Bội thực với các cuộc thi... hát!
07:05 | 19/06/2013
(PetroTimes) - Chưa khi nào những chương trình truyền hình thực
tế về tìm kiếm tài năng ca hát lại nở rộ như hiện tại. Trong khi người
người thi hát, nhà nhà thi hát thì sóng truyền hình luôn ở trạng thái
“đè” lên nhau để... phát sóng.
Không phải đến bây giờ các cuộc thi ca hát trên truyền hình mới “được
mùa”. Vài năm trở lại đây, liên tục các cuộc thi hát được mở ra triệt
để: Từ những chương trình mang tính thuần Việt đến các chương trình nhập
ngoại nước ngoài, từ chương trình sản xuất cho thiếu nhi đến cho người
lớn, từ người nổi tiếng đến bình dân... mọi đối tượng đều được đáp ứng.
Với chương trình dành cho thiếu nhi có The Voice Kids, người già, trung tuổi có Tiếng hát mãi xanh, giới trẻ hết Vietnam Idol, Vietnam’s Got Talent đến The Voice... và mới đây nhất còn có Tôi là người chiến thắng. Bởi thế mới nói rằng, khán giả truyền hình đã bị nhấn chìm bởi quá nhiều các cuộc thi tài năng âm nhạc đang lên sóng.
Nếu như trước đây, trên sóng truyền hình chỉ có 1, 2 cuộc thi tìm kiếm
tài năng thuần về âm nhạc, đó là thời của những Sao Mai, Sao Mai Điểm
Hẹn... Hai chương trình thuần Việt về tìm kiếm giọng ca vàng này khá
hiền lành, không đặt nặng vấn đề ăn thua. Các thí sinh tham gia chương
trình đều có những chuyên môn, kỹ thuật về âm nhạc nhất định. Họ không
đi lên bằng những chiêu trò, bằng scandal hay bằng... những tin nhắn
bình chọn từ phía khán giả. Còn người xem khi đó thì phải đợi đến cả 2
năm trời mới được chiêu đãi bữa tiệc âm nhạc như thế.
Thiếu các tài năng âm nhạc thực sự nổi trội, The Voice mùa 2 đang nhạt dần
Thế nhưng, đó là thời đã xa... Những năm trở lại đây, sóng truyền hình
chịu sự xâm lấn của các làn sóng ngoại lai. Nhiều chương trình truyền
hình thực tế, trong đó có các cuộc thi tìm kiếm âm nhạc được mở ra.
Trước sự đổ bộ này, những chương trình thuần Việt bị nép vế. Đầu tiên
phải kể đến là cú lấn sân ngoạn mục của Vietnam Idol, tiếp đến Tìm kiếm tài năng Việt Nam, rồi đến The Voice, The Voice Kids...
Xin chưa nói đến chất lượng nhưng cũng phải thừa nhận độ “chịu chơi”,
chịu chiều khán giả của nhà đài, khi chương trình cũ vừa kết thúc, lại
có một chương trình khác thế chân ngay. Thậm chí, tình trạng “đè sóng”
nhau để thi thố cũng là chuyện hết sức bình thường. Vì thế mà, khán giả
cứ phải xếp lịch theo dõi dài dài.
Hiện tại, có hai chương trình tìm kiếm tài năng ca hát cùng diễn ra một lúc. Khi The Voice mới chỉ phát những tập đầu trên sóng VTV3, thì ngay lập tức trên sóng truyền hình HTV9 chương trình tìm kiếm tài năng ca hát Tôi là người chiến thắng
cũng được lên sóng. Đó là còn chưa kể, liền lúc The Voice và The Voice
Kids cùng nhau tranh tài. Vẫn biết mỗi chương trình có một tiêu chí
riêng, nhưng với việc mở ra quá nhiều cuộc thi về tài năng ca hát như
thế, người ta liên tưởng tới toàn những gánh hát nhiều hơn. Ở đó vẫn những gương mặt trẻ, na ná giống nhau, na ná tiêu chí... vô hình trung ít đi sự chọn lọc.
Hơn nữa, nở rộ những cuộc thi thố thì cũng nở rộ các "tài năng". Chưa
bao giờ, chúng ta lại có đội ngũ nghệ sỹ trẻ hùng hậu đến thế. Liên tục
các quán quân được vinh danh và nghiễm nhiên danh chính ngôn thuận được
bước vào thế giới showbiz. Chỉ tiếc một điều rằng, với những lứa ca sỹ
đạt chất lượng và đã được kiểm chứng bằng những bước đi vững chãi trong
nghề nghiệp như: Anh Thơ, Trọng Tấn, Tân Nhàn, Tùng Dương, Đức Tuấn...
bước ra từ Sao Mai, Sao Mai điểm hẹn, thì những cái tên như Uyên Linh,
Hương Tràm, Yasuy... lại chưa thể nói lên bất cứ điều gì.
Chương trình"Tôi là người chiến thắng" đang được trình chiếu song song với The Voice
Đó là chưa kể đến, có quá nhiều gameshow như thế thì việc “vơ vét” tài
năng cũng là chuyện thường tình. Rất nhiều các giọng ca đã tự cho mình
cái quyền được “nhảy cóc” từ các chương trình game show này sang đến các
cuộc thi kia. Dễ dàng tìm thấy những gương mặt quen của Vietnam Got
Talent trên sân khấu của Giọng hát Việt, hay thí sinh Idol trên sân chơi
của The Voice... Chính vì thiếu tài năng nên dù có thay đổi thế nào thì
việc chỉ quẩn quanh với những gương mặt đã thành quá quen cũng khiến
khán giả phát ngán. Đó là chưa kể đến, những thí sinh đăng quang sau mỗi
cuộc thi tưởng chừng hoành tráng đó nhưng rồi lại được thả cho "bơi" tự
do, ai không biết bơi, thì tự “chìm nghỉm”. Thế nên, tình trạng sau mỗi
cuộc thi, ngôi sao khó “cất cánh” cũng là vì thế.
Thực tế các chương trình đều không thoát ra được tình trạng chỉ thu hút
mùa đầu, còn nhạt dần về cuối. Khi đã nhạt thì BTC chương trình lấp
liếm bằng những chiêu PR tên tuổi cho nghệ sỹ, hay những màn tung hứng
đánh lạc hướng khán giả của những giám khảo... Bằng chứng là sau 5 mùa
thì Vietnam Idol đã giảm độ “hot”, còn Tìm kiếm tài năng Việt Nam và Giọng hát Việt mới chỉ mùa thứ 2 đã hết sức nhạt nhòa.
Thiết nghĩ, thay vì để các chương trình Tìm kiếm tài năng âm nhạc đang
đi vào thoái trào thì những nhà sản xuất nên biết điểm dừng, cái cần vẫn
nằm ở chất lượng chứ không ở số lượng.
Huy An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét