Báo Nga chỉ rõ 'sự vô ơn' của Trung Quốc
Nhân sự kiện Nga và Trung Quốc mới ký một số thỏa thuận trong chuyến thăm Trung Quốc mới đây của Tổng thống Nga V.Putin.
Tờ “Bình luận quân sự” Nga ngày 03/6 đã cho đăng bài “Hiệp ước ngày 14 tháng 2 năm 1950” của tác giả Mat Terez. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Lời dẫn của bài báo: “Ngày 14 tháng 2 năm 1950, tại Matxcova, Liên Xô và Trung Quốc đã ký Hiệp ước về hữu nghị, đồng minh và giúp đỡ lần nhau giữa Liên Xô và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa với thời hạn 30 năm.
Lễ ký Hiệp ước |
Đã 60 năm trôi qua kể từ thời điểm ấy. Bây giờ còn rất ít người Nga và người Trung Quốc còn nhớ đến Hiệp ước này. Theo quan điểm của tôi, như vậy là rất không công bằng. Chính Hiệp ước này đã tạo rất nhiều điều kiện cho Trung Quốc phát triển kinh tế và biến nước này thành một nước công nghiệp vĩ đại.
Cùng với Hiệp ước, một số thỏa thuận song phương cũng đã được hai bên ký kết. Liên Xô cam kết là ngay sau khi nước này ký Hiệp ước hòa bình với Nhật Bản, nhưng không muộn hơn cuối năm 1952, sẽ chuyển giao toàn bộ quyền điều hành tuyến đường sắt Trung Quốc – Chanchung, hay còn gọi là tuyến đường sắt Đông Trung Quốc – từ năm 1953 – gọi là tuyến đường sắt Harbin (Cáp Nhĩ Tân) - chạy qua lãnh thổ Mãn Châu Lý nối Chita với cảng Artur (Lữ Thuận Khẩu) cùng toàn bộ tài sản kèm theo mà không kèm theo bất cứ điều kiện gì và cam kết này đã được thực hiện trước 31/12/1952.
Liên Xô cũng cam kết rút toàn bộ quân khỏi căn cứ hải quân Port- Artur ( đã thực hiện tháng 5 năm 1955) và chuyển giao toàn bộ cơ sở vật chất cùng tài sản cho Trung Quốc tại cảng Dalnhii.
Liên Xô cũng cung cấp cho Trung Quốc khoản tín dụng ưu đãi 300 triệu đôla để vận chuyển trang thiết bị công nghiệp và các vật liệu khác và giúp Trung Quốc xây dựng 50 cơ sở công nghiệp lớn .
Thời hoàng kim của “tình hữu nghị vĩ đại” |
Các trường đại học kỹ thuật Xô Viết tiếp nhận rất nhiều sinh viên Trung Quốc. Cũng đã xảy ra một vụ tai nạn bí ẩn với chiếc máy bay chở các đại biểu của khu vực Tân Cương – Duy Ngô Nhĩ bay sang Liên Xô đàm phán để Liên Xô công nhận độc lập của khu vực này và thiết lập các mối quan hệ ngoại giao (Tân Cương- Duy Ngô Nhĩ bây giờ là một khu tự trị của Trung Quốc).
Nhưng chỉ đến năm 1957, quan hệ Xô- Trung bắt đầu lạnh nhạt. Từ mùa hè năm 1960, trên toàn bộ tuyến biên giới Xô- Trung dài 7.250 km bắt đầu xảy ra các vụ đụng độ mang tính khiêu khích từ phía Trung Quốc.
Vào giữa những năm 60, Liên Xô đã chính thức được (Trung Quốc ) “trao quy chế” là kẻ thù của Trung Quốc. Trong các chiến dịch tuyên truyền (ở Trung Quốc ) xuất hiện thuật ngữ mới : “mối đe dọa từ Phương Bắc”. Đỉnh điểm của sự đối đầu Xô- Trung là cuộc xung đột vũ trang kéo dài hai tuần năm 1969 trên sông Ussuri để giành đảo Damanski.
Những bức ảnh không cần lời chú thích |
Tiếp theo đó cho đến năm 1974, giới cầm quyền Trung Quốc tuyên bố đối đầu đồng thời với cả Mỹ và Liên Xô. Điều này đã được thể hiện rõ trong “thuyết ba thế giới” do Đặng Tiểu Bình công bố tại Liên Hợp Quốc.
Theo “thuyết” này thì tất cả các nước trên thế giới được chia làm ba nhóm: 1/ hai siêu cường (Mỹ và Liên Xô); 2/ các nước phát triển vừa và nhỏ; 3/ “thế giới thứ ba” của các nước đang phát triển và Trung Quốc là nước lãnh đạo nhóm này “trong cuộc đấu tranh vì chiến thắng của lý tưởng giải phóng dân tộc và phát triển”.
“Tình hữu nghị thế kỷ ” giữa hai dân tộc mà các bài hát và phim ảnh hết lời ca ngợi này chỉ thọ được không quá 10 năm. Và kết thúc bằng cuộc đối đầu vũ trang. Liên Xô buộc phải căng mình ở cả hai mặt trận – đối đầu với NATO tại Châu Âu và với Trung Quốc tại Viễn Đông và thực tế này đã ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế của Liên Xô.
Nếu xem xét một cách ngắn gọn quan điểm của phía Trung Quốc về Hiệp ước trên, có thể dẫn ra 3 điểm quan trọng trong lập trường của giới nghiên cứu Trung Quốc. Thứ nhất là (hiệp ước) này không bình đẳng.
Thứ hai, các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng Hiệp ước đã ép Trung Quốc phải sao chép mô hình phát triển của Liên Xô- một mô hình không phù hợp với Trung Quốc, và điều đó sau này đã ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế- xã hội của Trung Quốc.
Cuối cùng, giới phân tích Trung Quốc đặc biệt nhấn mạnh luận điểm thứ ba này - Trung Quốc đã phải trả một giá đắt nào đấy khi ký hiệp ước này.
Nói một cách ngắn gọn, nếu có ai đó trông chờ vào “sự biết ơn” (của Trung Quốc) thì đã rất nhầm. Cũng nói thêm là trong chính trị không có khái niệm như vậy.
Hiệp ước này đã đem lại một lợi ích ngắn hạn nào đấy (cho Liên Xô), nhưng trong dài hạn Liên Xô đã tự mình nuôi dưỡng một đối thủ - một đối thủ cực kỳ nguy hiểm. Trong khi đó Trung Quốc và Mao Trạch Đông đã giành được một chiến thắng cả về chính trị lẫn kinh tế.
Người ta nói rằng giữa Trung Quốc và Mỹ có những mâu thuẫn không thể giải quyết được. Nhưng xin hãy nhớ lại lịch sử: Trung Quốc tham chiến ở Triều Tiên, binh lính Trung Quốc đã giết hàng chục nghìn binh sỹ Mỹ.
Mao Trạch Đông công khai kêu gọi một cuộc chiến tranh hạt nhân với Mỹ. Trung Quốc tiến hành các hành động quân sự chống Đài Loan v.v , nhưng đột nhiên- tất cả mọi việc đều thay đổi 180 độ như thế này đây:
Mao Trạch Đông bắt tay R.Nixon và Z. Bzezinski |
Sự kiện này là một bất ngờ hoàn toàn đối với các đồng minh của Mỹ. Chiếc ghế trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc được trao cho Trung Quốc lục địa, Mỹ công nhận Đài Loan là một phần của Trung Quốc và rút quân khỏi lãnh thổ hòn đảo này. Mỹ cũng đưa ra bảo đảm là Quân đội Nhật sẽ không có mặt tại Đài Loan.
Mỹ và Nhật Bản đầu tư rất nhiều vào kinh tế Trung Quốc. Nếu không có sự giúp đỡ đó thì triển vọng tồn tại của Trung Quốc đã rất mù mịt. Thế nhưng chỉ vài năm sau đó, Trung Quốc “đã bày tỏ sự biết ơn” với Nhật Bản như thế nào, mọi người đã rõ.
Tôi không muốn nói rằng những thỏa thuận mới ký gần đây với Trung Quốc là một sai lầm. Nhưng Trung Quốc đối với chúng ta không phải là bạn, không phải là đồng minh, không phải là đối tác.
Trung Quốc chỉ là một người bạn đường nhất thời với các mục tiêu rất không rõ ràng của mình. Không thể dự báo được sự phát triển tiếp theo của tình hình ( trong mối quan hệ với Trung Quốc như đã từng xảy ra trong lịch sử).
Tác giả: Nhà báo Mat Terez
Lê Hùng (lược dịch)/ĐVO
----------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét