Khoảng giữa năm 1988, thời kỳ của những gian khó nhất trong phong trào tự phát phục hoạt tổ chức GĐPTVN tại quốc nội; thời kỳ tự phát khai sinh những đơn vị GĐPTVN nguyên sơ tại hải ngoại; thời kỳ "thiên biến, vạn hóa" của tổ chức GĐPT cả Việt Nam lẫn ngoại quốc... tôi may mắn được gặp anh Hoàng Cang trong một lần lên Saigon giỗ anh Lương Hoàng Chuẩn rồi về ở lại nhà anh Nguyễn Quang Tú.
Cơ duyên là lần ấy anh Tú sai tôi về nhà anh Nguyễn Khắc Từ lấy mấy thứ tài liệu cần thiết anh Từ đã chuẩn bị sẵn dành tặng cho "lớp huấn luyện" Đội Chúng Trưởng của "Liên Đoàn Huynh Trưởng" A Dục - Lộc Uyển Huyện Xuyên Mộc (trước thuộc tỉnh Đồng Nai, nay là Bà Rịa Vũng Tàu) trong kế sách đào tạo nhân sự cấp tốc cho các đơn vị mới thành lập nhưng gồm toàn Huynh Trưởng, Đoàn Sinh củ.
Đến nhà anh Từ, chị Xuân Hòa cho biết anh Từ đang tiếp khách trong một quán cóc kiêm tạp hóa bé tẹo gần nhà. Nôn nóng trở về, tôi không thể chờ anh Từ mà ra thẳng quán nước ấy định hối anh về lấy tài liệu và vì thế gặp luôn người khách của anh. Người "khách" ấy là anh Hoàng Cang. Nghe anh Từ giới thiệu, anh tiếp chuyện với tôi khá niềm nỡ, thoải mái và không chút kiêng dè như hầu hết chúng ta thời đó khi mới gặp lại một người, dù là anh chị em áo lam mình. Quanh quẩn cũng chỉ là những khó khăn của anh chị em "dưới mình" ra sao trong sinh hoạt (chủ yếu là đối ngoại)? Đời sống kinh tế anh chị em? Địa phương có bao nhiêu Huynh Trưởng? Bao nhiêu đơn vị? Mô hình sinh hoạt? Tinh thần trung kiên? v.v...
Trong lúc trình bày khá kiệm lời với anh, tôi có đề cập đến vấn đề thiếu thốn tài liệu của hạ tầng, nhất là Xuyên Mộc đang "canh me" để mở liên tục các "lớp huấn luyện", thi vượt bậc, bất cứ khi nào "chớp được thời cơ" thuận lợi (Điều này thật ra đến về sau, khi nhận được món quà đặc biệt của anh tôi mới nhớ là có nói ra lúc ấy). Vậy rồi thôi, anh Từ chỉ cho tôi chỗ về nhà lấy mấy tập tài liệu đánh máy củ anh chuẩn bị sẵn để về, còn anh thì vẫn ngồi đó thảo luận thêm gì đó với anh Cang.
Vậy mà thật bất ngờ! Trong một chuyến về đặc biệt sinh hoạt "Huynh Trưởng Ngành Nữ tại gia", lúc buổi nói chuyện đến hồi giải lao, Anh Từ nhắc: Liên Minh không đưa quà anh Cang cho thằng M để quên! Chị Liên Minh đáp: Dạ quên sao được anh! Rồi nhìn nhanh ra cửa trước khi dúi vào tay tôi một phong bì bằng bìa cứng. Không kịp xem kỷ trong đó có gì, tôi lẹ làng cất nhanh vào phòng riêng của vợ chồng chủ nhà là anh chị Ba Đức. Chị Xuân Hòa cười cười: Mấy lần có người lên, nhắc "ổng" gởi về cho M mà nhất định không chịu gởi đó! Cứ nói "cẩn tắc vô ưu", nếu 3 anh em tui (ý nói anh Từ hoặc anh Tú và anh Nguyễn Để) không về thì chỉ lúc nào Xuân Hòa, chị Hương (chỉ chị Xuân Hương) hay Liên Minh có về rồi đem về không muộn. Lý do anh Từ thận trọng vậy là vì lúc bấy giờ bất cứ văn tự, giấy má gì của GĐPT - có khi chỉ là ảnh tượng Phật, Bồ Tát - cũng có thể là một thứ "tài liệu nguy hiểm" có thể bị gây phiền phức, tai hại khôn lường cho tổ chức!
Mãi đến khi về đến nhà tôi để các anh chị "Hội Đồng Huynh Trưởng Cao Niên" họp cùng Ban Thường Trực Liên Đoàn Huynh Trưởng xong rồi, tôi mới đem món quà ra trình làng cho anh chị em biết. Hóa ra đó là 28 bản nhạc - nghi thức, sinh hoạt và trình diễn - GĐPT thông dụng nhất mà anh Hoàng Cang kỳ công ngồi viết tay, có cả ký âm, bằng "viết máy" (loại bút bơm mực) trên mặt sau những tờ lịch block đã dùng rồi xé đi được anh để dành lại, bởi thời ấy ngoài chuyện anh chị em rất thiếu thốn tiền bạc mà hàng hóa cũng khan hiếm, còn có lý do nửa là để "ngụy trang"! Bản nhạc nào ngắn thì chiếm trọn một tờ lịch; bản dài hơn được anh viết trên 2 tờ với tờ sau được cẩn thận ghi lại tiêu đề và chữ "tiếp theo"; bản ngắn hơn nửa anh tận dụng 1 tờ lịch ghi 2 bản nhạc... Tất cả 28 bản nhạc được anh cho vào một phong bì do anh tỉ mẩn cắt từ giấy của "tút" thuốc (cây thuốc gồm 10 gói) Jet, rồi đục lổ, khâu kết lại bằng dây len. Bên trong nắp phong bì anh còn cẩn thận ghi danh mục 28 bản nhạc từ Sen Trắng đến Dây Thân Ái, ngoài nắp mới nắn nót mấy dòng: Tặng GĐPT Xuyên Mộc - 28 bài hát - 18.12.89.
Nhìn món quà quá ư kỳ công nên trở thành quý giá, chúng tôi không ai cầm được nước mắt tuy lúc bấy giờ tôi chưa biết đó là chữ anh viết, khuông nhạc anh kẻ, note nhạc anh điền hay anh nhờ con, cháu viết. Có điều rõ ràng là 28 bản nhạc và nhất là cái phong bì đặc biệt gói trọn 28 bản nhạc đó đã dung chứa tình cảm dạt dào anh dành cho GĐPT Xuyên Mộc (hay cho cả GĐPTVN?). Anh Từ cho biết chính anh Cang đã mày mò làm tất cả rồi sai người nhà đem xuống nhà anh nhờ chuyển về Xuyên Mộc. Từ đó tôi xem "văn kiện" (được đánh số văn thư đến 104/ĐDXM ngày 10.2.1990 và ký hiệu thư mục tu thư D.33/24) như một thứ tài sản đặc biệt của chúng tôi.
Giờ đây anh đã đi xa, tiếp theo anh Như Thông, tác giả Từ Đàm Quê Hương Tôi, quý anh đi vào những ngày Đại Lễ Phật Đản và kỷ niệm 50 năm Pháp Nạn Phật Giáo Việt Nam nên thâm tâm tôi cứ thương tang lễ quý anh sẽ thiếu vắng nhiều thầy cô, nhiều anh chị em đang phải tất bật, đa đoan với Phật sự chung; và những lời dành cho quý anh, viết về quý anh cũng vì vậy mà trễ nải... nhưng tôi tin chắc rằng quý anh chẳng chút trách phiền. Rõ ràng khi sống vì GĐPT, khi mất các anh cũng lại tiếp tục hy sinh tình cảm, quyền lợi mình vì GĐPT.
Mượn hoa hiến Phật, em xin lấy chính những tác phẩm của anh do anh viết lại, dâng lên anh thay nén hương lòng. Mai đây, anh cho em chia sẻ trọn vẹn món quà của anh mà là tài sản của chúng em cho anh chị em Lam Viên thân yêu anh nhé!
Mặt trong của nắp phong bì được cẩn thận ghi "list nhạc"
Mặt ngoài phong bì với lời đề tặng.
QUANG MAI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét