Thứ Tư, 19 tháng 6, 2013

Doanh nghiệp "giật mình" trong ứng xử với truyền thông

Hoàng Phi
Thứ Ba,  18/6/2013, 22:09 (GMT+7)
Phóng to

Thu nhỏ

Add to Favorites

In bài

Gửi cho bạn bè
Các doanh nghiệp và chuyên gia đang trao đổi về các ứng xử với truyền thông. Ảnh: Hoàng Phi
(TBKTSG Online) - Sự kiện Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai dính cáo buộc phá rừng của tổ chức phi lợi nhuận Global Witness đã khiến nhiều doanh nghiệp "giật mình" trong cách ứng xử với giới truyền thông, kể cả truyền thông quốc tế.
>>> VRG lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Global Witness
>>> HAGL sẽ xây dựng chứng chỉ rừng bền vững
Tổng giám đốc Vissan, ông Văn Đức Mười cho biết, ông sẽ cho rà soát lại các quy trình ứng xử với truyền thông để ứng phó với một điều tương tự có thể xảy đến bất kỳ lúc nào trong tương lai.
Còn theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty bảo hiểm Bảo Long, mỗi khi doanh nghiệp rơi vào một cuộc khủng hoảng truyền thông, điều đầu tiên là những phản ứng phòng thủ.
“Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, cần phải hết sức bình tĩnh, và phải có thái độ cầu thị”, ông Long nói trong cuộc tọa đàm “Truyền thông quốc tế và doanh nghiệp Việt Nam” do Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) tổ chức vào ngày 18-6 tại TPHCM.
Rất nhiều chuyên gia nhìn nhận, mỗi khi gặp khủng hoảng truyền thông, cần phải hiểu vị trí của mình trong cuộc chơi, nếu không, với những phản ứng thái quá, chỉ mang cảm xúc mà thiếu đi các bằng chứng xác thực, thì sẽ bị "gậy ông đập lưng ông".
Theo chuyên gia tài chính Lê Trọng Nhi, các doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng lớn mạnh, và vì càng lớn mạnh nên càng được chú ý nhiều hơn, và mỗi động thái đều có “độ rung lớn hơn”.
Rất nhiều doanh nghiệp đang làm ăn trên thị trường quốc tế, kể cả đầu tư lẫn thương mại, vì thế, nếu ứng xử thiếu chuyên nghiệp, phát ngôn thiếu tính toán, sẽ gây tổn hại đến cho doanh nghiệp do các đối tác, ngân hàng hay khách hàng phản ứng, và “xã hội sẽ ghi sổ những phát ngôn đó”.
Ông Nhi, người từng làm việc ở nhiều tổ chức tài chính quốc tế, cho biết, các doanh nghiệp trên thế giới rất cẩn trọng trong những câu chuyện này, và có ứng xử rất chuyên nghiệp.
Thường thì một khi đối tác hay khách hàng dính sự cố truyền thông, hay các công ty gặp vấn đề về phát ngôn bừa bãi, thì các tổ chức-doanh nghiệp thường phải xem xét lại việc tiếp tục cộng tác với những đối tác hay khách hàng đó”, ông nói.
Theo ông Nhi, không thể dựa theo cảm xúc và những phản ứng tức thời để tổ chức các cuộc họp báo hay phát ngôn, mà cần phải chuẩn bị và được tư vấn kỹ càng, cũng như xem đó là một  “tai nạn” hay là một “mưu đồ”.
Ông Nhi cho rằng, đã đến lúc doanh nghiệp phải dành ra một khoản kinh phí để quản lý các rủi ro về truyền thông nhằm có các ứng xử hợp lý một khi lâm vào khủng hoảng, và phải coi đó là một chi phí quản trị.
Trong lúc các doanh nghiệp trong nước đang khá lung túng thì ở các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia, xử lý khủng hoảng truyền thông là kỹ năng mà giới lãnh đạo và quản lý được trang bị khá tốt.
Chẳng hạn, về mặt phát ngôn, rất nhiều công ty phải được sự cho phép của lãnh đạo cấp vùng, hoặc lớn hơn là lãnh đạo tập đoàn.
Mới đây, một tập đoàn về năng lượng đã mời các chuyên gia xử lý khủng hoảng truyền thông quốc tế đến đào tạo. Trong hai ngày đào tạo này, ngày đầu tiên, các quản lý cấp cao được huấn luyện các kỹ năng ứng xử với các câu hỏi hóc búa của giới phóng viên tại hiện trường, cũng như cách phát biểu và điều hành một cuộc họp báo khi xảy ra sự cố.
Ngày thứ hai, toàn bộ nhân viên của công ty được huấn luyện các kỹ năng ứng xử với khủng hoảng, từ giới truyền thông đến cứu nạn cứu hộ.
Trong khi đó, trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, tổng giám đốc một công ty truyền thông quốc tế cho biết giới doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn chưa coi trọng các kỹ năng này, dẫn đến lắm lúc, chính những ứng xử vụng về khiến cho sự việc trở nên tồi tệ hơn.
Theo chuyên gia này, để xử lý khủng hoảng truyền thông, nếu mươi năm trước doanh nghiệp có nguyên tắc 24 giờ vàng, ba năm nay được rút xuống còn 8 giờ, còn nay chỉ còn ba giờ, nếu không nói là ngắn hơn, trên thời gian thực.
Theo đó, doanh nghiệp cần phải xây dựng một bộ quy định rõ các công cụ “lắng nghe” nhằm phát hiện nhanh nhất những tin đồn ác ý, các bước tiến hành để xử lý một cuộc khủng hoảng, các thông điệp cần phải đưa ra và một ngân hàng dữ liệu các kênh truyền thông cần thiết để chuyển tải thông điệp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét