Du học sinh tại những nền giáo dục phát triển như Anh, Mỹ chia sẻ, không thấy bộ sách giáo khoa nào do Bộ Giáo Dục viết. Giáo trình học của học sinh bản địa và nước ngoài do giáo viên chọn hoặc theo bộ sách chung của từng quận.
Trần Anh Ngọc Linh (17 tuổi, du học tại Cypress Woods High School, thành phố Houston tiểu bang Texas, Mỹ) cho biết, học sinh trường Linh và 11 trường khác trong cùng một quận sẽ học chương trình giống nhau bởi có chung bài kiểm tra. Những quận khác nhau sẽ có chương trình đào tạo khác. Mỗi bang ở Mỹ có những đầu sách xuất bản riêng, phù hợp với học sinh của bang mình. Ví dụ sách Linh học thường có chú thích là "Texas edition".
"Đây không phải là một bộ sách giáo khoa của một nhà xuất bản như ở Việt Nam mà với từng môn thầy cô sẽ chọn một cuốn sách phù hợp làm sách giảng dạy chính. Đôi khi thầy cô cũng copy kiến thức từ các sách khác cho học sinh tham khảo", Linh nói.
Mai Anh (du học tại Anh từ lớp 11), Cao Hạ Linh (19 tuổi, từng học A-level tại trường Bellerbys Cambridge, Anh) chia sẻ: Học sinh bản xứ học 11 năm GCSE (tương đương tốt nghiệp THCS) rồi sau học A-Level hoặc IB (kéo dài 2-3 năm để lên ĐH) đều học theo kiểu “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa".
Những cuốn sách này được biên soạn bởi nhiều tổ chức, học giả, giáo sư, chưa thấy bộ sách nào do Bộ Giáo Dục Anh viết. Giáo viên sẽ chọn lựa trong đó một cuốn sách phù hợp cho từng môn, của bất cứ nhà xuất bản nào để giảng dạy hoặc tự biên soạn giáo trình. Học sinh có quyền lựa chọn sách để học trong một khuôn khổ nhất định và có trách nhiệm tự thu thập thông tin để góp ý trên lớp, sử dụng khi làm bài thi hay kiểm tra.
Hạ Linh cho biết thêm, sách giáo khoa bên Anh chủ yếu cung cấp lý thuyết nhưng bài thi cần phân tích thực tế nhiều nên khả năng tự suy luận, nghiên cứu tin tức rất quan trọng. Học sinh trung học ở đây thường phải tự xây dựng lập trường và nhu cầu riêng nên việc học theo nhiều sách giáo khoa không gây "loạn đầu". Mặt khác, giáo viên cũng luôn sẵn sàng đưa ra lời khuyên và giúp đỡ học sinh trong việc tìm kiếm thông tin.
Từng học theo chương trình một bộ sách giáo khoa chung cho cả nước ở Việt Nam và chương trình mới ở Anh, Hạ Linh và Mai Anh cho rằng, học theo nhiều bộ sách sẽ tốt hơn. "Việc chỉ học theo một bộ sẽ tạo cho học sinh tính cách lười biếng và thiếu hiệu quả trong học tập. Nếu học sinh có nhiều sự lựa chọn sách, họ sẽ cần cân nhắc xem cái gì là phù hợp với khả năng tiếp thu kiến thức, năng lực của mình nhất. Bằng cách này học sinh sẽ biết mình đang học cái gì, vì sao mình học, môn học đó có đúng với khả năng và sở thích của mình", Hạ Linh phân tích.
Hai du học sinh Anh cho rằng Việt Nam nên để các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa để tận dụng trí tuệ xã hội. Tuy nhiên, Bộ Giáo Dục cần cung cấp một khung chương trình và công bố rộng rãi cho giáo viên, học sinh để thầy và trò biết mình cần dạy - học nội dung nào.
Trái với quan điểm trên, Quang Minh (từng học A-level tại Cấp 3 Chichester, Anh) cho rằng, ở thời điểm hiện tại Việt Nam không nên áp dụng một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa bởi học sinh Việt chưa có thói quen tự học. Việc tìm tòi, tích lũy kiến thức từ nhiều đầu sách do đó sẽ gây khó, "loạn" cho học sinh. Đó là chưa kể việc học sinh Việt Nam đang phải học quá nhiều môn, không được chọn lựa môn yêu thích.
"Sau 11 năm lấy bằng tốt nghiệp trung học, các học sinh Anh hoặc sẽ học nghề, hoặc học tiếp 2-3 năm dự bị đại học. Trong những năm dự bị ấy, họ chỉ học 3-5 môn yêu thích, như thế việc thu thập thông tin từ nhiều sách giáo khoa sẽ không khó. Học sinh Việt Nam phải học 13 môn đến tận lớp 12, nếu mỗi môn có nhiều đầu sách cần học nữa thì vô cùng bất cập", Quang Minh phân tích.
Du học sinh Mỹ, Trần Ngọc Linh đồng quan điểm áp dụng "một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa" vào Việt Nam sẽ gây khó trong cách chấm bài. Bởi Việt Nam thường có những kỳ thi chuẩn thành phố, quốc gia và có barem điểm chung. Linh cho rằng, quan trọng nhất của đổi mới giáo dục Việt Nam hiện nay là cho học sinh quyền tự chọn môn học yêu thích và giảm số môn học.
"Sự thay đổi đó sẽ giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn, tạo nền tảng vững chắc cho ngành nghề, công việc sau nhày. Khi học phổ thông ở Mỹ, chúng em cũng có quyền học những bộ môn, phần kiến thức phù hợp. Ví dụ, một học sinh lớp 10 có thể cùng học lớp lượng giác với anh chị lớp 12, nếu em đó đã sẵn sàng. Một số môn học ở trung học vừa có thể được tính tín chỉ cho việc tốt nghiệp phổ thông và tính luôn vào tín chỉ khi lên đại học, điều đó giảm tải thời gian rất nhiều", Linh cho biết thêm.
Quỳnh Trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét