Những “điểm nhấn” văn hóa trong mùa Phật đản 2013
Dưới đây, Giác Ngộ tổng hợp những hoạt động nổi bật trong mùa Phật đản năm nay…
Thắp sáng sen hồng
“Bảy đóa sen hồng được thắp sáng” tại dòng sông Hương, nơi Phật giáo Huế khởi lên ý tưởng nhân mùa Phật đản cách đây năm năm đã trở thành “nguồn cảm hứng” cho rất nhiều địa phương khác.
Bảy đóa sen lần đầu thắp sáng tại TP.HCM - Ảnh: Nguyên Hải
Từ bảy đóa sen trên sông Hương nở vào
mùa Đản sinh kỷ niệm sự kiện Phật đản đồng thời thu hút du lịch, thưởng lãm ánh
sáng dọc bờ sông Hương mà Phật giáo Huế tiên phong đến bảy đóa sen hồng trên
dòng kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè (TP.HCM) do BTS GHPGVN Q.Phú Nhuận và Quan Âm tu
viện tổ chức lần đầu tiên trong mùa Phật đản 2013 chính là một sự tiếp nối như
thế.ĐĐ.Thích Không Nhiên, Phó Trưởng ban Văn hóa GHPGVN tỉnh Thừa Thiên - Huế và kỹ sư Nguyễn Đình Khanh cùng các cộng sự từ TP.Huế được SC.TN Huệ Đức (Phó Trưởng ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM, trụ trì Quan Âm tu viện) mời vào TP.HCM khảo sát và thực hiện bảy đóa sen hồng trên kênh Nhiêu Lộc để kính mừng Phật đản là sự “chuyển giao công nghệ”, học tập những mô hình ý nghĩa, có sức lan tỏa cần thiết giữa các địa phương.
Nguyên mẫu bảy đóa sen hồng trên sông Hương nơi dòng kênh Nhiêu Lộc phục vụ nhu cầu thưởng lãm của không chỉ Phật tử mà người dân thành phố, qua đó, như SC.Huệ Đức chia sẻ rằng, hoạt động này còn góp phần kêu gọi mọi người sống xanh, bảo vệ môi trường, cho dòng kênh được hồi sinh một cách toàn diện. Đó cũng là ý niệm từ bi, ý niệm của người con Phật, học Phật nhằm phổ độ chúng sinh, đem những giá trị thiện lành tuyên lưu tới mọi người không phân biệt.
Ngoài ra, một số chùa có điều kiện thuận lợi như gần vị trí sông ngòi cũng tổ chức thiết kế bảy hoa sen để thắp sáng trong mùa Phật đản, trong ý nguyện cầu cho quốc thái dân an, thế giới hòa bình như chùa Bửu Thọ (xã Mong Thọ, H.Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) của HT.Thích Thiện Bảo, thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác ở xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang)… Thiết nghĩ, hoạt động này cần được các chùa mạnh dạn học hỏi, áp dụng nơi bổn tự của mình để làm cho mùa Phật đản trở thành mùa vui, mùa hoan hỷ, mùa tưởng nhớ Phật của người con Phật khắp nơi…
Mùa diễu hành xe đạp
Không năm nào hoạt động Phật sự hưởng ứng Phật đản lại được người trẻ chung tay thiết thực như năm nay. Điều đó chính là nhờ sự tổ chức, cổ súy của những vị thầy trẻ, sự hoan hỷ của chư tôn đức lãnh đạo trước hoạt động phù hợp như khởi xướng đạp xe mừng Phật đản. Hoạt động này trong mùa Phật đản năm nay bắt đầu từ tỉnh Bắc Giang nơi H.Việt Yên, vào ngày 5-4-Quý Tỵ (nhằm ngày 14-5-2013), những vòng xe đạp đầu tiên mang cờ Phật giáo, cờ nước, tượng Phật diễu hành mừng Khánh đản.
Diễu hành xe đạp mừng Phật đản - Ảnh: Diệu Tường
Sau đó, thanh niên Phật tử chùa Thiện
Mỹ, chùa Giác Tâm (Q.5), Phước Hải, Trấn Quốc (Q.10, TP.HCM) và CLB Nhân Sinh,
Phật tử H.Hớn Quản (Bình Phước) cũng thực hiện hành trình của mình.
Kế đó là hơn 250 thanh niên Phật tử Khánh Hòa tham gia đoàn diễu hành xe đạp
hoa vì môi trường Kính mừng Phật đản và Tưởng niệm 50 năm Bồ-tát Quảng Đức vị
pháp thiêu thân bắt đầu từ chùa Long Sơn, rồi đến Phật tử thủ đô diễn ra liên
tục từ mùng 8 tới 15-4-Quý Tỵ… Tạm kể tên một số nơi như thế, cho thấy đây là hoạt động đang được phát triển và trở thành hoạt động hai trong một, vừa mừng Phật đản, vừa kêu gọi bảo vệ môi trường, sống xanh, phù hợp với tinh thần Phật dạy, thiết thực cúng dường Như Lai mà Phật tử khắp nơi đã làm trong mùa hoan hỷ này.
Những triển lãm tầm vóc
Có thể kể đến những triển lãm tại TP.HCM, Khánh Hòa, Huế, Hà Nội với những chủ đề như: Mỹ thuật Phật giáo, Di sản văn hóa mỹ thuật Phật giáo, Lửa từ bi, Đường về đất Phật... Điểm chung của những triển lãm này chính là những di sản văn hóa mỹ thuật, nhiếp ảnh, những hình ảnh lịch sử của Phật giáo nhằm giới thiệu đến người xem, thưởng lãm những hình ảnh, tôn tượng Phật của nhiều thế kỷ trước, giúp khách tham quan, Phật tử thấy được sức sống của Phật giáo nơi lòng dân tộc, và sự ảnh hưởng của Phật giáo tới đời sống nhân dân ta từ cổ chí kim.
Triển lãm mỹ thuật Phật giáo tại chùa Phổ Quang - Ảnh: Thích Ngộ Dũng
Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Bồ-tát
Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân (1963-2013), các triển lãm đều đan xen hoặc
tập trung giới thiệu những hình ảnh tư liệu quý về Bồ-tát, có nhiều hình ảnh
mới, lần đầu tiên được giới thiệu cũng là điểm nhấn văn hóa của hoạt động triển
lãm Phật đản kỳ này.Đặc biệt, tại triển lãm di sản văn hóa mỹ thuật Phật giáo (diễn ra trong suốt Tuần văn hóa Phật đản tại chùa Phật Học Xá Lợi, Q.3, TP.HCM) đã có bốn buổi nói chuyện với những đề tài thu hút thính chúng quan tâm do GS.Cao Huy Thuần, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, TT.Thích Nhật Từ và TT.Thích Lệ Trang đảm trách. Theo đó, các đề tài đã được chia sẻ gồm: Tinh thần bất bạo động của Phật giáo, Di sản Phật giáo VN, Đại nguyện cúng dường của Bồ-tát Thích Quảng Đức và Nghi lễ Phật giáo. Ghi nhận của PV Giác Ngộ, mỗi buổi chia sẻ đều có hàng trăm Phật tử tham dự, lắng nghe và đều bày tỏ niềm hoan hỷ với những hoạt động văn hóa do Ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM tổ chức trong mùa Phật đản năm nay.
Đánh giá về các hoạt động Phật đản đa sắc màu, phong phú của Phật giáo TP.HCM nói riêng và của cả nước nói chung, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Trưởng ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM cho rằng có nhiều điểm nhấn đáng mừng, và cần phải phát huy hơn nữa trong những mùa Phật đản tiếp theo…
Thiết kế vườn Lâm-tỳ-ni tại tư gia
Những năm trước, lập vườn Lâm-tỳ-ni tại tư gia là một việc làm của số ít người thì mùa Phật đản PL.2557 này Giác Ngộ ghi nhận được rất nhiều Phật tử đã chủ động lập tại nhà để chiêm ngưỡng và đón mừng Đản sinh.
Thêm vào đó, như ở Đoàn Thanh niên Phật tử Thiện Sinh và nhóm Phật tử trẻ chùa Khải Đoan (Đắk Lắk) phát tâm thiết kế và lắp đặt tận nơi lễ đài Phật đản nhằm đáp ứng nhu cầu của các hộ gia đình Phật tử. Điều đó khuyến khích cho các Phật tử chưa có kinh nghiệm hoặc muốn làm nhưng chưa có điều kiện có thể thực hiện thông qua các bạn trẻ tình nguyện.
Tình nguyện thế kế vườn Lâm-tỳ-ni cho tư gia Phật tử - Ảnh: Triều Nguyên
Cuộc thi
thiết kế vườn Lâm-tỳ-ni và tôn trí lễ đài Phật đản do Hãng phim Phật giáo Sen
Việt (TP.HCM) và Quan Âm tu viện (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) tổ chức đều nhằm mục
đích khuyến khích Phật tử tự thiết kế, tôn trí vườn Lâm-tỳ-ni cũng như lễ đài
Phật đản tại tư gia. Ít nhiều, hai cuộc thi này cũng đã góp phần làm cho việc
thiết kế vườn Lâm-tỳ-ni trong mùa Đản sinh trở thành một hoạt động phổ biến. Bên cạnh đó, có những gia đình nhiều năm tiên phong làm công việc này như gia đình anh Võ Đăng Dũng ở Trần Văn Đang, Q.3, TP.HCM cũng là hình ảnh đẹp được ghi nhận và nhận được chia sẻ của bạn đọc khắp nơi... Với ý nghĩa đó, có một niềm tin là ở những mùa Phật đản sau, hoạt động này sẽ trở thành hoạt động được Phật tử khắp nơi hưởng ứng, cũng như các chùa sẽ phát động Phật tử chùa mình thực hiện như một nét văn hóa không thể thiếu trong mỗi mùa Phật đản sinh!
Nhóm PV Văn hóa
Sắc
màu văn nghệ Phật đản
Mở đầu cho
chương trình văn nghệ trong Tuần lễ Kính mừng Đại lễ Phật đản PL.2557 và Kỷ niệm 50 năm Bồ-tát
Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân là đêm nhạc “Trái tim bất diệt” do Ban Văn
hóa GHPGVN TP.HCM tổ chức tại sân khấu Lan Anh (Q.10) vào tối 17-5.
Văn nghệ "Trái tim bất diệt" tại sân khấu Lan Anh - Ảnh: Vũ Giang
Chương
trình có nhiều tiết mục chuẩn bị công phu và chu đáo với sự tham gia của các ca
sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng như: Đức Tuấn, Phương Thanh, Hiền Thục, Nguyên Vũ, Bằng
Cường, Mai Quốc Huy, Quách Thành Danh, Quang Hà, Lý Hải, Hồ Quang Hiếu, NSƯT
Nhất Sinh… Nhiều ca khúc hướng tới lý tưởng cao đẹp của Đức Phật đã được
trình bày như Tỏa sáng hoa đàm, Đức Phật từ bi, Dưới đài sen, Ngàn năm
sen nở, Ca ngợi Đấng Thế Tôn, Em mừng Đản sanh, Mừng Phật ra đời…Liên tiếp sau đó là các chương trình ca nhạc và sân khấu ở các quận huyện như quận Tân Bình vào tối 19-5 tại chùa Giác Lâm đã thu hút rất đông Phật tử tham dự. Hay như chương trình sân khấu với vở cải lương “Sự tích Phật Thích Ca” do đoàn cải lương Thanh Nga trình diễn tổ chức tại chùa Phổ Quang vào tối 20-5, đã tái hiện lại cuộc đời Đức Phật từ lúc Đản sanh đến Thành đạo. Nhiều Phật tử khi xem xong vở cải lương đã có những lời khen ngợi “vở cải lương rất hay giúp cho tôi nhớ lại được cuộc đời Đức Phật với những bài học về giáo pháp rất ý nghĩa”. BTS GHPGVN các quận huyện như quận 5, tổ chức văn nghệ tại chùa Vạn Phật vào tối 17-5, Q.Tân Phú tổ chức tại chùa Thiên Chánh vào tối 19-5, tối 23-5 tại chùa Pháp Bảo, Q.Gò Vấp… Ở các huyện xa như H.Củ Chi, văn nghệ cũng được tổ chức rất công phu tại chùa Liên Trì vào tối 23-5, Q.Thủ Đức vào tối 24-5 tại chùa Bửu Hương. Đặc biệt, tại Q.3 có đến 3 điểm tổ chức văn nghệ mừng Đại lễ Phật đản: tại chùa Vĩnh Nghiêm, Minh Đạo vào tối 21-5, tại chùa Xá Lợi vào tối 23-5. Các chương trình văn nghệ được các Phật tử chuẩn bị và trình diễn bằng cả tâm thành của người con Phật dâng lên Đức Từ phụ, nên dù có nhiều tiết mục do các Phật tử không chuyên biểu diễn, hoặc các tiết mục do các anh chị em GĐPT biểu diễn chỉ là “cây nhà lá chùa” nhưng được quý khán giả ủng hộ và có nhiều lời khen ngợi như tiết mục hoạt cảnh “Phật đản sanh” do các anh chị em GĐPT Xá Lợi, GĐPT Giác Hạnh biểu diễn. Năm nay các nghệ sĩ tham gia rất nhiều vào chương trình văn nghệ mừng Đại lễ Phật đản tại các quận huyện, tham gia với tâm rất hoan hỷ để cúng dường lên Đức Từ phụ. Các tiết mục đều rất phù hợp với nội dung chương trình. Mỗi một chương trình mang tới cho người xem những cung bậc, cảm xúc khác nhau nhưng tất cả đều hướng về lòng tôn kính, biết ơn đối với Đức Từ Phụ và những đạo lý Ngài tuyên lưu trong cuộc đời.
Như Danh
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét