Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013

Đối tượng truy nã thành trung úy CA: Điều đáng buồn của ngành

(Kienthuc.net.vn) - "Để một người có tiền án, tiền sự, có lệnh truy nã lọt vào ngành công an là điều không thể chấp nhận được. Đây là điều rất đáng buồn của ngành công an", TS Dương Mạnh Hùng nói.

Theo Pháp luật TP HCM, Thượng tá Trần Tiến Đạt, Chánh Văn phòng Công an tỉnh Đồng Nai đã xác nhận: Ban giám đốc công an tỉnh này đã tước quân tịch đối với Trung úy Trần Hữu Nam (Công an TP. Biên Hòa), đồng thời giao Công an TP. Biên Hòa khởi tố, bắt tạm giam Nam để điều tra theo quyết định truy nã. Đồng thời, lãnh đạo công an tỉnh cũng đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ kiểm tra, xác minh làm rõ trách nhiệm của Công an huyện Định Quán, đơn vị xét tuyển Nam đi nghĩa vụ.

Trao đổi với Kiến Thức, luât sư, TS Dương Mạnh Hùng, người có nhiều năm công tác trong Bộ Công an, cho rằng, việc để một người có tiền án, tiền sự, có lệnh truy nã lọt vào ngành công an là điều không thể chấp nhận được. Đây là điều rất đáng buồn của ngành công an. Tuy nhiên, việc công an phường Tân Mai, TP Biên Hòa đã phát hiện ra Nam chính là đối tượng bị truy nã nhiều năm trước cho thấy cách làm rất triệt để, nghiêm túc và việc công an Đồng Nai ra lệnh bắt tạm giam Nam thể hiện sự cương quyết của ngành công an.
 Trần Hữu Nam (người đứng ở đầu xe) trong màu áo của lực lượng
cảnh sát 113. Ảnh: Pháp luật TP HCM

“30 năm công tác trong ngành công an, tôi chưa thấy có trường hợp nào tương tự xảy ra. Nếu sự việc đúng như báo chí phản ánh, đây là một sai sót nghiêm trọng của ngành công an tỉnh Đồng Nai trong khâu thẩm định, xét tuyển nhân sự. Đến người dân, ai cũng biết quy trình xét tuyển nhân sự ngành công an rất chặt chẽ, ngay cả xét duyệt hồ sơ đi nghĩa vụ cũng rất khắt khe, cẩn thận. Hơn nữa, những năm 2004 – 2005, công nghệ thông tin cũng đã trợ giúp rất nhiều cho công tác lưu giữ tài liệu, hồ sơ nên việc phát hiện một người từng có tiền án tiền sự  không phải là khó”, ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, việc để lọt một tội phạm vào ngành là lỗi ở khâu thẩm định hồ sơ cán bộ tuyển dụng hay do lãnh đạo, hay do chính Nam dùng thủ đoạn để qua mắt thì cơ quan chức năng cần điều tra, làm rõ. Sau khi có kết luận của cơ quan điều tra, lỗi ở khâu nào, ngoài “nhân vật chính”, những người nào có liên quan cần xử lý theo đúng quy định của pháp luật. 

Ngoài ra, ông Hùng cho rằng, người phát ngôn của công an tỉnh Đồng Nai nên thực hiện đúng chức năng của mình, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác với cơ quan truyền thông. Thái độ im lặng sẽ khiến nhiều người có những suy đoán sai lệch, ảnh hưởng đến uy tín của toàn ngành, đồng thời không thể hiện tính công khai minh bạch. 

Trước đó, ngày 16/4, Công an tỉnh Đồng Nai đã thực hiện lệnh bắt giam đối với trung úy Trần Hữu Nam (công tác ở Công an TP Biên Hòa) vì phát hiện Nam là một đối tượng bị truy nã đã “len lỏi” vào lực lượng công an. 

Cụ thể, vào tháng 1/2013 khi đang công tác tại Công an TP. Biên Hòa, trong một lần mua trái cây tại chợ Tân Mai (KP2, TP. Biên Hòa) giữa Nam và người bán hàng xảy ra mâu thuẫn dẫn đến xô xát. Trong quá trình lập hồ sơ xử lý vụ việc, công an phường Tân Mai sưu tra lý lịch thì phát hiện Nam chính là đối tượng bị Công an TP.Biên Hòa truy nã từ năm 2004 vì hành vi cướp giật.

Vụ việc sau đó được xác minh làm rõ: sau khi gây án và trốn lệnh truy nã, năm 2005 thông qua các mối quan hệ Nam được tuyển vào làm chiến sĩ nghĩa vụ tại Công an huyện Định Quán (tỉnh Đồng Nai). Sau đó, Nam được đi học nghiệp vụ trung cấp cảnh sát. Học xong Nam được biên chế vào ngành và phân công về lực lượng CS 113 và thăng hàm cấp bậc trung úy. Cuối năm 2012 thì được điều động về công tác tại Công an TP. Biên Hòa.
TIN BÀI LIÊN QUAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét