheo này đến đây trong khi thầy này không muốn. Thầy này đã làm gì?
– Bạch đức Thế Tôn, sau khi đã phát nguyện đi theo giáo pháp chân thực tuyệt đối, thầy Tỳ-kheo nay đã thối thất, từ bỏ đời sống độc cư của một Sa môn và quay trở lại đây.
Nghe thế, đức Thế Tôn nói với thầy này:
– Này Tỳ-kheo, như họ nói đấy, có thực là thầy đã thối chí không?
– Bạch Thế Tôn, thực đúng như vậy.
– Này Tỳ-kheo, tại sao như vậy khi chính thầy đã phát nguyện đi theo giáo pháp này? Tại sao thầy không thể hiện được một người ít muốn, biết đủ, độc cư và kiên định, mà tự biểu hiện một người thiếu hẳn chí nguyện như vậy? Không phải vào đời quá khứ chính thầy là người đã từng tinh tấn, kiên định sao? Không phải chỉ một mình thầy, nhờ kiên gan bền chí mà khi ở trong sa mạc đã khiến cho người và bò của một đoàn lữ hành năm trăm cỗ xe kiếm được nước và được vui sướng sao? Bây giờ tại sao thầy lại thối chí?
Nghe những lời như vậy, thầy Tỳ-kheo này cảm thấy được khích lệ sách tấn. Còn các Tỳ-kheo khi nghe nói vậy đã thỉnh cầu đức Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, hiện giờ thầy Tỳ-kheo này từ bỏ tinh tấn thì chúng con biết rõ. Nhưng chúng con không biết được tại sao, chỉ bằng sự kiên gan bền chí của một người này mà người và bò đã kiếm được nước uống ở trong sa mạc và được an lạc. Chỉ Thế Tôn là bậc toàn trí biết được việc này. Xin hãy kể cho chúng con việc đó.
– Này các Tỳ-kheo, hãy lắng nghe. Đức Thế Tôn nói.
Sau khi gợi sự chú tâm của các Tỳ-kheo, đức Thế Tôn trình bày rõ ràng câu chuyện quá khứ mà do vì tái sanh họ không thể nhận biết được.
* * *
Thuở xưa, khi Phạm Dự (Brahmadatta) là vua của kinh thành Ba-la-nại (Benares) thuộc vương quốc Ca-thi (Kāsi), Bồ-tát thọ sanh vào trong một gia đình thương nhân. Khi đến tuổi trưởng thành, cùng với năm trăm cỗ xe, Ngài thường đi buôn bán khắp nơi. Một lần nọ, Ngài băng qua một sa mạc rộng sáu mươi dặm. Cát của sa mạc rất mịn, nắm vào là tuột khỏi tay. Khi mặt trời mọc, cát trở nên nóng như một cái giường than hồng và không một ai có thể đi được trên đó. Do đó, những người vượt qua sa mạc thường mang củi, nước, dầu, gạo…theo trên xe, và chỉ đi vào ban đêm. Vào lúc bình minh, họ thường sắp những cỗ xe lại thành một vòng tròn để tạo thành một trại phòng ngự, và căng một tấm vải bạt rộng ở bên trên. Rồi sau bữa ăn sớm, họ thường ngồi suốt ngày trong bống râm. Đến khi mặt trời lặn, họ dùng buổi tối. Rồi đến lúc cát đã nguội, họ thắng ách xe và lại tiếp tục hành trình. Đi trên sa mạc này thì giống như đi trên biển cả vậy. Người được gọi là “người dẫn đường sa mạc” phải dẫn dắt đoàn người đi qua sa mạc bằng việc chiêm tinh của mình. Và đây là phương cách mà bấy giờ Bồ-tát đang sử dụng để đi qua sa mạc đó.
Khi đoạn đường phía trước chỉ còn khoảng bảy dặm nữa, Bồ-tát nghĩ: “Tối hôm nay chúng ta sẽ ra khỏi sa mạc này.” Vì thế, sau khi cho đoàn người ăn tối xong, Bồ-tát bảo vứt bỏ hết củi, nước, rồi thắng xe và lên đường. Người dẫn đường ngồi trên một chiếc ghế ở cỗ xe đi đầu để chiêm tinh và bằng cách đó định hướng đi. Nhưng do quá lâu không ngủ nên Ngài bị kiệt sức và vì thế đã ngủ thiếp đi, với hậu quả mà Ngài không để ý đến là đàn bò đã quay đầu và đang đi trở lại con đường cũ. Đàn bò cứ đi suốt cả đêm như vậy, cho đến khi rạng đông, người dẫn đường thức dậy, chiêm tinh và hét lớn:
– Hãy quay các cỗ xe trở lại gấp! Hãy quay các cỗ xe trở lại gấp!
Nhưng khi đoàn xe quay trở lại và xếp thành hàng thì trời bắt đầu rạng sáng. Đoàn người kêu lên:
– Đây chính là nơi chúng ta đã cắm trại ngày hôm qua. Chúng ta đã bỏ hết củi và nước. Chúng ta nguy khốn đến nơi rồi.
Nói vậy xong, họ tháo ách xe, xếp thành một vòng tròn và căng một tấm bạt ở phía trên, sau đó mọi người tự nằm xuống dưới xe của mình và cảm thấy vô cùng tuyệt vọng. Bồ-tát nghĩ: “Nếu ta thoái chí chịu thua thì mọi người sẽ bị chết.” Vì thế khi trời còn sớm và mát, Bồ-tát đi lui đi tới tìm cách, mãi cho đến khi gặp được một lùm cỏ kusa. Ngài nghĩ, “Chắc ở dưới này có nước nên loại cỏ này mời mọc được” Vì thế, Ngài bảo đem đến một cái xẻng và cho đào một cái hố ngay tại chỗ đó. Họ đào sâu xuống sáu mươi khuỷu tay, cho đến khi xẻng đụng phải một tảng đá. Khi ấy mọi người trở nên thối chí và không đào nữa. Nhưng Bồ-tát nghĩ rằng dưới tảng đá đó chắc chắn có nước nên Ngài nhảy vào trong hố và đứng trên tảng đá. Cúi người xuống, áp tai vào tảng đá, Bồ-tát nghe thấy tiếng nước đang chảy bên dưới. Ngài leo lên và nói với một chàng trai hầu việc:
– Này con, nếu con thoái chí thì tất cả chúng ta sẽ bị nguy hại. Con hãy cố gắng và can đảm lên. Hãy cầm lấy cái búa tạ bằng sắt này, nhảy vào hố và đập vỡ tảng đá đó ra.
Vâng theo lời chủ, chàng trai trèo xuống hố và đập vỡ tảng đá, trong khi tất cả những người khác đều chán nãn thối thất. Tảng đá chặn dòng nước vỡ nát ra và rơi sụp xuống. Dòng nước phun thẳng lên cao bằng cây cọ dừa. Đoàn người uống nước và tắm rửa, rồi sau đó chẻ những trục xe, ách xe và những thiết bị dư thừa khác để nấu cơm. Rồi khi ăn xong, họ cho đàn bò ăn. Đến lúc mặt trời lặn, họ cắm một cây cờ bên bờ giếng và đi đến nơi đã định. Ở đấy, họ đổi hàng hóa của mình để lấy những mặt hàng có giá trị gấp hai, gấp bốn lần, và sau đó quay trở lại nhà. Ở đấy, họ sống hết tuổi thọ và đến khi mạng chung đã tái sanh theo hành nghiệp của mình. Còn Bồ-tát, sau khi trải qua một đời bố thí và thực hành các thiện nghiệp, đến khi mạng chung cũng đã thọ sanh theo hành nghiệp của mình.
* * *
Thuyết xong pháp thoại này, đức Phật Chánh Đẳng Giác, bậc Toàn Trí đã đọc lên bài kệ:
Không thoái chí, đào sâu con đường cát
Cho đến khi tìm thấy nước trên đường.
Cũng như thế Tỳ-kheo nên bền chí
Tìm tịnh tâm, không thoái chí chán chường.
Kết thúc pháp thoại này, đức Thế Tôn tuyên thuyết Tứ Thánh đế. Kết thúc thời pháp, thầy Tỳ-kheo thối thất tinh tấn đắc được Thánh quả A-la-hán.
Sau khi kể xong hai câu chuyện và nói lên mối liên hệ của chúng, đức Thế Tôn nhận diện Tiền thân:
– Vào thuở đó, Tỳ-kheo thối thất ý chí này là chàng trai giúp việc, người kiên nhẫn đập vỡ tảng đá và lấy nước cho mọi người dùng; đệ tử của ta là đoàn người lái buôn còn lại, còn ta chính là người trưởng đoàn.
Số 3 CHUYỆN VỊ THƯƠNG NHÂN THAM DỤC (Tiền thân Serīvāṇija)
Ở trong giáo pháp, nếu thối thất…
Trong khi trú tại thành Xá Vệ (Sāvatthi), đức Thế Tôn kể câu chuyện này cũng về một Tỳ-kheo thoái chí.
Rồi y như trường hợp ở câu chuyện trước, khi các Tỳ-kheo đưa vị này đến gặp đức Thế Tôn, Ngài nói:
– Này Tỳ-kheo, những ai sau khi đã phát tâm xuất gia theo giáo pháp vi diệu đem đến Đạo và Quả này mà lại thoái chí, thì sẽ chịu khổ đau lâu dài giống như vị thương nhân ở nước Seri đã đánh mất cái bát bằng vàng có trị giá một trăm ngàn đồng.
Các Tỳ-kheo thỉnh cầu đức Thế Tôn giảng giải điều đó, và Ngài đã giảng giải rõ ràng điều mà do vì tái sinh khiến họ không nhìn thấy được.
* * *
Thuở xưa, cách đây năm kiếp, tại vương quốc Sari, Bồ-tát làm nghề buôn bán chén bát bình chậu và được gọi tên là “Hành thương Sari”. Cùng với một vị thương nhân khác cũng buôn bán mặt hàng như vậy, là một kẻ tham lam cũng được biết đến với tên gọi “Hành thương Sari”, Bồ-tát băng qua sông Nại-lạp-ngoã-hạp (Telavāha) và đi vào thành phố An-đạt-phổ-lạp (Andhapura). Sau khi hai người phân chia các đường phố, Bồ-tát bắt đầu rao bán hàng hóa của mình quanh các đường phố thuộc khu vực của mình, và người kia cũng đã làm như vậy.
Bấy giờ, ở thành phố đó có một gia đình sa sút. Trước đây họ là những thương nhân giàu có, nhưng vào thời điểm của câu chuyện, họ đã mất hết con trai, anh em và tất cả tài sản. Chỉ còn lại một cô gái và bà của cô, và hai người này kiếm sống bằng việc làm thuê lấy tiền. Tuy thế, họ có một cái bát vàng ở nhà mà trước đây vị đại thương nhân, người chủ của gia đình thường dùng nó để ăn. Nhưng cái bát bị quăng vào trong đống xoong bát và đã lâu không người dùng đến. Nó bị bụi bặm bám đầy nên hai người này không biết đó là cái bát bằng vàng. Vị thương nhân tham lam theo đường của mình đi đến trước nhà của họ và rao lớn:
– Có bình nước để bán đây! Có bình nước để bán đây!
Cô gái kia khi biết vị này ở trước nhà mình đã nói với bà của mình:
– Bà ơi, mua cho cháu một mặt hàng rẽ tiền đi.
– Cháu ạ, chúng ta quá nghèo khó, chúng ta có thể lấy thứ gì để đổi lấy nó đây?
– Cái bát này không có ích đối với chúng ta. Chúng ta hãy đổi nó để lấy mặt hàng kia.
Bà lão đưa vị thương nhân vào nhà và mời ngồi, sau đó đưa cái bát cho ông ta và nói:
– Này ông, hãy lấy cái bát này và đổi cho chị một mặt hàng nào đó tương xứng.
Vị thương nhân cầm lấy cái bát, lật ngược nó lên và nghi đó là cái bát vàng. Ông ta dùng một cây kim, rạch một đường dưới đáy bát và nhận ra đó là một cái bát vàng thực. Thế rồi, nghĩ rằng mình sẽ lấy cái bát này mà không đổi cho bà lão một mặt hàng nào khác, ông ta bèn nói:
– Cái bát này thì giá bao nhiêu! Nó không đáng giá nữa đồng xu nữa là!
Nói xong, ông ta ném cái bát xuống đất, đứng lên khỏi chỗ ngồi và rời khỏi nhà bà lão. Bấy giờ, hai vị thương nhân thỏa thuận rằng, người này có thể đi lại những con đường mà người kia đã đi qua. Vì thế, Bồ-tát đi vào chính con đường đó và đến trước ngôi nhà này. Ngài rao:
– Có bình nước để bán đây!
Thế rồi cô gái lại nói với bà của mình như trước, và bà lão trả lời:
– Cháu ạ, vị thương nhân đầu tiên đã quăng cái bát của ta xuống đất và bỏ đi, bây giờ chúng ta còn có thứ gì để đổi chứ?
– Thưa bà, vị thương nhân đó là một người nói năng lỗ mãng, trong khi người này trông có vẻ dễ chịu và ăn nói tử tế. Rất có thể ông ấy sẽ nhận nó.
– Thế thì cháu hãy gọi ông ấy vào.
Cô gái gọi Bồ-tát vào nhà, mời Ngài ngồi và đặt cái bát vào tay Ngài. Biết rằng cái bát này bằng vàng, Bồ-tát nói:
– Thưa lão, cái bát này trị giá một trăm ngàn đồng tiền vàng. Tôi không có mặt hàng nào có trị giá tương xứng như vậy.
– Thưa ông, vị thương nhân trước đã đến đây và nói rằng cái bát này trị giá không đáng nữa đồng xu, vì thế ông ta quăng nó và bỏ đi. Chắc có thể nhờ công đức của ông mà cái bát này đã hoá thành vàng. Vậy ông hãy nhận nó, đưa cho tôi một mặt hàng nào đó cũng được rồi hẳn đi.
Bấy giờ, Bồ-tát có năm trăm đồng tiền vàng và một số mặt hàng có trị giá cũng bằng chừng ấy tiền. Ngài đưa hết tất cả cho hai bà cháu và nói:
– Tôi trao hết tất cả những thứ này cho bà, chỉ xin giữ lại cái cân, cái giỏ và tám đồng.
Được họ đồng ý, Ngài nhận lấy những thứ này và đi nhanh đến bờ sông. Ở đấy, Ngài đưa cho người chèo thuyền tám đồng và nhảy vào trong thuyền. Sau đó, vị thương nhân tham lam trở lại ngôi nhà ấy và bảo hai bà cháu mang cái bát của họ ra, nói rằng ông ta sẽ đưa cho họ một mặt hàng khác để đổi lấy nó. Nhưng bà lão đã tuôn ra cho ông ta những lời này:
– Ông biết rằng cái bát bằng vàng của chúng tôi trị giá một trăm ngàn đồng tiền vàng nhưng lại nói rằng nó không đáng giá nữa đồng xu. Tuy thế, một vị thương nhân ngay thẳng đã trao cho chúng tôi một trăm ngàn đồng tiền vàng để đổi nó, và ông ấy đã mang cái bát đi rồi.
Nghe thế, ông ta than khóc:
– Hắn đã cướp của ta cái bát bằng vàng trị giá một trăm ngàn đồng tiền vàng mất rồi. Hắn đã khiến cho ta bị thất thiệt thậm tệ.
Đau khổ đè nặng, khiến ông ta đánh mất tự chủ và trở thành người quẫn trí. Ông ta vứt hết tiền bạc và hàng hoá của mình trước ngôi nhà đó. Quăng bỏ hết áo quần và cầm lấy cán cân giống như cây gậy, ông ta rượt theo Bồ-tát cho đến khi đến tới bờ sông. Thấy Bồ-tát đang băng qua sông, ông ta hét to bảo người chèo thuyền chèo quay trở lại, nhưng Bồ-tát bảo người chèo thuyền đừng làm như thế. Ông ta đứng ở đấy, trân trân nhìn hình bóng Bồ-tát khuất xa dần, với nỗi khổ đau cùng cực đè nặng. Máu vọt ra khỏi miệng, tim ông ta nống lên và nứt nẻ ra như bùn dưới đáy hồ bị ánh nắng mặt trời phơi khô. Do vì lòng thù hận chống lại Bồ-tát, ông ta đã chết ngay tại chỗ. (Đây là lần đầu tiên Đề-bà-đạt-đa thù hận chống lại Bồ-tát.) Còn Bồ-tát, sau khi trải qua một đời làm việc bố thí và thực hành thiện nghiệp, đến khi mạng chung đã tái sanh theo hành nghiệp của mình.
* * *
Kết thúc pháp thoại này, đức Phật Chánh Đẳng Giác, bậc Nhất Thiết Trí đã đọc lên bài kệ này:
Ở trong giáo pháp, nếu thối thất
Lơ là, không tu tập tinh chuyên
Thì như Hành thương Sa-ri đó
Mất của trời cho, khổ triền miên.
Như vậy, sau khi thuyết xong pháp thoại đưa đến quả vị A-la-hán, đức Thế Tôn tuyên thuyết Tứ Thánh đế. Kết thúc thời pháp, thầy Tỳ-kheo thối thất tinh tấn chứng được thánh quả A-la-hán.
Và sau khi kể xong hai câu chuyện, đức Thế Tôn nói lên mối liên hệ của chúng và nhận diện Tiền thân để kết thúc:
– Vào thuở đó, Đề-bà-đạt-đa là vị thương nhân ngu ngốc, còn ta chính là người thương nhân tốt bụng và hiền trí.
Số 4 CHUYỆN TÀI QUAN CHU-LA (Tiền thân Cullaka-Seṭṭhi)
Trong khi trú tại vườn xoài của ông Kì-bà (Jīvaka), gần thành Vương Xá (Rājagaha), đức Thế Tôn kể câu chuyện này về một vị Trưởng lão tên là Tiểu Lộ (Cullapanthaka). Và đây là bản khai sinh cuộc đời của Tiểu Lộ: Truyền thuyết kể rằng, con gái của một gia đình thương nhân giàu có ở thành Vương-xá đã hạ thấp phẩm giá khi trao thân cho một người nô bộc. Rồi sợ việc làm sai quấy của mình bị phát hiện, cô nói với người nô bộc:
– Chúng ta không thể sống ở đây được, vì nếu cha mẹ em biết việc làm tội lỗi này của chúng ta, họ sẽ xé xác chúng ta. Chúng ta hãy ra đi và sống ở một nơi thật xa.
Vì thế, mang theo tư trang, họ lẻn ra một cánh cửa ít khi được mở và trốn đi. Họ không quan tâm nơi họ đến sẽ như thế nào, chỉ cần tìm ra một nơi trú ẩn thật xa nhà cô gái là được. Thế rồi họ ra đi và sống với nhau tại một nơi nọ, và sau một thời gian thì cô nàng mang thai. Khi kỳ sinh nở cận kề, cô nói với chồng mình:
– Nếu em sinh nở mà xa người thân thì điều đó sẽ là một khó khăn cho cả hai chúng ta. Vậy chúng ta hãy trở về nhà thôi.
Người chồng cứ hẹn hết ngày này đến ngày khác và để cho ngày tháng trôi qua. Thấy vậy, cô vợ nghĩ: “Anh chàng ngốc nghếch này biết quá rõ trọng tội của mình nên không dám quay trở về. Cha mẹ là những người bạn tốt nhất, thế nên dù chồng ta có đi hay ở lại ta cũng phải đi.”
Vì thế khi chồng đi vắng, cô vợ sắp đặt việc nhà đâu vào đấy và bắt đầu lên đường trở về nhà, nhắn với người hàng xóm là cô quay về nhà cha mẹ mình. Trở về nhà và không tìm thấy vợ, hỏi han hàng xóm và biết rằng cô đã trở về nhà, người chồng vội vàng chạy theo và bắt gặp cô giữa đường. Nhưng ngay lúc đó, cô nàng sinh nở. Người chồng hỏi:
– Này nàng, có vấn đề gì thế?
– Phu quân, em vừa sinh một đứa con trai. Cô vợ nói.
Lý do duy nhất mà người vợ trở về là để sinh nở, nhưng bây giờ việc đó đã xảy ra nên cả hai cùng đồng ý rằng không nên tiếp tục trở về nữa. Và cũng do đứa con của họ được sinh ra ở bên đường nên họ đặt tên cho nó là Lộ Tử.
Không lâu sau đó, cô vợ lại mang thai, và mọi việc lại xảy ra giống như trước. Và do đứa bé thứ hai này cũng được sanh ở bên đường nên họ cũng đặt tên cho nó là Lộ Tử. Để phân biệt, họ gọi người anh là Đại Lộ Tử (Mahāpanthaka) còn người em là Tiểu Lộ Tử (Cullapanthaka). Sau đó cùng với hai con, họ trở về nhà của họ.
Bấy giờ, khi họ sống ở đấy, con của họ nghe những đứa bé khác trò chuyện với cậu và ông bà của chúng thì hỏi mẹ mình:
– Mẹ ơi, con có bà con thân thích như những đứa bé kia không hả mẹ?
Mẹ nó trả lời:
– Có chứ, nhưng họ không sống ở đây. Ông của con là một thương nhân giàu có sống ở thành Vương-xá, và con có nhiều bà con thân thích ở đó nữa.
– Vậy tại sao chúng ta không đến đó hả mẹ?
Cô kể cho cậu bé lý do tại sao họ đã sống xa xứ. Nhưng khi những đứa bé cứ hỏi mãi về bà con thân thích của chúng, cô bèn nói với chồng:
– Lũ nhỏ luôn quấy rầy em. Chẳng lẽ cha mẹ sẽ ăn tươi nuốt sống chúng ta? Thôi, chúng ta hãy dắt bọn trẻ về nhà ông bà của chúng đi.
– Thôi được, anh sẽ đưa chúng đến đó, nhưng anh sẽ không đối mặt với cha mẹ em.
– Được rồi, miễn làm sao bọn trẻ thấy được nhà ông bà của chúng. Cô nói.
Vì thế, hai vợ chồng đưa con của họ đi đến thành Vương-xá và trọ lại ở một quán trọ gần cổng thành. Sau đó, họ đưa hai đứa bé đi. Người vợ dẫn hai con đi và nhờ người báo cho cha mẹ cô biết. Cha mẹ cô khi nghe tin đã trả lời thế này:
– Trong cõi luân hồi sanh tử không ai là không có con, trừ phi những người đã xuất gia đạt được thánh quả A-la-hán. Nhưng tội lỗi của hai người này quá nặng nên không được phép đứng trước mặt ta. Đây là số tiền dành cho chúng, bảo chúng cầm lấy và quay về sống nơi chúng muốn. Nhưng hai đứa trẻ thì có thể đưa lại đây.
Thế rồi, con gái vị thương nhận lấy số tiền được gửi cho mình và giao hai con lại cho người báo tin. Vì thế, bọn trẻ lớn lên trong nhà ông bà của chúng. Tiểu Lộ Tử còn nhỏ tuổi, nên Đại Lộ Tử thường cùng với ông mình đi đến nghe đức Phật thuyết Pháp. Và bởi thường xuyên nghe Pháp từ kim khẩu của đức Thế Tôn nên cậu khát khao được xuất gia sống đời Tỳ-kheo. Thế rồi cậu nói với ông mình:
– Thưa ông, cháu muốn gia nhập vào Tăng đoàn, xin ông cho phép cháu được thực hiện ý nguyện này.
Ông lão nói:
– Này cháu, cháu nói gì vậy? Nhìn thấy cháu xuất gia, điều đó làm cho ông hoan hỷ còn hơn nhìn thấy cả thế gian này xuất gia. Cháu cứ xuất gia làm Tỳ-kheo nếu cháu thấy muốn.
Rồi ông lão đưa cậu đến gặp đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn hỏi:
– Trưởng giả, ông mang đứa bé nào theo vậy?
– Bạch Thế Tôn, đây là cháu của con, cháu muốn gia nhập Tăng đoàn.
Rồi đức Thế Tôn cho gọi một vị Trưởng lão đến, bảo thầy cho cậu bé này xuất gia. Trưởng lão thực hiện nghi thức xuất gia cho cậu và nhắc lại sự vô thường của thân người. Khi cậu bé đến tuổi trưởng thành và đã học thuộc nhiều lời Phật dạy thì được cho thọ giới cụ túc Tỳ-kheo. Bấy giờ, nhờ tinh tấn và nhiệt tâm tu tập, Đại Lộ Tử chứng được Thánh quả A-la-hán. Và khi trải qua đời sống hàng ngày trong niềm hỷ lạc của Đạo và Quả, thầy nghĩ là nên truyền trao nguồn hỷ lạc đó cho Tiểu Lộ Tử. Vì thế, thầy đến gặp vị Trưởng giả, là ông của mình và nói:
– Thưa Đại Trưởng già, nếu Trưởng giả cho phép, tôi sẽ làm lễ xuất gia cho Tiểu Lộ Tử.
– Thưa Tôn giả, xin hãy làm như vậy. Trưởng giả trả lời.
Sau đó, Tôn giả làm lễ xuất gia cho Tiểu Lộ Tử và cho thọ mười giới Sa-di. Nhưng Tiểu Lộ Tử tỏ ra là một người đần độn, trong bốn tháng vẫn không thể học thuộc được bài kệ duy nhất này:
Như sen thơm ngát lúc rạng đông
Nở rộ trọn ngày, ngát hương nồng
Nhìn thấy Phật quang đang toả sáng
Giống như mặt trời chiếu hư không.
Chuyện kể rằng, vào thời đức Phật Ca Diếp (Kassapa) xuất thế, Tiểu Lộ Tử này sau khi xuất gia, có đủ trí tuệ, đã cười khinh một Tỳ-kheo chậm trí đang gắng học thuộc lòng một đoạn kinh. Tỳ-kheo ấy hổ thẹn vì bị cười chê nên không thể nhớ và đọc lên đoạn kinh đó. Và kết quả bây giờ, khi gia nhập vào Tăng đoàn, Tiểu Lộ Tử trở thành kẻ đần độn. Khi học một dòng mới, thầy lại quên đi dòng trước đó, và mặc dù bốn tháng trôi qua thầy vẫn còn đang vật lộn với bài kệ duy nhất này. Anh của thầy nói với thầy:
– Lộ Tử, em không đủ sức để tiếp nhận giáo pháp này. Trong suốt bốn tháng trời, em vẫn không thể học thuộc được một bài kệ duy nhất, thế thì làm sao có có thể thực hiện được mục đích tối thượng của người xuất gia? Thôi, em hãy rời khỏi tinh xa đi.
Mặc dù bị anh mình xua đuổi như vậy, nhưng Tiểu Lộ Tử do quá thiết tha với giáo pháp của đức Phật nên không muốn hoàn tục.
Bấy giờ, Đại Lộ Tử là vị tri sự của tinh xá. Một hôm, Kỳ-bà (Jivaka Komārabhacca) mang nhiều phẩm vật gồm nước hương và vòng hoa đến vườn xoài của mình để cúng dường cho đức Thế Tôn. Sau khi cúng dường và nghe pháp xong, ông đứng dậy đảnh lễ đức Thế Tôn, rồi đi đến Đại Lộ Tử và hỏi:
– Thưa Tôn giả, có bao nhiêu Tỳ-kheo ở với đức Thế Tôn?
– Thưa cư sĩ, có năm trăm thầy.
– Ngày mai, nhờ Tôn giả thỉnh đức Thế Tôn cùng năm trăm Tỳ-kheo đến nhà con thọ trai.
– Thưa cư sĩ, trong các Tỳ-kheo, có một người tên là Tiểu Lộ Tử, một người ngu đần và không có tiến bộ trong Giáo pháp. Tôi chấp nhận lời thỉnh mời tất cả, ngoại trừ vị này.
Nghe vậy, Tiểu Lộ Tử nghĩ: “Tôn giả nhận lời mời đối với tất cả các Tỳ-kheo nhưng cố loại trừ ta ra. Việc làm này chứng tỏ rằng tình thương của anh ấy dành cho ta đã chết. Vậy ta còn sống làm gì với Giáo pháp này nữa? Thôi, ta sẽ hoàn tục và sống đời cư sĩ tại gia, thực hành bố thí và làm những việc thiện khác.”
Sáng sớm ngày hôm sau, thầy ra về, quyết định hoàn tục sống đời cư sĩ trở lại.
Bấy giờ, vào lúc rạng đông, khi đang quán sát khắp thế gian, đức Thế Tôn nhận biết được sự việc này. Rồi ra đi còn sớm hơn cả Tiểu Lộ Tử, Ngài bước lui bước tới gần nơi hành lang con đường mà Tiểu Lộ Tử sẽ đi. Tiểu Lộ Tử ra khỏi nhà, trông thấy đức Thế Tôn, đảnh lễ và đi đến gần Ngài. Đức Thế Tôn hỏi:
– Tiểu Lộ Tử, thầy đi đâu vào giờ này?
– Bạch Thế Tôn, anh con đã đuổi con ra khỏi Tăng đoàn, nên con đang định trở về.
– Tiểu Lộ Tử, chính con đã phát nguyện xuất gia ở nơi ta, vậy sao con không đến gặp ta khi anh của con đuổi? Con cứ ở lại đây với ta.
Nói vậy xong, đức Thế Tôn đưa Tiểu Lộ Tử đi và cho thầy ngồi trước hương thất của mình. Rồi đưa cho thầy một tấm vải sạch mà Ngài đã tạo ra bằng năng lực thần thông, đức Thế Tôn nói:
– Này Tiểu Lộ Tử, con hãy hướng mặt về phương đông, cầm mảnh vải này và đọc lên những lời sau: “Tẩy trừ bất tịnh, tẩy trừ bất tịnh.”
Sau đó vào giờ đã định, đức Thế Tôn cùng với các Tỳ-kheo đi đến nhà Kỳ-bà và ngồi xuống nơi được thiết sẵn cho mình. Bấy giờ, Tiểu Lộ Tử nhìn chăm chăm vào mặt trời, ngồi cầm lấy tấm vải và đọc lên những lời sau: “Tẩy trừ bất tịnh, tẩy trừ bất tịnh.” Và vì cứ nắm mãi tấm vải như vậy, nên đã khiến cho nó trở nên dơ bẫn. Thế rồi thầy nghĩ: “Mới vừa rồi tấm vải này còn hoàn toàn sạch sẽ. Nhưng nay vì bản thân ta, nó đã phá huỷ tình trạng ban đầu của nó và trở thành một tấm vải dơ bẩn. Tất cả các pháp hữu vi thật sự vô thường!” Và khi quán thấy được sự hoại diệt, thầy đạt được trí tuệ A-la-hán. Biết tâm của Tiểu Lộ Tử đã đạt được Quán sát trí, đức Thế Tôn phóng quang minh đến, khiến cho thầy nghĩ rằng Ngài đang ngồi ở trước mặt. Rồi Thế Tôn nói:
– Này Tiểu Lộ Tử, con đừng nghĩ rằng chỉ mảnh vải này trở thành dơ bẩn và biến màu bởi vì bụi, mà bên trong tâm con cũng có đủ những thứ bụi của tham và những điều xấu khác. Hãy tẩy trừ chúng.
Rồi Ngài đọc lên những bài kệ này:
Bất tịnh là tham, không phải uế
Tham là bất tịnh, gọi tên đây
Này các Tỳ-kheo hãy tinh tấn
Sống trong giáo pháp thanh tịnh này.
Bất tịnh là sân, không phải uế
Sân là bất tịnh, gọi tên đây
Này các Tỳ-kheo hãy tinh tấn
Sống trong giáo pháp thanh tịnh này
Bất tịnh là si, không phải uế
Si là bất tịnh, gọi tên đây
Này các Tỳ-kheo hãy tinh tấn
Sống trong giáo pháp thanh tịnh này.
Kết thúc các bài kệ, Tiểu Lộ Tử chứng được Thánh quả A-la-hán cùng với Tứ vô ngại biện (Tứ vô ngại biện là: 1, hiểu nghĩa kinh; 2, hiểu như thật; 3, khả năng biện minh hợp lý và đúng ngữ pháp…; và 4, khả năng trình bày trước công chúng.) Nhờ đấy, thầy lập tức thông đạt được Tam tạng giáo điển.
Truyền thuyết kể rằng, vào đời quá khứ, khi Tiểu Lộ Tử là một vị vua và đang thực hiện một cuộc diễu hành long trong quanh kinh thành, ông đã lau mồ hôi trên trán mình bằng một chiếc áo sạch mà ông đang mặc, và chiếc áo bị làm dơ bẩn. Vua nghĩ: “Chính thân thể của ta đây đã huỷ hoại màu trắng thuần khiết ban đầu của tấm vải và làm cho nó bị dơ bẩn. Các pháp hữu vi thật sự vô thường.” Như vậy, vua đã thấu hiểu được khái niệm vô thường. Và nhờ nhân duyên đó, vua đã trừ bỏ các duyên bất tịnh.
Trong khi ấy, Kỳ-bà dâng nước cúng dường lên đức Thế Tôn. đức Thế Tôn đặt tay lên chậu và nói:
– Này Kỳ-bà, còn có Tỳ-kheo nào ở trong tinh xá không?
Đại Lộ Tử thưa:
–Bạch Thế Tôn, không còn Tỳ-kheo nào ở đó cả.
Nhưng Thế Tôn nói:
– Này Kỳ-bà, có đấy.
Kỳ-bà nói với một người hầu:
– Đi ngay đến xem, coi có Tỳ-kheo nào còn ở trong tinh xá không?
Bấy giờ, khi Tiểu Lộ Tử biết rằng anh của mình tuyên bố không có Tỳ-kheo nào ở trong tinh xá, đã quyết định tỏ rõ cho người anh biết rằng còn có nhiều Tỳ-kheo ở đó. Vì thế, Thầy đã làm cho khắp cả vườn xoài đầy các Tỳ-kheo. Một số Tỳ-kheo đang may y, một số khác đang nhuộm, trong khi một số khác lại đang tụng kinh. Tiểu lộ Tử biến hoá ra một ngàn Tỳ-kheo, không ai giống ai. Nhìn thấy hội chúng các Tỳ-kheo ở trong tinh xá, người hầu của Kỳ-bà quay trở lại và thưa rằng khắp khu vườn đầy các Tỳ-kheo.
Còn về phần Tôn giả Tiểu Lộ Tử ở trong tinh xá:
Lộ Tử hoá thành ngàn Lộ Tử
Ngồi trong khu rừng, chờ được gọi.
Đức Thế Tôn nói với người hầu của Kỳ-bà:
– Bây giờ ông hãy quay trở lại tinh xá và nói: đức Thế Tôn cho gọi người có tên là Tiểu Lộ Tử đến.
Nhưng khi vị kia đi đến và nói lại lời nhắn, thì một ngàn Tỳ-kheo đồng nói to trả lời:
– Tôi là Tiểu Lộ Tử đây! Tôi là Tiểu Lộ Tử đây!
Vị này quay trở lại và tường thuật:
– Tất cả họ đều nói rằng họ là Tiểu Lộ Tử.
Đức Thế Tôn nói:
– Bây giờ hãy trở lại và nắm lấy tay người đầu tiền trong họ nói: “Tôi là Tiểu Lộ Tử” thì tất cả những người khác sẽ biến mất.
Vị kia đã làm như được bảo, và một ngàn Tỳ-kheo lập tức biến mất. Tôn giả Tiểu Lộ Tử cùng với vị kia trở lại chỗ Thế Tôn.
Thọ trai xong, đức Thế Tôn nói:
– Kỳ-bà, hãy mang bình bát của Tiểu Lộ Tử. Thầy ấy sẽ cám ơn ông đấy.
Kỳ-bà đã làm như vậy. Rồi như một con sư tử khỏe rống tiếng sư tử, Tôn giả đã gói trọn toàn bộ tam tạng kinh điển trong lời hồi hướng của mình. Sau đó, đức Thế Tôn đứng dậy khỏi chỗ ngồi và cùng với Tăng chúng vây quanh quay trở lại tịnh xá. Ở đấy, sau khi các Tỳ-kheo làm xong những bổn phận của họ, đức Thế Tôn đứng trước hương thất của mình, thuyết giáo cho chúng Tỳ-kheo. Sau khi kết thúc chủ đề trình bày về thiền định và giải tán hội chúng, đức Thế Tôn trở về hương thất của mình, nằm nghiêng người về bên phải để nghỉ ngơi, dáng nằm giống như sư tử nằm.
Bấy giờ, chư Tỳ-kheo từ nhiều nơi tập trung lại trong Chánh pháp đường. Khi họ ngồi ở đấy, như thể họ đang căng một tấm màn bằng vải vàng. Rồi họ bắt đầu tán thán đức Thế Tôn:
– Thưa các Tỳ-kheo, Đại Lộ Tử đã không nhận ra được khả năng của Tiểu Lộ Tử nên đuổi thầy này ra khỏi tinh xá, nghĩ thầy này là một kẻ đần độn, trong bốn tháng không thể học nổi dầu chỉ một bài kệ. Nhưng đức Phật Toàn Trí, với đức tánh vô thượng Pháp vương, dù chỉ trong thời gian một bữa ăn, đã kiến lập cho thầy này chứng được thánh quả A-la-hán với đầy đủ trí tuệ siêu việt. Và nhờ trí tuệ đó, thầy này đã thông đạt được tam tạng kinh điển. Ôi! Năng lực của đức Phật thật lớn lao làm sao!
Bấy giờ, đức Thế Tôn biết rõ cuộc bàn luận đang xảy ra trong Chánh pháp đường và nghĩ sẽ đi đến đấy để gặp họ. Vì thế, đứng dậy khỏi chỗ ngồi, nhanh nhẹn mặc hai chiếc hạ y màu vàng cam, khoác thượng y của một vị Phật vào, đức Thế Tôn đi đến Chánh pháp đường với hảo tướng vô lượng của một đức Phật, đi với dáng đi của của một tượng vương đầy đủ dũng khí. Rồi bước lên Phật tọa huy hoàng được đặt ở giữa Pháp đường trang nghiêm, Ngài ngồi lên giữa pháp tọa, phóng ra những tia sáng sáu sắc biểu thị cho một vị Phật, giống như mặt trời mới mọc từ trên đỉnh núi Kiền-đà-la (Yungandhara), soi sáng đến tận đáy đại dương.
Khi bậc Toàn Trí vừa bước vào Chánh pháp đường, chư Tỳ-kheo ngưng bàn luận và giữ im lặng. Nhìn quanh hội chúng với lòng từ bi, đức Thế Tôn nghĩ: “Hội chúng này thật hoàn hảo! Không có một ai cử động tay chân, không nghe thấy một âm thanh, một tiếng ho, hay một cái hắt hơi nào! Vì kính trọng ta, nên không có người nào dám nói trước mặt ta, dù ta ngồi im lặng ở đây suốt cả cuộc đời. Nhưng đây chính là lúc ta phải bắt đầu phần việc của mình, ta sẽ nói trước.” Rồi bằng giọng nói từ ái nhu hòa, Ngài nói với các Tỳ-kheo:
– Này các Tỳ-kheo, các thầy bàn về chủ đề gì khi hội họp lại đây? Và các thầy vừa ngừng lại đề tài nói chuyện gì?
Họ thưa:
– Bạch Thế Tôn, đây không phải là một đề tài vô bổ. Chúng con hội họp nơi đây để tán thán Thế Tôn.
Và khi nghe họ tuần tự thuật lại những gì họ đã bàn luận, đức Thế Tôn nói:
– Này các Tỳ-kheo, không phải chỉ bây giờ, Tiểu Lộ Tử nhờ ta mà thành tựu được những điều vi diệu ở trong Chánh pháp. Chính vào đời quá khứ, cũng nhờ ta mà Tiểu Lộ Tử đã thành tựu được những điều vi diệu.
Chư Tỳ-kheo thỉnh cầu đức Thế Tôn giảng giải điều đó, và đức Thế Tôn đã giảng giải rõ ràng điều mà do vì tái sanh họ không nhìn thấy.
* * *
Thuở xưa, khi Phạm Dự (Brahmadatta) trị vì thành Ba-la-nại (Benares) thuộc vương quốc Ca-thi (Kāsi), Bồ-tát thọ sanh vào gia đình một vị Tài quan (quan coi giữ tiền bạc). Đến tuổi trưởng thành, Ngài trở thành một vị Tài quan, và được gọi là Tiểu Tài quan. Ngài là một người hiền minh và lanh lợi, có cái nhìn tinh tường sáng suốt.
Một hôm, trên đường đi đến chầu vua, Ngài gặp một con chuột chết nằm ở trên đường. Vào lúc đó, Ngài chiêm tinh và nói:
– Nếu một thiện nam tử nào có trí, chỉ cần nhặt con chuột đó lên, thì vị ấy có thể xây dựng được cơ nghiệp và cưới được một người vợ.
Một thiện nam tử nghèo túng, nghe lỏm được lời nói của Ngài, suy nghĩ: “Người này luôn nói điều chân thật.” Vì thế, chàng trai đã nhặt con chuột lên và bán được một xu cho một cửa tiệm mua cho mèo ăn. Với xu bạc đó, chàng mua mật đường và mang theo nước uống đựng trong bình. Khi gặp những người hái hoa từ rừng trở về, chàng cho mỗi người một ít mật đường và múc một gáo nước cho họ. Mỗi người cho chàng một nắm hoa. Rồi với tiền thu được từ số hoa đó, ngày hôm sau, chàng mua nhiều mật đường hơn và mang một chậu nước đi đến vườn hoa. Hôm đó, những người hái hoa, trước khi ra về, đã cho chàng những cây hoa đã hái còn sót lại một nửa. Và như vậy, không bao lâu sau, chàng kiếm được mười xu.
Sau đó, vào một ngày mưa gió, gió đã thổi gãy một số cành nhánh và lá cây trong ngự viên, nhưng người làm vườn không biết cách dọn sạch chúng. Thế rồi, chàng thanh niên này đi đến nói với người làm vườn là chàng sẽ di dời đống nhành lá gãy đó, với điều kiện đống nhành lá đó sẽ thuộc về chàng. Sau đó, người học trò tài trí của Tiểu Tài quan đi đến sân chơi của lũ trẻ và cho chúng mật đường, nhờ chúng gom giúp đống nhành lá. Thế là trong chốc lát, bọn trẻ đã thu gom nhành lá, chất đống lại một nơi ở lối vào ngự viên. Bấy giờ, người thợ gốm của nhà vua đang đi tìm kiếm nhiên liệu để nung chén bát cho hoàng cung. Nhìn thấy đống cành lá này, ông mua hết cả đống và tự tay chuyển đi. Số củi bán được mang lại cho người học trò của Tiểu Tài quan mười sáu đồng, cùng với năm cái bát và những bình chậu khác. Bấy giờ, sau khi được hai mươi bốn đồng tất cả, chàng trai nghĩ ra một kế hoạch. Chàng mang một chậu nước đầy đi đến vùng cận cổng thành và cung cấp nước uống cho năm trăm người gặt lúa. Những người này nói:
– Này bạn, bạn đã đối xử với chúng tôi rất tốt. Ban muốn chúng tôi làm gì cho bạn đây?
– À, khi nào tôi cần, tôi sẽ nói cho các vị biết. Anh ta nói.
Rồi khi đi đây đó, chàng trai làm quen với một người buôn bán trên bộ và một người buôn bán trên biển. Người buôn bán trên bộ nói với chàng:
– Ngày mai sẽ có một người buôn ngựa đem năm trăm con ngựa đến thành phố bán.
Nghe tin này, chàng trai nói với những người thợ gặt:
– Hôm nay, tôi muốn các vị mỗi người cho tôi một bó cỏ, và các vị không được bán cỏ của mình cho đến khi nào cỏ của tôi đã được bán xong.
Họ chấp nhận và giao năm trăm bó cỏ tận nhà chàng trai. Không thể kiếm được cỏ cho đàn ngựa của mình trong thành phố, người buôn ngựa mua hết số cỏ của người thanh niên với giá một ngàn đồng.
Một vài ngày sau, người bạn buôn bán trên biển báo tin cho chàng biết là có một chiếc tàu lớn sắp cập cảng. Nghe vậy, chàng trai lập một kế hoạch khác. Chàng thuê một cỗ xe được trang bị tốt với giá tám xu, xe cho thuê theo giờ. Rồi với dáng vẻ cao quý, chàng trai đi xuống cảng. Sau khi mua nợ chiếc tàu và ký thác chiếc nhẫn có dấu của mình làm vật bảo chứng, chàng trai cho dựng một trại lều gần đó và nói với những người làm công của mình:
– Khi những thương nhân được đưa vào, hãy để họ vào gặp ta thông qua ba người dẫn đường kế tiếp nhau.
Nghe rằng một chiếc tàu đã đến cảng, khoảng một trăm thương nhân đổ xuống mua hàng hoá, nhưng người ta nói với họ rằng họ không thể mua được khi mà một đại thương nhân đã trả tiền rồi. Nghe thế, họ đi đến gặp chàng trai. Và như đã được sắp đặt, người hầu giới thiệu họ đến gặp chàng trai thông qua ba người dẫn đường kế tiếp nhau. Một trăm người lái buôn, mỗi người đưa cho chàng một ngàn đồng tiền để mua một phần trên tàu và sau đó mỗi người đưa thêm một ngàn nữa để mua hết cả thảy. Thế rồi với hai trăm ngàn đồng tiền đó, chàng học trò của Tiểu Tài quan đã quay trở lại Ba-la-nại.
Mong muốn bày tỏ lòng tri ân với Tiểu Tài quan, chàng trai đem một trăm ngàn đồng tiền đi đến thăm Ngài.
– Làm cách nào anh kiếm được số tiền này? Tiểu Tài quan hỏi.
– Trong vòng chưa đầy bốn tháng, chỉ đơn giản nhờ làm theo lời khuyên của Ngài mà con đã có được số tiền này.
Thanh niên trả lời và kể cho Ngài nghe toàn bộ câu chuyện, bắt đầu với con chuột chết. Khi nghe sự việc này, Tiểu Tài quan nghĩ: “Ta chắc chắn đã gặp được một chàng trai có tài, không thể để người này rơi vào tay kẻ khác được.” Vì thế, Ngài gả cô con gái đến tuổi trưởng thành của mình cho chàng trai và giao tất cả tài sản của gia đình cho chàng. Rồi khi Tiểu Tài Quan qua đời và thọ sanh theo hành nghiệp của mình, chàng trai này trở thành vị Tài quan của kinh thành đó.
* * *
Kết thúc pháp thoại này, đức Phật Chánh Đẳng Giác, bậc Nhất Thiết Trí đã đọc lên bài kệ:
Người thông minh, tài năng
Dầu với số vốn nhỏ
Sẽ trở thành giàu có
Như thổi đốm lửa đỏ
Đức Thế Tôn nói thêm:
– Này các Tỳ-kheo, chính nhờ ta mà Tiểu Lộ Tử bây giờ đạt được những điều vi diệu trong Giáo pháp, cũng như trong đời quá khứ đã nhờ ta mà đạt được sự giàu có lớn.
Kết thúc pháp thoại, đưc Thế Tôn nêu lên mối liên hệ của hai câu chuyện và đã nhận diện Tiền thân:
– Vào thuở đó, Tiểu Lộ Tử là người học trò của Tiểu Tài quan, còn ta chính là Tiểu Tài quan hiền trí.
Số 5 CHUYỆN MỘT ĐẤU LÚA (Tiền thân Taṇḍulanāli)
Giá một đấu gạo bao nhiêu đây…
Trong khi trú tại tinh xá Kỳ Viên (Jetavana), đức Thế Tôn kể câu chuyện này về Trưởng lão Ưu-đà-di (Udāyi), hay còn gọi là Ưu-đà-di Ngu trí.
Bấy giờ, Tôn giả Đạp-bà (Dabba), xuất thân từ dòng tộc Malla là vị quản tế của giáo đoàn Tăng. Vào buổi sáng, Đạp-bà làm nhiệm vụ phát thẻ nhận gạo. Trong việc phân phát này, đôi khi Trưởng lão Ưu-đà-di được chia phần gạo tốt, nhưng đôi khi lại gặp số gạo xấu. Vào những khi nhận được gạo xấu, ông thường gây rối ở trong phòng phân phối thẻ bằng cách nói:
– Có phải chỉ một mình Đạp-bà là người biết phân chia còn chúng tôi không biết?
Một hôm nọ, khi ông đang gây rối, người ta giao cái giỏ phát thẻ cho ông và nói:
– Đây! Hôm nay thầy hãy phân chia đi!
Từ đó, Ưu-đà-di là người phân chia thẻ cho chúng Tỳ-kheo. Nhưng trong việc phân chia của mình, ông không thể phân biệt được phần gạo tốt nhất với phần gạo kém phẩm chất. Ông cũng không biết số hạ lạp bao nhiêu thì được quyền có gạo tốt, còn số hạ lạp bao nhiêu thì có gạo xấu. Cũng vì thế, khi ông lập bảng phân chia, ông không nghĩ đến các hạ lạp. Bởi vậy, khi các Tỳ-kheo chọn chỗ của mình, ông thường làm dấu trên nền hay trên vách tường để chỉ rõ người này đứng ở chỗ này và người kia đứng ở chỗ kia. Ngày tiếp theo, trong phòng phân chia phẩm vật, có ít Tỳ-kheo hơn ở hạng này và nhiều Tỳ-kheo hơn ở hạng kia. Lẽ ra, chỗ nào có ít người hơn thì dấu phải thấp xuống, chỗ nào có số người nhiều hơn thì dấu phải cao lên. Nhưng Ưu-đà-di hoàn toàn không biết phân biệt, đã phân phối theo những dấu cũ của mình.
Do đó, chư Tỳ-kheo nói với ông:
– Thưa Hiền hữu Ưu-đà-di, dấu thì có cao có thấp. Gạo tốt nhất thì dành cho những người có hạ lạp như vậy, còn gạo kém thì dành cho những người có hạ lạp như thế kia.
Nhưng ông gạt họ qua một bên với lý lẽ:
– Dấu đã được ấn định như vậy, thì sao các thầy không đứng như vậy? Làm sao tôi tin được các thầy chứ? Tôi chỉ tin cái dấu của mình thôi.
Thế rồi những Sa-di xô ông ra khỏi phòng và nói:
– Pháp hữu Ưu-đà-di ngu trí, khi thầy phân phối thẻ, các Tỳ-kheo đã bị cắt bớt đi những gì họ nên được nhận. Thầy không xứng đáng để phân phối cho các Tỳ-kheo. Hãy đi ra khỏi đây.
Thế là có tiếng ồn ào nổi lên trong phòng phân phối thẻ. Nghe tiếng ồn này, đức Thế Tôn hỏi Tôn giả A-nan:
– Này A-nan, có tiếng huyên náo trong phong phân phối thẻ. Tiếng ồn gì vậy?
Tôn giả bạch lại tất cả sự việc đó với đức Phật. Ngài nói:
– Này A-nan, không phải chỉ bây giờ Ưu-đà-di bởi sự đần độn của mình đã tước đi những quyền lợi của người khác, mà chính vào đời trước điều như vậy cũng đã xảy ra.
Tôn giả thỉnh cầu đức Thế Tôn giảng giải điều đó, và Ngài đã giảng giải rõ vấn đề mà do vì tái sanh che lấp không thể nhìn thấy.
* * *
Thuở xưa, khi vua Phạm Dự (Brahmadatta) trị vì thành Ba-la-nại thuộc vương quốc Ca-thi (Kāsi). Bấy giờ, Bồ-tát là vị quan định giá của vua. Ngài thường định giá ngựa, voi, vàng bạc và châu báu… Khi định giá, Ngài thường trả giá thích đáng cho các chủ nhân hàng hoá.
Nhưng nhà vua thì tham lam, và lòng tham của ông đã khiến ông nghĩ thế này: “Người định giá này với cách định giá như vậy, sẽ sớm làm cạn kiệt hết nguồn tài sản trong nhà ta. Ta phải kiếm một người định giá khác mới được.” Mở cửa sổ và nhìn ra sân hoàng cung, ông nhìn thấy một người tham lam ngu ngốc đang đi ngang qua, một người mà trong có vẻ phù hợp cho việc đưa tin. Thế rồi, vua cho gọi người này đến, hỏi y có thể làm được công việc đó không. Y trả lời rằng y làm được. Và vì thế, để bảo vệ kho báu hoàng gia, gã ngu ngốc này được bổ nhiệm làm người định giá. Sau đó, gã ngu ngốc này, trong việc định giá voi, ngựa…, thường định giá bằng chính lòng tham của mình, bỏ mặc giá trị thật của chúng. Nhưng khi y là một quan định giá, thì giá cả là điều do y định đoạt mà không phải một ai khác.
Bấy giờ, có một người buôn ngựa từ vùng quê phía bắc đi đến đó cùng với năm trăm con ngưa. Nhà vua cho gọi người định giá của mình đến và bảo ông ta định giá ngựa. Y định cả đàn ngựa năm trăm con bằng giá một đấu gạo, rồi bảo đem đấu gạo ấy trả cho người buôn ngựa và cho dắt những con ngựa vào chuồng. Người buôn ngựa đi đến quan định giá cũ, kể lại với Ngài những gì đã xảy ra và hỏi nên phải làm gì. Quan định giá cũ nói:
– Hãy hối lộ cho gã ta và nói thế này: “Như chúng tôi biết, đàn ngựa của chúng tôi giá chỉ bằng một đấu gạo, vì thế chúng tôi tò mò muốn biết giá chính xác của một đấu gạo là bao nhiêu. Ông có thể nói rõ giá của đấu gạo trước mặt nhà vua được không?” Nếu gã nói gã có thể thì đưa gã đến yết kiến vua. Và tôi cũng sẽ có mặt ở đó.
Nghe theo lời khuyên của Bồ-tát, người buôn ngựa hối lộ cho kẻ định giá tham lam kia và hỏi gã. Khi gã này nói có thể định giá đấu gạo được, người buôn ngựa lập tức đưa gã đến hoàng cung. Bồ-tát và nhiều đại thần khác cũng đi đến đấy. Người buôn ngựa kính cẩn lễ bái vua và tâu:
– Tâu hoàng thượng, thảo dân không tranh luận về giá của năm trăm con ngựa chỉ bằng một đấu gạo, mà thảo dân chỉ xin hoàng thượng hãy hỏi quan định giá của hoàng thượng về giá của đấu gạo đó.
Không biết những gì đã xảy ra, vua nói với quan định giá:
– Này quan định giá, năm trăm con ngựa trị giá bao nhiêu?
– Giá một đấu gạo, tâu hoàng thượng. Gã trả lời.
– Rất hay, anh bạn ạ. Nếu năm trăm con ngựa giá chỉ bằng một đấu gạo thì giá của đấu gạo đó là bao nhiêu?
– Nó đáng giá bằng cả thành Ba-la-nại và các vùng ngoại ô của xứ này. Gã ngu ngốc trả lời.
(Như vậy chúng ta biết rằng, trước tiên gã ta định giá những con ngựa chỉ bằng một đấu gạo là để làm vui lòng nhà vua. Những khi người buôn ngựa đưa hối lộ, gã lại định giá đấu gạo đó bằng cả thành Ba-la-nại và các vùng ngoại ô của xứ này. Mặc dầu, các vòng thành bao bọc thành Ba-la-nại dài mươi hai dặm, còn nội thành cùng với ngoại thành gộp lại là ba trăm dặm đúng! Vậy mà gã ngu ngốc đã định giá tất cả kinh thành rộng lớn này và những vùng ngoại ô của nó bằng giá một đấu gạo!)
Nghe thế, các đại thần thích thú vỗ tay cười reo. Họ nói một cách khinh miệt:
– Chúng ta thường nghĩ trái đất và vương quốc là vô giá, nhưng bây giờ chúng ta được nghe rằng kinh thành Ba-la-nại cùng với đức vua trị vì chỉ đáng giá một đấu gạo! Quan định giá thật có tài năng! Làm cách nào mà anh ta giữ được chức vụ của mình lâu như thế nhỉ? Nhưng quan định giá này thật thích hợp với hoàng thượng đáng kính của chúng ta.
Thế rồi Bồ-tát đọc lên bài kệ này:
Giá một đấu gạo bao nhiêu đây?
Bằng nội, ngoại thành Ba-nại này.
Cũng lạ khi nói năm trăm ngựa
Giá bằng một đấu gạo như vầy.
Nghe thế, vua cảm thấy xấu hổ nên đuổi gã ngu ngốc đi và trao chức vụ này lại cho Bồ-tát. Còn Bồ-tát đến khi mạng chung đã đi theo theo hành nghiệp của mình.
* * *
Kết thúc pháp thoại và kể xong hai câu chuyện, đức Thế Tôn nói lên mối liên hệ của chúng và kết thúc bằng cách nhận diện Tiền thân:
– Vào thuở đó, Ưu-đà-di là người định giá ngu ngốc thô kệch, còn ta chính là quan định giá hiền minh.
Số 6 CHUYỆN THIỆN PHÁP (Tiền thân Devadhamma)
Đầy đủ lòng tàm quý…
Trong khi trú tại tinh xá Kỳ Viên (Jetavana), đức Thế Tôn kể câu chuyện này về một Tỳ-kheo giàu có.
Truyền thuyết kể rằng, có một điền chủ ở thành Xá Vệ (Sāvatthi), khi vợ của mình qua đời đã xuất gia. Trước khi xuất gia, ông thuê người xây cho mình một căn phòng để ở, một phòng để lửa, và một căn phòng làm kho. Ông tích trữ bơ, gạo…đầy kho của mình rồi sau đó mới xuất gia. Ngay khi đã trở thành một Tỳ-kheo, ông vẫn thường gọi những người hầu của mình đến và sai họ nấu những món ăn mà ông ưa thích. Ông được cung cấp nhiều vật dụng. Y áo thì ngày khác, đêm khác, thay đổi hoàn toàn. Ông sống tách biệt ở một nơi bên ngoài tinh xá.
Một hôm, khi ông đang giặt y áo, chăn gối và căng ra phơi ở trong phòng mình, một số thầy Tỳ-kheo từ miền quê đang đi từ tinh xá này đến tinh xá khác đã đến am thất của vị này và nhìn thấy tất cả những đồ dùng của ông. Họ hỏi:
– Những thứ này là của ai vậy?
– Thưa các thầy, là của tôi đấy. Ông trả lời.
Nghe thế, các thầy kêu lên:
– Thầy nói gì? Thượng y này, hạ y nọ và chăn gối kia, tất cả là của thầy sao?
– Vâng, không phải của ai khác ngoài tôi.
Họ nói:
– Hiền hữu, đức Thế Tôn chỉ cho phép dùng ba y. Hiền hữu đã phát nguyện sống theo giáo pháp của đức Thế Tôn, là một người thiểu dục tri túc, vậy mà hiền hữu lại đi tích lũy cả kho vật dụng dự trữ này. Mời hiền hữu đi với chúng tôi. Chúng tôi phải đưa hiền hữu đến gặp đức Thế Tôn.
Nói xong, họ cùng với thầy này đi đến đức Thế Tôn.
Biết họ có mặt, đức Thế Tôn hỏi:
– Này các Tỳ-kheo, tại sao các thầy đưa Tỳ-kheo này đến đây trong khi thầy ấy không muốn?
– Bạch Thế Tôn, thầy Tỳ-kheo này quá phong lưu sung túc, có cả một kho lớn vật dụng dự trữ.
– Này Tỳ-kheo, như họ nói đấy, có thật là thầy quá phong lưu sung túc không?
– Bạch Thế Tôn, thật có như thế.
– Này Tỳ-kheo, tại sao thầy lại tích chứa những vật dụng này? Chẳng lẽ thầy không nghe ta từng tán dương hạnh thiểu dục tri túc, độc cư, tinh tấn, kiên định sao?
Nghe Thế Tôn nói thế, thầy này tức giận và nói lớn:
– Vậy thì con sẽ làm thế này!
Nói xong, thầy vứt hết ngoại y, và đứng đấy với chiếc nội y.
Thế rồi, để sách tấn thầy, đức Thế Tôn nói:
– Này Tỳ-kheo, không phải vào đời trước chính thầy là người đã đi tìm kiếm tàm quý vì sợ phạm lỗi lầm? Không phải ngay khi làm một con quỷ nước, thầy đã sống mười hai năm trong việc tìm kiếm sự tàm quý sao? Thế thì tại sao khi đã phát nguyện sống theo giáo pháp tối thượng của ta, thầy lại ném hết ngoại y và đứng đây không biết xấu hổ như vậy?
Nghe Thế Tôn nói, lòng tàm quý phát khởi, thầy mặc lại y áo, rồi đảnh lễ đức Thế Tôn và tự ngồi xuống một bên.
Chư Tỳ-kheo thình cầu đức Thế Tôn giảng giải cho họ vấn đề mà Ngài đã đề cập. Đức Thế Tôn đã giảng giải rõ ràng vấn đề mà do vì tái sinh che lấp họ không nhận thấy được.
* * *
Thuở xưa, khi Phạm Dự trị vì thành Ba-la-nại thuộc vương quốc Ca-thi (Kāsi), bấy giờ, Bồ-tát thọ sanh làm con trai của vị vua này và được đặt tên là Hoàng tử Hóa Địa (Mahiṃsāsa). Rồi đến khi Bồ-tát có thể chạy chơi đây đó được thì hoàng hậu sinh thêm người con trai thứ hai, và họ đặt tên cho vị hoàng tử này là Hoàng tử Nguyệt (Candakumara). Nhưng đến khi vị hoàng tử này có thể chạy chơi đây đó được thì hoàng hậu qua đời. Sau đó, nhà vua lập một một người khác làm hoàng hậu, một người mà ông thương yêu. Và tình yêu của họ lại được ban thưởng với việc ra đời của một vị hoàng tử khác, và họ đặt tên cho vị hoàng tử này là Hoàng tử Nhật (Suriya). Trong niềm vui sướng về việc ra đời của đứa bé này, nhà vua đã hứa sẽ ban cho hoàng hậu bất cứ ân huệ nào mà bà yêu cầu vì lợi ích của đứa bé. Nhưng hoàng hậu giữ lời hứa này lại để thực hiện điều mong muốn của mình vào một thời điểm trong tương lai. Sau đó, khi con trai của bà đã trưởng thành, bà nói với vua:
– Bẩm hoàng thượng, khi con trai của thiếp ra đời, hoàng thượng đã ban cho thiếp một ân huệ là được phép yêu cầu cho hoàng tử. Vậy hãy để cho hoàng tử con thiếp làm vua.
Nhà vua nói:
– Không thể được, trẫm có hai người con trai, sáng rực như ngọn lửa hồng, thế nên không thể trao vương quốc cho con trai của thiếp được.
Nhưng khi ông nhận thấy rằng, cứng rắn khước từ như vậy mà hoàng hậu vẫn cứ quấy rầy ông mãi, yêu cầu ông chấp nhận lời đòi hỏi của bà, thì nhà vua sợ người phụ nữ này sẽ mưu tính độc ác chống lại con trai mình. Vì thế vua cho gọi hai con đến và nói:
– Này hai con, khi Hoàng tử Nhật ra đời, phụ hoàng có ban cho hoàng tử một ân huệ, và bây giờ mẹ của hoàng tử muốn xin vương quốc này cho hoàng tử. Phụ hoàng không muốn trao vương quốc cho hoàng tử. Nhưng phụ nữ vốn độc ác, bà ta sẽ mưu tính độc ác chống lại các con. Vậy tốt hơn các con hãy rút vào rừng, và khi nào cha băng hà thì hãy quay về trị vì kinh thành thuộc quyền sở hữu của gia đình chúng ta.
Nói vậy xong, nhà vua khóc than, hôn lên đầu hai con mình và bảo họ đi.
Sau khi từ biệt phụ vương, hai hoàng tử rời khỏi hoàng cung. Khi họ đi, không có ai nhìn thấy họ ngoại trừ Hoàng tử Nhật mà lúc đó đang chơi trong sân. Và khi biết được sự thật vấn đề, Hoàng tử quyết định cùng đi với hai anh của mình. Vì thế, chàng cùng ra đi với họ.
Ba người đi đến vùng Tuyết sơn (Himalayas). Đến đấy, Bồ-tát bước sang một bên đường, ngồi dưới một gốc cây và nói với Hoàng tử Nhật:
– Nhật này, em hãy đi xuống hồ nước ở đằng kia mà uống nước và tắm, sau đó lấy lá sen mang lên cho hai anh một ít nước.
(Bấy giờ, hồ nước đó được Tỳ-sa-môn thiên vương (Vessavaṇa) giao cho một con quỷ nước giữ. Tỳ-sa-môn nói với con quỷ:
– Ngoại trừ nhưng người biết được thiên pháp là gì, còn tất cả những ai đi xuống hồ nước này ngươi đều có quyền ăn thịt. Còn đối với những ai không bước xuống nước, ngươi không có quyền.
Và từ lúc đó, con quỷ nước thường hỏi tất cả những ai đi xuống hồ rằng thiên pháp là gì, và ăn tất cả những ai không biết.)
Bấy giờ, Hoàng tử Nhật đi xuống hồ nước đó mà hoàn toàn không nghi ngại gì. Con quỷ nước bắt lấy chàng và hỏi:
– Ngươi có biết thiên pháp là gì không?
– Biết, đấy là mặt trời và mặt trăng. Hoàng tử trả lời.
– Ngươi không biết.
Con quỷ nói và kéo hoàng tử xuống tận đáy hồ, giam cầm chàng nơi chỗ ở của nó. Thấy em mình đi đã quá lâu, Bồ-tát bảo Hoàng tử Nguyệt đi xuống hồ nước xem thử. Hoàng tử cũng bị con quỷ nước bắt lấy và hỏi rằng có biết thiên pháp là gì không. Hoàng tử trả lời:
– Vâng, tôi biết. Đấy là bốn phương trời.
– Ngươi không biết.
Con quỷ nước nói và kéo nạn nhân thứ hai xuống cùng căn nhà giam trước đây.
Thấy người em thứ hai cũng đi quá lâu, Bồ-tát có linh cảm rằng có điều gì đó bất ổn đã xảy ra với họ. Vì thế, Ngài đi xuống hồ và nhìn thấy dấu chân của họ đi xuống nước. Khi nhận biết rằng hồ nước đó chính là lãnh thổ của một con quỷ nước, Ngài rút gươm ra, nắm cây cung nơi tay và chờ đợi. Bấy giờ, khi nhận thấy rằng Bồ-tát không có ý đi xuống nước, con quỷ liền biến hóa thành một người thợ rừng, và dưới lớp vỏ này nó nói với Bồ-tát:
– Anh bạn, bạn đi đường mệt mỏi, vậy tại sao không đi xuống hồ tắm rửa, uống nước, trang điểm cho mình bằng những hoa sen? Làm như vậy, về sau bạn đi sẽ thấy dễ chịu.
Khi nhận ra kẻ này là một con quỷ, Bồ-tát nói:
– Có phải chính ngươi đã bắt hai người em của ta không?
– Đúng vây, ta đã bắt. Nó trả lời.
– Tại sao ngươi lại bắt họ?
Bởi vì tất cả những ai đi xuống hồ nước này đều thuộc về ta.
– Người nói gì, tất cả mọi người?
– Trừ những ai biết thiên pháp là gì, còn lại đều thuộc về ta.
– Ngươi có muốn biết thiên pháp không?
– Ta muốn.
– Nếu như vậy ta sẽ nói cho ngươi biết thiên pháp là gì.
– Ngươi hãy nói đi, ta sẽ lắng nghe.
Bồ-tát nói:
– Ta muốn nói, nhưng bây giờ do đi đường, thân mình bị bụi bẩn nên không thể nói được.
Thế rồi, quỷ nước cho Bồ-tát tắm, đưa thức ăn và nước uống cho Ngài dùng, lấy những bông hoa trang điểm cho Ngài, lấy dầu thơm rắc lên Ngài, và đặt một cái ghế giữa gian nhà lộng lẫy cho Ngài ngồi. Bồ-tát ngồi trên cái ghế này, bắt quỷ nước ngồi nơi chân mình và nói:
– Bây giờ hãy lắng nghe thiên pháp.
Và Bồ-tát đọc lên bài kệ này:
Đầy đủ lòng tàm quý
Luôn nhớ niệm pháp lành
An tịnh bậc thiện nhân
Được gọi là thiên pháp.
Khi nghe điều này, con quỷ sanh lòng hoan hỷ nên nói với Bồ-tát:
– Thưa người Hiền trí, tôi lấy làm hài lòng về Ngài và muốn trao lại cho Ngài một người em. Vậy tôi sẽ mang người nào lên đây?
– Người trẻ nhất.
– Thưa người Hiền trí, mặc dù Ngài biết quá rõ thiên pháp là gì, nhưng Ngài lại không hành động giống như trí tuệ của Ngài.
– Tại sao vậy?
– Tại sao ư? Ngài đã chọn người em thay vì người anh. Ngài không biết quan tầm đến người lớn tuổi hơn.
– Này quỷ, ta không những biết mà con thực hành thiên pháp. Chỉ vì lợi ích của thiếu niên này mà anh em ta phải tìm kiếm nơi ẩn náu trong rừng. Chính vì lợi ích của chàng trai ấy mà mẹ của chàng đã xin phụ vương ta cho chàng vương quốc. Nhưng phụ vương ta đã từ chối, không đáp ứng sự đòi hỏi của bà, bằng lòng để anh em ta chạy trốn tìm nơi trú ẩn trong rừng. Chành trai này đã đi với hai anh em ta và không bao giờ có ý quay trở lại. Sẽ không có một người nào tin ta nếu ta nói rằng chàng trai này đã bị một con quỷ ăn thịt ở trong rừng, và chính vì sợ sự khiển trách đó mà bắt buộc ta phải yêu cầu ngươi thả chàng trai này ra.
Con quỷ nghe thế thì tán thành và nói:
– Thưa người Hiền trí, tuyệt vời thay! Tuyệt vời thay! Ngài không chỉ biết mà còn thực hành thiên pháp.
Thể hiện sự hài lòng và tán thành của mình, con quỷ đã mang hai người em lên và trao cả hai cho Bồ-tát.
Sau đó Bồ-tát nói với quỷ nước:
– Này bạn, chính vì những ác nghiệp của bạn trong đời quá khứ mà bây giờ bạn bị tái sanh làm một con quỷ sống bằng thịt và máu của những chúng sanh khác. Và kiếp hiện tại này đây bạn cũng đang tiếp tục làm ác. Ác nghiệp này sẽ khiến bạn phải luân hồi mãi trong chốn địa ngục và những ác thú khác. Thế nên từ này về sau, bạn hãy từ bỏ đi những ác nghiệp và sống có giới hạnh.
Sau khi cải tà quy chánh cho con quỷ xong, Bồ-tát tiếp tục sống tại đó dưới sự bảo vệ của nó. Cho đến một ngày nọ, Bồ-tát chiêm tinh và biết rằng phụ vương đã băng hà. Thế rồi, mang con quỷ nước đi theo, Bồ-tát quay trở lại Ba-la-nại và sở hữu vương quốc, bố trí cho Hoàng tử Nguyệt làm phó vương và Hoàng tử Nhật làm tướng quân. Còn đối với con quỷ nước này, Ngài làm cho nó một ngôi nhà ở một nơi hợp ý, cung cấp những vòng hoa, bông hoa và thức ăn chất lượng tốt nhất để bảo đảm sự sống của nó. Rồi Bồ-tát trị vì vương quốc bằng sự công chính, cho đến khi qua đời và đi theo hành nghiệp của mình.
* * *
Kết thúc pháp thoại này, đức Thế Tôn tuyên thuyết các Thánh đế. Kết thúc thời pháp, thầy Tỳ-kheo đó chứng được quả Dự lưu. Và bậc Nhất Thiết Trí, sau khi kể xong hai câu chuyện, đã nêu lên mối liên hệ của chúng và nhận diện Tiền thân:
– Vào thuở đó, thầy Tỳ-kheo giàu có này là con quỷ nước, A-nan là Hoàng tử Nhật, Xá-lợi-phất là Hoàng tử Nguyệt, còn ta chính là người anh cả, Hoàng tử Hóa Địa.
Số 7 CHUYỆN CÔ GÁI LƯỢM CỦI (Tiền thân Kaṭṭhahāri)
Hoàng thượng, con là con người đây…
Trong khi trú tại tinh xá Kỳ Viên (Jetavana), đức Thế Tôn kể câu chuyện này về một cô gái dòng họ Sát-đế-lợi (Vāsabha-Khattiya). Câu chuyện này sẽ được trình bày ở Tiền thân Bhaddasāla, số 456. Truyền thuyết kể rằng, cô gái này là con gái của Ma-ha-na-ma thuộc dòng họ Thích-ca (Mahānāma Sakka) và nữ tỳ tên là Na-già-phân-đà (Nāgamuṇḍā). Về sau, cô này trở thành vương phi của vua Câu-tát-la (Kosala), và cô có với nhà vua một người con trai. Nhưng khi biết được nguồn gốc nô lệ của cô, vua đã truất phế cô khỏi địa vị hoàng hậu, và truất phế luôn người con trai của cô tên là Uy-đa-đạt-ba (Viḍūḍabha). Cả hai mẹ con không bao giờ ra khỏi hoàng cung.
Nghe sự việc này, lúc sáng sớm, đức Thế Tôn cùng với năm trăm Tỳ-kheo đi đến hoàng cung. Đến đấy, Thế Tôn ngồi xuống nơi được chuẩn bị cho mình và nói:
– Thưa hoàng thượng, cô Vāsabha dòng họ Sát-đế lợi hiện ở đâu?
Nhà vua kể lại cho Thế Tôn sự việc đó.
Thế Tôn hỏi:
– Vāsabha dòng họ Sát-đế-lợi là con gái của ai?
– Bạch Thế Tôn, là con gái của Ma-ha-na-ma.
– Khi cô ấy rời nhà mình, cô ấy đến làm vợ ai?
– Làm vợ trẫm, bạch Thế Tôn.
– Thưa hoàng thượng, cô ấy là con gái của một vị vua, được một vị vua kết hôn và có với vua một người con trai. Vậy thì tại sao cậu bé trai đó không có quyền đối với vương quốc thuộc quyền sở hữu của cha mình? Vào đời quá khứ, một vị đại vương đã có với một cô gái lượm củi rày đây mai đó một người con trai, và đã trao vương quyền của mình cho cậu con trai đó.
Nhà vua thỉnh cầu đức Thế Tôn giảng giải điều này. Và đức Thế Tôn đã giảng giải rõ ràng vấn đề mà do vì tái sanh khiến vua không thể nhìn thấy.
* * *
Thuở xưa, tại Ba-la-nại (Benares), vua Phạm Dự (Brahmadatta) long trọng đi vào ngự viên. Đang đi quanh để tìm kiếm trái cây và hoa tươi thì ông gặp một cô gái đang mãi miết hát ca vui vẻ khi nhặt củi trong vườn. Say đắm ngay trong cái nhìn đầu tiên, nhà vua đã quan hệ với cô và Bồ-tát được thụ thai ngay lúc ấy. Cảm thấy nặng trĩu như mang nặng lưỡi sét của Đế Thích trong lòng, cô gái biết rằng mình sẽ trở thành một người mẹ và kể lại với nhà vua việc ấy. Nhà vua rút từ tay mình một chiếc nhẫn, trao nó cho cô và nói:
– Này nàng, nếu nàng sinh một bé gái thì hãy dùng chiếc nhẫn này để nuôi dưỡng nó. Còn nếu sinh con trai thì hãy mang chiếc nhẫn và đứa bé lại cho trẫm.
Nói xong, vua cho cô đi. Khi đến kỳ sinh nở, cô gái này sinh hạ Bồ-tát. Đến khi Bồ-tát chạy chơi đây đó được và đang vui đùa ở sân thì có tiếng kêu la:
– Ôi, thằng bé không có cha đánh ta!
Nghe vây, Bồ-tát chạy đến bên mẹ và hỏi cha của mình là ai. Bà mẹ nói:
– Con trai ạ, con là con của vua xứ Ba-la-nại.
– Thưa mẹ, có chứng cớ gì về việc này không?
– Con trai, nhà vua khi ra đi đã trao cho mẹ chiếc nhẫn này và nói: “Nếu nàng sinh con gái thì hãy dùng chiếc nhẫn này để nuôi dưỡng nó. Còn nếu sinh con trai thì hãy mang chiếc nhẫn này và đứa bé lại cho trẫm.”
– Thưa mẹ, vậy tại sao mẹ không đưa con đến gặp cha con?
Nhận thấy lòng con đã muốn, người mẹ đưa cậu bé đến cổng hoàng cung và báo với nhà vua rằng họ đã đến. Vua cho gọi họ vào. Cô đi vào, cúi chào nhà vua và nói:
– Bẩm hoàng thượng, đây là con trai của hoàng thượng.
Nhà vua biết rõ đó là sự thật, nhưng ở trước các triều thần ông thấy hổ thẹn nên trả lời:
– Nó không phải là con của ta.
– Nhưng bẩm hoàng thương, đây là chiếc nhẫn của ngài, ngài phải công nhận điều đó.
– Nó cũng không phải chiếc nhẫn của ta.
Thế rồi người phụ nữ nói:
– Bẩm hoàng thượng, bây giờ tôi không có chứng cứ để chứng minh lời nói của tôi là đúng sự thật. Vì thế tôi xin thề rằng, nếu hoàng thượng là cha của con tôi thì đưa bé này có thể ngồi ở giữa không trung. Còn nếu không phải thì xin cho nó rơi xuống mặt đất và bị giết chết.
Nói vậy xong, cô nắm lấy chân Bồ-tát và ném lên không trung.
Ngồi kiết già ở giữa không trung, Bồ-tát bằng giọng nói hòa ái đã đọc lên bài kệ này để thuyết pháp cho phụ vương.
Hoàng thượng, con là con người đây
Xin người nhận nuôi lấy trẻ này
Hoàng thượng nuôi dưỡng những kẻ khác
Con mình không lẽ lại bỏ vầy.
Bồ-tát từ giữa không trung đã thuyết pháp cho cha mình như vậy. Nghe thế, nhà vua với tay và gọi:
– Con trai của ta, hãy đi xuống đây. Không ai cả, ta không nuôi ai cả ngoài nuôi con!
Một ngàn cánh tay đưa lên đón tiếp Bồ-tát, nhưng Bồ-tát không bước xuống tay một ai khác mà bước xuống chính đôi bàn tay của nhà vua và ngồi trong lòng ông. Vua phong cho Bồ-tát làm phó vương, và phong cho mẹ của Bồ-tát làm hoàng hậu. Rồi đến khi phụ vương băng hà, Bồ-tát lên ngôi vua với vương hiệu Vận Tân Vương (Kaṭṭhavāhana), và cai trị vương quốc một cách công chính, rồi đến khi mạng chung đã đi theo hành nghiệp của mình.
* * *
Kết thúc pháp thoại nhằm giáo huấn cho vua Câu-tát-la và kể xong hai câu chuyện, đức Thế Tôn nêu lên mối liên hệ của hai câu chuyện và nhận diện Tiền thân:
– Vào thuở đó, Ma-ha-ma-ya (Mahāmāya) là người mẹ, vua Tịnh Phạn (Suddhodana) là người cha, còn ta chính là Vận Tân vương.
Số 8 CHUYỆN VỊ VUA THỦ LĨNH (Tiền thân Gāmani)
Không vội vã nóng lòng…
Trong khi trú tại tinh xá Kỳ Viên, đức Thế Tôn kể câu chuyện này về một thầy Tỳ-kheo thối thất tinh tấn. Cả phần duyên khởi lẫn phần chuyện quá khứ của câu chuyện Tiền thân này sẽ được trình bày trong Tiền thân Samvara, số 462, Tập XI. Những tình tiết của câu chuyện này đều giống như câu chuyện Tiền thân đó, nhưng bài kệ có khác.
* * *
An trú kiên định trong lời dạy của Bồ-tát, Hoàng tử Thủ Lĩnh (Gāmani) đã thấy được khả năng của mình. Mặc dù là người em út của một trăm người anh, nhưng Hoàng tử được một trăm người anh đó vây quanh như là một đoàn tùy tùng. Ngự trên ngai vàng có lọng trắng che trên, Hoàng tử nhìn ngắm vinh quang của mình và suy nghĩ: “Ta có đươc tất cả vinh quang này là nhờ Đạo sư của ta.” Và trong niêm vui sướng, Hoàng tử đã thốt lên lời nói chân thành này:
Không vội vã nóng lòng
Nên chờ đợi quả chính
Phạm hạnh ta thành thục
Thủ Lĩnh Vương nên biết.
Bảy tám ngày sau, Hoàng tử lên ngôi vua, tất cả những người anh của vua đều trở về trú xứ của họ. Sau khi cai trị vương quốc bằng sự công chính, vua Gāmani qua đời và đi theo hành nghiệp của mình.
* * *
Kết thúc pháp thoại này, đức Thế Tôn tuyên thuyết các Thánh đế. Vào lúc kết thúc các Thánh đế, thầy Tỳ-kheo thối thất chứng được quả A-la-hán. Sau khi kể xong hai câu chuyện này, đức Thế Tôn nói lên mối liên hệ của chúng và nhận diện Tiền thân.
Số 9 CHUYỆN VUA MA-GIÀ (Tiền thân Mkhādeva)
Trên đầu tóc bạc đã hiện ra…
Trong khi trú tại tinh xá Kỳ Viên (Jetavana), đức Thế Tôn kể câu chuyện này về Đại sự xuất thế của mình, sự kiện này đã được kể trong Nidāna-Kathā.
Bấy giờ, chư Tỳ-kheo ngồi lại tán thán Đại sự xuất thế của bậc Toàn Trí. Sau đó, đức Thế Tôn đi vào Chánh pháp đường, ngồi lên Phật tọa và hỏi các Tỳ-kheo:
– Này các Tỳ-kheo, các thầy bàn luận về chủ đề gì khi hội họp lại nơi đây?
– Bạch Thế Tôn, chúng con không bàn luận điều gì khác ngoài sự tán thán Đại sự xuất thế của Thế Tôn.
Đức Thế Tôn nói:
– Này các Tỳ-kheo, không chỉ bây giờ Như Lai mới thực hiện Đại sư xuất thế, mà vào đời quá khứ Như Lai cũng đã từng thực hiện điều đó.
Chư Tỳ-kheo thỉnh cầu đức Thế Tôn giảng giải điều đó. Đức Thế Tôn đã giảng giải rõ ràng điều mà do vì tái sanh họ không thể nhìn thấy.
* * *
Thuở xưa, tại kinh đô Di-hi-la (Mithilā) thuộc vương quốc Vi-đề-ha (Vidaha), có một vị vua tên là Ma-già (Makhādeva), là một người có đạo đức và trị vì một cách công minh. Trong thời kỳ tám mươi bốn ngàn năm liên tiếp, Ngài lần lượt vui chơi với địa vị thái tử, cai trị với địa vị phó vương và trị vì với địa vị hoàng thượng. Ngài đã sống suốt thời gian lâu dài này mãi cho đến một lần nọ, Ngài nói với người thợ cắt tóc của mình:
– Này anh bạn cắt tóc, khi nào bạn nhìn thấy một sợi tóc bạc trên đầu ta thì hãy nói cho ta biết nhé.
Thế rồi một lần nọ, cách nhiều năm sau đó, người thợ cắt tóc tìm thấy trên mái tóc đen của vua một sợ tóc bạc và nói cho vua biết điều đó. Nhà vua nói:
– Này bạn, hãy nhổ ra và đặt vào lòng bàn tay ta.
Người thợ cắt tóc dùng cái nhíp bằng vàng của mình nhổ sợi tóc ra và đặt nó vào tay vua. Vào thời điểm đó, nhà vua vẫn còn hơn tám mươi ngàn năm nữa để sống, nhưng tuy thế, lúc nhìn thấy sợi tóc bạc đó ông cũng bị xúc động sâu sắc, như thể nhìn thấy Diêm ma vương đang đứng ở trước mặt, hay giống như bị nhốt trong một thảo am đang cháy rực. Ông kêu lên:
– Ma-già ngu ngốc ơi! Tóc bạc đã tấn công ngươi, vậy mà ngươi vẫn chưa từ bỏ được những lạc thú.
Và khi suy nghĩ mãi về việc xuất hiện sợi tóc bạc của mình, nhà vua cảm thấy tâm mình như bị thiêu đốt, mồ hôi đổ ra khắp thân; trong khi áo quần như đè nặng lên nhà vua, khiến ông không thể chịu nỗi. Ông nghĩ, “Hôm nay, ta phải xuất gia sống đời Sa-môn.”
Sau đó, vua cho người thợ cắt tóc của mình một ngôi làng lớn mang lại hoa lợi một trăm ngàn đồng tiền. Rồi cho gọi người con trai trưởng của mình đến, vua nói:
– Này con, tóc bạc đã hiện trên đầu cha. Cha đã già rồi. Cha đã có đủ những lạc thú của con người và nay muốn nếm những lạc thú của thiên giới. Thời điểm xuất gia của cha đã đến. Con hãy trị vì vương quốc này. Còn về phần cha, cha sẽ chọn chỗ ở của mình trong vườn xoài Ma-già và sống theo pháp Sa môn.
Khi nghe vua quyết định sống đời xuất gia, những triều thần kéo đến và nói:
– Tâu hoàng thượng, tại sao ngài lại xuất gia:
Cầm sợi tóc bạc trong tay, nhà vua đọc cho các triều thần nghe bài kệ này:
Trên đầu tóc bạc đã hiện ra
Chính đây là sứ của Diêm ma
Chúng đến cướp lấy sinh mạng trẫm
Thế nên nay trẫm muốn xuất gia.
Nói vậy xong, chính trong ngày ấy, vua từ bỏ vương quyền và xuất gia làm ẩn sĩ. Nhà vua trú trong vườn xoài của Ma-già. Ở đấy, suốt tám mươi bốn ngàn năm, ông đã tu tập bốn Phạm trú và an trú trong thiền định không ngưng nghỉ, sau đó tái sanh về Phạm thiên giới. Từ cõi ấy, vua tái sanh trở lại làm quốc vương nước Di-hi-la với danh xưng là Ni-di (Nimi). Sau khi quy tụ gia đình mình lại, thêm một lần nữa ông xuất gia làm ẩn sĩ, sống trong chính khu vườn này, chứng được bốn Phạm trú và sau đó một lần nữa sanh về thế giới Phạm thiên.
* * *
Sau khi thuyết xong pháp thoại để giảng giải rằng vào đời quá khứ Ngài cũng đã từng xuất gia, đức Thế Tôn tuyên thuyết Tứ Thánh đế. Kết thúc các Thánh đế, một số Tỳ-kheo chứng được quả Dự lưu, một số Tỳ-kheo chứng được quả Nhất lai, và một số thầy khác chứng được quả Bất lai. Sau khi kể xong hai câu chuyện, đức Thế Tôn liên kết chúng lại và nhận diện Tiền thân:
– Vào thuở đó, A-nan là người thợ cắt tóc, La-hầu-la là người con, còn ta chính là Vua Ma-già.
Số 10 CHUYỆN LẠC TRÚ (Tiền thân Sukhavihāri)
Những người không tự vệ…
Trong khi trú tại vườn xoài A-nậu-tì-da (Anūpiya) gần kinh thành A-nậu-tì-da, đức Thế Tôn kể câu chuyện này về Trưởng lão Bạt-đề (Bhaddiya). Trưởng lão Bạt-đề cùng xuất gia với sáu thanh niên hoàng tộc, thêm Ưu-ba-li (Upāli) là người thứ bảy. Trong bảy người này, Trưởng lão Bạt-đề, Trưởng lão Kim-tì-la (Kimbila), Trưởng lão Bà-cữu (Bhagu) và Trưởng lão Ưu-ba-li chứng được quả A-la-hán; Trưởng lão A-nan (Ananda) chứng được quả Dự lưu; Trưởng lão A-nậu-lâu-đà (Anuruddha) chứng được thiên nhãn thông; và Đề-ba-đạt-đa (Devadatta) đắc được thiền định. Câu chuyện về sáu thanh niên hoàng tộc dẫn đến những sự kiện xảy ra tại A-nâu-tì-da sẽ được trình bày ở Tiền thân Khaṇḍahāla, số 543.
Tôn giả Bạt-đề lúc còn làm vua thường bảo vệ mình giống như thiên thần tự bảo vệ họ. Bây giờ nhớ lại nỗi sợ hãi mà mình đã trải qua, dầu khi được đông đảo những người canh gác bảo vệ, vẫn nằm trằn trọc trên long sàng được đặt trên thượng lầu riêng trong hoàng cung. Tôn giả so sánh sự sợ hãi thuở đó với trạng thái không sợ hãi bây giờ, khi đã trở thành một vị A-la-hán, đi khắp nơi trong rừng và những vùng đất hoang vắng. Lúc suy nghĩ như vậy, Tôn giả thốt lên lời này:
– Ôi thật an lạc! Ôi thật an lạc!
Chư Tỳ-kheo bạch việc này lên đức Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, Tôn giả Bạt-đề đang nói lên thánh quả mà thầy ấy đã chứng được.
Đức Thế Tôn nói:
Này các Tỳ-kheo, đây không phải là lần đầu tiên Bạt-đề được an lạc, mà đời trước thầy ấy cũng đã từng sống an lạc.
Chư Tỳ-kheo thỉnh cầu Thế Tôn giảng giải điều đó. Đức Thế Tôn giảng giải rõ ràng điều mà do vì tái sanh họ không thể nhìn thấy.
* * *
Thuở xưa, khi Phạm Dự (Brahmadatta) trị vì vương quốc Ba-la-nại, Bồ-tát thọ sanh làm một vị Bà-la-môn giàu có ở phương bắc. Nhận thức được sự nguy hại của các dục và nguồn an lạc phát xuất từ việc xuất gia, Bồ-tát từ bỏ các dục lạc, đi vào Tuyết Sơn xuất gia làm ẩn sĩ và chứng được Bát thiền. Môn đệ của Ngài rất đông đảo, lên đến năm trăm ẩn sĩ. Một lần nọ, khi mùa mưa bắt đầu, Ngài rời Tuyết Sơn, cùng với những ẫn sĩ vây quanh, du hành từ làng mạc đến thị thành và cuối cùng đi đến Ba-la-nại. Ở đấy, Bồ-tát chọn nơi cư trú ở trong ngự viên, và Ngài được nhà vua trợ cấp. Sau khi cư trú ở đấy hết bốn tháng mùa mưa, Bồ-tát đến gặp vua để chào ra đi. Nhưng nhà vua nói với Ngài:
– Thưa Tôn giả, Tôn giả đã già. Lý do gì Tôn giả phải trở lại Tuyết Sơn? Hãy để những đệ tử trở lại đó, còn Tôn giả hãy ở lại đây.
Bồ-tát giao phó năm trăm đệ tử của mình cho người đệ tử trưởng và nói:
– Con hãy đưa những người này trở lại Tuyết Sơn, còn ta sẽ ở lại đây.
Người đệ tử trưởng này trước đây là một vị vua, nhưng sau từ bỏ vương quyền xuất gia làm Sa-môn. Bằng việc tu tập quán tưởng đúng pháp, ông đã chứng được Bát thiền. Ông sống ở Tuyết Sơn cùng với các ẩn sĩ. Một hôm, ông muốn đến thăm Đạo sư của mình nên nói với các đồng đạo:
– Các vị hãy sống thoải mái ở đây. Đảnh lễ đạo sự xong, tôi sẽ quay trở lại ngay.
Thế rồi ông đi đến bậc Đạo sư của mình, cung kính đảnh lễ và ân cần hỏi thăm. Sau đó, ông nằm xuống bên cận Đạo sư trên một chiếc đệm mà ông trải ra ở đấy.
Vào lúc đó, nhà vua xuất hiện, ông đi đến ngự viên để thăm ẩn sĩ. Sau khi đảnh lễ Ngài, vua ngồi xuống một bên. Mặc dầu biết vua đến, nhưng vị đệ tử trưởng đó vẫn không đứng dậy, nằm ở đấy và nói lên nguồn cảm hứng:
– Ôi, an lạc thay! An lạc thay!
Không hài lòng với vị ẩn sĩ khi thấy mình đến mà không đứng dậy đó, nhà vua nói với Bồ-tát:
– Thưa Tôn giả, người ẩn sĩ này chắc đã ăn no nê, nên sung sướng nằm mãi ở đấy và thốt lên lời cảm hứng như vậy.
Bồ-tát nói:
– Thưa hoàng thượng, trước đây người ẩn sĩ này cũng là một vị vua giống như hoàng thượng. Ông ấy nhớ lại đời sống thế tục ngày xưa, khi còn sống đời vương giả với nhiều binh lính bảo vệ, vẫn không bao giờ biết đến nguồn an lạc mà bây giờ mình đang có. Chính an lạc của đời sống Sa-môn, và hỷ lạc do Thiền định mang lại mà ông ấy đã thốt lên nguồn cảm hứng này.
Rồi Bồ-tát đọc thêm bài kệ này để giảng Pháp cho nhà vua:
Những người không tự vệ
Không bảo vệ người khác
Người ấy sống an lạc
Vì thoát khỏi các dục.
Được giáo huấn với pháp ngữ như vậy, nhà vua cảm thấy nguôi dịu, ông đảnh lễ Bồ-tát và quay trở về hoàng cung. Người đệ tử cũng chào Đạo sư của mình và quay trở lại Tuyết Sơn. Còn Bồ-tát tiếp tục cư trú ở đó, tu tập thiền định không ngưng nghỉ, và đến khi mạng chung đã sanh về cảnh giới Phạm thiên.
* * *
Kết thúc pháp thoại và kể xong hai câu chuyện, đức Thế Tôn nêu lên mối liên hệ của chúng và nhân diện Tiền thân:
– Thuở đó, Trưởng lão Bạt-đề là người đệ tử trưởng, còn ta chính là Đạo sư của hội chúng các ẩn sĩ khổ hạnh.
|