Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012

Vụ Tiến sĩ văng tục trên bục giảng:

GS Nguyễn Minh Thuyết: Ngồi vỉa hè, nhà giáo cũng không nên chửi thề

Thứ ba 13/03/2012 06:00
(GDVN) - GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, rằng cư xử, nói năng như trong đoạn videoclip là không phù hợp với chuẩn mực văn hóa.
LTS: Xung quanh vụ việc TS Lê Thẩm Dương có những lời lẽ thô tục khi đứng trên bục giảng, PV Báo GDVN đã có bài phỏng vấn GS Nguyễn Minh Thuyết về vấn đề tư cách người thầy.

PV: Thưa Giáo sư, Giáo sư cảm nhận hình ảnh một người thầy trong đoạn clip như vậy thế nào? 

GS Nguyễn Minh Thuyết: Thú thật là hình ảnh rất tệ. Ngay ngồi quán nước vỉa hè, một nhà giáo cũng không nên liên tục chửi thề, nói chuyện bông lớn quá đáng như vậy. Còn khi lên lớp, nhà giáo càng phải cư xử, nói năng một cách mẫu mực, phù hợp với môi trường sư phạm và vị thế của người thầy.

Tôi biết nhiều nhà giáo nhà rất nghèo nhưng lên lớp vẫn chú ý ăn mặc rất tươm tất; nhiều nhà giáo có chuyện buồn nhưng lên lớp vẫn kiềm chế, không để lộ nỗi buồn, tập trung vào bài giảng, để khỏi ảnh hưởng đến học trò.

Mà không chỉ nhà giáo đâu. Trong xã hội, mỗi người một cương vị, khi giao tiếp với công chúng, phải giữ đúng cương vị của mình. 
GS Nguyễn Minh Thuyết: Cũng phải nói rằng cư xử, nói năng như trong đoạn videoclip là không phù hợp với chuẩn mực văn hóa.

PV: Qua việc dùng ngôn từ tục tĩu, có đánh giá được tư cách của người thầy?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Hồi tôi học ở Liên Xô những năm 80, có lần đi trên đường, thấy hai cậu thanh niên đi trước nói chuyện với nhau, cứ nói một câu lại đệm một từ chửi thề. Bỗng thấy một bà cụ từ đằng sau tôi đi vượt lên, tôi cứ nghĩ cụ có việc vội hoặc muốn đi cho khuất để khỏi nghe những lời tục tĩu.

Nhưng không. Đuổi kịp hai cậu thanh niên, cụ mắng cho họ một trận té tát, đại loại: "Các cậu nghĩ rằng các cậu đang nói tiếng Nga đấy à? Các cậu làm xấu tiếng Nga, làm xấu dân Nga. Người ta nghe được sẽ đánh giá chúng ta thế nào?"

Ở các nước văn minh, nói năng tùy tiện, tục tĩu ngoài đường người ta còn khó chấp nhận. Huống chi, TS Dương nói trên lớp, lại còn cho quay video để sinh viên nghiên cứu. 

Tôi không muốn dùng những từ ngữ to tát, vội vàng. Nhưng cũng phải nói rằng cư xử, nói năng như trong đoạn videoclip là không phù hợp với chuẩn mực văn hóa.  Như TS Dương giải thích thì sinh viên trong lớp là sinh viên trường bạn, lần đầu ông tiếp xúc. Liệu ông có ngại là những sinh viên ấy sẽ có ấn tượng không tốt về khoa của mình, trường của mình?   


PV: Phải chăng, việc dùng ngôn từ và cách giảng bài như TS Dương sẽ làm cho SV cảm thấy thoải mái, chủ động phát biểu ý kiến?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Theo dõi cả đoạn videoclip, tôi có thấy sinh viên phát biểu ý kiến gì về quản trị doanh nghiệp đâu? Chỉ có vài lời đáp ngắn xem chừng cũng miễn cưỡng khi thầy hỏi đại ý "thầy với bạn trai thì ai hơn", "thích thầy hay thích bạn trai hơn" v.v...

Nghe sinh viên cười, tôi thấy các bạn ấy có vẻ thoải mái thật. Nhưng thoải mái như vậy để đi đến đâu? Nếu thầy cứ lan man, sa đà chuyện nọ xọ chuyện kia, thậm chí phần lớn là chuyện trai gái linh tinh như vậy thì sinh viên tiếp thu được cái gì?

Được biết người học lớp này là các bạn đang làm doanh nghiệp, học chắc phải trả tiền. Không rõ sau giờ học, khi về nhà nghĩ lại, các bạn ấy có thấy tiếc đồng tiền và thời gian bỏ ra không?  

PV: Vậy, để đứng trên bục giảng, ngoài năng lực, người thầy còn cần đáp ứng được những yêu cầu như thế nào, nhất là ở giảng đường đại học?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Ngoài kiến thức lý luận và thực tiến, giảng viên đại học còn phải thể hiện được phẩm chất của một nhà khoa học say mê, nghiêm túc, một nhà giáo chín chắn, mẫu mực, một nhà tổ chức thành thạo để tổ chức công việc dạy và học đạt mục tiêu giáo dục đã đề ra.    

Xin cảm ơn Giáo sư.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét