Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014: Vẫn còn đó những hạn chế
Sự kiện: Thông tin thi ĐH 2014
(VietQ.vn) - Nhiều giáo viên gắn bó lâu năm với nghề đánh giá kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 thành công với những đề thi hay, ý nghĩa. Tuy nhiên, quy định lựa chọn môn thi lại khiến học sinh học lệch và gây lãng phí cho xã hội.
Tin tức liên quan:
- Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014: Môn Xã hội có nhiều điểm cao
- Bộ trưởng Giáo dục: Sẽ bắt buộc thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ
- Lòng yêu nước được khơi dậy từ những đề thi tốt nghiệp 2014
Học sinh học lệch, học tủ bởi kiểu “ứng thi” của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014
Trả lời phỏng vấn của báo Vnexpress, PGS Văn Như Cương đánh giá kỳ thi tốt nghiệp 2014 được Bộ Giáo dục kỳ vọng tạo khâu đột phá cho cuộc đánh lớn "đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam" chưa thành công bởi để thí sinh có quyền tự chọn hai môn thi là một sai lầm cơ bản.
Theo thầy Cương, những năm trước thí sinh phải thi 6 môn bắt buộc, trong đó 3 môn mặc định là Toán, Văn và Ngoại ngữ, 3 môn thay đổi theo từng năm. Còn trong kỳ thi tốt nghiệp 2014 năm nay, thí sinh chỉ phải thi 2 môn bắt buộc là Toán, Văn và thi 2 môn tự chọn trong số: Lý, Hóa, Sinh, Sử , Địa, Ngoại ngữ. Điều này dẫn đến việc có những môn cả trường không có hoặc chỉ có một thí sinh đăng ký dự thi và nếu tiếp tục kéo dài sẽ khuyến khích học sinh học lệch, học tủ – điều mà ngành giáo dục vẫn đang ra sức xóa bỏ suốt bao năm qua.
Một số giáo viên đề xuất cho thí sinh tự chọn môn thi, nhưng là chọn bắt buộc một môn tự nhiên và một môn xã hội hoặc có thể chỉ công bố môn thi trước một tháng
Báo Dân Trí cũng nhận định, đa số học sinh THPT đều lựa chọn môn thi liên quan đến khối thi vào các trường Đại học, Cao đẳng. Với kiểu học này, học sinh thi các môn tự nhiên hầu như không quan tâm đến Lịch sử, Địa lý. Còn học sinh thi các môn xã hội thì không biết gì về Vật lý, Hóa học, Sinh học… Bằng chứng cụ thể nhất là đề Văn năm nay rất đổi mới, câu hỏi có ý mở mang tính thời sự, tính lịch sử sâu sắc, nhưng nhiều học sinh không biết viết gì vì không quan tâm đến lịch sử, không nghe thời sự, không có khả năng nói lên chính kiến của mình.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 tốn kém và lãng phí bởi đổi mới chưa đồng bộ
Báo Dân Trí đưa tin, từ khâu ra đề, in danh sách dự thi và các ấn phẩm khác liên quan tới kỳ thi, đến khâu coi thi, chấm thi đã gây lãng phí cho ngân sách nhà nước mà hiệu quả giáo dục mang lại chưa chắc sẽ tốt hơn, khách quan hơn, trung thực hơn. Với cách đổi mới tổ chức thi như vậy, phải có đủ tất cả các môn cùng ra đề, số lượng ấn phẩm danh sách thi cũng phải chia ra nhiều phòng, in nhiều bản hơn.
20 cán bộ đảm bảo kỷ luật tại Hội đồng thi chỉ có 1 thí sinh là tình trạng thường thấy trong kỳ thi tốt nghiệp 2014
Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên coi thi kỳ thi tốt nghiệp 2014 tâm sự với phóng viên báo Vnexpress, trong cả một Hội đồng coi thi, chỉ coi 1 thí sinh thi môn Lịch sử nhưng vẫn phải duy trì đầy đủ danh sách lãnh đạo coi thi, thư ký, cán bộ coi thi ở trong và ngoài phòng thi, bảo vệ thi, phục vụ thi đông tới hàng chục người. Số giám thị không lên phòng thi cũng phải ngồi mệt mỏi trong phòng họp chờ đợi thí sinh thi xong mới được về (số đông này rơi vào môn thi Lịch sử). Còn thí sinh, trời nắng nóng của mùa hè cũng mệt mỏi chờ đợi môn thi của mình (thí sinh thi Lịch sử, Địa lý).
Đắng lòng thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 quay lưng với môn Lịch sử
Kỳ thi tốt nghiệp 2014 năm nay khiến không ít giáo viên và các nhà nghiên cứu Lịch sử dù đã đoán trước nhưng vẫn phải giật mình khi lượng thí sinh đăng ký thi môn Sử quá ít ỏi, thậm chí có nơi cả một thành phố lớn chỉ có một học sinh đăng ký thi Sử. Thẳng thắn nhận xét thì không thi Sử là lựa chọn “khôn ngoan” của các thí sinh, nhưng đằng sau đó là hồi chuông báo động về tinh thần học Sử mà xa hơn là sự hiểu biết và tình yêu với lịch sử dân tộc của lớp trẻ.
Chia sẻ về vấn đề này với Vnexpress, thầy Hiếu cho hay, không thi Sử dẫn đến không học Sử hoặc học thờ ơ đối phó là điều đương nhiên. Và nếu cứ tiếp tục coi Sử là môn thi không bắt buộc, chắc chắn học sinh sẽ tiếp tục quay lưng với môn học này hay thậm chí là thuộc lịch sử nước ngoài hơn lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, thầy Hiếu cũng cho rằng không thể đổ lỗi cho học sinh vì trong thời đại kinh tế thị trường các em phải tính toán lựa chọn để đạt được kết quả tối ưu nhất.
Kỳ thi tốt nghiệp 2014 đặt ra câu hỏi lớn trước sự thờ ơ của lớp trẻ với môn Sử, với lịch sử nước nhà
Để giải quyết tình trạng này, PGS Văn Như Cương cho rằng, Bộ GD&ĐT cần cầu thị và tiếp thu một cách nghiêm túc ý kiến phản biện của các giáo viên, phụ huynh học sinh và dư luận xã hội, thận trọng để đưa ra và lựa chọn phương án tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp 2015 năm sau. Mục đích là thi cử nhẹ nhàng, nhưng cũng phải bảo đảm để đánh giá được năng lực toàn diện của học sinh, không để các em học lệch, học tủ.
Bên cạnh đó, nhiều giáo viên nhận định, đổi mới giáo dục là một quá trình nhưng phải thận trọng và chủ động. Đổi mới toàn diện và đồng bộ, phải xuất phát từ quan điểm đổi mới đến chương trình, nội dung sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy và học đến đổi mới kiểm tra, đánh giá và khâu cuối cùng mang tính quyết định là cách thức tổ chức thi, ra đề thi, chấm thi.
Minh Thùy (th)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét